Monday, April 16, 2012

30 tháng Tư, cảm ơn người lính già cô đơn

 
Hồi đó cứ mỗi lần có máy bay phản lực bay ngang là bố tôi nhìn lên là nước mắt ông lưng tròng” anh Phạm Ngọc Thanh kể lại chuyện của bố anh sau ngày 30 tháng Tư, anh kể tiếp: “Sau biến cố 75, gia đình tôi bị Cộng Sản bắt phải đi kinh tế mới,lúc đó cả gia đình chúng tôi dọn đi lên Bình Long nhưng mà phải vào sâu trong rừng để dựng nhà, canh tác , làm rẩy sinh sống” anh nói trong suốt thời gian ở vùng kinh tế mới, gia đình anh rất gian khổ, miếng ăn, manh áo mặc là cả một vấn đề cho cả gia đình.


Đến năm 1979, một buổi sáng ra rẫy chiếc xe máy cày bị chết máy, người tài xế nhờ mọi người trên xe nhảy xuống đẩy hộ cho xe nổ máy, đến lúc chiếc xe nổ máy lại, và bắt đầu chạy thì cũng là lúc bố anh bị chiếc xe đó cán ngang lên người làm gãy ba bốn chiếc xương sườn, người ta mang ông vào bệnh viện chợ rẫy nhưng rồi chỉ vài ngày sau thôi ông qua đời.

Người đàn ông đó chính là thượng sĩ già Phạm Kim, ông chịu trách nhiệm phát lương cho cả tiểu đoàn 7 Dù, ông cũng là một trong những chứng nhân cho đến giờ phút cuối cùng của miền nam Việt Nam ngày 30 tháng Tư, ông chính là bác của tui, người Bác hiền lành, ở trong nhà chẳng bao giờ nghe một tiếng nói lớn.

Tui còn nhớ ngày 30 tháng Tư năm đó, ông hối hả chạy về loan báo là mọi việc  xong rồi, không còn gì nữa cả, nói xong ông ngồi khóc ngon ơ, ông khóc như đứa trẻ vừa bị cha mẹ nó mang ra chợ bỏ đi mà không bao giờ đến đón nữa, những giọt nước mắt của ông giống như của bao chiến sĩ thầm lặng khác khóc khi biết rằng cuộc chiến vừa chấm dứt, biết rằng mình đã bị chính những kẻ chỉ huy của mình bỏ rơi để lên tàu bay hay tàu thủy chạy ra biển lớn thoát thân.

Thắm thoát mà đã 37 năm trôi qua, 37 năm miền nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản, 37 năm nước mất nhà tan, 37 năm có hàng triệu người lính Việt Nam Cộng Hòa vào tù Cộng Sản, có người mất tích, hay chết rục trong đó, 37 năm hàng triệu triệu người Việt Nam ra biển tìm tự do và có không ít những thuyền nhân đã bỏ mình trên biển hay đường bộ.

37 năm người Việt Nam ở hải ngoại vẫn ngậm ngùi, thương nhớ mỗi khi 30 tháng Tư sắp đến, và sau 37 năm ôn lại kỷ niệm cay đắng đó để thấy cả miền Nam Việt Nam rơi vào tay giặc một cách vô lý, để nhận ra được lòng người xảo trá, lưu manh, thấy các ông tướng, quan chức cao cấp của chính phủ VNCH từ ông tổng thống Thiệu trở xuống lúc nào cũng luôn ăn trên ngồi trước và cuối cùng các ông lại là những người bỏ chạy, tham sống sợ chết, hèn nhát vừa mới thề thốt với đồng bào, đồng đội của mình là sẽ tử thủ đến viên đạn cuối cùng thì ngay ngày hôm đó đã leo lên máy bay bỏ chạy như lũ chuột, bọ.

37 năm nhìn lại, đó là một thời gian chẳng dài nhưng cũng không phải là ngắn, đủ để đo lòng người thay đổi như mới ngày hôm qua vác cờ lộng ra phố hô to “Đả Đảo Cộng Sản” thì ngày hôm nay đã trở mặt quay lại vái lạy, tung hô vạn tuế Cộng sản như lạy chính bố mẹ mình.

Cuối cùng, phải nói với chính lương tâm chúng ta: “Chiến tranh không phải trò đùa” và có lẽ sau cuối của những gì còn sót lại vẫn là những người lính già cô đơn, họ mới xứng đáng là những con người cần được tất cả chúng ta nói câu “cảm ơn” bởi lẽ trong cuộc chiến đó họ là những người thiệt thòi, thua thiệt nhất mà lại gần gủi giữa cái chết và sự sống nhiều nhất, chứ không phải những ông tổng thống, bộ trưởng hay các vị tướng lảnh đã bỏ dân, đồng đội ra đi một cách không tiếc nuối.


http://nguoivietblog.com/hoangde/?p=1179

No comments:

Post a Comment