Jonathan London - Hồng Kông.Thành phố cảng.Thuộc địa của Anh quốc từ 1842 cho đến 1997 và nay là Đặc Khu Hành Chính thuộc Trung Quốc. Lãnh thổ giàu. Chế độ “độc đoán tự do” và một “mô hình” đáng chú ý cho Việt Nam?
Vì tương đối nhỏ so với Việt Nam, việc so sánh Hồng Kông hay Singapore với Việt Nam rõ rằng có hạn chế của nó. Thế nhưng, nghiên cứu về kinh nghiệm của các nước khác nhiều khi có giá trị nhất định.
Và trong một ngày 01/07, ngày mà cách đây 16 năm TQ đã lấy lại chủ quyền, tôi muốn bàn luận một cách chung về những cái hay cái dở của thành phố dân số 7.1 triệu dân này và cũng là nơi tôi sinh sống.
Lãnh thổ giàu và thoáng mà còn nhiều vấn đề
Hồng Kông là một lãnh thổ giàu và thoáng mà vẫn còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn Hồng Kông đứng thứ 9 về quỹ ngoại tệ (nay là 309 tỷ đô la Mỹ) trong khi khoảng cách giữa giàu và nghèo ở Hông Kông là cực cao (Gini là .53, cao hơn cả New York).
Điều kiện sống của dân chúng quá khổ so với sự giàu có của bộ máy. Lao động Hồng Kông phải làm thuê rất vất vả để được lương quá thấp so với giá cả sinh hoạt cực cao. Chuyện làm 60 giờ một tuần là phổ biến.
Tuy vậy, sau hơn 5 năm sống ở Hồng Kông và trước đó là 3 năm sống tại Singapore tôi rất thoải mái khẳng định rằng Hồng Kông có nhiều yếu tố Việt Nam nên học trên đường cải cách thể chế. Mặt khắc, cũng có những yếu tố nên tránh.
Về thế mạnh, rõ ràng là Hồng Kông, từng là sản phẩm của đế quốc Anh, từ lâu đã chiếm một vị trí đặc biệt trong hệ thống tài chính thương mại của thế giới. Và dù thuộc địa này khá yếu kém về nhiều mặt, nền hành chính hữu hiệu của Hồng Kông là một thế mạnh rất lớn. Là một trung tâm tài chính thương mại từ lâu đời, khối lượng vốn khổng lồ lưu hành ở Hồng Kông mang lại nhiều lợi ích cho đô thị này.
Tôi xin nêu lên ba lĩnh vực đặc biệt quan trọng có liên quan đến Việt Nam. Một là quyền chính trị. Hai là quản lý và điều tiết kinh tế (economic governance). Ba là các dịch vụ công cộng – đặc biệt là nhà ở, giáo dục, và y tế, và bốn là không khí xã hội tại đây.
Chế độ “độc đoán tự do”
Về chính trị, dưới sự thống trị của Anh Quốc, dân Hồng Kông không có nhiều quyền. Mãi cho đến những năm 1960, 70, người gốc Hoa vẫn còn bị phân biệt đối xử, ngoại trừ một số ‘nhân vật được tin cậy’, tức là những nhà tài phiệt và những quan chức có thế lực hành chính vốn đã làm giàu và chia sẻ quyền lực với người Anh.
Cuối những năm 60, số lượng người Trung Quốc vượt biên qua Hồng Kông đã tăng quá nhanh ngay vào lúc đang có những căng thẳng về lao động và chính trị đã gây nhiều bất ổn. Sự kiện này cùng một số yếu tố khác đã buộc chính quyền Hồng Kông phải cải cách về nhiều mặt.
Dù tôi không chuyên về lịch sử của giai đoạn này này, tôi biết lúc đó, trong trách nhiệm giải trình (accountability) của chính quyền đã có một số thay đổi đáng kể. Vấn đề nhân quyền của người dân Hồng Kông cũng đạt được tiến bộ.
Một cải thiện đáng ghi nhận trong thời điểm này là người dân càng ý thức được quyền lợi của họ và càng đòi hỏi chính phủ phải thỏa mãn chúng. Hiện tượng này gia tăng trong thời gian tiến đến năm 1997 khi sự thống trị của Bắc Kinh ngày càng đến gần hơn. Như ta biết cũng có nhiều người Hồng Kông di cư sang các nước khác, đặc biệt Canada, Anh…
Điều quan trọng ở đây là dù chắc chắn Anh quốc chẳng quyết tâm đẩy mạnh dân chủ ở Hông Kông, đến những năm 80 và 90 Hồng Kông đã có nhiều tự do và thực sự đã có một chế độ pháp quyền từ lâu đời. Xin nhắc lại những bạn đọc Việt Nam: chính chế độ pháp quyền và trong xã hội có luật sư hành nghề tự do đã cứu mạng của chính Hồ Chí Minh ngày xưa (và Eric Snowden cách đây chỉ có mấy hôm)!
Như vậy, từ khi Trung Quốc chính thức cai trị Hồng Kông vào năm 1997 đến nay, chưa hề có khả năng là dân Hồng Kông có thể chấp nhận sự thống trị độc đoán độc đảng của chính quyền Hoa lục. Và cái ‘Luật Cơ bản’ (Basic Law) của Hồng Kông, trên thực tế là ‘Hiến pháp mini’ của HK, có nhiều nguyên tắc khác hẳn với hiến pháp Trung Quốc.
Chẳng hạn, bây giờ khi tôi đang viết bài này ở Hồng Kông, tôi có thể khẳng định vô tư là chủ nghĩa Mao là một thất bại lớn của nhân loại và hệ thống chính trị của TQ đến bây giờ hoàn toàn là một trò hề buồn. Dân Hồng Kông có thể thành lập tổ chức hay đảng phái chính trị hoàn toàn độc lập bất kỳ khi nào họ muốn. Chính ĐCSVN đã được thành lập tại Hồng Kông. Nếu Hông Kong năm 1930 như Việt Nam năm 2013 chưa chắc sẽ có ĐCSVN.
Muốn biểu tình thì cũng chẳng có vấn đề. Và ngay hôm nay (1/7) sẽ có một cuộc biểu tình khổng lồ, có thể có tới hàng trăm nghìn người sẽ xuống đường chiều nay đòi dân chủ cho Hồng Kông, vào lúc quan hệ giữa xứ này và Bắc Kinh đang ngày càng trở nên căng thẳng về câu hỏi dân chủ ở Hồng Kông.
Về chế độ chính trị của Hồng Kông, tôi xin nói rõ: nó chẳng phải là một chế độ dân chủ mà thực sự nặng tính trò hề. Một đồng nghiệp của tôi, giáo sư William Case, cho rằng Hồng Kông có một chế độ thuộc loại hiếm, gọi là “độc đoán tự do” (liberal authoritarian regimes).
Lý do chính là quyền lực chính phủ nằm trong tay của cái nhóm gọi là ‘đại biểu chức năng’ được chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông lựa chọn. Họ chiếm 50% số ghế ở ‘Hội đồng Lập pháp’ (Legislative Council).
Cấu trúc đó bảo đảm rằng dân Hồng Kông không có quyền tự chọn lãnh đạo chính phủ của họ mà phải chịu khổ dưới sự thống trị của một liên minh cầm quyền gồm những nhà tài phiệt, những quan chức cao cấp, và những phần tử của ĐCSTQ vốn từng làm giàu cùng nhau.
Hiện nay, giới lãnh đạo của Hồng Kông bị đánh giá thấp về sự thực hiện và trách nhiệm giải trình của họ.
Thế nhưng, Hồng Kông có tự do ngôn luận thật sự, có tự do báo chí, có tự do hội họp, có nhân quyền tương đối tốt, có đa nguyên, đa đảng, có pháp quyền thực sự, và dân Hồng Kông quyết liệt phản đối sự can thiệp của Trung Quốc vào đời sống và công việc của mình.
Xin đề nghị, những cái này Việt Nam rất cần! Đúng chưa?
Quản lý và điều tiết nền kinh tế
Về quản lý và điều tiết nền kinh tế, Hồng Kông luôn luôn được đánh giá cao về việc lập công ty. Thực ra, việc Hồng Kông được những ‘viện’ cánh hữu của Mỹ và Anh Quốc khen chưa chắc là tốt. Họ chỉ thích Hồng Kông vì vì ở đây thuế công ty tương đối thấp. Những người cho rằng Hồng Kông là ‘laissez-faire’ chẳng biết là đất đai của lãnh thổ này vẫn thuộc quyền sở hữu công cộng và chính quyền ở đây liên tục can thiệp để quản lý kinh tế.
Từ năm 1980 đến 2000, nhiều doanh nhân Hồng Kông đã trở nên cực giàu vì sự bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc.
Về nhiều mặt, sự quản lý và điều tiết của kinh tế ở đây khá minh bạch. Đặc biệt là Hồng Kông có ‘Ủy Ban Độc Lập Chống Tham Nhũng’ (ICAC – Independent Commission Against Corruption) vốn đã được thành lập vào 1974 để ngăn chận các phần tử xã hội đen (‘mafia/’triad’) mà từ lâu đã xâm nhập chính quyền và lực lượng cảnh sát.
Danh tiếng của ICAC nói chung là rất tốt dù có một scandal nhỏ gần đây. Một bằng chứng cho thấy nền pháp quyền của Hồng Kông có hiệu quả là chính Giám đốc của ICAC hiện giờ đang bị xét xử vì những trận ăn uống của ông với khách quốc tế! Tôi đã đề nghị nhiều lần là Việt Nam nên có một tổ chức tương đương. Nhưng muốn được vậy thì phải có một nhà nước pháp quyền đã chứ…
Các dịch vụ thiết yếu
Các dịch vụ thiết yếu
Cuối cùng về các dịch vụ cơ bản ở Hồng Kông thì thành quả của chúng là một “túi thập cẩm” (mixed bag) – có cái tốt, có cái chưa tốt.
Từ rất sớm chính quyền thuộc địa đã bỏ qua những vấn đề này và nhờ vào sự giúp đỡ của các tổ chức tôn giáo để lo về y tế, giáo dục một cách tối thiểu. Chính quyền thuộc địa Hồng Kông hoàn toàn bỏ qua vấn để nhà ở đến những năm 60, 70. Hiện nay 50% dân Hông Kông sống trong những chung cư hay được bao cấp “nặng”. Một hậu quả của việc nhà nước thu lợi từ việc buôn đất là họ luôn luôn nâng cao giá cả, và hậu quả là diện tích nhà ở cho mỗi người dân bị thu hẹp thảm hại… và ‘tiền nóng’ vào từ TQ cũng làm xấu thêm vấn đề này…
Hồng Kông có ngành y tế rất tốt, đặc biệt hệ thống bệnh viện công cộng vốn không chỉ để phục vụ cho người ‘bình dân’ mà còn cho cả thành phần có thu nhập cao.
Ngành giáo dục là chuyện khác. Dù có một số trường đại học nói tiếng như ĐH Hồng Kông, ĐH Hoa Hồng Kông và một số ĐH đang lên mạnh như ĐH Khoa Học và Công Nghệ và gần đây nhất là ĐH Thành Thị (CityU), ngành giáo dục của Hồng Kông nói chung là một thất bại, chủ yếu vì Anh Quốc không quan tâm đến vấn đề này, và sau 1997 chính quyền Hồng Kông đã để cho lãnh vực này yếu đi. Một nền giáo dục chất lượng cao tại đây cực kỳ tốn tiền. Và năm ngoái, khi chính quyền ở đây cố gắng áp đặt “chương trình giáo dục quốc gia” dân Hồng Kông thành công tự chối.
Hồng Kông còn có những dịch vụ nhỏ khá hay – có nhiều công viên rất tốt; mỗi cộng đồng đều có một thư viện khá đầy đủ; hệ thống giao thông công cọng gồm xe bus và hệ thống tàu điện ngầm có hiệu quả.
Hồng Kông là mô hình?
Hiện này dân Hồng Kông đang cố gắng xây dựng một xã hội dân chủ thật sự. Và nếu thành công, bất chấp những nỗ lực ngăn cản của Bắc Kinh, thì Hồng Kông có thể trở thành một mô hình hấp dẫn cho cả Việt Nam lẫn Trung Quốc.
Hy vọng trong những năm tới Việt Nam sẽ nghiên cứu thêm về Hồng Kông. Nền tự do ngôn luận làm cho bầu không khí xã hội của Hồng Kông thật thoáng và hay. Chế độ pháp quyền cũng vậy. Và dù trên nguyên tắc dân Hồng Kông phải sống dưới sự anh hưởng của Bắc Kinh, trên thực tế, họ đang sống tự do và họ quyết liệt bảo về quyền lợi của họ.
JL, Hồng Kông
No comments:
Post a Comment