Huỳnh Trọng Hiếu - Dân
gian Việt Nam có câu: “Nói chín thì phải làm mười, nói mười làm chín kẻ
cười người chê”. Quả đúng như lời ông Phạm Công Thiện từng nói: “tất cả
đạo lý triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sẵn trong vài ba
tiếng Việt đơn sơ”. Đúng vậy, bao điều tốt đẹp, bao nhiêu văn hóa tri
thức của nhân loại đều nằm hết trong ngôn ngữ VN chứ chẳng phải tìm đâu
xa.
Câu nói của cổ nhân đơn giản nhưng quả thật rất hay, họ đưa ra hai
mệnh đề. Thứ nhất, ông bà muốn răn dạy thế hệ tương lai, rằng khi nói ra
điều gì phải thực hiện một cách nghiêm túc. Đã không nói thì thôi, một
khi đã nói phải theo đuổi đến cùng, phải kiên định với những gì mình
nói, phải thực hiện cho bằng được và trọn vẹn chứ không được nuốt lời.
Họ coi trọng giá trị của lời nói, và cũng là coi trọng danh dự nhân phẩm
của người nói. Người Hoa có câu: “Nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy”.
Thế mới biết, khi nói một điều gì đó quan trọng đến thế nào!
Trong
mệnh đề thứ hai, người xưa muốn phê phán những kẻ chỉ biết nói mà không
chịu làm gì hết. Lời nói của họ không đi đôi với việc làm, phần nhiều
mang tính phô trương, hình thức, thiếu thực tế và thiện chí. Những loại
người này chỉ biết nói cho qua chuyện, nói để người khác thấy mình là
quan trọng, nói chỉ để chứng tỏ cái tôi của mình hoặc nói để đánh lừa
người khác. Tất cả những kẻ chỉ biết nói mà không dám theo đuổi ý tưởng
của mình, hoặc không đủ tự tin để thực hiện nó một cách trọn vẹn đều
đáng bị mọi người – xã hội khinh bỉ và chê cười. Những loại người này
một khi đã coi thường ý kiến của mình cũng đồng nghĩa với việc họ xem
nhẹ bản thân, coi thường nhân phẩm, giá trị chính họ. Loại người này
luôn tạo ra sự đình đốn trong xã hội. Đối với một cá nhân thì lời nói đã
vô cùng quan trọng, huống chi đối với một tổ chức, một cộng đồng hay
một chính phủ, thì lời phát ngôn có giá trị quan trọng đến mức nào?
Tuần
trước, Bắc Kinh ra lệnh cấm đánh bắt tại một số khu vực trên biển Đông,
thuộc hải phận Hoàng sa và Trường sa của VN, lệnh cấm có hiệu lực kể từ
ngày 16/5/2011 đến đầu tháng 8 với lý do “tái tạo nguồn cá”. Đã ba năm
liên tiếp kể từ ngày Bắc Kinh ra lệnh cấm đánh bắt tại vùng biển này,
lệnh cấm được ban hành đúng vào mùa đánh bắt chính vụ của ngư dân VN.
Chúng
ta không thể quên một thực tế rằng đã có hàng trăm tàu đánh cá Việt Nam
bị Hải quân Trung Quốc bắt bớ, bắn chìm và phạt tiền. Hàng trăm ngư dân
bị hải quân Trung Quốc bắn giết, xỉ nhục, đánh đập, và điều này vẫn
tiếp tục diễn ra, bất chấp sự “phản đối” (cho có lệ) của nhà cầm quyền
VN, và sự phẫn uất của nhân dân VN.
Chính
quyền CS TQ đã ra lệnh cấm đánh bắt cá tại vùng biển thuộc chủ quyền
của VN – đây là vùng biển thuộc quyền sở hữu hợp pháp và mang tính
truyền thống của VN (kể cả tại 2 quần đảo lớn là Hoàng sa và Trường sa).
Ngư dân VN, nhất là những ngư dân hiện đang hành nghề đánh cá tại đảo
Lý Sơn – Quảng Ngãi phải hứng chịu sự tác động và thiệt hại to lớn từ
lệnh cấm đánh bắt cá của TC trong 3 năm qua. Chúng ta đánh bắt cá trên
ngư trường truyền thống của chúng ta, đó là một hành động hợp pháp và
điều này được công pháp quốc tế thừa nhận, TQ không có quyền cấm ngư dân
VN đánh bắt trong hải phận của mình. TQ dùng lực lượng hải quân hùng
hậu để uy hiếp, trấn áp các quốc gia nhược tiểu bất chấp luật pháp quốc
tế và công luận. Như vậy là bất hợp pháp – là hành động ăn cướp và khủng
bố.
Cạnh nhà tôi, có một thanh niên
hành nghề đánh cá. Đó là một chàng trai chất phác hiền lành. Ba anh ấy
mất sớm, một mình phải nuôi mẹ già và em nhỏ. Anh ấy kể lại… năm 2006,
khi Cơ quan khí tượng thủy văn VN dự báo sai về hướng đi của cơn bão
Trân Châu, đẩy tính mệnh và tài sản hàng trăm ngư dân VN vào hố “tử
thần”. Lúc đó, tàu bè của ngư dân VN vội vã tìm đến các quần đảo gần
nhất mà từ trước đến nay vẫn thường neo đậu để tránh bão. Khi hàng chục
con tàu đang đứng trước nguy cơ bị bão lớn nhấn chìm, đang vội vàng tìm
nơi trú ngụ thì cũng là lúc họ bị Hải quân Trung Quốc bắn tới tấp và xua
đuổi. Mặc cho ngư dân VN ra dấu nài nỉ van xin để được vào trú ẩn cho
qua cơn bão, mong bảo tồn tính mạng cùng tài sản, nhưng tất cả đều vô
hiệu. Hải quân TC bất chấp luật nhân đạo quốc tế, ra lệnh cho tàu bè VN
tránh đi nơi khác vì họ gọi đây là “hải phận TQ”. “Người anh em láng
giềng 4 tốt và 16 chữ vàng” (như những nhà lãnh đạo VC vẫn nói) biết
rằng, chỉ cần ra khỏi vùng đảo vài hải lý thì tính mệnh của những người
đi biển coi như xong.
Những ngư dân
của chúng ta bị truy đuổi, buộc lòng phải tìm nơi khác, khi đi ra không
quá vài hải lý, trước sóng to gió lớn, những con tàu bé nhỏ bị bão Trân
Châu vùi dập, nhấn chìm vào lòng đại dương. Con thuyền mà anh hàng xóm
của tôi đang đi bị sóng đánh vỡ tung, cả đoàn ngư dân chết hết, nhưng
thật may mắn, anh còn sống sót và được một tàu đánh cá khác đưa về đất
liền sau mấy ngày lênh đênh trên biển (anh sống sót như một phép màu).
Anh vừa kể lại câu chuyện vừa khóc rống lên như con mãnh thú bị thương.
Hai tay anh nắm chặt đến thâm tím và nói rằng: “Nếu có một ngày quay lại
nơi đó, nếu được cầm súng, dù sẽ bị bắn phanh thây tau cũng tìm mọi
cách giết cho được bọn chúng ”.
Trước
việc ngư dân VN bị hải quân Trung quốc đe dọa, bắn giết, lãnh hải VN bị
TC thôn tính để phục vụ cho lợi ích chiến lược của mình, trước nguồn
lợi từ biển của quốc gia bị ngoại bang đánh cướp trắng trợn trong khi
đời sống ngư dân cùng khổ, bế tắc, danh dự quốc gia dân tộc bị thương
tổn nặng nề, Đảng CSVN đã làm gì?
Trong
3 năm liền Bắc Kinh đưa ra lệnh cấm. Năm nào, phát ngôn viên bộ ngoại
giao VN cũng lên tiếng phản đối hành động của TQ. Hà Nội cho rằng, lệnh
cấm của Trung Quốc là bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền của VN. Mới đây,
chủ tịch hội nghề cá VN, ông Nguyễn Việt Thắng tuyên bố rằng ngư dân VN
sẽ không lo sợ và vẫn tiếp tục việc đánh bắt của mình trên ngư trường
VN. Họ nói thì nghe thật hay, thật hùng hồn nhưng trên thực tế ngư dân
VN sẽ đối phó như thế nào trước sức mạnh vũ lực của hải quân TQ nếu
không được sự hỗ trợ từ chính phủ? Chính quyền Hà Nội nói xong, rồi
chẳng làm gì hết. Không có bất kỳ phương tiện ứng cứu nào hỗ trợ khi ngư
dân ra biển, cũng chẳng có lực lượng tuần duyên, cảnh sát biển nào bảo
vệ, nếu chẳng may gặp phải hải quân TQ biết kêu cứu ai? Ngư dân VN phải
đơn độc đối đầu với một thế lực được trang bị võ lực hùng hậu. Còn Chính
quyền thì chỉ có những tuyên bố “hùng hồn” rồi bỏ mặc ngư dân tự đối
phó với nguy hiểm, và những cuộc bắn giết, phạt tiền bắt bớ vẫn tiếp tục
diễn ra. Cuối cùng người chịu thiệt thòi vẫn là ngư dân VN.
Cũng
là một nước Đông Nam Á, nhưng khi lãnh hải bị ngoại bang xâm phạm, ngay
lập tức Philipin dùng chiến đấu cơ truy bắt khiến tàu TQ phải bỏ chạy.
Rồi sau đó, các phái bộ ngoại giao Phi mới lên tiếng phản đối hành động
phạm pháp của TC trước cộng đồng quốc tế.
Một
“con ác quỷ” khổng lồ như TC không “gặm” nổi một Philipin nhỏ bé không
phải vì Philipin có sức mạnh quân sự hơn hẳn TQ. Một điều dễ hiểu, nếu
Philipin dám đơn độc đối đầu với một quốc gia có trang bị vũ khí hiện
đại như TQ thì chỉ chuốc lấy thiệt thòi về phía mình. Ai cũng biết
Philipin không phải là đối thủ của TC trong các cuộc tranh chấp nhưng
tại sao Phi dám có những hành động quả cảm như vậy? Và tại sao TC không
dám làm gì? Đơn giản, bởi vì những nhà lãnh đạo Phi thực hiện chiến lược
ngoại giao khôn khéo với siêu cường Hoa Kỳ. Để bảo vệ chủ quyền và lợi
ích quốc gia, Philipin thiết lập mối quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ cả về
ngoại giao và quân sự. Hoa Kỳ và Phi là đồng minh thân cận, chính từ
điều này mà TQ có “to gan lớn mật” đến mấy cũng không dám tùy tiện. Hơn
nữa họ còn sử dụng sức mạnh của chính người dân Phi để cùng chính phủ
đấu tranh bảo vệ tổ quốc, điều này khác hẳn với CSVN, họ “giữ độc quyền
yêu nước và chống ngoại xâm”…
Qua
những việc làm của chính phủ Philipin, chúng ta thấy lời nói và hành
động của họ song hành, có hiệu quả rõ ràng – thật đáng phục.
Hà
Nội lên tiếng phản đối TQ nhưng quân đội VN đã làm gì để bảo vệ chủ
quyền và quyền lợi chính đáng của công dân VN? Họ không làm gì cả! VN là
một nước nhỏ, để đối đầu với một siêu thế lực như TQ chắc chắn là điều
bất khả. Lẽ ra, chính quyền CS VN nên học tập tấm gương của Philipin,
nên gác bỏ quyền lợi đảng phái để bảo vệ quyền lợi quốc gia. Tích cực
hợp tác với Hoa Kỳ trong các hồ sơ liên quan đến Biển Đông. Tìm kiếm và
thắt chặt mối quan hệ mật thiết với Mỹ nhằm bảo vệ lợi ích và chủ quyền
đất nước. Điều này, Đảng CSVN hiểu nhưng không làm được vì đối với họ
quyền lợi của Đảng CS mới là cốt lõi. Hợp tác với HK là mất Đảng, họ đã
nhìn thấy điều đó từ tấm gương Ai cập.
Bảo
vệ quốc gia không chỉ đơn giản bằng lời nói mà phải hành động. Lời nói
không khiến cho kẻ thù khiếp sợ, nhượng bộ mà phải dám có những bước đi
khôn ngoan cần thiết để đối phó với kẻ thù. Nói mà không làm có hai lý
do, nếu không phải là thiếu bản lĩnh để thực thi thì cũng là để lừa dối
kẻ khác. Điều này đúng với Đảng CS. Trên các phương tiện truyền thông,
họ luôn che dấu sự thật, không muốn những thông tin trung thực (Hoàng
Sa,và một phần Trường Sa đã mất về tay TQ) đến với người dân VN, vì sợ
người dân nhận thấy sự yếu kém (và bất minh) của ban lãnh đạo. Đảng CS
không muốn nhân dân VN chống lại TQ vì như vậy đồng nghĩa với việc làm
suy yếu thế lực của Đảng. Việc phát ngôn viên bộ ngoại giao lên tiếng
phản đối cũng chỉ là hành động mang tính biểu tượng nhằm đánh lừa người
dân VN.
Những gì Đảng CS VN đã làm
không những không đồng hành mà hoàn toàn đi ngược lại với những tuyên bố
đã nêu. Họ xem TC – kẻ thù cướp nước là đồng chí, là anh em. Hà Nội còn
ký kết với TC những hợp tác kinh tế bất bình đẳng, hy sinh quyền lợi
của người Việt để làm giàu cho guồng máy kinh tế TC, như cho phép TQ
khai thác quặng Bauxite tại Tây Nguyên bất chấp điều đó ảnh hưởng nghiêm
trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân VN, đe dọa đến an ninh
quốc gia, vì Tây nguyên là địa bàn chiến lược mà bất cứ một người dân
nào cũng biết. Người dân chúng ta phải nhận thấy VC và TC luôn đồng hành
trong mọi quan điểm và mọi hành động. Bạn của kẻ thù là kẻ thù.
Qua
một loạt hành động của chính quyền CS VN từ trước đến nay, cho chúng ta
thấy lời nói và việc làm của Đảng CS là bất nhất, mâu thuẫn và không
đáng tin cậy. Những hành động của VC đi ngược lại lợi ích quốc gia, làm
ảnh hưởng đến sự an nguy của dân tộc VN. Người dân VN chúng ta (nhất là
những người trẻ) phải lên tiếng để bảo vệ đất nước do tổ tiên để lại.
Chúng ta phải lên tiếng để bảo vệ không gian sinh tồn cho dân tộc Việt
nam, cho dù chúng ta phải trả giá rất đắt cho việc làm yêu nước này.
© Huỳnh Trọng Hiếu
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment