Monday, June 17, 2013

Bên Thua cuộc



Nguyên Anh - Nếu Huy Đức có tác phẩm Bên Thắng Cuộc thì sẽ không công bằng khi không viết về bên thua cuộc! Kỷ niệm ngày QLVNCH 19/6 của một quân đội bảo vệ Tự Do Dân Chủ không còn nữa bài viết này sẽ đưa bạn đọc trở lại quá khứ gần 40 năm trước, ngày miền Nam sắp thua cuộc…

Nhưng Quân đội VNCH có rất nhiều anh hùng, họ sẵn sàng dùng cái chết để đền nợ nước, điều này làm người viết rất phân vân không biết sẽ viết về ai? Một tướng quân Ngô Quang Trưởng với câu VC muốn vào Huế phải bước qua xác tôi hay tướng quân Lê Minh Đảo chiến đấu đến giờ phút cuối cùng, trung tá Lê Hằng Minh TĐT Tiểu đoàn Trâu Điên đã đền nợ nước tại Bồng Sơn.
Các binh chủng đều có các sĩ quan có Danh Dự và Trách Nhiệm xem cái chết nhẹ tựa lông hồng và chấp nhận những năm tháng tù đày với sự trả thù của bên thắng cuộc! Và người được vinh danh hôm nay sẽ là một quân nhân bình thường, ông đã chiến đấu tới giờ thứ 25 và là một trong những hàng trăm ngàn người của bên thua cuộc.
Thiếu Tá Tiểu đoàn trưởng 82 BĐQ - Thái Sơn Vương Mộng Long
“Người yêu nước có thể bị giết. 
Nhưng tinh thần ái quốc của một dân tộc thì bất diệt.”
(Vương Mộng Long)
 Ngày hôm nay các bạn trẻ trong nước hãy suy nghĩ vả nghiền ngẫm về câu nói của Thiếu Tá Vương Mộng Long nhiều chục năm về trước!
Nền Đệ Nhị VNCH là nơi sản sinh ra các tinh hoa dân tộc, nếu trên vòm trời văn học có một Duyên Anh Vũ Mộng Long để đời nhiều tác phẩm nhân văn rực sáng nền văn học nước nhà thì võ nghiệp lại có một ngôi sao sáng Thiếu Tá Vương Mộng Long, một sĩ quan can trường xông pha nơi chiến mạc.
Xuất thân trường võ bị quốc gia khóa 20 cuộc đời ông đã chiến đấu khắp các chiến trường ác liệt tại miền Nam Việt Nam cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến ông và thuộc cấp vẫn cầm chắc tay súng tại quốc lộ 1 cửa ngỏ Sài Gòn để cho những quan lại hèn mạt thay nhau chạy trốn!
Trích:
“30/3/75, mặt trời vừa lên, trong máy nội bộ của TĐ82/BĐQ đã có tiếng người trên trực thăng hối thúc,
- “Yêu cầu Thái Sơn kiếm bãi đáp nhận chỉ thị gấp!”
Lúc đó chúng tôi đang ở gần một bãi ngô cũ. Chiếc trực thăng sà xuống. Người phi công quơ tay ngoắc tôi lia lịa. Tôi bước lên càng máy bay để nghe anh ta nói,
- “Tôi được lệnh Quân đoàn lên đón Thiếu tá về Đà-Lạt. Thiếu tá lên tàu mau đi!”
- “Thế còn liên đoàn thì sao?”
 - "Chúng tôi chỉ 'rescue' một mình Thiếu tá thôi! Những người khác, bỏ!”
- “Thôi! Nếu thế thì tôi không đi đâu! Tôi đang chỉ huy cả ngàn người. Tôi không mặt mũi nào bỏ đi một mình. Anh về báo với Quân đoàn cố gắng bốc tất cả liên đoàn giùm tôi. “ Tôi xua tay,
Nói xong câu đó, tôi bước xuống đất định quay đi thì người phi công cởi giây đai, mở cửa phi cơ. Anh nhảy xuống đất đứng nghiêm trước mặt tôi. Giơ tay chào tôi, anh nói lớn,
- “Tôi không ngờ giờ này quân đội ta còn một vị chỉ huy đáng nể như Thiếu tá! Thiếu tá cho phép tôi chào kính phục ông và nói lời vĩnh biệt ông.”
Người phi công nắm tay tôi lắc lắc mấy cái rồi anh buông tay tôi ra, leo lên buồng lái. Cả phi hành đoàn giơ tay vẫy vẫy giã từ. Tôi cũng giơ cái bản đồ vẫy lại. Chiếc trực thăng cuối cùng của Vùng 2 khuất dần ở chân mây.”
Tâm trạng của ông những ngày cuối chắc vô cùng hoang mang khi hậu phương đã không còn cấp chỉ huy, nổi lo sợ cho gia đình người thân nhưng ông không chọn một phương án hèn nhát bỏ đồng đội, chiến hữu gần 1000 binh lính thuộc quyền, với tinh thần kỷ luật cao ông đã đem quân băng rừng vượt suối rút về đến cửa ngỏ Sài Gòn trước sự truy kích ngày đêm.
Trích:
“Tháng Tư 1975, những người lính của Tiểu đoàn 82 Biệt Động Quân gốc Kinh, Thượng Rhadé, Jarai, Bana của căn cứ Biên Phòng Plei-Me đã chiến đấu một cách tuyệt vọng, nhưng với một phong cách thật tuyệt vời. Chúng tôi đã không bỏ nhau. Theo chân nhau, chúng tôi đã ngã xuống, từng ngày. Máu chúng tôi đã tưới đẫm từng ngọn đồi, từng đoạn đường, từng khu phố để ngăn bước giặc tràn vào Xuân Lộc, Đồng Nai, Sài Gòn”
Sau khi miền Mam mất, ông đối diện với bản án nặng nề 13 năm tù từ Nam đến Bắc của những kẻ được mệnh danh là bên thắng cuộc, một khoảng đời thanh xuân chôn vùi chốn lao tù đày ải, dù nhà cầm quyền dùng mọi cách hành hạ giày xéo nhằm khuất phục tinh thần bất khuất nhưng bản chất của người lính vẫn sáng ngời trong ông.
Năm 1993 ông định cư tại Mỹ và bắt đầu học lại để theo kịp đà tiến hóa của nhân loại và tốt nghiệp trường đại học University of Washington. Hiện nay ông cùng gia đình cư ngụ tại thành phố Seattle.
Ngày hôm nay ở thế kỷ 21 xem lại tự truyện của ông để chúng ta thấy bản chất anh hùng của một người lính VNCH, cái tố chất đó nghiễm nhiên đã chảy trong máu thịt của những ai đã từng quỳ gối tuyên thề cụm từ Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm đến suốt cuộc đời.
Và cũng trong hồi ký của ông chúng ta sẽ thấy những kẻ cựu thù năm xưa vô tình gặp nhau trong hoàn cảnh trớ trêu, kẻ chiến bại lầm lũi ra Bắc bổ sung giấy tờ đi Mỹ còn người anh hùng năm xưa của bên thắng cuộc đã bị đảng xài như miếng chanh được vắt hết nước và chọn nghiệp chân tay làm kế mưu sinh!
Lịch sử luôn tôn trọng sự thật mà không một thế lực nào có thể ngụy biện, bóp méo, xuyên tạc, tên ông sẽ được khắc sâu vào lòng Tổ Quốc Việt Nam hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
- Thà làm một viên ngọc nát, chứ không làm một viên ngói lành!
Xin trân trọng chào kính ông, viên ngọc nát Vương Mộng Long một thế hệ đã cống hiến cuộc đời mình cho Quê Hương và Dân Tộc.

No comments:

Post a Comment