Đào Tuấn - Một viên đạn, từ tiền thuế của dân, bằng 5 cân thóc. Và trong nhiều trường hợp, 5 cân thóc đó được bắn ra, rất khó lý giải là để làm gì.
Thứ 2 ngày 6.8.2010, ở Thái Nguyên đã xảy ra một vụ nổ súng gây xôn xao dư luận khi hai CSGT truy bắt một cặp nam nữ không đội mũ bảo hiểm. Một thiếu úy cảnh sát mặc thường phục đã nổ súng bắn thủng đùi nữ sinh ngồi phía sau. Ngay ngày hôm sau, người vi phạm giao thông được giao một biên bản xử lý vi phạm với 3 lỗi được liệt kê: Không có gương chiếu hậu; Không đội mũ bảo hiểm; Không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông.
Hai viên cảnh sát, dù mặc thường phục, nhưng là “nhà chức trách” sau đó giải thích nổ súng là do “đối tượng” không chấp hành mệnh lệnh. Tuy nhiên, nạn nhân còn có lý hơn “Hai người đó không có dấu hiệu gì để có thể nhận biết đó là CSGT”.
Ba lỗi thuần túy hành chính. Việc không đội mũ bảo hiểm, đương nhiên không phải là lý do để có thể nổ súng. “Bỏ chạy” lại càng không phải là hành vi chống người thi hành công vụ.
Một viên đạn, từ tiền thuế của dân, bằng 5 cân thóc. Và trong trường hợp này, 5 cân thóc đó được bắn ra, rất khó lý giải là để làm gì.
Đó là chưa kể tới vô số những vụ CSGT rượt đuổi các hành vi vi phạm hành chính, không đội mũ bảo hiểm chẳng hạn, khiến hoặc các nạn nhân té xe, sau đó được đưa thẳng vào nhà xác, hoặc chính “nhà chức trách” gặp nạn.
Ngày hôm qua, những người làm ra hạt thóc và những người đang ăn gạo rùng mình khi đọc một dự thảo nghị định có chi tiết: Người thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra. Dù trên website của Bộ Công an xin ý kiến nhân dân về dự thảo không có một ý kiến phản hồi nào, nhưng trong 24h qua, đây là đề này nóng hổi được người dân đặc biệt quan tâm.
Có thể con số 8.500 vụ chống người thi hành công vụ trong 10 năm qua là nghiêm trọng trong việc duy trì pháp chế. Nhưng ai có thể khẳng định khi “nhà chức trách” được phép nổ súng thì con số này sẽ giảm? Hay chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng và đẩy ngành tòa án vào tình trạng quá tải?
Xin chép ra đây 3 ý kiến đóng góp không phải là không xác đáng của người dân:
Nếu cái ”Đề xuất cho bắn người chống cán bộ thi hành công vụ” mà được thông qua thì sự đối đầu giữa người thi hành công vụ và người chống thi hành công vụ lại càng tăng lên. Chắc chắn là khi thi hành sẽ có sai sót và chính từ đó sẽ càng làm xấu đi hình ảnh của cơ quan thực thi pháp luật . Không thể cứ ”đi thẳng và xuyên thủng” như thế. Cái đạo lý của dân mình từ ngàn xưa là có lý có tình. Từ từ rồi khoai nó sẽ nhừ, bắn là bắn thế nào.
Nói chung 2, 3 nhà chức trách thấy thằng trộm mà không khống chế được bằng tay hay vũ khí sát thương thấp thì cho nghỉ việc hết, có mỗi việc học vài miếng võ nghiệp vụ để áp dụng cho công tác… chỉ cần cơ bắp, không cần trí não mà còn làm không xong thì tư cách gì để mà đi ăn tiền lương từ cái quỹ do con dân còng lưng ra làm đóng thuế toát mồ hôi mà ra??? Nên nhớ ngay cả khi nổ súng thì viên đạn chui ra từ cái lỗ ấy cũng là do lấy từ tiền mà con dân đóng thuế mà ra!
Một cái quyền quá to, liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người mà chỉ được quy định chung chung trong một nghị định, do một bộ soạn thảo, và bộ đó cũng chính là “cơ quan chức năng” sẽ điều tra xử lý, là rất rất không ổn. Phải đưa ra Quốc hội bàn cho hết nhẽ.
http://danluan.wordpress.com/2013/03/12/dao-tuan-di-thang-va-xuyen-thung/
No comments:
Post a Comment