Monday, February 4, 2013

Marx đã đúng: Chủ nghĩa tư bản đang giãy chết!



Đôi lời: Như đã từng trình bày trong tham luận “Đặc khu Thông tin” tại Hội thảo “Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí” và bài “Phản phản biện”, với ý tưởng muốn tìm cách giúp cho các cơ quan tuyên truyền của đảng, chính quyền mở lối thoát, tranh luận một cách sòng phẳng, bớt đi lối quy chụp, một chiều với những phản biện của người dân, chúng tôi mạo muội thử đặt mình vào vị thế của “người nhà nước” để bảo vệ cho những luận điểm của họ, qua các bài viết đề cập tới nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Đương nhiên, trong mỗi bài đều có ít nhiều quan điểm riêng của người viết, được lồng trong những vấn đề mà chính quyền cần có cách đối thoại với dân.
Do chưa mở thêm một blog riêng như đã nói, nên những bài ở dạng này sẽ được chúng tôi lần lượt đăng tải trên trang Ba Sàm. Hy vọng còn có các bài viết khác của “người nhà nước” hoặc “đóng vai”, cùng những tranh luận, ý kiến đóng góp của độc giả.
 Marx đã đúng: Chủ nghĩa tư bản đang giãy chết!
Có điều, cái “đúng” của ông chỉ là may rủi.
Ba Sàm
Trong suốt hơn 20 năm qua, kể từ khi hệ thống XHCN sụp đổ hàng loạt ở Liên Xô và các nước Đông Âu, những lý luận gia ủng hộ nhiệt thành cho chủ thuyết cộng sản của Marx đã dần dần phải hạ giọng, chỉ còn luẩn quẩn với vài ba lời tự an ủi, rằng thoái trào chỉ có tính tạm thời. Họ lại càng lúng túng hơn khi các quốc gia cộng sản còn lại như Trung Quốc, Việt Nam cũng đã phải chuyển đổi sang mô hình kinh tế thị trường TBCN, kể cả Cuba quá quẫn bách đã phải thử nghiệm theo với vài bước dò dẫm ban đầu.
Thực ra, nhìn vẻ bên ngoài CNTB hiện đang thắng thế trên toàn cầu, nhưng trong bản chất sâu xa, nó không những đang giãy chết, mà còn kéo theo cả nhân loại lao nhanh vào con đường tuyệt diệt, hay nói đúng hơn là tự sát.*
Từ buổi ban đầu cách đây cả nửa Thiên niên kỷ cho tới nay, CNTB luôn chứng tỏ sức mạnh vượt trội bằng giải phóng trí tuệ và sức lao động con người, khuyến khích quyền tự do cá nhân, phát triển khoa học công nghệ, mở rộng giao thương, xây dựng những mô hình nhà nước pháp quyền văn minh dân chủ. Từng con người được khích lệ ghanh đua tài năng, không ngừng chạy theo nhu cầu tiện nghi cao độ. Các nhà sản xuất, cơ sở kinh doanh thi đua, cạnh tranh khốc liệt để đáp ứng đòi hỏi tăng cao không ngừng của khách hàng. Các chính quyền dân cử đặt lên hàng đầu vấn đề tăng trưởng, nâng cao đời sống, phúc lợi xã hội trong khi gắng che đậy những mặt trái của cuộc chạy đua phát triển này. Giữa các quốc gia cũng là cạnh tranh, chiến tranh, giành giật ảnh hưởng dựa chủ yếu trên nền tảng phát triển kinh tế TBCN.
Tất cả những hiện thực trên đã làm cho loài người lao vào một cuộc tự hủy hoại nhanh chóng, bằng tàn phá môi trường, cạn kiệt tài nguyên, gây mất cân bằng nghiêm trọng sinh, lý, hóa học, nhân chủng học, … Một trái đất từ chỗ đa dạng sinh học, tài nguyên, chủng tộc trong hàng vạn, triệu năm, nhưng chỉ trong có mấy trăm năm nó đã ngày càng trở nên đơn nhất. Các dân tộc nhỏ bé biến mất dần hoặc bị đồng hóa, các giống loài động, thực vật tuyệt chủng không cách gì kìm hãm nổi; trong khi đó thì dân số tăng ngày càng nhanh, không thể kiểm soát. Trái đất đã trở nên hết sức chịu đựng!
Nguy hiểm hơn, khi hầu hết các nước nghèo nay cũng vào cuộc ghanh đua. Rồi hệ thống các nước XHCN ra đời, cố giành ưu thế vượt trội hơn mô hình TBCN. Từng bị nước giàu mạnh cướp phá nhân lực, vật lực, nay lạc hậu về công nghệ và quản lý, mô hình tổ chức nhà nước bất hợp lý, dân trí còn rất thấp, nhưng lại phải chạy theo những mô hình cóp nhặt từ các nước TBCN phát triển, trong khi hoàn toàn thiếu những yếu tố nền tảng cần thiết, các quốc gia đi sau này đã phải trả giá nhiều hơn gấp bội, trong đó nghiêm trọng nhất là môi trường và tài nguyên. Các chính phủ ở đó làm như không hiểu một điều đơn giản rằng, để có như ngày hôm nay, các nước TBCN phát triển đã qua hàng trăm năm tích lũy bằng vơ vét tài nguyên, sức lao động của họ – các nước nghèo; khởi đầu là cuộc cướp bóc vĩ đại châu Mỹ 500 năm trước, là tàn sát thổ dân, chiếm hữu nô lệ Phi châu. Còn nay, các nước kém phát triển chỉ có thể “cướp phá” từ chính người dân nghèo khó tăm tối và đất nước đã cạn kiệt của mình, trong lúc bất lực chịu cho hậu duệ của kẻ cướp ngày xưa, khôn ngoan hơn mình gấp bội, tiếp tục tước đoạt theo đủ các phương cách tinh vi.
Gần đây hơn, có thêm chủ nghĩa khủng bố, ít nhiều trong hoàn cảnh như chủ nghĩa cộng sản, đều “đẻ” ra từ đói nghèo mà các nước lớn giàu có và ích kỷ đưa lại. Những trợ giúp từ nước giàu đối với các nước nghèo chẳng là bao so với sự cướp bóc vô độ của cha ông họ để kiến tạo nên CNTB hùng mạnh. Để chiến thắng tuyệt đối những kẻ thù hèn yếu này, CNTB càng dấn sâu hơn vào cuộc chạy đua phát triển khoa học công nghệ, vũ khí hủy diệt hàng loạt, chỉ trong một thời gian ngắn đã làm cạn kiệt tài nguyên tích tụ từ hàng triệu  triệu năm, và truyền bá lối sống phương Tây, đặc biệt là văn hóa Mỹ, áp đảo các nền văn hóa khác. Những con người “Tây hóa” không ngớt đòi hỏi quyền tự do cá nhân, cuộc sống tiện nghi, ngốn ngấu đến cả những sinh vật hoang dã còn sót lại, gây sức ép buộc chính phủ nước mình muốn đứng vững phải có đường lối phát triển đất nước bằng mọi giá; nền tảng văn hóa, xã hội được xây dựng, tồn tại từ ngàn đời bị biến dạng theo mà mọi cố gắng níu giữ ngày càng trở nên vô vọng.
Ngay tại Mỹ, kẻ đầu têu cho cuộc chạy đua “hưởng lạc”, lực lượng có thể tạo nên đối trọng, ví như các đảng cánh tả, Xã hội từ lâu không còn chỗ đứng. Quyền lực dân chúng ngày càng lớn, chính phủ yếu đi, tồn tại bằng những lá phiếu và cổ phiếu của những cá thể nghiện cuộc sống tiện nghi, hưởng thụ, trong khi tự xoa dịu lương tâm bằng vài cử chỉ gia ơn cho những kẻ nghèo khốn. Hai đảng thay nhau cầm quyền thực ra chỉ như một. Bên cạnh đó, quyền lực của giới tư bản lại ngày càng lớn hơn nữa, quyết định mọi chính sách phát triển, vì lợi nhuận, bất chấp hậu quả môi trường, văn hóa, lối sống xã hội về lâu dài. Không như mâu thuẫn giữa người với người trong đấu tranh giai cấp, cơ sở cho đối kháng cộng sản – tư bản, mâu thuẫn đang bàn tới ở đây là giữa con người với môi trường sống, “kẻ” không có chính đảng nào đủ mạnh để bảo vệ.
Những nỗ lực cải thiện môi trường, cải tiến công nghệ xanh sạch, thậm chí mơ tới hành tinh khác, v.v.. chỉ như muối bỏ bể, luẩn quẩn, hoặc mang tính mị dân, tự dối mình. Các nước nghèo lép vế trước những nước giàu, không bao giờ ngóc đầu lên nổi, người dân bị giới chính trị, giới con buôn đạo đức giả lừa phỉnh; vài mô hình “rồng”, “cọp” nhất thời chỉ nuôi thêm ảo tưởng.
Tất cả các quốc gia không ai bảo được ai, tập hợp trong một tổ chức lỏng lẻo có tên là Liên hiệp quốc, khoanh tay trước hai gã khổng lồ đi đầu tận diệt tài nguyên, môi trường là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
*
Bây nhiêu đó có lẽ cũng đủ để thấy CNTB “đang giãy chết” thực sự, nhưng không phải theo lối mà Marx đã “tiên đoán”. Thứ “hủy hoại mang tính sáng tạo” của CNTB, mà người ta từng ca ngợi, ngày nay không còn đáng kể nữa, mà là những “sáng tạo mang tính hủy diệt”. Nó là kẻ đầu têu và dẫn dắt toàn nhân loại vào một lối sống nguy hiểm, chỉ biết có hôm nay, mà hy sinh thế hệ con cháu và sự sống dài lâu của muôn loài trên trái đất, không có cách gì ngăn cản nổi.
Nếu vậy thì liệu có lối thoát nào không? Xin được bàn tới trong một bài viết khác.

No comments:

Post a Comment