Trần Kinh Nghị - Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ đến Việt Nam ngày 13/10 trong một chuyến thăm chính thức cấp cao nhất kể từ cuộc chiến tranh biên giới 1979. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là chuyến thăm bắt đầu vào ngày cuối quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp-biểu tượng cuối cùng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Sự trùng hợp này có thể gây ra một vài khó khăn trong việc thu xếp nghi thức sao cho phù hợp và tránh gây hiểu nhầm. Nhưng vấn đề đáng nói là thời điểm sự kiện khiến người ta nghĩ đến sự chín mùi để nhìn lại quá quá trình quan hệ Việt-Trung và định hình cho nó trong tương lại. Bài viết ngắn này không có tham vọng trình bày cặn kẻ toàn bộ chủ đề rộng lớn này mà chỉ đề cập một khía cạnh thiết thực: Việt Nam được-mất gì từ quan hệ với nước lớn láng giềng phương Bắc?
Quan hệ bất bình đẳng
Nhiều người coi sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam đã hoàn thành bằng việc đánh đuổi thực dân Pháp và can thiệp Mĩ. Nhưng thực ra đó chỉ là một giai đoạn của toàn bộ quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc vẫn chưa hoàn thành từ thời tiền sử đến nay. Đây là cách hiểu khá phổ biến đối với người Trung Quốc, điển hình là vị Giáo sư-tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh khi ông này hùng hồn tuyên bố trước Hội thảo quốc tế về Biển Đông tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 10/2010: “Cho đến năm 1885, Việt Nam vẫn là thuộc quốc của Trung Quốc”. Và ông ta sử dung luận cứ này để biện minh cho đường ranh giới dứt đoạn hình lưỡi bò bao trọn 80% diện tích Biển Đông với phần phía Tây giống như một hàng rào thô sơ dựng lên bởi một gã địa chủ tham lam trước cửa nhà người láng giềng Việt Nam. Điều trớ trêu là đường lưỡi bò này vừa được Bắc Kinh lôi ra từ sọt rác tư liệu vốn chỉ là một đường chấm phá ngẫu hứng của một viên tướng vô danh thời Tưởng Giới Thạch. Cách hiểu này giải thích tại sao Bắc Kinh đã rất sẵn sàng hậu thuẫn Việt Nam chống Pháp, Nhật, Mĩ và cả Nga. Đó cũng là lý do tại sao Việt Nam sau khi chiến thắng và thống nhất đất nước đã lập tức bị chính người đồng chí hôm qua tấn công từ biên giới Tây Nam lên biên giới phía Bắc, từ Hoàng Sa xuống Trường Sa.
Về phần mình, người Việt Nam tự hào đã đánh bại thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mĩ và coi đó là hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì thế, ngay sau ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Lê Duẩn từng đánh giá (đại ý): Từ nay không kẻ nào dám đánh Việt Nam nữa! Nhưng nhận định đó đã lập tức cho thấy là viễn vông bởi nước Trung Quốc bao la vẫn còn đó và không bao giờ dung túng cho tiểu quốc phiên thuộc này được độc lập tự do. Đó là thông điệp chính mà nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã muốn "dạy" người Viêt Nam. Qua đó thấy rằng, không chỉ thời Vương triều xa xưa mà thời cộng sản Trung Quốc vẫn tồn tại cách hiểu khác nhau về chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ giữa hai nước. Mặc cho Ngô Quyền tuyên bố "Nam quốc sơn hà Nam đế cư...", các triều đại phương Bắc vẫn tìm mọi cách hòng duy trì quy chế phiên thuộc đối với vùng Giao Chỉ. Rõ ràng có sự khác biệt hoàn toàn về khái niệm độc lập và toàn vẹn lãnh thổ giữa hai quốc gia dân tộc chủ nghĩa này. Và điều này khiến rất khó (nếu không nói là không thể) có mối quan hệ thật sự lành mạnh giữa hai nước. Nó không giống quan hệ Mỹ - Mêhicô, cũng không giống quan hệ Mỹ-Cu Ba; đó là một loại quan hệ gượng ép và bất bình đẳng mà trong đó phía Việt Nam luôn phải tỏ ra khiêm nhường theo kiểu "tránh voi chẳng xấu mặt nào" trong khi phía Trung Quốc bao giờ cũng muốn áp đặt và khuất phục bằng sức mạnh. .
Muốn độc lập và phát triển Việt Nam phải giữ khoảng cách trong quan hệ với Trung Quốc
Vẫn biết quan hệ với Trung Quốc là cần thiết. Nhưng đó là mối quan hệ vì mục đích tồn tại hơn là để phát triển Người Việt có câu ngạn ngữ mang tính thực dụng "Bán anh em xa, mua láng giêng gần" đồng thời cũng có một câu bổ bả nhưng thâm thúy "Xa thơm, gần thối". Cả hai câu tạo thành triết lý sống của người Việt không chỉ trên quy mô làng xã mà cả quy mô quốc gia, quốc tế. Nó hiện thân thành thế tiến thoái lưỡng nan trong quan hệ với nước lớn láng giềng phương Bắc trong suốt chiều dài lịch sử. Có lẽ từ nhận thức này các chí sĩ thuộc nhiều thế hệ người Việt vẫn lấn bấn tìm lối thoát, điển hình gần đây là phong trào Đông kinh nghĩa thục, phong trào Duy tân, tư tưởng "thoát Á"...., và ngày nay phương châm "Làm bạn với tất cả". Ngày nay sau khi đuổi Pháp thắng Mĩ người Việt nam chợt nhận ra rằng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ vẫn bị dọa bởi "nước ngoài"- một cách diễn đạt mơ hồ vì những lý do chính trị mặc dù ai cũng biết nó đến từ phương Bắc. Đây thực sự là vấn đề của bản thân người Việt Nam chừng nào vẫn tin rằng thế núi liền núi sông liền sông buộc quan hệ Việt-Trung muôn đời không thể khác. Tuy nhiên, trãi qua "nghìn năm Bắc thuộc" và "trăm năm Pháp thuộc" cho thấy không sự lệ thuộc ngoại bang nào là tốt cả, nhưng cũng cho thấy thực tế hiển nhiên là, trong thời kỳ Pháp thuộc bờ cõi đất nước được củng cố và giữ vững từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, từ Hoàng Sa xuống Trường Sa. Về cơ hội phát triển cũng thấy hiện tượng tương tự, đó là những cơ sở hạ tầng và công-thương nghiệp dù hạn chế do "cách bóc lột bủn xỉn" của người Pháp vẫn tao ra những khác biệt so với láng giêng phương Bắc. Thực tế cũng cho thấy viện trợ của Trung Quốc có thể giúp Việt Nam duy trì chiến tranh nhưng không giúp Việt Nam phát triển. Nền kinh tế Việt Nam chỉ thực sự khởi sắc sau khi bị Trung Quốc cắt viện trợ. Những năm gần đây khi hai nước "bình thường hóa quan hệ" đã lại xuất hiện tình trạng trì trệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và khoa học-kĩ thuật vì Trung Quốc toàn đưa sang các trang thiết bị lạc hậu cùng những thủ đoạn kiềm chế mà người Trung Quốc lúc nào cũng sẵn có. Dự án khai thác bauxit Tây Nguyên và hàng loạt các công trình nhiệt điện hoặc khai thác tài nguyên khoáng sản v.v... là những ví dụ. Sự tràn ngập hàng hóa thứ cấp rẽ tiền và hàng có độc tố xuyên qua biên giới đang thực sự là mối đe dọa đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong cơn sốt vốn đầu tư hiện nay, không loại trừ khả năng một ngày kia khi tĩnh dậy người Việt Nam nhận ra rằng nhà máy, hầm mỏ, ruộng đồng và rừng, biển đang nằm trong tay các ông chủ người Trung Quốc. Chẳng hay các nhà lãnh đạo và doanh nhân của đất nước có nhận ra nguy cơ càng xích gần với Trung Quốc sẽ càng hạn chế cơ hội tiếp cận với thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới?. Về điểm này Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Và nên nhớ rằng ngay cả khi đã được coi là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc vẫn là nước lạc hậu về công nghệ.
Bẫy "chia để trị"
Xin quay lại với chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên với diễn biến tình hình tranh chấp Biển Đông đang có lợi "giấc mơ Trung Hoa" khi nước Mĩ rơi vào thế "bỉ cực" khiến Chính phủ Liên bang phải đóng cửa ngừng hoạt động....do hết tiền tiêu (!), đến nỗi bản thân Tổng thống Obama không thể tham dự những sự kiện quốc tế quan trong là Hội nghị cấp cao APEC và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAC). Ngược lại, Trung Quốc gặt hái được nhiều thành quả kinh tế tài chính và giờ đây có thể tung ra để mua những đối tác đang đói vốn trong khu vực và thực hiện tham vọng bá quyền ấp ủ bấy lâu. Nhờ đó Chủ tịch Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận hợp tác rất lớn với Indonessia, trong đó đáng chú ý là hợp tác đánh cá xuyên Biển Đông, đã kí "đối tác chiến lược" với Malaysia v.v... Cùng với việc Thái Lan, Lào Singapore đã được "tranh thủ" và Campuchia bị khống chế, đến nay chỉ còn Philipin và Việt Nam là hai nạn nhân trực tiếp đang phải chật vật tìm cách đi riêng trong việc đối phó với kẻ thù chung. Có thể nói Bắc Kinh đã cơ bản hiện thực hóa âm mưu "chia để trị" đối với khối ASEAN - điều mà cách đây vài năm tưởng còn xa vời. Và cũng có thể nói, chủ trương "xoay trục" của Mĩ tỏ ra không khác nào "đánh trống bỏ dùi"!
Chính trong bối cảnh đó không khó để đoán biết sứ mệnh của chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc đến Việt Nam sẽ là gì. Nếu nhìn bề ngoài ta tưởng chiến thuật khôn khéo với thái độ khiêm nhường chịu đựng của Việt Nam đang được đáp lại bằng việc giảm bớt cường độ lấn chiếm từ phía Trung Quốc. Nhưng đó chỉ là một cử chỉ hoàn toàn mang tính chiến thuật có chủ định của Bắc Kinh mà thôi. Nói cách khác, Bắc Kinh đang chủ động thực hiện kịch bản mà họ đã dàn dựng và tranh thủ cơ hội để đạt mục tiêu "lợi ích cốt lõi" là độc chiếm Biển Đông. Trong kịch bản đó Việt Nam dù giữa vị thế một vai diễn chính nhưng đang diễn theo kịch bản của đạo diễn.
Hãy cảnh giác
Chuyến đi chưa thực dự diễn ra nên chưa biết Thủ tướng Trung Quốc sẽ mang sang Việt Nam những gì và trong hầu bao có bao nhiêu...nhưng điều chắc chắn ai cũng biết đó là nhằm tiếp tục "nắn dòng" nền chính trị và kinh tế của Việt Nam vào quỹ đạo của Trung Quốc- điều mà Bắc Kinh chưa làm được bằng đường lối cứng rắn, kể cả bằng biện pháp chiến tranh nóng trong thời gian qua. Xem ra đây mới là thời kỳ thử thánh cam go hơn đối với Việt Nam khi mà thế hệ dầy dạn kinh nghiệm đã hoàn toàn ra đi.
Trần Kinh Nghị
No comments:
Post a Comment