World Politic Review - Bản Việt Ngữ của Đàn Chim Việt
Hôm tháng Sáu, Việt Nam yêu cầu Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam với mục đích nâng cao khả năng quân sự của Việt Nam. Giáo sư danh dự của trường Đại học New South Wales, thuộc Học viện Phòng thủ Úc ông Carlyle A. Thayer đã thảo luận vê việc hiện đại hoá quân đội Việt Nam – qua điện thư - như sau.
WPR: Khả năng cũng như quân số của quân đội Việt Nam hiện nay như thế nào? Và những khoảng cách lớn nào mà họ muốn thâu ngắn lại?
Carlyle A. Thayer: Quân đội Nhân dân Việt Nam có tổng cộng 482.000 lính, bao gồm 412.000 lính lục quân, 40.000 lính hải quân và 30.000 lính không quân. Quân đội cũng bao gồm 40.000 Bộ đội Biên phòng và một lực lượng trừ bị khoảng chừng 5 triệu người.
Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện vẫn là một quân đội được đánh giá là tốt dựa trên một chuẩn mực bốn cấp (yếu, trung bình, tốt và rất tốt) trong khả năng phòng thủ chiến địa, trung bình trong khả năng nắm giữ chiến địa và cũng trung bình trong khả năng tiến hành vai trò bảo an. Nỗ lực hiện đại hoá của QĐNDVN không chắc là sẽ thay đổi những sự đánh giá này trong năm 2015. QĐNDVN hiện bị đánh giá yếu trong lãnh vực tấn công mang tính chiến lược; vì thế, người ta nghĩ sự hiện đại hoá quân sự hiện nay của Việt Nam sẽ gia tăng khả năng này lên mức trung bình trong năm 2015.
Việt Nam hiện đang tìm cách hiện đại hoá lực lượng hải và không quân cùng lúc phát triển khả năng tiến hành hành quân hỗn hợp trên mặt biển.
WPR: Ai là những đối tác quốc phòng chính và là người cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam hiện nay?
Carlyle A. Thayer: Nga hiện là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam. Trong mấy năm vừa qua, Việt Nam đã mua hai hệ thống hỏa tiển phòng không S-300PMU-1, hai dàn hỏa tiển Bastion phòng thủ vùng biển, 20 chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2, sáu chiếc tàu tuần tra loại Svetlyak, hai chiếc khu trục hạm loại nhỏ loại Gepard có gắn hệ thống hỏa tiển và nhiều loại hỏa tiển chống tàu thủy từ Nga. Việt Nam đang chờ để nhận giao sáu chiếc tàu ngầm loại Kilo bắt đầu vào năm 2014 tới.
Ukraine, Ấn Độ, Do Thái và Cộng hoà Czech là những nước cung cấp vũ khí chính đứng thứ nhì sau Nga. Trong một trường hợp đặc biệt, Việt Nam đang mua bốn chiếc tàu hộ tống loại nhỏ từ Hoà Lan.
WPR: Có khả năng Hoa Kỳ sẽ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, và điều gì sẽ là tác động tức thì xảy ra ngay sau đó??
Carlyle A. Thayer: Năm 2007, chính quyền ông George W. Bush sửa đổi luật ITAR (International Trafficking in Arms Regulations) để cho phép bán vũ khí không sát thương cho Việt Nam trên căn bản xét theo từng trường hợp. Có những hạn chế dành cho những vũ khí hay dụng cụ có thể bị công an hay quân đội dùng để đàn áp đám đông. Tất cả những vũ khí sát thương và phục vụ cho quân đội vẫn bị cấm. Chính quyền ông Obama đã nói rõ với Việt Nam là tình trạng nhân quyền ở Việt Nam bị vi phạm thô bạo là một yếu tố trở ngại chính. Hôm tháng Một năm nay, khi hai thượng nghị sĩ Hoa Kỳ ông John McCain và ông Joseph Lieberman viếng thăm Hà Nội, hai ông này được trao cho một “danh sách những thiết bị quân sự mà Hà Nội mong muốn”. Hai ông nói rõ ở một cuộc họp báo là hai ông sẽ chống việc bỏ lệnh bán vũ khí cho Việt Nam cho đến lúc Việt Nam cải thiện tình trạng tôn trọng nhân quyền. Khi ông Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta viếng thăm Hà Nội hôm tháng Sáu 2012 này, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam ông Phùng Quang Thanh đã yêu cầu Hoa Kỳ bỏ tất cả những hạn chế trong ITAR. Ông Panetta cũng lập lại điều trên – nghĩa là Việt Nam phải cải thiện hồ sơ nhân quyền trước.
Nếu lệnh cấm vận được bỏ, Việt Nam rất có thể sẽ mua hệ thống ra-đa theo dõi vùng biển, hoả tiển phòng không và máy bay tuần tra vùng biển và thêm vào đó là cơ phận và đồ phụ tùng cho máy móc, dụng cụ Việt Nam thu được sau khi chiến tranh chấm dứt.
Nguồn: DVC online
* Tựa bài do BBT X Cafe đặt
No comments:
Post a Comment