Thuỳ Linh - Tuần xa nhà tự nói với mình, sẽ không internet, không chính trị, không những chuyện bực mình, không blog, không email…Không gì hết. Chỉ mình với thiên nhiên, với biển và trời mây. Men dọc biển Đông vào Huế. Sông và biển miền trung tuyệt đẹp. Cả trời mây cũng vậy nữa. Trời xanh mây trắng như vùng Địa Trung Hải dịu dàng.
Giữ mình được 3 hôm như vậy. Tới một ngày, bật Ipad lên, bỗng những bức ảnh đầu tiên là những người nông dân Văn Giang bị đánh te tua, máu tràn đỏ cả trang facebook đập vào mắt. Vậy là không còn bình yên nữa rồi. Trước đó là những giáo dân Con Cuông (Nghệ An) cũng bị gậy gộc phang vào đầu, vào người. Nhìn ra Biển Đông mờ mịt tít tắp, chợt thấy người dân dường như đang bị đẩy kẹp chặt giữa hai kẻ thù, một là từ bên ngoài, và bên kia là chính đồng bào mình. Nghiệp chướng gì mà dân đen như đang gánh chịu hai thứ nhục hình đau đớn đến vậy? Thứ nhục hình này đâu chỉ tra tấn đau đớn về thể xác? Nó còn quất tàn bạo vào tâm hồn, tình cảm con người…
1. Hội nghị Bộ trưởng Asean coi như đã thất bại. Một tập thể các nước khối Asean không chiến thắng được một gã khổng lồ tham lam, thủ đoạn, bất chấp lẽ phải, dùng tiền để chi phối cả luật pháp quốc tế. Trung Quốc hí hửng coi như đó là thắng lợi của họ, ca ngợi một Asean phân hóa, mệt mỏi, tứ tán, tuyệt vọng…Tập hợp các nước Asean dài cổ trông chờ cái gật đầu của Trung Quốc để ra được bộ luật ứng xử biển Đông. Chờ đến bao giờ tên kẻ cướp đồng ý để người khác đề ra bộ luật xử lý trò ăn cướp của hắn? Trong lúc đó tàu đánh cá Trung quốc đã tràn ngập biển Đông, cùng với tàu Ngư giám, tàu quân đội trang bị đầu đủ súng ống của họ…
Ngư dân Việt mỗi lần ra biển như đi đánh trận: hoặc sống sót trở về với thành quả lao động, hoặc bị bắt, đánh đập, giam giữ… Còn cách nữa mà kẻ cướp thường áp dụng hiện nay là chờ tàu đánh cá của Việt Nam đánh bắt hải sản được đầy tàu thì chúng mới ra tay: cướp toàn bộ hải sản, lấy bớt xăng dầu, nước ngọt, để lại vừa đủ cho con tàu di chuyển đến nhà. Ngư dân trắng tay. Đói và nghèo. Đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn. Chờ bao nhiêu kiếp nữa để có được bộ luật ứng xử Biển Đông? Chờ bao lâu nữa để Đảng và Nhà nước lo cho họ có miếng ăn nhờ những chuyến ra khơi? Chờ bao lâu nữa để người dân không còn bị kẻ thù làm nhục mỗi khi lướt sóng ra Biển Đông? Ngậm ngùi cho vùng quê biển Hải Hoà nghèo mình đã ghé qua. Dân không có tiền đánh bắt xa bờ và để an toàn nên chỉ loanh quanh kéo lưới ven biển với mấy con cá, tôm, của nhỏ đem về chia nhau sống qua kiếp người. Cúi đầu lầm lũi mãi thế chăng? Cúi đầu để kẻ cướp làm nhục mãi thế chăng?
Kéo lưới chiều về (Hải Hoà - Thanh Hoá)
Chợ cá nhỏ lúc bình minh trên bãi biển (Hải Hoà)
Đứng trước biển khi bình minh (Hải Hoà)
Bắt đầu kéo lưới khi bình minh
2. Ông chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo quyết tâm dẹp những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển Đông bằng kết luận “tụ tập gây mất trật tự công cộng” của những người tham gia. Không lẽ những cuộc họp của Hội đồng nhân dân Hà Hội dừng lại trình độ “ném đá” vào người dân? Lẽ thế mà Hà Nội chậm phát triển và bát nháo… Dân gian cười nhạt: “Thì Thôi Hà Nội là Thế Thôi mà” (Thế Thảo). Ông ta tự đeo mặt nạ khi nói về lòng yêu nước và cũng muốn mọi người đeo mặt nạ khi bày tỏ tâm tư của họ về chủ quyền quốc gia. Cơn cớ gì mà những người dân khiếu kiện lại không được phép bày tỏ quan điểm của họ về biển Đông? Tại sao khi họ xuất hiện ở các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn có nghĩa là họ chống đối chính quyền? Mà nếu đúng có chuyện họ chống đối thì vì sao? Không dưng người dân nghèo bỏ việc, bỏ nhà đi khiếu kiện chống đối chính quyền? Ông ta và chính quyền Hà Nội đã đánh tráo khái niệm để qui kết người dân biểu tình, khiếu kiện về tội “gây rối trật tự” vốn xưa nay nhiều nơi vẫn thường hành xử. Người dân vừa bị thua thiệt mọi đường sống vừa bị làm nhục cả về thể xác, danh dự, nhân phẩm.
Lính Trung Quốc đàn áp một vị sư Tây Tạng (Ảnh internet)
3. Những người dân như Văn Giang đấu tranh giành lại đất đai của mình thì bị xã hội đen đánh đập ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Đánh cho đi nằm viện thì thôi. Chợt nhớ “võ” xã hội đen, thương binh đến hăm doạ, gây sự, đánh đập những người có “vấn đề” với chính quyền lâu nay vẫn thường được sử dụng. Không lẽ người Việt mình quen sử dụng lối võ biền, bẩn thỉu, hạ tiện để giải quyết “mâu thuẫn nội bộ”, “mâu thuẫn nhân dân” trong vô vàn những “mâu thuẫn giai cấp”? Vậy ai gây rối? Ai thích làm mất trật tự? Liệu vụ “tàn sát” dân Văn Giang có bị chìm xuồng như các vụ án “nhạy cảm” từ trước tới nay? Liệu kẻ làm nhục người dân nghèo mất đất có buộc phải đứng trước vành móng ngựa? Liệu sau này những người dân Văn Giang đã bị đổ máu vì đất đai của họ kéo ra Hà Nội khiếu kiện vì những bất công họ phải gánh chịu có bị kết tội “gây rối trật tự công cộng”? Liệu họ có được đứng trong hàng ngũ những người đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược hay phải đeo mặt nạ khác để không bị kết tội “lợi dụng lòng yêu nước” để chống chính quyền? Liệu khi đất nước lâm nguy, nhà nước vì dân, do dân và của dân có dám ngẩng đầu nhìn vào mắt họ để kêu gọi con em họ lên đường cứu nước?
4. Chợt nhớ câu chuỵên được nghe kể ở Huế: Người cha mù của cô bé nhà nghèo đi họp phụ huynh khi nghe phổ biến việc đóng góp xây dựng tượng đài Nguyễn Văn Trỗi bèn đứng lên hỏi cô giáo: Thưa cô, cho tôi hỏi, tượng đài Nguyễn Văn Trỗi dựng ở đâu ạ? Cô giáo: Tôi cũng không biết nữa? Người cha: Cô giáo còn không biết thì sao lại kêu gọi học sinh đóng tiền ạ? Cô giáo: Tôi cũng phải đóng góp 60.000 đồng mà còn chưa kêu, mới đóng có 8000 đồng mà anh kêu nỗi gì? Người cha: Anh Nguyễn ăn Trỗi quê Quảng Nam sao Quảng Nam không dựng tượng anh ở bên đó mà lại xây ở Huế? Cô giáo: Chưa biết xây tượng ở đâu, cứ đóng tiền đã…Người cha mù về nhà kể chuyện với vợ. Họ lên mạng tìm hiểu thì biết đây là ý định của Bộ Giáo dục về việc xây tượng đài anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Để lập thành tích nên Sở Giáo dục thành phố Huế nhanh tay, nhanh mắt bắt tất cả học sinh đóng 8000 đồng, đoàn viên thanh niên là 15.000 đồng, giáo viên 60.000 đồng để góp xây tượng đài. Gia đình cô học trò nghèo có 3 con đang đi học, cô chị lớn là đoàn viên, cha bị mù ở nhà, một mình mẹ đi làm nuôi gia đình. Để góp xây tượng đài Nguyễn Văn Trỗi thì các em phải đóng 31.000 đồng. Liệu các nhà quản lý có hiểu 31.000 đồng của nhà nghèo là thế nào với cuộc sống của họ không? Đến giờ tượng đài vẫn chỉ trên giấy tờ, nhưng tất cả học sinh đã nộp xong số tiền như sở giáo dục qui định. Ai quản lý số tiền đó thì trời biết? Họ làm gì với số tiền đó cũng trời biết? Nhưng chuyện chưa hết…Hôm sau cô bé học lớp 4 là con út trong nhà bị cô giáo gọi lên trước lớp để nghe cô kể lại “tội trạng” của cha em đã phản ứng việc quyên góp tiền. Cô giáo còn kể lể, cha em là người khiếm thị được hưởng sự ưu ái của xã hội, vậy mà đóng góp 8000 đồng đã phản đối là không tốt… Cô bé nức nở, bỏ chạy về nhà trách móc cha đã làm cô bé khốn khổ trước bạn bè. Cả ngày hôm đó cô bé tấm tức khóc sưng mắt, bỏ học, bỏ ăn. Cô bé đã bị cô giáo làm nhục, làm đau tâm hồn chỉ vì 8000 đồng? Còn lớn hơn thế: cô bé nhà nghèo đã bị xã hội cố tình hủy hoại tâm hồn, nhân cách ở lứa tuổi chưa kịp lớn. Nếu sau này lớn lên, cô bé có đạo thành người tử tế thì chắc chắn không phải nhờ “mái trường XHCN” kiểu thế này… Còn trên đường đời vấp ngã mà không đứng dậy được thì liệu những học trò bị làm nhục ngay từ lứa tuổi chớm lớn có mang theo cách hành xử như vậy vào đời?
Một xã hội quen với lối ứng xử dùng nhục hình, quen với đánh mất nhân phẩm, quen với sự sỉ nhục người khác và trơ lỳ hứng chịu sự sỉ nhục thì đương nhiên sản sinh ra diện mạo xã hội Việt Nam hôm nay…
T. L.
Nguồn: buudoan.com
No comments:
Post a Comment