Một khi chính quyền không kịp thời đứng về phía lợi ích chính đáng của
nhân dân thì người dân chỉ còn một phương cách tự vệ cuối cùng - nhưng
lại trái pháp luật. Đó là bao vây nhà máy, dùng thân người chặn xe của
DN gây ô nhiễm như đã xảy ra ở dự án Golden Hills...
Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đang được VCCI tổng rà soát để phục vụ cho việc sửa đổi sắp tới.
Với
gần 140 điều khoản và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, luật này đã quy
định khá rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cũng như cơ quan công
quyền trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT). Thế nhưng thực tế, hầu
như không ngày nào báo chí không đăng tải những tin tức về các vụ vi
phạm pháp luật BVMT đang xảy ra khắp cả nước. Gần đây nhất là vụ dự án
Golden Hills (Đà Nẵng) gây ô nhiễm trầm trọng khiến người dân bức xúc
chặn xe vào công trường hay vụ “bão cát” titan đổ ập xuống nhà dân ở
Bình Thuận…
Dư
luận đặt câu hỏi: Phải chăng pháp luật hiện hành không đủ để chính
quyền quản lý, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi gây ô nhiễm? Câu
trả lời là có thể nếu các cơ quan công quyền thực hiện hết trách nhiệm
và quyền hạn được pháp luật trao cho.
Bởi
lẽ trong lĩnh vực này, người dân không có nhiều công cụ hữu hiệu để có
thể chống lại các hành vi gây ô nhiễm mà chỉ biết kêu và trông đợi Nhà
nước. Và một khi chính quyền không kịp thời đứng về phía lợi ích chính
đáng của nhân dân (chỉ bằng cách kiểm soát thật sát sao việc DN thực
hiện đúng các cam kết về BVMT và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm nếu DN
có hành vi vi phạm) thì người dân chỉ còn một phương cách tự vệ cuối
cùng - nhưng lại trái pháp luật. Đó là bao vây nhà máy, dùng thân người
chặn xe của DN gây ô nhiễm như đã xảy ra ở dự án Golden Hills (và nhiều
nơi khác trước đó).
Nhưng
tại sao lại đẩy người dân đến lằn ranh tự vệ cuối cùng ấy mà trong
nhiều trường hợp do không kiềm chế được, họ đã bị khởi tố về hành vi hủy
hoại tài sản hay gây rối trật tự công cộng? Có sống ở một nơi lúc nào
cũng nồng nặc mùi xú uế, bụi mịt mù đến nỗi nhà cửa phải đóng im ỉm suốt
ngày, thậm chí phải đeo khẩu trang ngay cả khi ngủ, rồi trẻ con, người
già bệnh tật èo uột… mới hiểu được vì sao người dân vùng ô nhiễm đã phải
dùng đến phương cách cuối cùng này.
Mới
đây, hàng ngàn người dân ở TP cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Trung
Quốc) đã xuống đường biểu tình đòi di dời một nhà máy hóa dầu vì lo ngại
gây ô nhiễm môi trường. Vậy chúng ta sẽ làm gì để tránh được những
chuyện như thế trong tương lai?
Hoàn
thiện hệ thống pháp luật để việc BVMT được thực hiện có hiệu quả hơn là
cần thiết nhưng điều quan trọng hơn cả mà người dân mong mỏi chính là
trách nhiệm và tấm lòng vì dân của các cơ quan cũng như cán bộ công
quyền!
No comments:
Post a Comment