Song Chi - Kể từ khi xảy ra vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích ở
Bắc Giang (ngày 24 tháng 8 ) cho đến nay, đã hơn 2 tuần trôi qua, báo
chí truyền thông VN vẫn chưa ngừng đưa tin về vụ án cướp của giết người
này.
Hàng
chục, hàng trăm bài báo theo sát diễn tiến của vụ án, khai thác từng
chi tiết, mổ xẻ dưới những góc độ, cái nhìn khác nhau khiến dư luận cũng
nóng lên theo. Có thể nói không ngoa rằng ở VN những ngày này, vụ án
Lê Văn Luyện là một trong những đề tài “hot” nhất!
Lê
Văn Luyện, nghi can chính trong vụ cướp của giết chết 3 mạng người ở
tiệm vàng Ngọc Bích tỉnh Bắc Giang ngày 24 tháng 8, 2011. (Hình: Tiền
Phong)
Những
vấn đề lớn, ảnh hưởng tới cuộc sống của mọi người dân như lạm phát,
khủng hoảng kinh tế hay tương lai, vận mệnh đất nước qua mối quan hệ của
hai nhà nước Việt-Trung… dường như cũng bị chìm đi.
Cũng
như vụ cố nhà báo Lê Hoàng Hùng của báo Người Lao Ðộng bị vợ đốt chết
vào tháng 1, 2011, vụ sát thủ Nguyễn Ðức Nghĩa giết người yêu cũ rồi
chặt đầu để phi tang vào tháng 5, 2010… hay mọi vụ án lớn nhỏ ở VN. Mọi
chi tiết, nhân thân, đời tư của thủ phạm và nạn nhân, thậm chí của
những người liên quan đều phơi bày trên mặt báo.
Có
những quốc gia cho việc khai thác như vậy là bình thường, để câu
khách. Nhưng thường đó là những tờ báo lá cải, còn báo chí nghiêm túc,
có uy tín thì không đi theo xu hướng này.
Ngược
lại có những quốc gia như Na Uy chẳng hạn, báo chí, truyền thông không
được phép để tên tuổi, nhân thân của nạn nhân và ngay cả thủ phạm
trong những vụ trọng án kiểu như giết người, hiếp dâm… Chỉ trừ những
trường hợp rất đặc biệt. Ví dụ như vụ khủng bố kép ngày 22 tháng 7 vừa
qua với thủ phạm Anders Behring Breivik.
Bởi
vì người làm báo luôn luôn phải nghĩ đến những ai sẽ bị tổn thương bởi
ngòi bút của mình. Trong đó có những người chỉ vì có liên quan xung
quanh vụ án, hoặc người thân của thủ phạm, nạn nhân… còn phải sống tiếp
những năm tháng tới.
Ở
Na Uy và nhiều quốc gia văn minh tiến bộ, đối với một số trường hợp
trọng án giết người, hiếp dâm, sau khi thủ phạm thi hành xong bản án, ra
tù, sẽ được phép làm lại cuộc đời bằng một tên mới, địa chỉ bí mật. Ðể
con người này có thể bắt đầu lại, bất chấp quá khứ trước kia ra sao.
Trong
khi đó, báo chí VN chúng ta không chỉ khai thác các vụ án rất kỹ, mà
trong một số bài, cách đặt vấn đề, cách nhìn, phỏng vấn… phải nói là
thiếu tế nhị đến tàn nhẫn.
Khi
biết trường hợp Lê Văn Luyện chỉ có thể xử cao nhất 18 năm tù vì chưa
đủ 18 tuổi khi gây án, dư luận tỏ vẻ bức xúc. Hầu hết các ý kiến đều
muốn xử tử, có người còn đề nghị sửa luật để có thể tử hình Luyện. Một
số trang mạng, diễn đàn trên facebook cũng ném đá thủ phạm không tiếc
lời.
Có
diễn đàn “Bạn muốn kẻ giết 3 mạng người cướp tiệm vàng bị xử như thế
nào?” (đừng nói chuyện đạo đức hoặc nhân đạo ở đây vì chúng ta đang xử
tội quỷ dữ chứ không phải người). Ðủ loại hình thức tra tấn dã man, kinh
khủng nhất được đưa ra, đọc xong cứ thấy rợn người.
Nói chung, phần lớn cái nhìn của người Việt mình là “mạng trả mạng.”
Trở
lại vụ khủng bố kép ở Na Uy. Sát thủ Anders Behring Breivik đã giết
chết tất cả 76 người, phần lớn là thanh thiếu niên từ 13, 14 đến 18
tuổi. Với một quốc gia thanh bình như Na Uy, đây là một cú shock nặng
cho người dân, cả thế giới cũng kinh ngạc không tin nổi. Và với một quốc
gia mà dân số chỉ có hơn 4.9 triệu, 76 con người là một sự mất mát quá
lớn.
Luật
pháp Na Uy không có tử hình. Mức án nặng nhất là 21 năm tù. Tuy nhiên,
trong một số trường hợp hiếm hoi, tòa án vẫn có thể gia hạn tù thêm 1,
2 lần, mỗi lần khoảng 5 năm nữa.
Khi vụ Anders Behring Breivik xảy ra, cũng có dư luận đặt câu hỏi xử lý thế nào với y đây.
Những
ngày sau vụ án, tôi đã hỏi chuyện rất nhiều người Na Uy rằng ông/bà có
nghĩ lẽ ra phải tử hình y thì mới đáng tội, hoặc có nên sửa luật để
ngăn ngừa những trường hợp như vậy sẽ xảy ra?
Và
tôi đã sững sờ vì tất cả những câu trả lời từ người Na Uy mà tôi nhận
được là họ không nghĩ như vậy. Bởi vì nếu giết chết y thì cũng có mang
những người đã chết trở lại được đâu?
Hóa
ra ở Na Uy, chỉ những người nhập cư đến từ những quốc gia còn có án tử
hình hoặc nói xin lỗi là từ những quốc gia chưa được văn minh lắm,
trong đó có tôi, là băn khoăn về việc Anders Behring Breivik không bị
tử hình!
Một
vấn đề khác, trong khi đi tìm nguyên nhân phạm tội của Lê Văn Luyện,
có những người nêu ra do giáo dục gia đình, việc không được học hành
đến nơi đến chốn, túng bấn về tiền bạc, kể cả tác động của game online
bạo lực…
Hoặc
khi đề cập đến hàng loạt vụ trọng án giết người khác, có người cũng
chỉ ra những tác động từ môi trường xã hội như sự bất công, khoảng cách
giàu nghèo ngày càng tăng… Trong lúc gia đình và nhà trường đều chưa
phải là chỗ dựa về tinh thần cho người đó, còn môi trường giáo dục thì
lại cũng đầy hiện tượng tiêu cực.
Nhưng
để phân tích những nguyên nhân sâu xa hơn khiến cho vì sao cả môi
trường xã hội, giáo dục đều tha hóa một cách tệ hại như vậy, thì báo chí
chính thức lại không được phép!
Dù
sự thật là tội ác ở VN ngày càng nhiều. Không ngày nào mở những tờ báo
ra mà không đọc thấy những tin tức về cướp, giết, hiếp… các kiểu. Giết
người phần lớn chỉ vì tiền bạc, thù oán cá nhân. Chưa kể là từ những
nguyên nhân lãng xẹt như va quẹt trên đường, một câu cãi cọ, thậm chí
chỉ vì… nhìn thấy ghét!
Có
nhiều người bao biện rằng ở nước nào mà chẳng có cướp, giết, hiếp…
Việt Nam còn thanh bình chán vì chưa có những tội phạm giết người hàng
loạt, những vụ khủng bố…
Nhưng
những vụ khủng bố thường gắn liền với những nguyên nhân chính trị hoặc
tôn giáo. Những vụ giết người hàng loạt thì kẻ sát nhân thường “có vấn
đề” về mặt tâm thần, giết người là từ những ý tưởng, quan điểm bệnh
hoạn về xã hội, con người…
Trong
khi đó, tội ác ở VN, từ sự hành hạ làm nhục cho đến giết người dã man,
có thể xảy ra ở những con người hoàn toàn bình thường, thậm chí hiền
lành, khiến dư luận phải bất ngờ.
Từ
Lê Văn Luyện một thanh niên nông thôn ít học. Nguyễn Ðức Nghĩa sinh
viên đại học. Bà Trần Thị Liễu vợ cố nhà báo Lê Hoàng Hùng, một phụ nữ
nội trợ. Vũ Thị Kim Anh sinh viên đại học trong vụ án giết người tình cũ
trên xe Lexus. Hay ông Ngô Quang Chướng, một doanh nhân, nguyên chủ
tịch Hội Ðồng Quản Trị kiêm giám đốc công ty kinh doanh nhà Hoàng Hải,
thuê người giết ông Ðặng Xuân Sỹ, phó giám đốc…
Ðiểm chung giữa họ đều là những con người đầu óc hoàn toàn bình thường, không có tiền án tiền sự.
Và
nếu nhìn lại tình trạng tội ác ở VN những năm qua, chúng ta thấy kẻ
phạm trọng tội có thể là bất kỳ ai, thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, nghề
nghiệp khác nhau trong xã hội. Là những con người hết sức bình thường
nhưng khi xuống tay thì mức độ dã man chẳng hề thua kém gì những kẻ dã
man nhất trên thế giới.
Người
thân, họ hàng giết nhau. Vợ chồng, bố mẹ con cái giết lẫn nhau. Mới
đây nhất là vụ Nguyễn Văn Tài, 19 tuổi ở Bảo Lộc, giết mẹ vì mẹ không
cho tiền đi chơi game, sau khi giấu xác xong lại bình thản đi chơi game
tiếp.
Tuổi của kẻ thủ ác cũng ngày càng “trẻ hóa.” Không thiếu những vụ mà thủ phạm là học sinh mới lớp 8, 9, 10!
Tội ác ngày càng trở nên bình thường, phổ biến.
Ðiều
đó cho thấy đạo đức xã hội ở VN đã bị tha hóa nặng nề. Nếu nhìn tận
gốc vấn đề nằm ở giáo dục (cả gia đình, nhà trường), và môi trường xã
hội.
Một
nền giáo dục lạc hậu, thiếu tính triết lý, thiếu tính nhân bản, sai
lầm trong mục đích dạy và học khi chỉ chăm chăm nhồi nhét cho học sinh
một mớ kiến thức chết để lấy bằng cấp. Xã hội thì đầy rẫy cái xấu, sự
không tử tế, phi lý, bất công… từ một mô hình, cấu trúc sai lầm về thể
chế chính trị.
Vụ
án Lê Văn Luyện, một lần nữa khiến mỗi người Việt chúng ta nên giật
mình nhìn lại cái xã hội mà chúng ta đang sống nó như thế nào và nó đã
ảnh hưởng thế nào đến cái nhìn của mỗi người trước tội ác, tội phạm… mà
chúng ta không hay.
http://baotoquoc.com/2011/09/11/t%E1%BB%AB-m%E1%BB%99t-v%E1%BB%A5-tr%E1%BB%8Dng-an/#more-32874
No comments:
Post a Comment