Wednesday, January 18, 2012

Thêm nhiều tướng quân đội lên tiếng về vụ Tiên Lãng



Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, Hải Phòng đang là tâm điểm chú ý của nhiều tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bước sang ngày thứ 13, vụ cưỡng chế ở xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng trở nên nóng hơn bao giờ hết khi Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, Bộ Công An và Bộ Tài nguyên Môi trường đã chính thức vào cuộc.
Trong lúc các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ sự việc thì những bất cập trong quản lý, điều hành của chính quyền địa phương vẫn là câu chuyện làm bức xúc không chỉ những công chúng bình thường, mà còn trở thành tâm điểm chú ý của những vị tướng tài của đất nước.
Sau khi Đại tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước lên tiếng, nhiều vị tướng lĩnh khác cũng bày tỏ chính kiến.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ
Trong cuộc trao đổi thân mật với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Phạm Xuân Thệ (Nguyên Tư lệnh Quân khu I) và Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục Trưởng Tổng cục chính trị) đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề này.
Nói về “phản ứng tiêu cực” bắn súng hoa cải làm bị thương 6 chiến sĩ công an, bộ đội của ông Đoàn Văn Vương trong buổi cưỡng chế, Trung tướng Phạm Xuân Thệ cho rằng, bản thân ông Vươn là người được học hành tử tế, là một kỹ sư nông nghiệp, nên ông ta không dễ gì có những hành động tiêu cực, vi phạm pháp luật như vậy. Tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa nằm ở cách giải quyết của chính quyền địa phương và cần phải xem xét lại nghiêm túc vấn đề này.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương
Cùng nội dung này, tướng Huỳnh Đắc Hương đưa ra một ví dụ điển hình, câu chuyện chống người thi hành công vụ ở Tiên Lãng không phải bây giờ mới có. Trước đây, ở Thái Bình, chính quyền đã từng bán đất của nhân dân để mua ô tô, làm sân tennis, khiến cho nhân dân uất ức mà chống đối. Điều này cho thấy, sự chống đối của người dân xuất phát từ cách làm của chính quyền địa phương mà ra.
Ông nói thêm, vào năm 1999, nhân một chuyến du lịch, tôi cùng gia đình và một số đồng đội của mình đã ghé thăm khu đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Khi đó, ông Vươn và gia đình họ Đoàn nổi lên là một điển hình nông dân làm kinh tế giỏi.
Khi chính sách khuyến khích lấn biển làm kinh tế của nhà nước ta ban hành, không phải ai cũng dám bỏ công, bỏ của ra để làm. Nhưng ông Vươn cùng người nhà đã thực hiện rất thành công. Nhìn vào khu đầm phá này, người ta sẽ phần nào hiểu được công sức, tiền của mà chủ đầm phải đầu tư.
Theo ông Hương, những người như ông Vươn là tấm gương làm kinh tế mà các người dân ở nước ta phải noi theo. Và với tấm gương sáng như vậy, thay vì tạo điều kiện giúp đỡ, mà tổ chức cưỡng chế, hủy hoại tài sản của họ, thì tôi cho rằng những lãnh đạo địa phương không có tấm lòng.
Nói về chuyện hòa giải của Thẩm phán Ngô Văn Anh đối với phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tiên Lãng với các hộ thuộc diện cưỡng chế, tướng Phạm Xuân Thệ cho rằng, cơ quan tham mưu, cơ quan chức năng địa phương quá non kém về mặt chính trị. Bởi vì, hành động ấy chằng khác nào lợi dụng lòng tin của nhân dân vào chính quyền để làm tổn hại tới quyền lợi nhân dân.
Ông nói thêm, việc đưa lực lượng liên ngành tạo nên một cuộc cưỡng chế rầm rộ như đã làm ở Tiên Lãng chẳng khác gì đẩy người nông dân vào đường cùng. Trong trường hợp ấy, lẽ ra ông Vươn trở thành một người dân tốt, người làm kinh tế giỏi bỗng chốc bị dồn vào đường cùng và biến thành tội phạm. Như vậy là thất bại. Và những yếu kém trong cách quản lý của chính quyền địa phương đôi khi vô tình sẽ tạo nên kẽ hở cho những thế lực thù địch lợi dụng.
Đối với câu chuyện san bằng ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn, tướng Huỳnh Đắc Hương nói thêm, nếu chính quyền địa phương không ra lệnh, thì không ai dám phá nhà người khác.
Với những người hiểu về pháp luật, không khó gì trong việc tìm ra cái sai của chính quyền địa phương. Vấn đề là họ có dám thẳng thắn nhận sai hay ngoan cố, đùn đẩy trách nhiệm. Và chỉ có những người vô liêm sỉ mới không dám nhận cái sai của mình.
Qua sự việc này, Thiếu Tướng Huỳnh Đắc Hương mong rằng, các Bộ tham gia điều tra, làm rõ việc quản lý đất đai ở Tiên Lãng trong thời gian tới đây sẽ trung thực, nghiêm túc và giải quyết triệt để vấn đề nhằm tạo ra sự đồng thuận giữa nhân dân và Nhà nước ngày càng vững bền hơn. Và có thể lấy câu chuyện ở Tiên Lãng làm điển hình cho những địa phương khác trên toàn quốc.
Thảo Lăng (GDVN)
_______________________________
GS. Đặng Hùng Võ: Phó Chủ tịch TP Hải Phòng nói linh tinh
(GDVN) – “Tất cả mọi việc đều phải căn cứ vào luật đất đai, đất bãi bồi hay đất khai hoang thì cũng là đất, chứ không lẽ nó là trời à?”.
Vụ việc thu hồi, cưỡng chế đất đối với nông dân Đoàn Văn Vươn tại xã Quang Vinh huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) vẫn đang thu hút sự chú ý của dư luận cả nước, đặc biệt là khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiểm tra làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao đất, sử dụng đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Sáng nay, một lần nữa, vụ việc này lại trở thành tâm điểm của dư luận khi ông Đỗ Trung Thoại – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho rằng, diện tích đất ông Đoàn Văn Vươn bị thu hồi không phải đất nông nghiệp, vì vậy sử dụng thời hạn bao lâu là do thỏa thuận. Để làm rõ hơn trong phát biểu của ông Thoại này, tối qua, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với GS.Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thưa Giáo sư, báo chí đã nêu phát biểu của vị Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng rằng “Đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia trong quy định của Luật đất đai không phải đất sản xuất nông nghiệp để giao ổn định trong 20 năm. Vì thế, giao bao nhiêu năm là do địa phương và người thuê đất thỏa thuận với nhau”. Theo ông, những gì lãnh đạo này nói có đúng không?
GS. Đặng Hùng Võ: Vậy thì phải hỏi lại ông Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng là ông ấy nói như vậy căn cứ vào luật nào, điều bao nhiêu? Tôi khẳng định là chẳng có cái luật nào nói như vậy cả, tất cả mọi việc đều phải căn cứ vào luật đất đai, đất bãi bồi hay đất khai hoang thì cũng là đất, chứ không lẽ nó là trời à?
Trong trường hợp này thì vẫn phải giao cho người dân sử dụng 20 năm, không có bất kỳ điều luật nào nói rằng đất bãi bồi thì thỏa thuận thời gian thuê. Nói và làm phải căn cứ trên luật chứ đừng có nói linh tinh, tại sao một cán bộ ở tầm của Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng mà lại nói lăng nhăng như thế được? Cần phải hỏi cho rõ là vị lãnh đạo này của Hải Phòng nói như vậy là căn cứ vào điều luật nào, hay là anh tự nghĩ ra?
Ông từng nói năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 773 về Chương trình khai thác, sử dụng đất hoang hóa, bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước các vùng đồng bằng, mà mục đích duy nhất là khuyến khích người dân khai hoang phục hóa, chinh phục thiên nhiên, khai thác hiệu quả đất bãi hoang. Vậy, giả sử trong trường hợp hết hạn giao đất thì ông Đoàn Văn Vươn vẫn sẽ được ưu tiên sử dụng tiếp?
GS. Đặng Hùng Võ: Cái này không phải xét chuyện ưu tiên hay không mà có luật rồi, đã giao cho nông dân thì không có chuyện hết hạn là thu hồi, mà chỉ thu hồi căn cứ vào 5 trường hợp: Thứ nhất là Nhà nước có quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng…; Thứ hai là người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; Thứ ba là cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế; Thứ tư là người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất; Thứ 5 là đất không được sử dụng liên tục.
Đối với trường hợp của anh Đoàn Văn Vươn là đất nuôi trồng thủy sản, nếu quá 12 tháng không đưa vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi, chứ không có trường hợp hết hạn là bị thu hồi.
Đã nhiều năm qua, khiếu kiện về đất đai (thậm chí là khiếu kiện vượt cấp) đã diễn ra triền miên và sự việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đã gây ra những sự cố đáng tiếc. Giáo sư có nghĩ rằng, để xảy ra sự việc đau lòng này cũng một phần bởi sự yếu kém của chính quyền địa phương?
GS.Đặng Hùng Võ: Có hai vấn đề rất rõ qua các vụ khiếu kiện, thứ nhất đó là sự thiếu hiểu biết về pháp luật của chính những cán bộ làm việc tại các cơ quan công quyền; thứ hai là do tham nhũng, cố tình lấy cái chuyện thu hồi đất ra để tước đoạt quyền lợi của người dân. Rất nhiều vụ việc khiếu kiện về đất đai đã xảy ra, thậm chí xảy ra nhiều năm nhưng đều xoay quanh hai vấn đề này thôi.
Chủ tịch huyện Tiên Lãng nói căn nhà bị lực lượng chức năng san phẳng, còn Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng lại nói do dân phá
Theo quan điểm của Giáo sư, việc chính quyền địa phương huy động công an, bộ đội để tiến hành các biện pháp cưỡng chế có cần thiết không?
GS.Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng, không nên sử dụng lực lượng vũ trang, bởi vì khi chúng ta sử dụng vũ trang thì người dân sẽ dùng chính điều đó để chống lại, đó là hệ quả rất dễ thấy. Cách tốt nhất là phải xử lý công việc thực tâm chứ không thể áp đặt bằng một biện pháp nào đó, bởi đây là một trường hợp xứng đáng được bảo vệ quyền lợi. Chính quyền không những ra quyết định thu hồi mà còn không bồi thường, vậy là mồ hôi họ bỏ ra đầu tư biến vùng bãi hoang thành đầm nuôi thủy sản của người nông dân bỗng dưng bị mất trắng. Họ cùng đường nên đã làm liều.
Không ai phủ nhận, hành vi của Đoàn Văn Vươn là trái pháp luật, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cái sai ấy có lỗi lớn từ chính quyền địa phương. Giáo sư nhận định về vấn đề này thế nào?
GS. Đặng Hùng Võ: Quyết định thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất của địa phương là “quyết định gây hậu quả nghiêm trọng”, bởi vì nếu không có cái quyết định ấy thì người dân đã không chống lại. Quyết định đúng luật thì không sao, nhưng ở đây lại là quyết định sai luật, câu chuyện bắt đầu từ đó mà ra cả; tất nhiên cũng phải thấy rằng việc anh Vươn hành động như vậy là không đúng, nhưng công bằng mà nói là quyết định của chính quyền sai nên mới dẫn tới cái sai tiếp theo của người nông dân này.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Nguồn: Giáo dục Việt Nam

No comments:

Post a Comment