Trần Minh Quân (Tuanvietnam) -
Xét về mọi mặt, hai dự án thủy điện này đều nằm gọn trong khu vực rừng
quốc gia và chưa phải là công trình quan trọng quốc gia, cũng không
thuộc diện chủ trương của Quốc hội. Vậy tại sao lại phải cố làm cho bằng
được, bất chấp những nguyên tắc quản lý Nhà nước?
Nhà khoa học: Sáng đúng chiều sai, sáng mai lại đúng?
Trước đây, dư luận xã hội đã rất bất bình khi ông Nguyễn Việt Dũng,
Phó Giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên (Hội Liên hiệp khoa học
kỹ thuật Việt Nam) cho biết, bản báo cáo đánh giá tác động môi trường
của hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A do Viện Quy hoạch thuỷ
lợi miền Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện
là một báo cáo sao chép.
Thì một lần nữa, những người
quan tâm đến hai dự án thủy điện này lại phải... chưng hửng khi chứng
kiến thái độ bất nhất của các nhà khoa học thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên
và Môi trường Việt Nam (Vacne).
Vào ngày 29.6.2011, khi trả lời phỏng vấn báo Dân Việt,
ông PGS.TS Nguyễn Đình Hoè cho rằng "137 hec ta đất rừng Cát Tiên cắt
ra chỉ là diện tích để xây dựng nhà máy, còn diện tích rừng bị mất đi do
ngập nước và các nguyên nhân khác có liên quan đến thuỷ điện còn lớn
hơn nhiều". Ông Hòe còn nhấn mạnh "Xin thưa rằng, phải mất hàng trăm năm
mới có được thảm thực vật đa dạng của rừng Cát Tiên".
Cũng trong cuộc phỏng vấn này,
ông Hòe đã đặt nghi vấn "Cách đây mấy tháng, tỉnh Đồng Nai và TP.HCM đề
nghị bỏ bớt vài nhà máy thuỷ điện trong quy hoạch. Vậy sao nhà máy thuỷ
điện Đồng Nai 6 và 6A vẫn tiến hành làm thủ tục đầu tư xây dựng?".
Và ông yêu cầu "Doanh nghiệp -
chủ đầu tư Dự án nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A trên sông Đồng Nai
công bố công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường để dư luận và các
nhà khoa học có cơ sở phản biện. Báo cáo đánh giá tác động môi trường
cần xây dựng trên toàn lưu vực sông Đồng Nai, chứ không đơn lẻ ở một
đoạn sông, nhánh sông".
Với những ý kiến trên đây, rõ
ràng nhiều người sẽ nghĩ rằng ông không đồng tình hay thậm chí phản đối
việc xây dựng thêm hai nhà máy thủy điện nữa trên sông Đồng Nai, một con
sông được quy hoạch đến 20 nhà máy thủy điện khác nhau.
Tuy nhiên, tại hội thảo về các
vấn đề môi trường liên quan đến hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do
Vacne tổ chức ngày 30.9 tại Hà Nội, thì thái độ của các nhà khoa học
thuộc Vacne, trong đó có PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, đã gần như... thay đổi
hoàn toàn theo chiều hướng ngược lại.
Theo đó, quan điểm và chính kiến của Vacne khẳng định rằng mọi tác động "không hề nghiêm trọng như một bộ phận dư luận đánh giá".
Trong bản tham luận tại hội thảo
được đánh giá là khá "nặng ký" tại hội thảo ngày 30.9 vừa qua, PGS.TS
Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban phản biện xã hội Vacne lại tỏ ra khá lạc
quan và cho rằng mọi lo lắng đã trở nên thái quá.
PGS.TS Hòe khẳng định việc làm
ngập 137 hec ta trên thực tế chỉ làm giảm chút ít nơi kiếm thức ăn của
động vật ở khu Cát Lộc, ít ảnh hưởng đến nơi di trú của động vật.
Sau khi phân tích những cái
được, mất của dự án, ông Hòe khẳng định chắc nịch: "Hai dự án xứng đáng
được đánh đổi, nhưng là đánh đổi có điều kiện. Điều kiện ở đây là chủ
đầu tư cần xem xét đến các giải pháp giảm thiểu tác động và nâng cấp
chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường". Nhưng ông không nêu ra
được giải pháp nào cụ thể.
Kết thúc tham luận, ông Hòe tái
khẳng định "Nhận định của Bộ NNvà PTNT tại đề xuất về việc điều chỉnh
quy hoạch vườn Quốc gia Cát Tiên để xây nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và
6A là hoàn toàn chính xác". Và ông còn cho biết sẽ "Đề nghị Vacne sớm
gửi kiến nghị cho phép chủ đầu tư tiếp tục được thực hiện dự án".
Phải mất hàng trăm năm mới có được thảm thực vật đa dạng của rừng Cát Tiên
Chỉ trong vòng 3 tháng, lại chưa một lần đến
tham quan, nghiên cứu khu vực vườn Quốc gia Cát Tiên nhưng thái độ của
những nhà khoa học đang được biết đến với danh nghĩa phản biện lại thay
đổi một cách đột ngột như thế, khiến cho dư luận thêm hoài nghi về tính
khách quan của công tác đánh giá, thẩm định dự án.
Sự thay đổi quan điểm nhanh
chóng này chẳng khác nào cái cách mà người ta hay kháo nhau theo kiểu
"Sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng".
Chưa cần biết những đánh giá này
là đúng hay sai nhưng rõ ràng đây không phải là phong cách và cái tâm
của một nhà khoa học chân chính.
Không dừng lại ở đó, việc ông Hòe đề nghị Vacne gửi kiến nghị làm thủy điện giúp chủ đầu tư cũng thật khó hiểu.
Theo TS Đào Trọng Tứ,
Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi
biến đổi khí hậu, thì Vacne đang đóng nhầm vai. "Tôi muốn hỏi, Vacne có
chức năng làm công văn xin làm thuỷ điện cho Đồng Nai không? Vacne đang
thay mặt cho nhà đầu tư?" TS Tứ đặt nghi vấn (SGTT 04.10).
Chưa hết, khi trả lời phỏng vấn báo Người lao động về
vấn đề này, PGS.TS Hòe còn tỏ ra rất khó chịu khi một số cơ quan báo
chí và nhà khoa học đang cố làm rõ những tác động của dự án đến môi
trường.
Ông nói: "Sông Đồng Nai đoạn từ
trước hồ Trị An đến cửa vườn Quốc gia được tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ Công
Thương quy hoạch 5 thủy điện quy mô tương đương Đồng Nai 6A, nằm ngay
trong khu dự trữ sinh quyển nhưng chẳng thấy ai phản đối mà sao cứ chọc
ngoáy vào Đồng Nai 6 và 6A".
Còn có lợi ích đặc biệt nào khác?
Nhìn lại toàn bộ diễn biến của sự việc xung quanh dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, có thể thấy dường như đang có một cuộc vận động ngầm để được thực hiện 2 dự án này bằng mọi giá.
Từ bản báo cáo sao chép, đến
việc hỗ trợ toàn bộ chi phí cho đoàn khảo sát, nghiên cứu từ phía chủ
đầu tư trước đây và mới đây là một hội thảo khoa học chóng vánh ... Tất
cả đều có một mục đích duy nhất là để dự án được thực hiện, bất chấp
những cảnh báo tác hại đến môi trường từ dư luận và các nhà khoa học
khác.
Việc quá "mặn mà" với hai dự án
thủy điện này đang khiến dư luận không thể không đặt nhiều dấu chấm hỏi.
Liệu các ý kiến ủng hộ dự án của một số nhà khoa học có được xem xét
một cách đầy đủ, công bằng và khoa học hay không?
Và, liệu ngoài mục đích được làm thủy điện, được cung cấp điện cho lưới điện quốc gia ra thì còn có lợi ích đặc biệt nào khác?
Trong một diễn biến khác, khi trả lời phỏng vấn báo SGTT ngày 22.7.2011,
Bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết "Quan điểm trước sau như
một của Bộ Công thương là thuỷ điện không được đụng tới rừng đặc dụng,
vườn quốc gia. Rừng đặc dụng và vườn quốc gia là tài sản của đất nước,
có vai trò bảo vệ môi trường, chống lũ lụt cho hạ nguồn nên về nguyên
tắc không đụng chạm vào những khu rừng như vậy, trừ trường hợp là công
trình quan trọng quốc gia, có ý kiến về mặt chủ trương của Quốc hội buộc
phải xem xét thì lúc đó sẽ tính".
Xét về mọi mặt, hai dự án thủy
điện này đều nằm gọn trong khu vực rừng quốc gia và chưa phải là công
trình quan trọng quốc gia, cũng không thuộc diện chủ trương của Quốc
hội. Vậy tại sao lại phải cố làm cho bằng được, bất chấp những nguyên
tắc quản lý Nhà nước như Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu?
Đành rằng việc phát triển thủy
điện là cần thiết nhưng đối với những dự án nhạy cảm về môi trường và có
tác động sâu rộng đến hệ sinh thái rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng,
thậm chí tác động lâu dài đối với đời sống của người dân sống ven lưu
vực sông Đồng Nai như thế này, rất cần có những đánh giá thực sự nghiêm
túc và khách quan.
Tránh trường hợp đánh đổi cho sự
phát triển bằng mọi giá và đặc biệt là đánh đổi những tác hại của môi
trường để phục vụ cho một nhóm lợi ích cụ thể nào nhất định. Bởi nếu làm
như thế chúng ta chẳng những mang tiếng là "ăn" cả tài nguyên thiên
nhiên, mà còn có tội với thế hệ mai sau.
Đọc thêm:
No comments:
Post a Comment