Monday, November 7, 2011

Nhà nước Việt Nam thấy gì từ Ðài Loan, Trung Quốc?


Song Chi - Tình hình Biển Ðông ngày càng trở nên phức tạp, khó đoán trước.
Lúc tưởng chừng như sự căng thẳng đã phần nào dịu xuống nhờ vào những chuyến ngoại giao như con thoi giữa các quan chức, phái đoàn cấp cao của các nước. Ví dụ như chuyến viếng thăm TQ của Tổng Bí Thư VN Nguyễn Phú Trọng, hay chuyến công du của tổng thống Philippines đến nước này trong thời gian gần đây.

Lúc thì tình hình lại nóng trở lại sau những sự kiện VN tích cực nâng cao mối quan hệ với Ấn Ðộ khiến Bắc Kinh không vui, hay khi tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, Mỹ, phát hiện mỏ dầu quan trọng ở ngoài khơi bờ biển miền Trung VN...
Báo chí TQ, cụ thể là tờ Hoàn Cầu thời báo (Global Times) đã có những bài viết đe dọa dùng vũ lực trên Biển Ðông, kiểu như, “Ðã đến lúc dạy cho các nước xung quanh biển Ðông một bài học.” Hoặc nêu đích danh VN và Philippines “cần phải chuẩn bị nghe tiếng đại bác”...
Trong cuộc hội thảo quốc tế về Biển Ðông lần thứ ba tổ chức tại Hà Nội ngày 4 tháng 11, ông Ðặng Ðình Quý, giám đốc Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, đã cảnh báo nguy cơ chiến tranh trên Biển Ðông “...nếu không có sự kiềm chế, sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế của các bên liên quan, nếu không có những nỗ lực có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế...” (“Tự do hàng hải ở biển Ðông là sống còn,” VietnamNet)
Nhân dịp này, một số báo đài như BBC, RFA... đã nhắc lại lời phát biểu của Thiếu Tướng Doãn Thịnh Tiên, người đứng đầu Hải Quân Ðài Loan tại khu vực Thái Bình Dương, được báo chí trong và ngoài nước đăng tải trong tháng 6, 2011: “Nếu xảy ra xung đột bằng quân sự giữa Trung Quốc đại lục và Philippines thì quân đội Ðài Loan đóng ở Thái Bình Dương sẽ ra tay trợ giúp quân đội của Trung Quốc đại lục” để “...cùng bảo vệ tài sản chung của tổ tiên...” (Theo Người Ðưa Tin)
Ông Lê Ngọc Thống, sĩ quan Quân Ðội Nhân Dân VN nói về quan hệ TQ-Ðài Loan và mối nguy với Trường Sa:
“...Người Trung Quốc không bao giờ đánh người Trung Quốc phải khẳng định như thế. Thứ ba nữa vừa rồi theo đài tiếng nói Hoa Kỳ có đưa tin ông tổng thống Ðài Loan nói rằng sẵn sàng ký một hòa ước với Trung Quốc... Tuy nhiên nếu Trung Quốc chấp nhận ký hòa ước thì phải có cái giá của nó và tôi nghĩ rằng cái giá đó không gì ngoài cái đảo Ba Bình... Khi việc đó xảy ra thì quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ càng phức tạp hơn bởi vì trên mặt trận họ có điểm đứng chân...” (“Vai trò của Ðài Loan tại Biển Ðông,” RFA)
Như vậy, trước nguy cơ xảy ra chiến tranh trên Biển Ðông, người Ðài Loan đã cho thấy quan điểm của họ, nói theo bài viết trên RFA là “một giọt máu đào hơn ao nước lã.” Còn Trung Quốc, từ thời Ðặng Tiểu Bình cho tới Giang Trạch Dân đều tuyên bố theo phương châm “thống nhất hòa bình, một quốc gia, hai chế độ.”
Ðó là lý do vì sao Bắc Kinh chỉ dọa nạt chứ không dùng vũ lực đánh chiếm Ðài Loan. Những cái đầu lãnh đạo ở Bắc Kinh còn biết khôn ngoan để tránh cảnh nồi da xáo thịt giữa những con người cùng chung một giống nòi, tổ tiên.
Thứ hai, các chính khách TQ vốn có cái nhìn xa, thâm trầm và thực dụng. Với họ, việc để cho Hongkong, Ðài Loan tự do phát triển trong một thể chế dân chủ thành những quốc gia giàu mạnh, thì đất nước Trung Hoa càng có lợi khi những quốc gia này trở về với đất mẹ. Sẽ là những đặc khu kinh tế thịnh vượng, với nhiều điều hay của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa mà Trung Hoa đại lục có thể học hỏi.
Không hiểu những người lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN khi nghe được những quan điểm này của những người lãnh đạo Ðài Loan hay TQ, họ nghĩ gì.
Nếu còn có chút đầu óc biết suy nghĩ, hẳn họ phải chua xót nhớ lại khi TQ lợi dụng thời điểm khó khăn của chính quyền VNCH để đánh chiếm Hoàng Sa mà chính quyền VNDCCH ở miền Bắc đã không hề lên tiếng. Hoặc ngẫm lại những bài học từ cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc trước kia.
Vì quá mê muội vào những học thuyết/chủ thuyết ngoại lai, vì đặt quyền lợi của đảng, của giai cấp lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc, những người cộng sản VN đã quyết tâm theo đuổi cuộc chiến tranh “chống Mỹ ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” đến cùng. Bất chấp cái giá máu xương mà cả dân tộc phải trả.
Ngay cả khi Hiệp Ðịnh Paris đã được ký kết, với nội dung chính Mỹ rút quân khỏi VN, “chính quyền của Tổng Thống Thiệu được quyền tồn tại trong một giải pháp hòa bình, Nhân dân Nam Việt Nam sẽ quyết định tương lai chính trị của mình qua ‘tổng tuyển cử tự do và dân chủ dưới sự giám sát quốc tế.’ Nhưng trên thực tế, ngay sau đó, những người cộng sản đã chuẩn bị cho việc đánh dứt điểm chính quyền VNCH.”
Gần đây, đọc lại những bài viết của những người thân cận với Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm hoặc những lời bàn chung quanh tác phẩm “Chính đề Việt Nam” của ông Cố vấn Ngô Ðình Nhu trước kia. Ðể thấy quan điểm rất rõ ràng của cả hai ông là chỉ dựa vào sự viện trợ của Hoa Kỳ để xây dựng đất nước thành một quốc gia tự cường, hùng mạnh, hai miền cứ phát triển theo con đường riêng và sẽ thống nhất bằng một phương pháp hòa bình khi đủ điều kiện.
Sẽ là chuyện vô ích nếu bây giờ còn đặt ra giả thuyết nếu như lúc ấy những người cộng sản cũng biết nghĩ “người VN không đánh người VN,” thay vì cứ lao vào cuộc chiến với niềm tự hào là “tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa, ta đánh đây là đánh cho cả Liên Xô, Trung Quốc...” Bởi, có rất nhiều quốc gia đã giành lại độc lập hoặc thống nhất đất nước mà không tốn một giọt máu của nhân dân.
Nhưng, mỗi đất nước, mỗi dân tộc có một số phận. Số phận của VN quả là bi kịch!
Sau này, chính những người lãnh đạo đảng Cộng Sản VN cũng đã chua xót nhận ra mưu đồ của TQ khi giúp đỡ miền Bắc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Vừa có cơ hội giúp cho cuộc chiến kéo dài khiến Mỹ sa lầy và trở nên suy yếu, vừa thủ lợi bằng phương pháp thâm độc “đánh Mỹ đến người VN cuối cùng.”
Nhắc lại những chuyện đã cũ mèm này, chỉ vì, dường như, các thế hệ lãnh đạo nhà nước Cộng Sản VN sau này cũng vẫn chẳng tỏ ra tỉnh ngộ gì hơn. Khi vẫn tiếp tục đặt quyền lợi của đảng, của chế độ lên trên hết. Tiếp tục bám vào mối quan hệ với TQ bất chấp những gì TQ đã, đang và sẽ tiến hành với VN. Chỉ vì hai đảng, hai nhà nước này cùng có chung một mô hình thể chế chính trị, “một lý thuyết, một lý tưởng.”
Trong khi đó, ai cũng biết, học thuyết Mark Engels, mô hình xã hội chủ nghĩa hay tình hữu nghị cộng sản đã bị Bắc Kinh vứt vào sọt rác từ lâu. Họ chỉ giữ lại mô hình độc đảng do đảng cộng sản lãnh đạo, còn lại, mọi việc họ làm đều là có lợi cho họ và cho TQ.
Trước tham vọng của TQ đối với biển Ðông, điều gì khiến những người lãnh đạo VN có thể ảo tưởng rằng TQ sẽ vì tình hữu nghị với VN mà hy sinh một chút “lợi ích cốt lõi”? Hay là nếu có cơ hội thì cái gai trước mắt mà họ sẽ nhổ là VN chứ không phải một quốc gia nào khác. Không chỉ vì VN nằm ngay trên con đường tiến ra biển duy nhất của TQ, mà còn vì VN không có đồng minh chiến lược như Philippines hay Nhật Bản có Hoa Kỳ chẳng hạn.
Chỉ mong những người lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng Sản VN, sau rất nhiều lần bắt cả dân tộc trả học phí quá đắt cho tầm nhìn thiển cận và sự ích kỷ của mình kịp hiểu ra rằng chủ quyền của đất nước, quyền lợi của dân tộc là tối thượng.
Sớm hay muộn, những lời đe dọa kiểu như trên tờ Hoàn Cầu thời báo hôm nay sẽ trở thành sự thật. Nhưng khi VN đã thay đổi về thể chế chính trị, thoát ra khỏi cái bóng kiềm tỏa của TQ, cố kết được lòng dân và có những quan hệ đồng minh chiến lược thật sự thì mối nguy mất nước sẽ lùi xa!

No comments:

Post a Comment