Nguyễn Huệ Chi dịch
1. Ngư dân Trung Quốc lại cắt đứt dây cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam
Tin trên mục “Thiết huyết quân sự luận đàn” trang Thiết huyết xã khu, không đề ngày, không ghi tên người viết
Báo Kyodo News Nhật Bản đưa tin, Tập đoàn PetroVietNam đã tiết lộ, vào ngày 30 Tháng 11, tàu thăm dò dầu khí của PetroVietNam tại vùng phụ cận Huế-Thừa Thiên miền Trung Việt Nam, thuộc vùng biển Nam hải (Biển Đông), đã bị tàu của Trung Quốc quấy nhiễu, cáp thăm dò bị cắt đứt.
Các nguồn tin cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam sau khi nhận được báo cáo của PetroVietNam, đã báo với Trung Quốc Việt Nam phản đối loại hành vi như vậy. Trước mắt, Chính phủ Việt Nam chưa đưa ra một lời tuyên bố chính thức của mình về việc này.
Bài báo nói rằng vụ việc xảy ra vào ngày 30 tháng 11, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế gây nhiều tranh cãi. Hai trong số rất nhiều tàu thuyền đánh cá Trung Quốc va chạm với tàu thăm dò dầu khí Việt Nam. Dây cáp dùng để thăm dò ở đuôi tàu thăm dò dầu khí Việt Nam kéo dài dưới biển đã bị ngư dân Trung Quốc cắt đứt.
Vào tháng 5 năm ngoái, tàu Hải giám Trung Quốc cũng đã từng cắt đứt dây cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam tại Nam hải. Chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ cũng đã đưa ra lời kháng nghị mạnh mẽ.
Nguồn: bbs.tiexue.net
2. Việt Nam nói bị tàu thuyền Trung Quốc quấy rối rồi lại cải chính đầu miệng rằng đó là việc nằm ngoài ý muốn
Tin do Lưu Cảnh biên tập, trên mạng china.com có kèm audio, ngày 6-12-2012
Tin tức mạng CCTV: trước tiên tập trung vào vấn đề Biển Nam hải (Biển Đông). Ngày 03 tháng 12, PetroVietNam đã thông báo tàu thăm dò dầu khí của họ bị tàu Trung Quốc "quấy rối", cáp bị "cắt". Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, vị lãnh đạo nắm quyền điều hành Tập đoàn dầu khí quốc doanh của Việt Nam lại nói rằng đó là việc “nằm ngoài ý muốn”. Nhưng, Chính phủ Việt Nam nhân cơ hội này cũng đã đề xuất một loạt sáng kiến, được xác lập để tăng cường cái gọi là chủ quyền về "nghề cá" và về "lãnh hải" của họ. Các nhà phân tích cho rằng, không loại trừ đây là một “trò tấu kèn đôi” khéo léo được Việt Nam bày ra.
Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam đã nói rằng ngày 30 tháng 11, tàu thăm dò dầu khí Bình minh 02 của PetroVietNam trong khi đang hoạt động tại khu vực gọi là “lãnh hải Việt Nam” thì gặp phải tàu Trung Quốc "quấy rối", dây cáp bị "cắt đứt". Tiếp theo đó, một số ít hãng truyền thông nước ngoài đã dùng những từ "hành vi mang tính khiêu khích cao độ", hoặc "sự khởi đầu một làn sóng mới của hành vi ngạo ngược" để mô tả động thái của Trung Quốc.
Nhưng rồi Hà Nội lại đưa ra một lời tuyên bố khác. Hãng tin CEO của Tập đoàn PetroVietNam sau ngày hôm đó, trong một cuộc phỏng vấn điện thoại với Hãng tin Bloomberg, đã bày tỏ, dây cáp của phía Việt Nam bị cắt chỉ là "tai nạn ngoài ý muốn", tuyệt không phải do người Trung Quốc cố tình phá hoại.
Trên thực tế, những lời buộc tội vô căn cứ của Việt Nam chống lại việc các tàu Trung Quốc cắt cáp đã từng có tiền lệ. Ngày 09 tháng 6 năm ngoái, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã bác bỏ những lời chỉ trích tương tự của phía Việt Nam. Ông Hồng Lỗi cho biết, lời tuyên bố của cơ quan Việt Nam hữu quan nói rằng tàu thuyền đánh cá Trung Quốc cố tình cắt dây cáp điện của tàu thăm dò dầu khí Việt Nam trong khi đang hoạt động tại biển Nam hải là hoàn toàn không phù hợp với sự thực. Sự thực là các hoạt động bình thường của tàu thuyền đánh cá Trung Quốc trong buổi sáng ngày hôm đó trên quần đảo Nam Sa [Trường Sa] và vùng biển liền kề thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc, bị tàu Việt Nam có vũ trang xua đuổi một cách phi pháp, kết quả là lưới của một tàu đánh cá Trung Quốc vướng vào dây cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay ở hiện trường họ đang hoạt động phi pháp này. Phía Việt Nam bất chấp sự an toàn của sinh mạng các ngư dân Trung Quốc, cứ thế kéo thuyền đánh cá Trung Quốc chạy lộn ngược, kéo dài trong không biết bao lâu, xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích về chủ quyền và quyền trên biển của Trung Quốc.
Vào lúc tình huống kịch đột ngột "chuyển biến ngược" khiến thế giới bên ngoài cảm thấy khó hiểu, Chính phủ Việt Nam gần đây lại không ngừng hành động. Theo Cơ quan Thông tấn Trung ương của Đài Loan, vào ngày 3 [tháng 12], Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ký một pháp lệnh về việc hoạt động của tổ chức ngư chính, để đến đầu sang năm thì thiết lập Cục Ngư chính [Cục Kiểm ngư], nhằm tăng cường bảo vệ quyền hành nghề đánh bắt cá và chủ quyền lãnh hải của nước mình. Được biết, trong tương lai Cục này chủ yếu sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các việc tuần tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các công việc về nghề cá, đồng thời cũng sẽ thiết lập các Phân cục Ngư chính với các tàu thuyền kiểm soát hoạt động trên biển. Theo báo cáo, Luật sẽ có hiệu lực vào ngày 25 tháng 1 năm tới. Báo Dân trí Online của Việt Nam cho biết rằng, đó là sự kiện trọng yếu nhất kể từ khi Việt Nam thực thi Luật Biển của họ đến nay. Theo Thông tấn xã Đức vào ngày 4 [tháng 12], Chính phủ Việt Nam trong ngày hôm đó tuyên bố rằng kể từ ngày 25 tháng 1 năm tới, sẽ đưa bốn con tàu đến ranh giới vùng biển Việt Nam để ngăn chặn các hoạt động có hại và đánh bắt cá bất hợp pháp. Theo một báo cáo của hãng tin Reuters, Việt Nam hiện đương thành lập một đội tuần tra gồm [tàu thuyền] của thường dân, hỗ trợ cho cảnh sát hàng hải, ngăn chặn tàu nước ngoài vi phạm các luật về nghề cá, tại cái nơi gọi là "vùng biển Việt Nam”, để "bảo vệ ngư dân của mình ở biển Nam hải". Điều kỳ quái là, ngày triển khai Đội tuần tra cũng trùng hợp vào 25 tháng Giêng năm tới.
Mặc dù phía Việt Nam đề ra những hình thức tổ chức khác nhau, nguồn tin nêu lên cũng bất nhất, nhưng hạn kỳ thực hiện thì đều thống nhất ở cùng một thời điểm, điều đó không tránh khỏi làm người ta nghi ngờ rằng, đây là một sự phối hợp diễn xướng “trò tấu kèn đôi”của Chính phủ Việt Nam với PetroVietNam. Trước hết để giành được sự đồng tình của bên ngoài trên tư thế “kẻ bị bắt nạt”, Chính phủ Việt Nam thừa cơ đề xuất một số những cái gọi bằng biện pháp "bảo vệ", sau đó đương sự [tàu thuyền của PetroVietNam] mới tái xuất hiện để gạn lọc [tìm dầu], cốt không bỏ rơi bất kỳ "chút bổng lộc nào", thật đáng gọi là “dụng tâm quá vất vả" vậy.
Nguồn: v.china.com.cn
No comments:
Post a Comment