Monday, November 7, 2011

Chúng tôi hết sợ rồi

  Từ Khanh - Khin Cho Myint 16 tuổi, đang chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học thì Thế Hệ Sinh Viên 88 ở Rangoon phát động cuộc nổi dậy. Hẳn lúc ấy cô là một thiếu nữ xinh đẹp, tràn đầy sức sống, bởi hơn 20 năm sau, giờ đây đang ngồi trước mắt tôi, cô vẫn xinh đẹp, kiêu hãnh, sôi nổi và hồn nhiên như chưa từng đi qua nhiều thứ:

‘Tôi không tham gia Thế Hệ 88. Thấy các anh làm nên phụ. Tôi chỉ tham gia phát truyền đơn giúp các anh lớn.’
Giọng cô trong nhưng ấm. Cô nói hồn nhiên khiến tôi và người cựu cận vệ của bà Aung San Suu Kyi đều bật cười.
‘Phát truyền đơn mà bảo là không tham gia. Quá đi chứ, tội nặng lắm.’
Khin cười sảng khoái. Bây giờ cô đã đến tuổi được gọi là Ma Khin theo lệ người Miến. Cô bảo ‘vậy sao, tôi phát giùm các anh ấy, xong khi cuộc nổi dậy bị dẹp tan, tôi chờ mấy năm mới xin được vào đại học Yangon, cuối cùng vào ngành vật lý.’
Chúng tôi cùng ngồi trong quán cà phê Peace trong lòng biên quận Mae Sot giáp ranh Miến Điện. Một nữ bác sĩ Miến không muốn nhắc tên. Một cựu tù nhân nam Thế Hệ 88. Ko Thet, nguyên cận vệ của Daw Suu, và Ma Khin, người đang điều hành Hội Trợ Giúp Tù Nhân Miến Điện đặt trụ sở chui cách biên giới Miến sáu cây số đường bộ. Trụ sở này không có một bảng hiệu gì cả. Đi ngoài đường nhìn vào như một căn nhà bình thường, dọc sân trước một hàng cây xoài xum xuê. Nhân viên đều là cựu tù nhân chính trị. Họ cập nhật tin tức tù nhân liên tục, tiếp tế các tổ chức dân chủ trong nước bằng cách riêng của họ. Chỉ những người được giới thiệu mới biết và được tiếp. Họ dùng hộp thư bưu điện để liên lạc, có một trang web ấn tượng (aappb.org).
Tôi phải đứng dưới các táng xoài để người nữ bác sĩ vào trước xin phép. Khi được cho chui vô cánh cửa nhỏ, đứng trước gian phòng tối thui chỉ loáng thoáng rất nhiều hình ảnh tù nhân đang ở tù hay đã chết, chợt rùng mình như đang thở trong một phòng biệt giam cùng các linh hồn lẩn quất. Ma Khin xuất hiện trong bóng tối, cô bật hết các ngọn đèn vàng trong phòng nhưng dường như ánh sáng không làm vơi nhẹ bầu khí u u. Ánh đèn soi lên khuôn mặt đăm chiêu của các người tù, các nhà sư áo nâu sồng thương tích, các hình ảnh sinh hoạt của tù nhân trong nhà tù Insein ở Rangoon, trong các nhà lao khác, những dụng cụ tra tấn ghê rợn, đôi mắt của người sinh viên năm thứ ba Min Ko Naing khi đang lãnh đạo Thế Hệ 88, đôi mắt của bà Aung San Suu Kyi, đôi mắt những người tù đã chết. Tất cả những ánh mắt ấy nhìn vào mình trong màu vàng nhạt. Màu trời bên ngoài ô cửa nhỏ nhuốm màu xanh tái như ở hẵn một thế giới riêng biệt.
Tôi nói với Ma Khin sẽ không hỏi về cuộc đấu tranh của dân tộc cô, không thích những con số, mà chỉ muốn biết cuộc đời của một con người xương thịt bình thường, yêu đương bình yên, đau đớn, vui buồn, kỷ niệm, ca hát, suy tư của một phụ nữ xinh đẹp, dáng cao nhưng không mảnh khảnh, một nụ cười hết cỡ trên khuôn mặt trầm ngâm sâu thẳm. Vì vậy câu hỏi đầu tiên là ‘những mối tình đã đi qua hay đang đứng lại’!
‘Tôi đẹp à, nghe cũng thích.’
Ma Khin. Ảnh: Từ Khanh
Ma Khin cười rất tươi. Cô đang sống cơ cực trốn lánh nhưng cốt cách vẫn sang trọng bẩm sinh. Cô nói tôi đã được đài BBC phỏng vấn nhưng họ chỉ hỏi về cuộc đấu tranh và đời sống trong tù.
‘Năm 1998 tôi bị bắt.Lúc đó mới có bạn trai được bảy tháng.’
‘Rồi anh ấy…?’
‘Anh ấy bỏ tôi. Buồn kinh khủng [cười lớn]. Anh ấy là thành viên của Thế Hệ 88. Sau đó biệt tích luôn tới giờ.’
Ma Khin cười lớn, cười từng tràng. Nhưng một chập thì đôi mắt đỏ hoe. Lặng thinh.
‘Tôi học xong cử nhân, học tiếp lên cao học. Lúc này thì thật sự tham gia Thế Hệ 88 chứ không chỉ phát truyền đơn như ban đầu. Rồi bị lộ. Họ đi xe đến nhà bắt tôi lúc 10 giờ đêm.’
Ma Khin là con út, có hai chị và hai anh trai. Cha làm công chức ở Rangoon, gia đình khá giả và không phải lo nghĩ sinh kế. Từ nhỏ cho đến khi bị bắt, cô vẫn ngủ với mẹ. Những món gì ngon nhất trong nhà cô được dành riêng. Những món đồ chơi đắt nhất cô được dành riêng. Cô tiểu thư sống hạnh phúc trong gia đình đầm ấm. Cô có mọi thứ của một cuộc sống nhiều người thiếu. Nhưng cô nhảy vọt ra khỏi cuộc đời đó. Cô xuống đường. Điều này thật có ý nghĩa. Cuộc đấu tranh đòi dân chủ của người Miến Điện khác thường ở đây, khác ở chỗ, như có người thường nghĩ (qua kinh nghiệm), cách mạng thường do những kẻ cùng đường (và hết đường) khởi xướng. Những cuộc xuống đường trong hơn 20 năm qua ở Miến Điện, như chính bà Aung San Suu Kyi nói trong bài thuyết trình (bằng video) thứ nhất hồi cuối tháng 6.2011 tại viện Reith Lectures của đài BBC: họ là những người rất trẻ, họ đòi quyền được tiếp xúc (rights to human contact).
‘Lúc họ đem xe tới yêu cầu tôi đi, mẹ tôi cương quyết đòi đi theo con gái. Bà kêu liên tục, tôi muốn đi theo con tôi, tôi muốn đi theo con tôi. Dĩ nhiên là không được. Họ chở tôi vào Insein. Ban đầu tôi bị nhốt riêng, thẩm vấn ngày và đêm nhưng không bị tra tấn. Họ hỏi tôi tông tích các anh trong Thế Hệ 88. Tôi nói tôi không quen ai cả, tôi có phát truyền đơn tài liệu chứ không tham gia tổ chức chính trị nào. Mấy tháng đầu là thời gian kinh khủng nhất, vấn đề vệ sinh phụ nữ không có, không được tắm, thức ăn thì dù đói kinh khủng cũng không ăn được. Họ đưa đĩa cơm đen thui, bốc mùi mốc, gia đình không được thăm nuôi. Tôi sa sút tinh thần thảm hại.
‘Có lúc nào cô hối hận?”
‘Có. Mấy tháng đầu có những lúc nghĩ lại việc mình làm. Tôi không bị đánh nhưng một số nữ tù bị tra tấn, không khí trong tù kinh khủng quá. Nhưng rồi khi ở được vài tháng, tôi hết sợ. Lúc đó tôi nghĩ những sinh viên lãnh tụ không nhiều, những người tham gia trực tiếp không nhiều. Chúng tôi chỉ là một số ít, nếu mình không làm thì ai làm. Tôi nghĩ vậy nên hết sợ.’
‘Nghĩa là càng ở lâu càng quyết tâm?’
‘Ở tù lâu, nghĩ lại thật ra chỉ cực cái xác, rồi nghĩ nữa thật ra chẳng có gì phải sợ. Xung quanh toàn bè bạn. Chúng tôi hỗ trợ nhau tinh thần, pha trò. Nhưng tôi phấn chấn nhất là được Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế vào thăm. Tôi được Chữ Thập Đỏ Quốc Tế thăm chín lần trong suốt 5 năm 9 tháng tù. Đó là một khích lệ lớn, tôi hăng hái vì biết chúng tôi không bị bỏ quên.’
‘Họ giúp đỡ gì không?’
‘Họ đề nghị nếu tôi muốn họ sẽ xin chuyển qua nhà giam khác tốt hơn. Chỉ vậy thôi nhưng tôi từ chối.’
‘Tại sao?’
‘Nếu cứ nhờ người khác giúp đỡ thì mình mất cá tính, không còn là mình được. Còn bạn bè thì sao. Thỏa thuận để được trợ giúp là hối mại quyền thế. Không được. Tôi phải độc lập, không thỏa hiệp. Ở biệt giam trong nhà tù Insein được 10 tháng thì họ chuyển đi nhà lao Moulmein thuộc bang Mon, xa Rangoon trên 300 cây số. Tới nhà tù mới tôi được nhốt chung, đỡ căng thẳng nhưng mẹ tôi không đi thăm được nữa.’
Ma Khin kể chuyện này thật hồn nhiên chứ không phải để lên gân hay tuyên truyền. Cô không cần lên gân với một kẻ khố rách áo ôm đang nói chuyện với cô ở một chỗ vắng người
‘Một ngày trong đời ư. Đại khái sáng năm giờ thức dậy. Vệ sinh cá nhân chờ đến trưa nhận đồ ăn. Ngủ rồi thức đến bốn giờ chiều được mở cửa phòng cho đi tắm tập thể. Trao đổi thông tin với bạn tù nếu có thể. Cái kinh khủng nhất là không biết bao giờ mình được thả, họ nói 10 năm nhưng không biết có đúng không. Tôi biết anh Min Ko Naing bị kêu 20 năm và chuyển đi nhiều trại. Có tin suốt hai tuần anh bị cột đứng dội nước lạnh cho đến khi ngất đi. Anh ấy là nhà thơ, nghệ sĩ, không biết chịu làm sao nổi.’
Ma Khin bật cười lớn:
‘Sung sướng nhất lúc được Chữ Thập Đỏ vô thăm là cô giáo tôi làm thông dịch viên. Cô dạy tôi năm cuối trung học. Tôi mừng rỡ vô cùng vì thường thông dịch viên đều là an ninh. Gặp cô giáo tôi nói thoải mái, thật sung sướng, mà bà cũng không ngờ gặp học trò cũ trong tù.’
Ma Khin như đang khóc cười với những tháng ngày cũ. Cô đang cười vui chợt khựng lại, ủ rủ:
‘Trong thời gian đó mẹ tôi bệnh. Nửa đêm nhiều khi bật dậy nghĩ mẹ đã đi rồi. An ninh họ biết, bảo tôi làm đơn theo ý họ thì sẽ thả về gặp mẹ lần cuối. Nhưng tôi không làm theo ý họ. Cả Chữ Thập Đỏ tôi cũng không nhận, huống hồ an ninh quân đội. Rồi tôi nghe tin bà mất.’
Ko Thet chen vào: ‘Khi ở tù cha tôi mất, ông nội mất, anh trai mất…’
Ma Khin sùi sụt. Người cựu cận vệ của Daw Suu nghẹn ngào. Người cựu tù như người tỵ nạn, ở tù một lần là ở tù suốt cuộc đời còn lại. Nỗi ám ảnh lúc nào cũng còn đó.
‘Tôi ra tù sống chung với cha được tám tháng rồi ông mất.’
Ma Khin tiếp tục hoạt động trong nhóm Thế Hệ 88. Cô tham gia cuộc Cách Mạng Áo Nâu năm 2007 (Saffron Revolution) do các nhà sư khởi xướng. Bị dẹp tan, cô bị truy lùng rất căng. Tiếp tục. Trốn chạy. Các đồng chí của cô quyết định đưa cô đi vì họ chỉ để lại trong nước những người chưa bị lộ. Họ tổ chức vượt biên trên một chiếc thuyền gỗ. Chiếc thuyền gỗ của cô may mắn hơn rất nhiều thuyền gỗ của một dân tộc láng giềng là không phải vượt đại dương, chỉ vượt qua dòng Moei nhỏ bé. Nhưng cô không may mắn bằng những người đi tới xứ người trên thuyền vượt biển. Qua tới đây, Ma Khin tiếp tục là di dân bất hợp pháp. Cô bảo hồi nãy trên đường tới đây, cô tái người khi gặp một ông cảnh sát Thái giữa đường. Cô không sợ bị bắt vào nhà tù Thái vì nhà tù không có gì đáng sợ, chỉ sợ nếu bị bắt nơi đây thì thật lãng, không làm gì được nữa. Ma Khin đang sống trong cơn choáng váng vừa phải, nhưng lại lắm lúc cảm thấy một bức tường vô hình vây bủa bởi quẩn quanh trong xó xỉnh Mae Sot nhỏ bé buồn rầu.
‘Cô nghĩ gì về điều Daw Suu nói trong bài diễn văn Hết Sợ (Freedom From Fear)?
‘Tôi nghĩ bà nói rất hay, nhưng thực tế khó lắm anh ạ. Chỉ có điều vì tôi yêu mến bà quá nên tôi đồng ý với bất cứ điều gì Daw Suu nói, bất cứ điều gì Daw Suu làm.’
Nhắc đến Daw Suu, Ma Khin sôi nổi và hồn nhiên thật sự. Ko Thet gật gù, nhưng cô bác sĩ không chịu:
‘Tôi không biết chính trị nhưng tôi không chắc rồi đây Daw Suu sẽ dẫn dắt chúng ta đi tới đâu. Tôi không thấy có hy vọng nào cả.’
Không khí có vẻ căng. Ma Khin quay sang người bạn bác sĩ đang châm cứu cho Ko Thet hai ngày một lần, nói rất nhỏ:
‘Chị có quyền nghi ngờ, chúng ta vẫn là bạn. Tôi chỉ muốn nói thêm, bằng kinh nghiệm của mình, là những nhà độc tài hết sức sai lầm khi hăm dọa hay bắt giam các nhà dân chủ. Bởi càng bị hành hạ chúng tôi càng không sợ. Trong đời, tôi chỉ sợ một lần. Đó là lúc mới bị bắt. Sau lần đó, tôi hết sợ, và mãi mãi không sợ, chỉ giữ mình còn sống để tiếp tục thôi. Anh nhắc bài diễn văn đó tôi mới nhớ, hình như Daw Suu nói 10 năm trước lận, đúng là hết sợ. Chúng tôi hết sợ rồi.’
Cười lớn. Nâng ly:
‘Tôi cạn với anh ly này, phải về vì mai nhiều việc. Ba năm ở đây tôi mới vui một tối như vầy. Có lẽ kiếp trước anh là người Miến (cười).’
Ma Khin uống cạn, quày quả ra khỏi quán dắt xe chiếc xe đạp cà khổ dựng chống bên lề. Dường như trong người phụ nữ ấy còn rất nhiều điều chưa nói tận.
Miến Điện – Muà Thu 2011

http://www.danchimviet.info/archives/45364

No comments:

Post a Comment