Song Chi - Có một thực tế là từ lâu nay ở Việt Nam, nhà cầm quyền ngày càng tỏ ra bất lực trong việc cung cấp cũng như kiểm soát thông tin, định hướng, dẫn dắt dư luận... trong xã hội.
Truyền thông báo chí quốc doanh với sự tồn tại của hơn 700 tờ báo giấy, hàng chục trang báo điện tử, hàng chục đài truyền hình rải khắp từ trung ương đến địa phương... Nhưng từ lâu đã bị thua trận trong cuộc chạy đua tranh giành thông tin với báo chí tự do, bao gồm báo chí quốc tế, báo của người Việt ở nước ngoài, các diễn đàn độc lập và hàng trăm blog cá nhân.
Việt Nam có hơn 700 tờ báo, nhưng người ta không thể tìm thấy thông tin gì về ‘Hội nghị trung ương 6’ đang diễn ra ở Hà Nội. (Hình: Getty Images)
Trong đó có những blog có lượng người đọc hàng ngày cao hơn báo chí quốc doanh gấp nhiều lần.
Cũng chỉ vì báo chí quốc doanh đã bị trói tay bởi một hệ thống kiểm duyệt, định hướng chặt chẽ của chế độ.
Tuy nhiên, báo chí tự do lắm lúc cũng không sao xuyên thủng bức màn bưng bít thông tin của nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Nhất là những thông tin có liên quan đến hậu trường chính trị, nội bộ đảng Cộng Sản, hoặc mối quan hệ bất cân xứng với Trung Nam Hải.
Và đây chính là chỗ hở cho các luồng tin vỉa hè, tin đồn lan truyền.
Một xã hội chỉ toàn là tin đồn. Chẳng hạn, trước và sau Hội nghị trung ương 6 lần này là những tin đồn phe này đánh phe kia, nhân vật nào sắp “nhập kho”, ai lên ai xuống, ai sẽ phải ôm hận ra đi...
Người dân mệt mỏi vì không được biết sự thật, vì cứ phải phân tích, đoán mò từ việc “đọc giữa hai hàng chữ” trên các trang báo quốc doanh, quan sát những sự kiện bề mặt đang diễn ra, nghe ngóng tin vỉa hè... Hoặc đôi khi thu lượm được một ít tin tức từ các trang báo, blog bên ngoài.
Lãnh đạo Việt Nam có biết sự nguy hiểm của việc họ bất lực không kiểm soát được thông tin và việc tin đồn râm ran? Chắc là có. Nhưng đã qua rồi cái thời có thể ngăn sông cấm chợ hoàn toàn, còn minh bạch, công khai thì họ lại không thể.
Bởi nếu minh bạch, công khai mọi sự dưới ánh sáng mặt trời thì một chế độ độc tài, băng hoại, có hại cho đất nước, dân tộc như vậy sẽ phải tan rã, sụp đổ ngay tức khắc. Nên cuối cùng họ đành im lặng như câm như điếc.
Trên các trang mạng xã hội, blog cá nhân... người dân bàn luận đủ chuyện về tình hình chính trị xã hội của đất nước.
Chưa bao giờ người dân công khai chửi đảng, chửi nhà nước như bây giờ. Chửi từ ngoài đường, từ ông lái xe ôm, bà bán quán, dân trí thức, văn nghệ sĩ lúc ngồi với nhau... cho đến trên mạng.
Trong đó, nhân vật bị chửi nhiều nhất là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Chưa có ông thủ tướng nào bị dân ghét dân chửi nhiều đến thế. Bởi vì từ trước đến nay cũng chưa có ông thủ tướng nào mà nhiều quyền và lộng quyền, độc đoán, tham lam, bất tài và gây tai hại cho nền kinh tế nước nhà, làm thất thoát nhiều tiền thuế của nhân dân đến vậy.
Những ngày này Hội nghị trung ương 6 đang diễn ra tại Hà Nội. Một hội nghị quan trọng nhằm mục đích chỉnh đốn đảng để cứu chế độ, và có những quyết định sẽ ảnh hưởng đến toàn dân. Nhưng cũng như tất cả mọi hội nghị trung ương, mọi cuộc chỉnh đốn đảng, phê và tự phê... từ xưa đến nay, người dân không ai được biết chuyện gì đang xảy ra.
Vì vậy, bên ngoài người dân càng tha hồ hóng hớt tin hành lang, tha hồ bàn luận. Nhìn chung dư luận đều mong mỏi có những sự thay đổi tích cực, cụ thể là ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và những khuôn mặt nổi cộm với thành tích ăn tham, bất tài trong chính phủ của ông Dũng sẽ phải ra đi.
Mặt khác, người dân lại hoài nghi không tin sẽ có sự thay đổi lớn nào sẽ diễn ra, bởi thế lực của ông thủ tướng từ trước đến giờ quá mạnh. Cũng như không tin vào quyết tâm chỉnh đốn, sửa sai thật sự của đảng cộng sản.
Về phía nhà cầm quyền, giữa lúc này tất nhiên họ chẳng còn đầu óc đâu để nghĩ đến chuyện gì khác. Ðặc biệt là để đối phó với giặc ngoài.
Trung Quốc tha hồ tiếp tục ngang nhiên tiến hành hàng loạt động thái nhằm củng cố “chủ quyền” của họ trên quần đảo Hoàng Sa đánh cướp của Việt Nam.
Từ việc thành lập “thành phố Tam Sa”, cho bầu “đại biểu Hội đồng nhân dân và chủ tịch Tam Sa”, tổ chức một buổi lễ thượng cờ và trỗi quốc ca nhân ngày Quốc khánh Trung Quốc 1 tháng Mười trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, tiếp theo là lập phòng khí tượng ở Hoàng Sa, v.v.
Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam lâu nay lặn mất tăm, mới thấy xuất hiện lặp lại điệp khúc “Việt Nam cực lực phản đối Bắc Kinh” cũ mèm, chẳng ăn thua gì tới ai.
Cũng may cho nhà nước Việt Nam (và chua chát thay, cũng là cái may của cả dân tộc), thời gian vừa qua Trung Quốc một phần đang phải căng thẳng đối phó với Nhật Bản xung quanh vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Sensaku, phần khác đang phải lo chuẩn bị đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 18. Nên tạm để yên khu vực lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tuy nhiên, người am hiểu tình hình đều thừa hiểu sự “bình yên” này chỉ là tạm thời, như tình trạng biển lặng trước khi có bão lớn.
Nếu không làm rốt ráo, cương quyết cho ông thủ tướng và một loạt nhân vật khác “về vườn” mà cứ dùng dằng bất phân thắng bại thêm một thời gian nữa.
Hoặc nếu ông Dũng lại xoay chuyển được thế cục vào phút chót như đã từng xảy ra vào đại hội đảng lần thứ XI, để tiếp tục ở lại cho đến hết nhiệm kỳ này thì không ai có thể lường hết những nguy hiểm, hệ lụy của sự việc.
Một là các phe vẫn tiếp tục lục đục, tìm cách triệt hạ nhau, gây mất đoàn kết, mất ổn định, tạo thời cơ cho Trung Nam Hải sau khi tiến hành xong đại hội đảng và hòa hoãn với Nhật Bản, sẽ quay lại xử lý “cục xương” Việt Nam.
Hai, phe ông thủ tướng trong thời gian cuối cùng còn tại vị sẽ tìm cách tận lực vơ vét thêm nữa để chuẩn bị cho ngày hạ cánh, trả đũa thêm một số người, từ người dân vô tội, những người bất đồng chính kiến cho tới các đối thủ chính trị... Bằng những chiêu trò còn bẩn thỉu hơn theo kiểu “quậy cho đã nư”.
Và thứ ba, cái này mới thậm nguy hiểm, ông Nguyễn Tấn Dũng một khi biết chắc chắn sẽ phải về vườn nhưng vẫn còn có quyền hành trong tay, sẽ tìm cách đi đêm với Trung Quốc.
Và kịch bản cho một sự bán nước đổi lấy cái ghế lâu dài, thậm chí là cái ghế tổng bí thư kiêm chủ tịch nước như ở Trung Quốc sẽ diễn ra. Hệ lụy lần này sẽ còn nặng nề hơn hệ lụy hội nghị Thành đô năm 1990 tại Tứ Xuyên, Trung Quốc gấp nhiều lần.
Nhưng ngược lại, nếu có trừ khử được con sâu chúa và một loạt con sâu khác thì với cái cơ chế độc tài độc đảng như hiện nay, cũng sẽ lại xuất hiện những con sâu tham lam, bất tài, phá hoại khác. Nguyễn Tấn Dũng này đi, sẽ có Nguyễn Tấn Dũng khác.
Chỉ khi nào có một thể chế dân chủ tam quyền phân lập để chia sẻ quyền lực, giám sát lẫn nhau giữa cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Cộng với sự tồn tại của các đảng phái chính trị đối lập để theo dõi đảng cầm quyền thì mới hạn chế được những nhân vật bất tài có thể leo lên những vị trí cao, hạn chế nạn tham nhũng và nhiều tệ nạn khác.
Có lẽ vì tất cả nỗi lo âu như vậy mà từ các cựu tướng lãnh, lãnh đạo về hưu, cho đến dân thường đều quan tâm theo dõi Hội nghị trung ương 6 lần này.
Một sự phi lý nhưng vì đã quen bao nhiêu năm nên không ai nhận ra và tự hỏi tại sao 90 triệu người dân chỉ được phép trông chờ vào kết quả của các loại hội nghị, trông chờ vào lá phiếu, vào chút lương tâm và sự tỉnh táo còn lại của 175 ủy viên ban chấp hành trung ương. Mà không có quyền trực tiếp tham gia, bày tỏ ý kiên bằng lá phiếu của chính nhân dân như ở các nước dân chủ.
Trong khi đất nước là của chung, vận mệnh đất nước có như thế nào thì sẽ ảnh hưởng đến cả 90 triệu con người chứ không phải chỉ 175 ủy viên và 14 nhân vật trong Bộ Chính Trị và ban bí thư kia.
Trong khi nếu bất cứ ai lên ai xuống và năng lực điều hành đất nước của họ ra sao thì tiền thuế nuôi bộ máy chính quyền và gánh nợ cho những sai lầm của họ là do nhân dân đóng.
Sự vô lý ấy bao giờ thì chấm dứt?
No comments:
Post a Comment