Hà Minh Thảo - Trong phiên thẩm vấn ngày 27.06.1975, tại Dinh Độc lập cũ, kéo dài từ 15 đến 19 giờ, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã đối diện với ba Cán bộ cao cấp của Ủy ban Quân quản TP Hồ Chí Minh cùng các Linh mục tự xưng là ‘yêu nước’. Đối với Chính quyền Cộng sản, sự thuyên chuyển Đức cha từ Nha trang về Sài Gòn độ một tuần trước khi họ tiếp thu nơi đây vào ngày 30.04.1975, là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Đế quốc. Để trả lời sự cáo buộc đó, Đức cha chỉ xác nhận sự vâng lời của mình đối với Bài Sai của Đức Thánh Cha Phaolô VI. Ngày 15.08.1975, Ủy ban Quân quản bắt giam tù Người tại nhiều nơi khác nhau, trong đó, có 9 năm bị biệt giam, cho đến ngày 21.11.1988 được trả tự do và bị quản chế tại Hà Nội. Trong thời gian 13 năm ở tù không một bản án.
Những năm tháng ở tù không tội mà Đức cha phải trải qua được Người kể lại trong ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’, được dịch ra 8 thứ tiếng, để phục vụ các tham dự viên ‘Những Ngày Giới Trẻ’ (Journées mondiales de la jeunesse, tiếng Pháp và World Youth Day, tiếng Anh) tại Paris năm 1997 như sau:
“Đêm 01.12.1975, cùng với 1500 bạn tù đói, mệt, chán nản, còng tay hai người chung một khóa số 8, bước xuống gầm tàu ‘Hải Phòng’ đậu tại bến Tân cảng gần cầu Xa lộ, để chở ra trại cải tạo Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phú, trong thung lũng núi Tam Đảo, mùa đông 1975-76 rét 2 độ C.
Đặc biệt nhất là nỗi gian khổ của 9 năm biệt giam một mình với hai người gác, không bạn bè, không có việc làm, tôi ở trong một sự trống rỗng tuyệt đối, đến mức có thể điên đi được. Tôi đi lại suốt ngày trong buồng giam, để vận động cơ thể kẻo nằm luôn thì tôi sẽ chết vì thấp khớp, viêm phổi.
Ở trại Phú Khánh, tôi bị giam trong một phòng không có cửa sổ, phải đi qua 3 lớp cửa trong một hành lang mới đến khí trời. Vào đó nóng cực kỳ, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi tôi xuống nằm dưới nền, còn nấm thì mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng lọt vào, tôi lết đến, kê mũi vào đó để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những con trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và có lần có cả con rết dài; dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ để cho chúng bò quanh, ngày nào nước xuống, thì chúng lại bò ra. Sau này hai linh mục bị giam cách tôi 2 lớp cửa, đã thuật lại cho tôi biết: ‘Một hôm cô Thanh, cấp dưỡng, đã mở cửa cho chúng con ra đứng nhìn Đức Cha nằm dưới đất và bảo: cho hai anh nhìn thấy ông Thuận, ông sắp chết!’ Nhưng trong cơn cơ cực này, Chúa đã cứu tôi!”
Thuật lại việc ra khỏi nhà tù của mình, Đức Cha đã viết trong ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’ như sau:
“Một hôm trời mưa, tôi đang thổi cơm trưa, tôi nghe điện thoại của chiến sĩ trực reo. ‘Biết đâu có tin gì cho tôi? Đúng rồi, bữa nay là lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, 21 tháng 11 mà!’
Năm phút sau, anh chiến sĩ trực đến:
- Ông Thuận ơi, ông ăn chưa?
- Chưa ạ, tôi đang thổi cơm đây.
- Ăn xong, ăn mặc sạch sẽ, đi gặp lãnh đạo.
- Lãnh đạo là vị nào vậy?
- Tôi không biết, tôi chỉ được báo thế. Chúc ông may mắn.
Tôi đã được đưa đến nhà khách chính phủ, bên hồ Ha-le, và tôi đã gặp ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Nội vụ (Bộ công an ngày nay). Sau lời chào hỏi xã giao, ông Bộ trưởng đã hỏi:
- Ông có nguyện vọng gì không?
- Thưa có, tôi muốn được tự do.
- Bao giờ?
- Hôm nay.
Ông Bộ trưởng có vẻ ngạc nhiên, thường tình phải có thời gian cho cơ quan nhà nước xếp đặt... Nhưng hôm nay là lễ Đức Mẹ nên tôi tin chắc và xin như vậy. Để đánh tan bầu khí lúng túng và ngạc nhiên ấy, tôi nói:
- Thưa ông Bộ trưởng, tôi ở tù lâu lắm, suốt ba đời Giáo hoàng: Phaolô VI, Gioan Phaolô I, và Gioan Phaolô II. Về phía xã hội chủ nghĩa thì tôi đã ở tù bốn đời Tổng Bí thư Liên Xô: Brezhnev, Andropov, Chernenko, và Gorbachev.
Ông Bộ trưởng bật cười và nói:
- Đúng! đúng!
Ông quay qua bảo người bí thư:
-Hãy liệu đáp ứng nguyện vọng của ông.
Trong lòng tôi vui mừng tạ ơn Đức Mẹ Maria, vì không những được tự do mà còn được cả dấu chỉ. Chắc Đức Mẹ tha tội tôi cả gan thách đố Mẹ.”
Bức họa sơn dầu (1.5mx2.5m) do họa sĩ nổi tiếng người Úc, Paul Newton vẽ. Bức họa mô tả cảnh Ðức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận dâng thánh lễ trong lúc đang bị giam cầm trong nhà tù CSVN. Bức họa hiện đang được treo trong nguyện đường Domus Australia của Giáo Hội Úc. Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã dừng lại đọc kinh trước tấm hình này trong buổi lễ khánh thành nguyện đường kể trên. (Hình: Internet)
Đó là trong thời gian đầu sau khi Việt Nam Cộng Hòa bị mất tên và bị nhuộm đỏ cộng sản, hàng triệu quân cán chính Miền Nam trở thành những ‘tù nhân không bản án’ bị đày đọa trong những trại cải tạo khổ nhục nhất trần gian. Ngày nay, những người tù vô tội được ngụy trang bằng các bản án nặng nề do bị trả thù như ông Cù Huy Hà Vũ (7 năm tù) hay chị Tạ Phong Tần (cựu sĩ quan công an từ bỏ Đảng, 10 năm) hoặc vì lòng yêu nước như nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên (6 năm) và anh Đinh Nguyên Kha (8 năm). Trong khi đó, Trung tá Công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng, với trường hợp gia trọng vì không sớm đưa nạn nhân đến bệnh viện, chỉ bị Tòa án nhân dân Hà nội tuyên xử 4 năm tù.
No comments:
Post a Comment