Trần Mạnh Hảo - Luois Aragon vịn vào ba năm cuối cùng của thế kỷ XIX như vịn vào đôi tay của người vú nuôi để đứng dậy và lon ton tập đi. Aragon chính là tuổi thơ còn sót lại của thế kỷ thứ XIX gửi tặng thế kỷ thứ XX một chú đại bàng sắp ra ràng của nền văn học Pháp và thế giới.
Chú đại bàng tơ này được sinh ra từ đôi cánh vĩ đại của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực Pháp. Là đứa con tinh thần chính hiệu của thế kỷ Hugo và Balzac, nhưng trong cuộc đời thực, Aragon hầu như lại là một đứa con hoang. Suốt tuổi thơ và tuổi thanh niên, nỗi ám ảnh, day dứt, khổ đau về thân phận, về nguồn gốc, về cha mẹ… đã đầy ải tâm hồn Aragon như Satan đầy ải con người nơi địa ngục. Ngay từ khi tập nói, Aragon đã phải gọi bà ngoại là mẹ nuôi, gọi chính mẹ ruột mình là chị nuôi.
Năm 1917, trước ngày lên đường nhập ngũ, phải từ bỏ trường y để lao vào cuộc chém giết khủng khiếp có tên là Đại chiến thế giới lần thứ nhất, mẹ ruột ông dưới danh nghĩa người chị nuôi Marguerite chợt gọi chàng trai Aragon lại, thông báo một số bí mật ghê gớm về nguồn gốc xuất thân của ông.Aragon chết lặng trong uất hận và thương mến, sung sướng và đớn đau. Ông cảm thấy mình như vừa được chết, được tái sinh, ôm chặt lấy mẹ như ôm một chiếc phao cứu nạn trên biển cả. Cảm giác mãnh liệt, choáng váng, ngất ngây phút thật sự có mẹ sau hai mươi năm hoài nghi với nỗi mồ côi ấy như hoả diệm sơn ngùn ngụt cháy suốt cuộc đời ông, tham dự vào mọi tình cảm và mọi đam mê sáng tạo nghệ thuật nơi ông. Có lẽ cảm giác ấy sau này đã sống dậy, thăng hoa, chuyển hoá trong một hình thức khác êm ái và ngọt ngào hơn khi lần đầu vào năm 1928,Aragon gặp gỡ Elsa Triolet. Mãi sau này, năm 1942, trước khi lìa đời, mẹ ông mới cho ông biết hết bí mật về cuộc tình vụng trộm của cha mẹ ông và thân thế người cha Louis André.
Trái đất có thể vẫn còn là kẻ mồ côi của vũ trụ, nhưng ông không còn phải mồ côi mẹ nữa. Chừng nhưAragonđã khóc hôn mẹ để bước vào cuộc chiến làm anh lính cứu thương ngoài mặt trận. Tuồng như ông vẫn là đứa con không cha, đứa con hoang? Suốt tuổi thơ và tuổi thanh niên,Aragonluôn phải lặn xuống bản thân mình như lặn xuống biển cả mù tăm để truy tìm căn nguyên, nguồn gốc. Cuộc đời ông, nới rộng ra làParisquê hương, là nước Pháp, là nhân loại và thời đại luôn luôn là một câu hỏi lớn quần thảo ông nghìn cơn bão vò xé nội tâm
Ngay từ tuổi thơ, Aragonđã phải suy tư và quằn quại về ý nghĩa tồn tại như chàng Hamlet. Những bi kịch cá nhân và gia đình đã sớm đặt lên vai ông cây khổ giá của cả một thế hệ sinh ra khi Thượng Đế và Socrate đã bị Nietzsche toan giết chết. Thế hệ ấy đã bị hai cuộc chiến tranh thế giới tàn bạo và khủng khiếp chặn hai đầu, cắt đứt quá khứ và tương lai, như không thể còn lối thoát.
Sau hơn hai năm ngoi ngóp trong địa ngục châu Âu, năm 1919, chiến tranh némAragon về lạiParis hoà bình. Con người vô hồn mất phương hướng, bị chiến tranh làm dị dạng tâm hồn ấy bỗng trở thành kẻ mồ côi tinh thần như một châu Âu thương vong chợt mồ côi chủ nghĩa nhân văn quá khứ. Cả một thế hệ thanh niên đi hoang như đàn gà con lạc mẹ. Aragon đã dễ dàng ngả vào vòng tay của trào lưu văn nghệ đập phá, phủ nhận sạch trơn mọi thành tựu nghệ thuật có tên là Dada, do văn sĩ người Rumani Tristan Tzara (1896-1963) sáng lập tại Zurich – Thụy Sỹ từ năm 1916. Sau đó, cùng với Paul Éluard, Aragon đã từ bỏ nhóm Dada hũ nút để tham gia vào trường phái siêu thực do Apollinaire (1880-1918) đặt tên và André Breton làm lý thuyết gia với châm ngôn nổi tiếng là phải viết như một cái máy tự động (écriture automatique).
Sau thời gian tôn thờ các vị thần của chủ nghĩa siêu thực là Lautréamont, Freud, Nietszche… phủ nhận và chối bỏ ý thức, chối bỏ hiện thực, coi vô thức là con đường duy nhất dẫn đến cảm hứng nghệ thuật, Aragon hầu như đã bị thứ nghệ thuật thôi miên này làm cho ma mị. Và có thể, nếu không có lý tưởng và tình yêu hoà nhập trong một người đàn bà trần thế sẽ đến cứu chuộc cuộc đời ông, biết đâu Aragonđã phải chết đuối trên mặt đất, dù là mặt đất của Parishoa lệ đi nữa. Làm con cá thi ca bơi lội trong biển cả ảo giác, dùng một thứ thực phẩm phi lý, quẫy lên những tiếng quẫy quái dị cùng đường, Aragonchừng như không còn gì liên hệ tới mặt đất của thực tại. Là một chiến tướng của chủ nghĩa siêu thực Pháp, thế mà có lúc, buồn chán và tuyệt vọng đeo đuổi ông, khiến nhiều khi Aragontoan tính tự sát. Ông có thể đã vĩnh viễn chui vào hũ rượu siêu thực và không thể nào tỉnh dậy để thoát ra khỏi cái thế giới lên men, thoát khỏi một thứ nhân loại đã bã ra, ngấu xuống, bốc hơi để hoá cồn chín mươi độ ấy nếu không có chuyện cuối năm 1928 gặp Elsa Triolet (1896-1970) – em vợ nhà thơ Nga Xô viết Maiacovxki.
Elsa, người đàn bà Nga gốc Do Thái chính là cột mốc tái sinh lớn nhất cuộc đờiAragon như ông từng viết: “Anh quả thật đã sinh từ môi ấy/ Cuộc đời anh khởi sự tự em đây”. Elsa với mái tóc vàng tĩnh vật Levitan kiêu kỳ, lộng lẫy, chợt đổ xuống hồn người đàn ông siêu thực Pháp toàn bộ cái hiện thực vô bờ bến của mùa thu Nga vàng ngập lụt chân trời, ngập lụt cả tâm hồnAragon chất vàng mười trang trọng Taiga. Elsa với đôi mắt xanh thẳm khôn cùng của những thảo nguyên Nga vô tận đã vây bủa chàng thi sĩ Pháp, như thể Aragon vừa rơi xuống đáy cùng của thế giới, nơi chỉ có tình yêu và thi ca kết hợp lại thành bài ca bất tử.
Tưởng là cuộc tình sét đánh làm ông ngất đi trong mê dại điên cuồng, trái lại, đã thức tỉnh ông, lay ông dậy sau giấc hôn mê siêu thực, siêu hình, siêu giác. Cũng như hai người đàn bà Nga khác là Gala và Olga Khklova tác động thôi thúc hai thiên tài hội hoạ là Salvador Dali và Picasso phát triển; Elsa không chỉ là nguồn cảm hứng, nguồn hạnh phúc, nguồn thơ của Aragon mà còn là toàn bộ thế giới mới ông khám phá ra thông qua tâm hồn – thể xác người đàn bà sẽ là vợ ông cho tới chết. Từ khi được Elsa hoá, Aragon dần dần đã trở lại vườn Eden có thực của con người, hoà nhập con người cá nhân vào con người xã hội như tâm hồn ông hoà vào tâm hồn người đàn bà Nga theo kiểu nước sông Volga hòa vào biển Caxpi. Khoảng năm 1930, 1931Aragonchia tay với trào lưu siêu thực để trở về với chủ nghĩa hiện thực khi chủ nghĩa siêu thực đã suy đồi, đã bế tắc cùng cực, đã bị chế giễu là chủ nghĩa hũ nút (hermétisme).
Đây là giai đoạn có tính cách quyết định tới toàn bộ sự nghiệp khổng lồ của Aragonkể cả tiểu thuyết và thi ca, khi sau này ông đóng góp cho văn học Pháp và văn học thế giới. Đây cũng chính là bài học nhãn tiền cho những nhà hậu siêu thực khác từng đua đòi vô thức hoá, phi lý hoá, suồng sã hoá nghệ thuật, kể cả ở nước ta những năm gần đây. Năm 1934, dưới bóng mát của tình yêu Elsa, Aragon đã bắt đầu viết bộ tiểu thuyết đồ sộ là Thế giới hiện thực, tiếp tục truyền thống lớn lao của chủ nghĩa hiện thực Pháp với thiên tài Balzac và những đỉnh cao Stendhal, Flaubert, Maupassant, Zola… của thế kỷ trước.
Cùng với một vài nhà văn khác, hầu như Aragon đã bắc được cây cầu qua hai hố thẳm do hai cuộc chiến tranh thế giới để lại, đặng nối liền hiện tại khủng hoảng sụp đổ với truyền thống của chủ nghĩa hiện thực Pháp trong quá khứ. Phong trào Dada và siêu thực sinh ra bởi tuyệt vọng chiến tranh, từng tìm cách cắt đứt mình với truyền thống, chối bỏ chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực thế kỷ thứ XIX. Tưởng chủ nghĩa hiện thực đã hết thời, đã không còn đất sống. Nhưng chủ nghĩa hiện thực hầu như đã được phục sinh trong bộ thiểu thuyết lớn lao Thế giới hiện thực của Aragon. Nhiều người cho rằng chính tiểu thuyết mới là sự đóng góp lớn nhất của ông cho văn học Pháp. Bởi thông qua hàng ngàn trang sách ấy, nước Pháp trong số phận những nhân vật, những con người bị thế giới tư bản ném vào chiến tranh, ném vào công xưởng, ném vào cuộc đời như người ta ném gà con cho diều quạ. Hai cuộc chiến tranh thế giới tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại do chủ nghĩa tư bản sinh ra ở nửa đầu thế kỷ hai mươi giống như hai cái bìa bằng khói lửa và đau thương của bộ tiểu thuyết hiện thực này. Hầu như toàn bộ máu và nước mắt mồ hôi, niềm phẫn nộ và bi thương, sự thống khổ và dằn vặt tìm đường, ý chí quật cường giải phóng ách phát xít của châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng trong thế kỷ XX đều có mặt nơi bộ tiểu thuyết trường thiên này.
Có thể nói đây chính là một Tấn trò đời mới, như thế kỷ XIX từng hiện lên dưới ngòi bút hiện thực của thiên tài Balzac. Tên các cuốn tiểu thuyết của Aragon trong bộ Thế giới hiện thực xuất hiện liên tục làm sôi nổi văn đàn Pháp với những: Chuông thành Bal (1934), Những khu phố đẹp (1936), Những người du lịch trên hoàng xa (1938), Aurélien (1944), Những người Cộng sản (1949-1951), Tuần lễ thánh (1958)… Hàng trăm nhân vật của bộ tiểu thuyết theo những lộ trình bi kịch của số phận, kéo nhau vào văn học theo hành trình sống và chết, yêu thương và căm thù. Những số phận bị đẩy vào chân tường ấy, may mắn thay, dưới ngòi bút nhân đạo chủ nghĩa của Aragon, dù là tăm tối, bị dày vò đủ đường, vẫn giữ được niềm tin vào tương lai nhân loại, vào con đường giải phóng đang chờ họ. Đấy là nét mới mẻ do phương pháp sáng tác hiện thực mới mang lại cho ngòi bút tiểu thuyếtAragon so với chủ nghĩa hiện thực quằn quại và khốc liệt của quá khứ. Trong đống tro tàn của tuyệt vọng châu Âu do hai cuộc đại chiến thế giới gây ra, chừng như qua trước tác củaAragon, con phượng hoàng của hy vọng đã hồi sinh và vỗ cánh.
Bên cạnh tiểu thuyết và phê bình văn học ra, Aragon còn có một sự nghiệp thi ca rất lớn lao ngay từ thời ông còn là một trong những người đề xướng ra trào lưu siêu thực. Nhiều người cho rằng thơ Aragon đồ sộ và hay hơn cả các thi sĩ đồng thời như P. Eluard, J. Pévert, Saint-John Perse. Có thể nói Aragon là nhà thơ tình lớn nhất thế kỷ XX không chỉ trong văn chương Pháp mà còn cả trong văn chương thế giới. Nàng Elsa thông qua thi ca củaAragonnhư được biến thành Eva, thành biểu tượng cho cái đẹp và yêu thương của toàn thế giới. Chưa bao giờ hình ảnh người đàn bà được vinh danh, được tụng ca như hình ảnh của tạo hoá, hình ảnh của chân thiện mỹ như trong thơ tình củaAragon. Đôi mắt xanh, mái tóc vàng, bàn tay thon dài và thân hình kiều diễm của Elsa đã trở thành thi ca, thành xúc cảm của hàng trăm trang diễm lệ.
Nàng thơ Elsa không chỉ là tình cảm thẩm mỹ mà còn là tư tưởng thẩm mỹ, là trí tuệ được lãng mạn hoá của Aragon. Những dòng thơ cuồn cuộn thác chảy hồn ông về phía chân trời của các trưởng lão, của những bí mật tâm hồn người đàn bà mà ngoài thi ca ra không có gì có thể tới được. Ngay trong thời kỳ chống phát xít Đức, thơ tình của Aragonđã trở thành thơ chiến đấu. Cái đẹp của Elsa, cái tuyệt mỹ của nghệ thuật đã trở thành vũ khí diệt quân thù. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Pháp, cùng với Éluard, Aragonđã trở thành nhà thơ chiến đấu lớn nhất và được tôn vinh nhất. Đây chính là ví dụ nhãn tiền chống lại trường phái nghệ thuật vị nghệ thuật ( cực đoan) và những quan niệm lệch lạc khác phủ nhận tính dấn thân của văn học. Aragon đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nghệ thuật thi ca Pháp bằng những thủ pháp tích cực của trào lưu siêu thực, hoà trộn siêu thực vào hiện thực, hiện thực vào lãng mạn như ông và Elsa đã hoà hợp lại trong tình yêu văn nghệ.
Có lẽ, ở bên kia thế giới, Aragon đang cùng Elsa bay lượn như những tinh cầu của cái đẹp. Cái chết, sự cô đơn, niềm hư vô của thế giới như không còn trọng lượng với hồn thơ trùm thế kỷ này. Trong lúc niềm tin vào chân thiện mỹ, tin vào tương lai nhân loại của ông đang bị thời cuộc hiện nay thử thách, nếu chợt Aragon sống dậy, chắc chắn sẽ đọc to câu thơ thuở nào ông từng viết: “Nếu phải đi trở lại / Tôi vẫn đi lối này”. Vâng, Aragon, một thế kỷ trong một con người, một thi hào, một văn hào Pháp mãi mãi là biểu tượng cho cuộc chiến đấu thiêng liêng của nhân loại chống lại cái xấu xa, tàn bạo, xác lập một thế giới tốt đẹp hơn, nhân ái và bao dung hơn. Nghệ thuật biểu hiện cái đẹp, hướng tới chân thiện mỹ nhưng cái đẹp luôn đồng hành cùng cái có ích, cái tốt chứ không phải cái vô nghĩa và phi lý. Phải chăng điều này chính là thông điệp Aragon gởi đến chúng ta, nhất là trong những năm gần đây, sự tìm tòi cực đoan của một thiểu số lớp trẻ nào đó trong thẩm mỹ thi ca hầu như thiếu một định hướng đúng?
© Trần Mạnh Hảo
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment