Monday, November 7, 2011

Minh Nhớp buôn cơ chế (Tiếp theo)


Phan Thế Hải - Thói đời, nước càng đục càng dễ kiếm ăn. Hồi đó, chính sách nửa tỉnh nửa say, nửa cấm đoán, nửa mở cửa. Bên xứ Tàu, Đặng tiên sinh biến câu ‘‘Mèo trắng, mèo vàng...’’ thành kinh thánh của lý luận cải cách mở cửa. Còn ở xứ ta, anh Sáu cũng đang lên phong độ khi dương cao ngọn cờ xoá đói giảm nghèo, biến Sài Thành trở nên nơi bội thu ngân sách, giải cứu sự thiếu đói triền miên cho cả nước.
Trong khi các đồng chí cộng kiên trung vẫn coi đói nghèo là tiêu chuẩn của sự trong sạch, tiêu chuẩn của đạo đức thì có một số đồng chí khác vẫn âm thầm ngoại tình, trốn chạy khỏi cái lý luận cú đỉn cũ kỹ của đ/c Mạc râu và đ/c Nin hói để đến với quy luật giá trị. Trường hợp của đ/c Minh Nhớp tất nhiên, thuộc típ người của anh Sáu. Vừa năng động, vừa dám nghĩ vừa dám làm. Suy cho cùng, đ/c Minh cũng chả có gì để mất, ngoài sự đói nghèo.
Nghệ Tĩnh hồi đó còn nhiều rừng, thông qua các đầu nậu, làm cơ chế với các trạm kiểm lâm, đ/c đã thu mua được không biết bao nhiêu là gỗ nguyên khối. Điều ấn tượng nhất khi tôi đi qua cầu Bến Thuỷ thời đó là những bãi gỗ tròn mênh mông của đ/c Minh Nhớp. Bên kia sông Lam, dân Hà tĩnh vẫn gọi là Gia Lách, ven sông là bãi đất rộng mênh mông thường ngập lụt vào mùa mưa. Đó là nơi đ/c Minh tập kết gỗ như một trạm trung chuyển. Phần lớn gỗ được đưa từ Lào về, một phần được khai thác ở các huyện miền núi của xứ Nghệ.
Gỗ xuất thô sang Nhật, qua cảng Cửa Lò, một vốn bốn năm lời. Có ngoại tệ, đ/c Minh nhập về xe máy loại second hand, mua với giá đồng nát, bán với giá... kim cương. Lãi vô thiên lủng. Thời cuối 80s đầu 90s, đ/c nào có con xe 8 mốt, máy cối, chạy từ đầu làng đến cuối làng, con gái chết không sót một mống nào. Thậm chí, có cô còn thầm mơ được làm vợ ba vợ tư của một thằng răng vẩu chỉ vì hắn sở hữu con xe mang nhãn hiệu Japan.
Với thị trường ấy, với trí thông minh ấy, với sự năng động ấy, Công ty GETRADIMEX của đồng chí Minh phất lên như diều gặp bão. Có tiền, đ/c xây trụ sở, sắm xe, có tiền, đ/c nhập máy móc, nhà xưởng. Với tham vọng đưa công nghệ xe máy vào xoá đói giảm nghèo cho quê hương. Khi tôi có mặt ở đó, Hà Tĩnh là một trong số ít địa phương có dây chuyền lắp ráp xe gắn máy.
Cái gọi là dây chuyền thực chất chỉ là hệ thống các nồi hơi nén với các ống dẫn, khi vặn các ecu, không phải dùng clê thủ công mà là dùng lực nén từ nồi hơi thông qua súng bắn bụp bụp. Hiện đại vãi. Lần đầu vào thăm xưởng của đ/c Minh, mới thấy té ra, những con Dream láng cóng trị giá bằng cái biệt thự cũng phải đi qua cái dây chuyền này. Dream II được coi là ước mơ của triệu triệu con tim người dân xứ Thiên đường.
Loại xe này mang nhãn mác Honda nhưng được sản xuất trên đất Thái. Với người Thái, xe đó thường dùng cho tầng lớp bình dân, thậm chí chỉ là xe chở hàng cho mấy tay cửu vạn, nhưng với xứ ta thì đó một tài sản, phải mất nhiều năm tham nhũng mới có được. Trên đất Thái, giá xe xuất xưởng chỉ khoảng 900 USD, nhập qua Lào, đưa về Việt, giá bán gấp ba lần như thế. Vấn đề cơ bản là ai được phép nhập khẩu và được nhập bao nhiêu ?
Những ẩn số như trên không nằm trong luật, không nằm trong chính sách mà là nằm trong nghị quyết của Tiệc, thậm chí là tuỳ thuộc vào sự hứng tình của một lãnh đạo có cỡ nào đó.
Bạn tôi, có lô hàng làm thủ tục qua cửa khẩu, Hải quan phán : Hàng cấm nhập, tịch thu. Hắn về nhờ ông già vợ là một ông lớn ở tỉnh uỷ, trình bày xong, ông này làm cho mấy chữ thư tay, ra trình Cục trưởng Hải quan, tay này nhấc máy, gọi xuống đội, thế là OK.
Tất nhiên, sau mỗi chuyến trót lọt, đều phải lại quả chu đáo, nếu không chúng sẽ cắt cầu.
Trong môi trường ấy, đã hình thành một cách buôn không giống ai nhưng hiệu quả vô cùng : Buôn cơ chế. Giờ đây, không phải ai cũng hiểu thấu đáo cách buôn ấy, bởi nó biến hoá khôn lường, thường xuyên thay đổi theo sự biến hoá của cơ chế, của các điều khoản các luật và văn bản dưới luật. Nếu ở trường đại học kinh tế có đưa môn này vào giảng dạy thì đồng chí Minh Nhớp xứng đáng được phong danh hiệu Giáo sư.
(Còn tiếp)
P.T.H.
Phần 1

No comments:

Post a Comment