Lê Thăng Long "...mọi sự xâm phạm các quyền con người, từ quyền được sống đến quyền tự do, quyền được an toàn phải được ngăn chặn hiệu quả và phải bị trừng phạt nghiêm khắc nhất..."
Thưa quốc dân đồng bào,
Cách đây hơn 100 năm phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân đã ra đời và được nhân dân ta hưởng ứng nhiệt thành. Nếu như chính quyền cai trị của Pháp lúc đó không đàn áp thành công các phong trào yêu nước này thì giờ đây tinh thần "Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh" đã đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển không thua kém gì Nhật Bản và các nước thuộc thế giới thứ nhất khác.
Tiếp con đường Duy Tân
Tinh thần đó, nói một cách hiện đại chính là "Hiểu biết để tự tin để làm giàu cuộc sống" cho mình và mọi người. Phong trào Con đường Việt Nam xin được tiếp nối tinh thần này, tiếp quản sự nghiệp của tiền nhân, tiếp nhận hồn thiêng sông núi để tiếp tục một con đường đúng đắn mà dân tộc ta đã chưa đi đến đích. Chặng đường dở dang còn nhiều khó khăn nhưng chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua nó chỉ cần một hành trang: tự tin sử dụng quyền con người của mình.
Dưới chính quyền thực dân phong kiến, quyền con người của nhân dân ta bị tước đoạt trầm trọng. Nhưng từ khi thoát khỏi đô hộ của ngoại bang đến giờ các quyền mặc nhiên này của chúng ta chưa bao giờ được thực sự tôn trọng và bảo vệ. Đây chính là căn nguyên cốt lõi khiến nước ta đến giờ vẫn còn chậm tiến cho dù nhân dân ta đã rất vất vả, luôn cần cù chịu thương chịu khó và luôn khát vọng vươn lên đến cháy bỏng. Căn nguyên này được rút ra từ một quy luật mà chỉ khi tuân thủ nó - tức tôn trọng và bảo vệ đầy đủ quyền con người - thì xã hội loài người mới có thể phát triển công bằng, thịnh vượng và văn minh được.
Bằng con đường Việt Nam
Do vậy phong trào Con đường Việt Nam xác định mục tiêu tối thượng phải hoàn thành là quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng ở đất nước chúng ta. Điều này có nghĩa rằng không có bất kỳ điều gì, bất kỳ ai, vì bất kỳ sự nhân danh nào được phép đứng trên các quyền con người thiêng liêng của chúng ta. Điều này cũng có nghĩa là mục đích cao nhất mà toàn bộ hệ thống pháp luật của đất nước ta phải bảo vệ chính là quyền con người bất khả xâm phạm của chúng ta chứ không phải bất kỳ tư tưởng chủ nghĩa, chủ thuyết, ý thức hệ nào hoặc bất kỳ ai hay tổ chức nào. Và như vậy mọi sự xâm phạm các quyền con người, từ quyền được sống đến quyền tự do, quyền được an toàn phải được ngăn chặn hiệu quả và phải bị trừng phạt nghiêm khắc nhất.
Chỉ có như thế thì mọi quyền lực nhà nước mới có thể thực sự thuộc về nhân dân. Nhà nước đó mới thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Những giá trị này không bao giờ có được do sự ban phát hay thiện ý của những người cầm quyền. Bất kỳ ai đó nếu đã có thể nghĩ, có thể nói mình làm được như vậy thì quyền lực đã thuộc về họ chứ không còn là của nhân dân nữa.
Nền tảng dân làm gốc
Chỉ có như thế thì đất nước ta mới có được một nền tảng chính trị vững chắc, thực sự lấy dân làm gốc để phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng và bền vững mang đến giàu sang và văn minh cho mọi người chứ không phải liên tục bất ổn như lâu nay.
Chỉ có như thế thì chúng ta mới vượt thoát được cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội trầm trọng hiện nay và tránh lặp lại trong tương lai để lại gây tai họa tiếp tục về sau.
Chỉ có như vậy thì chúng ta mới thực sự là những người tự do tự quyết định cuộc sống của mình để vươn lên mà không phải bị hạ thấp nhân phẩm vì sinh kế hay vì khát vọng làm giàu cho mình và cho mọi người.
Chỉ có như vậy thì chúng ta mới thực sự là những người chủ của đất nước để quyết định vận mệnh của mình và của dân tộc mà không phải sợ và lệ thuộc vào sức mạnh nào của cường quyền và bá quyền.
Vận Hội của nghìn năm
Hỡi nhân dân yêu mến,
Hơn lúc nào hết, bây giờ là thời cơ tốt nhất để chúng ta thay đổi tận gốc rễ vấn đề thâm căn có nguồn gốc phong kiến kéo dài hàng ngàn năm làm nước ta lạc hậu đến tận ngày nay; là thiên thời để dân tộc ta đảo chiều sự gia tăng khoảng cách tụt hậu đang ngày càng lớn rồi nhanh chóng vượt lên khẳng định vị thế của chính mình trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay.
Hãy đừng nghĩ rằng chúng ta không thể làm được như thế hoặc ai đó sẽ tặng nó cho chúng ta. Hãy tin vào chính mình và hành động vì chính mình để có được đầy đủ và toàn vẹn các quyền con người không thể phân chia mà Tạo hóa trao cho chúng ta, chứ không ai có quyền ban phát chúng cho ai cả.
Hãy hưởng ứng phong trào Con đường Việt Nam để tiếp tục phong trào Duy Tân, làm cho nó lớn mạnh thành một hoạt động chính trị thực sự của nhân dân chứ không phải của bất kỳ đảng phái chính trị nào, vì bất kỳ một tư tưởng chủ nghĩa nào của bất kỳ ai để nói lên nguyện vọng của chúng ta, khẳng định mong muốn của chúng ta và đòi hỏi yêu cầu của chúng ta đối với bất kỳ thiết chế quyền lực nào muốn nhân danh nhân dân chúng ta.
Chính nghĩa và thịnh trị
Hãy đừng ghét, sợ hoặc không thích chính trị mà xa lánh nó vì chính trị đúng đắn là những hành động chính nghĩa để mang lại một nền thái bình thịnh trị. Ở đâu người dân thờ ơ với chính trị thì ở đó đất nước sẽ suy thoái và những "trò chính trị" sẽ hoành hành và lên ngôi. Không chỉ có quan chức mới được làm chính trị mà bất kỳ thường dân nào cũng có thể, bằng cách biểu thị thái độ và lên tiếng nói cho nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của mình đối với đất nước. Chính nghĩa là như vậy.
Hỡi con Hồng cháu Lạc,
Hãy tự tin và nhiệt thành tham gia các chương trình mà phong trào Con đường Việt Nam sẽ kêu gọi tới đây. Hãy tham gia làm người sáng lập, quản trị, điều hành, thành viên của phong trào sẽ được mở ra cho bất kỳ ai mà không có sự phân biệt. Hãy làm cố vấn, ủng hộ viên và tình nguyện viên cho phong trào. Hãy ra yêu cầu và đóng góp ý kiến cho phong trào để làm sao hoàn thành được mục tiêu tối thượng của nó là: "Quyền con người phải được tôn trọng và bảo vệ trên hết và bình đẳng tại đất nước Việt Nam".
Và để khởi đầu, hãy giúp trả lời câu hỏi: "Làm sao để người dân tự tin sử dụng tất cả quyền con người của mình mà không phải đợi ai cho phép trong hoàn cảnh của đất nước hiện nay?"
Ý kiến xin gửi về email: [ghi email PT sẽ giao cho BOMD4]. Xin cảm ơn đồng bào và trân trọng kính chào.
Những người khởi xướng phong trào Con đường Việt Nam
Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Công Định
Phụ lục:
Các nhà báo hãy hành động vì tự do báo chí (Lê Thăng Long)
Thưa các nhà báo!
Báo chí là quyền lực thứ tư sau Tam quyền – Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Dù không được Hiến định chính thức như các thiết chế tam quyền nhưng Báo chí ở các xã hội dân chủ luôn là một sức mạnh đại diện thực tế nhất, rộng rãi nhất và dễ tiếp cận nhất cho quyền lực tối cao của nhân dân. Do vậy không có một đất nước nào có một nền dân chủ thực chất lại không có một nền Báo chí thực sự tự do vì Báo chí là một công cụ nhanh chóng nhất, hiệu quả nhất để người dân sử dụng quyền làm chủ của mình để giám sát các thiết chếtam quyền, buộc những quan chức thuộc chúng phải có trách nhiệm giải trình trước công luận và thực hiện những trách nhiệm và cam kết của họ đối với nhân dân. Đó là cách để người dân sử dụng quyền tự do ngôn luận – một trong các quyền cơ bản của con người – để thực sự làm chủ đất nước của mình. Do vậy một nhà nước nếu thực sự là của nhân dân thì nó phải bảo vệ tối thượng quyền tự do ngôn luận nói riêng và tất cả các quyền con người nói chung cho từng mỗi người dân một cách bình đẳng. Đó chính là nguyên tắc“Quyền con người trong nhà nước pháp quyền” mà Phong trào Con đường Việt Nam theo đuổi.
Theo nguyên tắc này thì trong một nhà nước pháp quyền không ai hay tổ chức nào có quyền chỉ đạo Báo chí. Các nhà báo chỉ được lãnh đạo bởi lương tri của mình để thực hiện được mục tiêu tối thượng của Báo chí là phản ánh đúng sự thật cuộc sống. Đối vớiBáo chí, sự thật phải là trên hết và không có bất kì điều gì có quyền đứng trên sự thật. Đó là trách nhiệm thiêng liêng của Báo chí mà không có bất kỳ sự nhân danh lợi ích chung nào được phép lợi dụng để bóp méo sự thật. Chỉ có như vậy thì nhân dân mới có thể sử dụng quyền lực thứ tư của mình để buộc ba quyền lực kia phải thực hiện những mục tiêu tối thượng của chúng. Mục tiêu này của Tư pháp là bảo vệ pháp luật là trên hết và duy nhất để đảm bảo tính uy nghiêm của pháp luật. Đối với Tư pháp không có bất kỳ điều gì kể cả nhân danh đạo lý hoặc lợi ích quốc gia được đặt trên pháp luật. Bảo vệ pháp luật là trách nhiệm thiêng liêng của Tư pháp, còn pháp luật bảo vệ điều gì là thuộc về trách nhiệm của Lập pháp. Trong một nhà nước pháp quyền thì tất cả mọi việc xây dựng Hiến pháp và Luật đều phải hướng đến mục tiêu tối thượng là bảo vệ quyền con người mà không được có bất kỳ đối tượng nào hoặc sự nhân danh an ninh quốc gia nào đứng trên các quyền thiêng liêng đó của nhân dân. Ngay cả an ninh quốc gia thì cũng là để bảo vệ nhân dân mà thôi. Còn mục tiêu tối thượng của Hành pháp là đảm bảo cho người dân thực hiện được đầy đủ các quyền con người của mình theo Hiến pháp và Luật trong thực tế cuộc sống.
Chỉ khi bốn thiết chế quyền lực xác định rạch ròi các mục tiêu tối thượng như vậy thì mới tránh được việc lợi dụng quyền lực để phục vụ quyền lợi riêng nhưng nhân danh lợi ích chung bằng cách nhập nhằng giữa các mục tiêu và trách nhiệm. Chẳng hạn như trong một hãng sản xuất thì mục tiêu tối thượng của bộ phận thiết kế là làm cho sản phẩm thật ít lỗi, còn bộ phận kiểm soát chất lượng thì phải định rõ mục tiêu trên hết của mình là phải tìm ra thật nhiều lỗi của sản phẩm đó. Có như vậy thì hãng đó mới có một sản phẩm hoàn thiện. Nếu sợ mất uy tín bộ phận thiết kế rồi nhập nhằng nó thành uy tín của hãng mà ngăn chặn việc phát hiện lỗi của sản phẩm thì chắc chắn chúng sẽ ra đời đầy khiếm khuyết, và vì vậy mà uy tín của hãng đó cũng tiêu tan. Nếu sợ ảnh hưởng đến uy tín của nước Mỹ mà ngăn chặn việc công bố các hình ảnh sự thật về một vài lính Mỹ vi phạm Pháp luật, đối xử vô nhân đạo đối với tù nhân chiến tranh hoặc thường dân thì điều đó sẽ dung dưỡng, khuyến khích các hành vi đó. Và như vậy chúng sẽ nhanh chóng trở nên phổ biến không chỉ trong quân nhân mà ngay cả trong thường dân Mỹ, tới mức mà không chỉ uy tín nước Mỹ mà ngay cả giềng mối đạo đức xã hội Mỹ cũng tiêu tan. Tương tự như vậy, việc chỉ trích các nguyên thủ quốc gia, các chính sách vĩ mô phải hiểu đúng là cách để phát hiện lỗi cho đất nước ngày càng hoàn thiện chứ không phải bị quy kết là cách để làm mất uy tín quốc gia, hay gây khó khăn cho việc xây dựng phát triển đất nước hoặc “cản trở sự nghiệp cách mạng của nhân dân”, và tệ hơn nữa là tội phạm hóa vì chống nhà nước, chống chính quyền nhân dân, v.v…
Báo chí thiếu tự do tức người dân mất tự do. Mà trách nhiệm đó đối với tự do báo chí trước hết thuộc về các nhà báo – một lực lượng trí thức luôn tiên phong có mặt tại tất cả các lĩnh vực và ngõ ngách của cuộc sống. Đừng nghĩ rằng trách nhiệm này thuộc về các thiết chếHành pháp, Lập pháp hay Tư pháp và trông chờ vào đó. Tâm lý tự nhiên của con người khiến cho những người ngồi ở vị trí Tam quyềnnày lo ngại. Báo chí nếu trông chờ vàohọ để có được tự do báo chí là một sự cầu may có xác suất thấp. Và nếu vẫn còn ai đó có quyền ban tự do cho Báo chí thì lúc đó vẫn chưa có tự do báo chí thực thụ. Tự do báo chí là kết quả trong thực tế của mức độ sử dụng quyền tự do ngôn luận của công dân – người dân tự tin sử dụng càng nhiều quyền này thì tự do báo chí càng cao. Mà quyền này là một trong các quyền vốn có tự nhiên của con người đã được toàn thế giới thừa nhận và long trọng tuyên bố trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền Con người. Không ai có quyền ban quyền này cho ai cả. Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ để người dân của nó thực hiện được đầy đủ quyền này, chống sự xâm phạm nó cho từng công dân. Đối với quyền này thì nhà nước chỉ có trách nhiệm như vậy chứ không hề có bất kỳ quyền hạn nào đối với nó. Đây chính là ý nghĩa của những nguyên tắc được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, cụ thể hóa Tuyên ngôn nói trên.
Việt Nam ta đã gia nhập Liên Hợp Quốc, tức là đã công nhận Tuyên ngôn này và cũng đã gia nhập công ước nói trên vào năm 1982 nên nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã cam kết trách nhiệm bảo vệ các quyền con người của công dân Việt Nam theo luật pháp quốc tế. Hơn nữa Hiến pháp Việt Nam cũng đã Hiến định Nhà nước này là nhà nước pháp quyền từ năm 2001, hiến định đầy đủ quyền tự do ngôn luận cho công dân Việt Nam. Do vậy nếu chúng ta chưa có được tự do báo chí thì đó là vì chúng ta đã không chủ động sử dụng quyền này của mình, chúng ta còn sợ hãi, chúng ta còn trông chờ và cầu mong sự ban phát. Chúng ta chưa để lương tâm mình lãnh đạo ngòi bút của mình để nói lên sự thật về nguyện vọng của mình và của nhân dân. Thay vào đó chúng ta để sự vị kỷ của mình điều khiển ngòi bút của mình để nói lên ý muốn “lãnh đạo” và “sự thật” mà lãnh đạo muốn dù rất khác với mong muốn của mình và sự thật thực tế. Nếu hầu hết nhà báo là những người lệ thuộc như vậy thì làm sao Báo chí tự do. Chính vì thế mà xã hội ta ngày càng xuống cấp trầm trọng. Không sao được khi mà sự thật về điều tốt lẫn điều xấu, cái đúng lẫn cái sai đều có thể bị che lấp nếu chúng bất lợi cho những người có quyền lực.
Hỡi các nhà báo!
Đã đến lúc chúng ta cần nhận rõ trách nhiệm của mình đối với chính mình và với đất nước. Sự thờ ơ của chúng ta hôm qua đã gây hậu quả hôm nay cho chính mình. Và nếu chúng ta tiếp tục thờ ơ và phó thác bây giờ thì không những chúng ta mà chính con cháu mình sẽ gánh lấy hậu quả ngày mai còn nặng nề hơn nữa.
Đã đến lúc chúng ta phải hành động vì một nền báo chí tự do để xây dựng một xã hội dân chủ. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới vừa giải quyết được các vấn nạn xã hội hiện nay, vừa phát triển đất nước tốt đẹp. Hãy đừng nghĩ rằng trách nhiệm đó là của ai khác mà phải thấy rằng nó là của ta – của mỗi nhà báo. Cũng đừng nghĩ rằng một mình chúng ta thì không làm được gì mà hãy tin rằng khi ta – nhà báo hành động thì hàng ngàn người khác sẽ tiến lên thổi bùng ngọn lửa ta đã thắp. Và nhiều ngọn lửa như vậy sẽ bừng sáng mãi đất nước.
Phong trào Con đường Việt Namsẽ là người giữ lửa, truyền lửa – những ngọn lửa của tình yêu, trách nhiệm và nhiệt huyết cháy bỏng vì một tương lai tốt đẹp cho đất nước và cho mỗi người chúng ta.Phong trào Con đường Việt Nam cũng sẽ là người bảo vệ cho những ngọn lửa đó cháy mãi, và giữ nhịp để hàng triệu ngọn lửa như vậy cùng nhau bừng sáng mà không có trận cuồng phong nào có thể dập tắt được nữa.
Hãy hưởng ứng phong trào Con đường Việt Nam để hành động vì một nền báo chí tự do cho Việt Nam !
Phong trào Con đường Việt Nam
Phong trào Con đường Việt Nam
Trân trọng kính chào
*Xem Lời phát động phong trào Con đường Việt Nam tại đây .
No comments:
Post a Comment