Nguyễn văn Khanh - “Denver bây giờ khác lắm rồi”, anh Vũ Hùng vừa lái xe vừa nói. Bốn năm trước đây cũng anh bạn trẻ này đón tôi ở phi trưởng, sau đó 2 anh em cùng nhau quan sát những biến chuyển của Đại Hội Đảng Dân Chủ 2008. Lần này cũng vẫn anh, dáng người vẫn trẻ dù hơi mập hơn 4 năm trước, đón tôi và sẽ cùng tôi ngồi trong thính đường của đại học Denver để nghe ông Barack Obama và ông Mitt Romeny tranh luận lần đầu tiên.
Khác biệt ở chỗ nào, tôi hỏi thật nhanh. “Bốn năm trước đây nước Mỹ có ứng viên Barack Obama, bây giờ chúng ta có Tổng Thống Obama. Giả sử Tổng Thống Obama ra tranh cử với ứng viên Obama mà chúng ta đã được gặp 4 năm trước đây thì ông Tổng Thống thua là cái chắc. Khác biệt thứ nhì là 4 năm trước khi em đón anh, tỷ lệ người Hispanic sinh sống trong thành phố và những vùng phụ cận chỉ có 14%, bây giờ đã lên tới 21%. Khác biệt thứ ba là 4 năm trước đây đa số dân chúng Denver náo nức đi bầu, bỏ phiếu cho ông Obama, bây giờ rõ ràng náo nức đó không còn nữa”.
Những khác biệt đó không chỉ có ở Denver, mà phải nói là trên toàn nước Mỹ.
“Bốn năm trước đây tôi kêu gọi bạn bè ủng hộ ông Obama, tối bầu cử còn tổ chức party để mừng chiến thắng, nhưng hôm nay tôi không dám bảo họ tiếp tục ủng hộ ông Obama nữa”, cô Liz Henderson làm việc cho một hãng bảo hiểm ở thủ đô kể chuyện. “Tôi ủng hộ ông Obama vì tôi tin ông sẽ thay đổi được nền kinh tế khó khăn của quốc gia, tôi nghĩ ông đã làm được phần nào điều ông hứa, nhưng mấy đứa bạn của tôi không nghĩ như thế, họ gọi ổng là thằng cha hứa cuội”, cô vừa cười vừa nói.
“Không chỉ mình ông Obama hứa hẹn đâu”, anh sinh viên Joe Saluzzi đang học năm cuối cùng ban cử nhân của đại học George Mason thuộc tiểu bang Virginia chia sẻ cảm nghĩ của mình, “tôi nghĩ rằng dường như làm chính trị là phải biết hứa cái đã, làm được hay không thì tính sau”. Anh kể tiếp “4 năm trước đây tôi đi bỏ phiếu lần đầu tiên, háo hức cùng bạn bè ủng hộ ông Obama vì ông hứa sẽ tạo thêm việc làm cho nước Mỹ, giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp. Kết quả là ông ta đắc cử vẻ vang, nhưng khi thấy nhiều sinh viên ra trường năm ngoái và năm trước đó đến giờ vẫn không có việc làm thì chính tôi cũng phải âu lo, không biết mùa hè năm tới đến phiên mình liệu có kiếm được việc hay không”.
Như vậy chắc anh bạn sẽ bỏ phiếu cho ông Romney? “Thật tình tôi cũng chưa biết mình sẽ bỏ phiếu cho ai”. Nên nhớ ông Romney có hứa sẽ tạo được 12 triệu việc làm trong 4 năm đầu tiên, tôi góp chuyện. “Nhưng tôi chưa nghe ông nói chi tiết sẽ làm gì để tạo được con số đó. Đến giờ ông ta cũng chỉ hứa, tôi sợ rồi cũng chẳng khác gì ông Obama đã hứa 4 năm trước đây”, anh Joe trả lời.
Hai tập thể gặp trở ngại nhất trong 4 năm vừa qua “là tập thể người da màu và tập thể Hispanic”, theo trình bày của ông Jose Martinez, một thành viên của Ban Đại Diện Cộng Đồng Thiểu Số Denver. “Tôi nghe những người bạn da màu nói là từ ngày lên làm tổng thống đến giờ, ông Obama bỏ rơi họ và ông ta cũng bỏ rơi cả chúng tôi nữa”.
Sao hai tập thể từng góp phần đưa ông Obama vào Tòa Bạch Ốc lại có ý nghĩ lạ lùng như thế? “Trong 4 năm qua, tỷ lệ người da màu và người Hispanic thất nghiệp cao nhất nước, từ ngày làm Tổng Thống đến giờ ông Obama chỉ ghé thăm cộng đồng da đen có một vài lần, ngay cả buổi gặp gỡ với các vị dân cử da đen đang làm việc ở D.C. cũng liên tục bị hủy bỏ”. Còn với cộng đồng Hispanic thì sao? “Ông ta hứa với chúng tôi là sẽ sửa đổi luật di trú nhưng không thấy làm gì cả, mãi đến hồi đầu năm nay mới ký sắc lịnh cho một thiểu số người đi theo cha mẹ trốn vào Mỹ từ lúc còn bé được quyền đi làm”.
Nhưng điều đó “không có nghĩa là chúng tôi sẽ quay sang ủng hộ ông Romney đâu”, ông Martinez nhanh miệng nói ngay trước khi tôi kịp đặt câu hỏi, nhắc lại kết quả cuộc thăm dò của đài CNN thực hiện cho thấy hơn 70% cử tri Hispanic nói sẽ bỏ phiếu cho ông Obama, chỉ có 26% ủng hộ ông Romney.
Tại sao không hài lòng với ông Obama nhưng lại không muốn ủng hộ ông Romney? “Ông Romney có nói là sẽ chấp thuận một số điều kiện để giải quyết phần nào số phận của cả triệu người đang cư trú bất hợp pháp ở Mỹ, nhưng ông ta lại lên tiếng chê bai thành phần nghèo là không lo tự lập, sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ, khiến chúng tôi lo âu không hiểu nếu ông Romney lên lãnh đạo quốc gia thì liệu ông có cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội hay không”.
Vừa nói, ông bạn gốc Nicaragua vừa đưa tay lên trời, than thở “các cộng đồng thiểu số không sống nhờ trợ cấp của chính phủ thì làm sao có cơ hội để vươn lên?” và kết thúc câu chuyện bằng lời than thở “chúng tôi bỏ phiếu cho ông Obama chưa hẳn vì ủng hộ ông ta, mà chỉ vì sợ ông Romney thay đổi chính sách y tế và xã hội”.
No comments:
Post a Comment