Kính gửi: Các thành viên khởi xướng và Ban biên tập trang Cùng viết Hiến pháp,
Hôm nay, tôi nhận được email của một người bạn giới thiệu về trang web do các Giáo sư có uy tín khởi xướng và biên tập, như GS Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Đăng Dung. Tôi rất vui.
Tuy nhiên, có thể do mới khởi xướng nên bài viết cũng chưa nhiều, nhưng những bài viết chỉ được đăng dưới lăng kính một chiều (bởi các bài hiện nay đăng trên Cùng viết Hiến pháp) chỉ là các bài viết trên các báo đã bị kiểm duyệt (Việt nam đứng vị trí 172/179 về tự do báo chí). Việc kiểm duyệt báo chí do Ban tuyên giáo trung ương Đảng, thì nói chung những bài viết này cũng chỉ nằm trong giới hạn ý chí của Đảng.
Hiến pháp là khế ước xã hội (social contract) do người dân lập nên. Vì vậy tôi hy vọng rằng, trang Cùng viết Hiến pháp sẽ đăng những bài viết có quan điểm khác nhau. Hiện nay, các bài như: Hai tử huyệt của chế độ (của GS Hoàng Xuân Phú), Dự thảo Hiến pháp do 72 nhân sỹ, trí thức khởi xướng (đến nay đã có gần 2000 người ký tên) đang được nhiều người ủng hộ.
Cùng viết Hiến pháp có “dám” đăng 2 bài viết đó không?
Xin mạo muội chia sẻ với các GS một điều là: Người sáng lập ra trang web tranh luận dân chủ phải khách quan, hay thoát khỏi sự “bám lề”, hay “sợ hãi” mới có thể đem đến không gian tranh luận dân chủ. Tôi rất ngưỡng mộ những người như Giáo sư Huệ Chi (trang web boxitvn.net), nhà văn Nguyễn Quang Lập (blog Quê Choa) hay TS Nguyễn Xuân Diện (blog xuandienhannom.blogspot.com)… bởi họ đã làm được điều đó.
Tôi từng biết GS Nguyễn Đăng Dung như một trong những người đầu ngành Luật Hiến pháp của Việt Nam. Nhưng dịp sửa Hiến pháp này tôi cũng chưa thấy giới Luật gia nói chung, hay GS nói riêng có những đóng góp mang tính đột phá (ví dụ như bài viết của GS Hoàng Xuân Phú), để người dân ủng hộ và dõi theo.
Là trí thức, theo tôi họ có nghĩa vụ tiên phong trong việc tìm ra con đường phát triển giúp những người không biết, và cho đến thời điểm này thì tôi đang thất vọng về điều đó ở nước ta.
Nhân tiện, tôi cũng muốn chia sẻ với trang Cùng viết Hiến pháp là trọng tâm nhất của lần sửa đổi Hiến pháp lần này là “Điều 4″.
Điều 4 mới là vấn đề của mọi vấn đề
Nguyễn Long Việt
Bởi việc quy định Điều 4, rõ ràng là những cuộc bầu cử dân chủ đều vô nghĩa. 14 người trong Bộ chính trị quyết định mọi chức danh, từ việc bao nhiêu ghế, ông nào trúng đại biểu quốc hội, ông nào làm thủ tướng… từ đó sinh ra độc tài, lạm quyền, tham nhũng…
Người có quyền chỉ “sợ trách nhiệm trước người giao quyền cho họ”, và việc nếu họ có được quyền lực không phải từ dân thông qua các cuộc bầu cử dân chủ thì họ cũng sẽ không chịu trách nhiệm trước dân, mà họ chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng (theo nghĩa hẹp hơn, trước những người lãnh đạo Đảng đã “cơ cấu” cho họ).
Việc không quy định Điều 4 là việc trước sau gì cũng phải làm, là xu thế chung của bất kì quốc gia dân chủ nào. Không quy định Điều 4, xây dựng chế độ chính trị đa đảng không phải là xóa bỏ sự hoạt động của Đảng Cộng sản VN, mà khi ấy những người có tài, có đức trong xã hội sẽ trở thành những lãnh đạo do dân chọn. Và đó cũng là con đường mà những người có tài, tâm trong Đảng ra tranh cử. Chứ không phải như việc có vị trí nhờ “cơ cấu” của Đảng thông qua “mối quan hệ, chạy chức chạy quyền” như hiện nay.
Nếu không xóa bỏ được Điều 4, mặc nhiên Đảng CS lãnh đạo thì những góp ý sửa đổi Hiến pháp chỉ như là thay chút nước sơn, chứ không phải là thay cái cột sống.
Chỉ khi đa đảng, mọi vấn đề mới được tháo gỡ, nền tảng đầu tiên để xây dựng nhà nước. Thông qua các cuộc cạnh tranh chính trị, người dân sẽ chọn những người, Đảng có chính sách tốt cho dân tộc, nhân dân. Các đảng phái đối lập tồn tại để phản biện lại các chính sách của đảng cầm quyền, và truyền tải tới người dân.
Hiện nay, những tiếng nói phản biện chỉ là đơn lẻ, không đủ sức mạnh để phản biện chính sách do vậy thường bị chính quyền sách nhiễu. Cái quan trọng nhất của phản biện là trong Nghị trường, quyết định tới việc thông qua chính sách. Chỉ khi đó, các quyền lợi của các đảng “chạm với quyền lợi của dân” mới được thông qua.
Bởi khi đó, nhân dân sẽ giám sát những cuộc phản biện minh bạch, và người Nghị sỹ sẽ phải chịu trách nhiệm với dân thông qua cơ chế giải trình.
Ở Việt Nam hiện nay, tuy có 3 hệ thống cơ quan quyền lực đại diện cho 3 nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng 3 quyền này lại tập trung trong tay Đảng, mà cao nhất là Bộ chính trị. Các lãnh đạo chủ chốt của 3 cơ quan đều là Đảng viên.
Người làm thẩm phán ở các quốc gia dân chủ không được tham gia đảng phái nào, thì ở Việt Nam, tuy không quy định trong văn bản luật nhưng trên thực tế họ thương là đảng viên. Và cơ chế thủ trưởng chế vẫn còn tồn tại thông qua cách thức bổ nhiệm thẩm phán. Như vậy, Đảng là người “vừa đá bóng, vừa cầm còi”.
Trong khi ở các nước dân chủ, thẩm phán có quyền ra lệnh trát bắt các chính trị gia nếu vi phạm pháp luật, thì ở Việt Nam, giả sử phát hiện ra một lãnh đạo sai phạm (lãnh đạo là Đảng viên), các cơ quan tư pháp bị tước mất quyền tiến hành các thủ tục tố tụng áp dụng đối với những người khác, mà thay vào đó là việc Đảng tiến hành các quy trình riêng của mình (như họp để kỷ luật…), từ đó sẽ sinh ra bao che.
Ngoài ra, khi có ý kiến của Đảng thì các cơ quan tư pháp (Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án) họp “liên ngành” để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng. Nếu lãnh đạo Đảng cho phép tiến hành tố tụng, hay đưa ra phương hướng xử lý thì các cơ quan này sẽ phải theo. Và phiên tòa chỉ như những “vở kịch”.
Cái khó cho Việt Nam?
Nhiều người cứ nhầm tưởng hoặc “xuyên tạc” rằng Singapore cũng giống Việt Nam, một Đảng lãnh đạo.
Ở Singapore, Đảng Nhân dân hành động (People’s Action Party) được quyền lãnh đạo nhờ nhân dân bầu ra từ cuộc bầu cử dân chủ (chiến thắng trong các nhiệm kỳ, từ 1963 nhờ các chính sách) chứ không phải là do Đảng, hay Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị quyết định như ở Việt Nam. Cũng giống như trong gia đình đông con, thằng A được quyền quản lý gia đình bởi nó tài năng, chính sách tốt, vì lợi ích chung, chứ không phải là nhà có con một như Việt Nam.
Ở Việt Nam, thành quả cách mạng có được cũng nhờ đa đảng (Việt Nam đa đảng đến năm 1988), cho đến khi đó, những người lãnh đạo luôn theo đuổi, hy sinh cho lý tưởng (mặc dù có không ít sai lầm), chỉ đến khi Lê Duẩn chèn ép, và sau này Nguyễn Văn Linh dẹp bỏ đa đảng thì chế độ một Đảng mới sinh ra độc tài, tham nhũng, lạm quyền. Cũng như, trong thời kỳ đó, do hoàn cảnh chiến tranh nên mặc dù đa đảng, nhưng vẫn chưa có dân chủ thực sự.
Và cái quan trọng nhất của chế độ đa đảng là thẩm phán độc lập, không theo đảng phái nào. Một khi, kể cả Lý Hiển Long phạm tội, tòa District cũng có thể ra trát bắt. Một điều khác biệt với VN, quan tòa là đảng viên, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Theo tôi, đa đảng là vấn đề mấu chốt, quyết định sự lớn mạnh của quốc gia, chống lại độc tài. Đa đảng là điều kiện cần.
Một khi, chưa xuất hiện đa đảng thì sẽ không có Aung San Suu Kyi, cũng khó xuất hiện Thein Sen như ở Myanmar để tiến tới dân chủ. Bà Aung nếu ở VN, chỉ có thể là những cá nhân phản biện nhỏ lẻ như Luật sư Lê Quốc Quân hay blogger Huỳnh Thục Vy mà thôi. Mọi phản biện từ cá nhân nhỏ lẻ đều bị dập từ trứng nước.
Nguyễn Long Việt, PHD Candidate, Harvard Law School
Nguồn: Basam
--------------------------------
Cùng ngày, trang Cùng viết Hiến Pháp đã gỡ bài này xuống, khiến tác gỉa Nguyễn Long Việt phải gửi các giáo sư chủ trì trang bức thư ngỏ sau:
NGUYỄN LONG VIỆT (TÁC GIẢ) ĐÃ NÓI
Kính gửi: GS Châu, GS Sơn và cộng sự
Tôi vừa nhân được tin là 2 bài viết của tôi (“Điều 4 là vấn đề của mọi vấn đề” và “Có dám đăng không?”) đã bị tháo gỡ xuống trên trang Cùng viết Hiến pháp. Tôi không biết được vì nguyên nhân gì?
Tôi vừa nhân được tin là 2 bài viết của tôi (“Điều 4 là vấn đề của mọi vấn đề” và “Có dám đăng không?”) đã bị tháo gỡ xuống trên trang Cùng viết Hiến pháp. Tôi không biết được vì nguyên nhân gì?
“Cùng viết Hiến pháp ra đời nhằm tạo thêm một không gian đối thoại cho tất cả những người quan tâm đến việc sửa đổi Hiến pháp, để họ có thể cùng thảo luận về chủ đề này một cách nghiêm túc và dân chủ.”
Tôi sẵn sàng tranh luận với bất kỳ ai về bài viết của tôi. Tôi cũng không mạt sát, nói năng thô tục trong bài viết. Có thể, bởi vì tôi không muốn viết những lời hoa mỹ trong bài viết, bởi tôi muốn viết ý kiến như những người dân bình thường. (Tôi cố gắng viết, sử dụng từ ngữ như cách nói trên thực tế của người dân, chứ không sử dụng những lời từ các hội nghị).
Xây dựng Hiến pháp là quyền của bất kỳ người dân nào, nên dù là ý kiến như: “tui thấy các ổng lãnh đạo kiểu chi mà dân tui phải đi làm thuê cho các nước láng giềng. Mấy ông quan chức thì lương có 5, 7 triệu mà nhà lầu, biệt thự, con cái đi du học. Con tui đi ra các nước, không thấy nước mô đưa bộ đội, công an cưỡng chế nhà dân. Bầu cử kiểu chi mà, trước bầu cử ai cũng biết là trúng rồi…”
Đó cũng là một ý kiến góp ý, và cũng có quyền bình đẳng như các ý kiến khác (miễn là không văng tục, không vu khống cho người khác). Còn góp ý mang tính xây dựng ư? Đó lại là thiên kiến qua một cái lọc (filter), như vậy đâu có phải là tranh luận dân chủ.
Tôi là người học luật, tính tình thẳng thắn, có sao nói vậy. Tôi có linh cảm một điều là, GS Châu, GS Sơn đang “bị lợi dụng”. Bị lợi dụng tên tuổi. Thứ nhất, việc trang “Cùng viết Hiến pháp” được sáng lập, có lẽ là chủ đích của “một số người nào đó” nhằm (1) đánh lạc hướng dư luận không quan tâm tới bản Dự thảo Hiến pháp do 72 nhân sĩ, trí thức đăng trên Boxitvn.net, mà quan tâm đến Cùng viết Hiến pháp đã qua kiểm duyệt (censorship); (2) các GS Châu, GS Sơn không quan tâm đến bản Dự thảo này, hay nói cách khác là không ký tên vào.
Bởi nếu 2 GS ký tên vào, sức lan tỏa rất lớn, đặc biệt là thế hệ trẻ những người luôn coi các GS như đỉnh cao trí tuệ Việt.
Tại sao lại bàn kiểm duyệt (censorship) ở đây? Bởi những người cộng sự của Giáo sư chưa thoát được sự “bám lề”, hay “sợ hãi”. Họ chỉ dám đóng góp “chút nước sơn” có chừng mực bởi họ còn “sợ” bị ảnh hưởng (con cái bị trù dập, gia đình bị sách nhiễu…). Nhưng cái đó không quan trọng lắm, cái lọc (filter) quan trọng hơn nữa là giới hạn kiến thức.
Tôi đã từng bảo là GS Dung được đánh giá là GS đầu ngành luật Hiến pháp Việt Nam, nhưng giới hạn của những bài viết của GS cũng chỉ trong khoảng của Hiến pháp Liên xô cũ chứ không phải là Hiến pháp các nước tiên tiến, dân chủ (Cũng giống như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là GS Triết học Mác – Lê nin chứ không phải là GS triết học nói chung). Tôi có tham khảo qua về mấy bài viết về Hiến pháp Mỹ, hay tam quyền phân lập của GS nhưng tôi thấy GS cũng chưa thực sự mang đến những giá trị đó. Có lẽ vì hạn chế về tiếng Anh, nên GS không thể hiểu 100% nội dung của từng câu chữ, mà GS chỉ viện dẫn các sách đã dịch qua một filter khác. Với lại, GS cũng là đảng viên, cũng là thành viên của Mặt trận Tổ quốc VN nên GS cũng phải bị đè trên mình nhiều áp lực. Ngoài ra, trong số Ban biên tập hay khởi xướng cũng không ít người là Đảng viên trung thành.
Do vậy, những bài viết như của tôi chẳng hạn, kêu gọi không quy định Điều 4 để người dân Việt Nam có được quyền bầu cử như các nước láng giềng, dân chủ trên thế giới, lại qua một cái filter như thế thì tôi nghĩ, bị tháo xuống là đúng thôi.
Nhân tiện đây, tôi cũng không trách các vị trong Ban biên tập bởi ở Mỹ có câu ngạn ngữ rất hay: “We can’t teach an old dog new tricks”.
Nhân tiện đây, tôi cũng không trách các vị trong Ban biên tập bởi ở Mỹ có câu ngạn ngữ rất hay: “We can’t teach an old dog new tricks”.
Nếu việc sửa đổi Hiến pháp lần này vẫn tiếp tục quy định Điều 4 thì đó là một sự thất bại, đành phải chờ thế hệ trẻ. Và điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta bỏ lỡ một cơ hội chuyển đổi từ độc tài (độc đảng sinh ra độc tài) sang dân chủ (dân chủ đa đảng luôn đi kèm với nhau, chứ không bao giờ có dân chủ một đảng). Và tôi cũng lo rằng không chuyển giao trong hòa bình thì sẽ phải chuyển giao trong bạo lực. Tôi không muốn điều đó xảy ra, nhưng đó là một tất yếu.
Tôi cũng xin có một kiến nghị nữa là: Một khi trang Cùng viết Hiến pháp thành lập, thì trang cũng nên hồi âm người gửi bài (trả lời…) như một dạng của trách nhiệm giải trình (accountability), không nên như cách các cơ quan hành chính Việt Nam. Người dân hỏi, không biết bao giờ trả lời. Và GS Châu cũng thấy được điều đó khi GS ký kiến nghị trả tự do cho Phương Uyên rồi. Tiện đây, tôi cũng nói thêm một chút là: Ở Việt Nam, tôi đố người nào ra đường mặc áo có dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” mà không bị chính quyền sách nhiễu. Tôi là người làm việc trong “phòng kính” nhưng cuộc sống luôn theo sát với người dân nên tôi biết điều đó.
Xin chân thành cảm ơn Quý vị,
Nguyễn Long Việt
Nguyễn Long Việt
http://www.x-cafevn.org/node/4404
No comments:
Post a Comment