Thursday, September 8, 2011

Vài dòng tản mạn với Nhà giáo Hà Văn Thịnh

Vũ Cao Đàm – Bác Hà Văn Thịnh thân mến!

Tôi rất cảm kích được đọc những lời chia sẻ và bổ sung của Bác liên quan bài viết của tôi: Còn níu kéo gì, khi đế quốc cộng sản Đại Hán đã trút bỏ cái mặt nạ “anh em”, “đồng chí” đăng trên trang boxitvn tuần trước.


Tôi cảm kích vì tấm lòng của Bác đối với Tổ Quốc đang lâm nguy trước hiểm họa xâm lăng của chủ nghĩa cộng sản sô-vanh Đại Hán…

Bên cạnh những lời chia sẻ tâm huyết của Bác, tôi cũng đọc được ở đâu đó lời nhắc nhở những người yêu nước phải phân biệt rõ “Bạn – Thù”. Tôi cứ ngẫm nghĩ, … Ô hay, họ phân biệt “Bạn – Thù” rõ lắm đấy chứ! Họ xuống đường hoặc lên tiếng để trút hận thù vào quân xâm lược. Họ là tinh hoa của Tổ Quốc chúng ta. Nói họ bị “thế lực thù địch” kích động, thì nghe vừa thấy khôi hài, lại vừa thấy bị nhói đau trước sự xúc phạm không thể tha thứ đến tình yêu Tổ Quốc của những con dân ưu tú của đất nước này, bất kể người dân ấy là bậc chí sỹ lão thành như nhà văn Nguyên Ngọc, là ông Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh vào sinh ra tử khi chúng ta còn ngồi trên ghế nhà trường, hay là cô bé còn mặc áo trắng của tuổi học trò đáng tuổi cháu nội cháu ngoại của chúng ta.

Bác Thịnh ơi, tôi cũng đã đọc bài “Những nỗi đau của Đế chế Trung Hoa” của Bác. Tôi hiểu được những nỗi đau của họ và thầm kính phục họ về ý chí phục thù xuyên thế kỷ. Nước Trung Hoa xưng hùng xưng bá, nhưng chưa bao giờ chiến thắng trước bất cứ cuộc chiến tranh xâm lược nào. Nhưng, người Trung Hoa có một biệt tài kỳ lạ, độc nhất vô nhị trên thế gian này, đó là trả thù bằng cách Hán hóa tất cả các đạo quân xâm lược, kể cả những đế chế lừng lẫy nhất thế giới, như Mông Cổ và Mãn Thanh. Đế chế Mãn Thanh hùng mạnh như vậy mà bị “thôn tính” trở lại theo kiểu “Hán hóa”, đến mức ngày nay chỉ còn lại con số cỡ trên trăm người nói được tiếng Mãn…

Trong thời gian làm việc ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều bạn bè người Mãn… Tôi nhận ra, ai cũng mang một đôi mắt đượm buồn, và khó tìm được vẻ buồn nào hơn thế. Có lần tôi buột miệng hỏi một nhà nghiên cứu người Mãn: “Chị nói tiếng Mãn vẫn tốt chứ?”. Lòng chị ấy trĩu xuống, nói không ra tiếng, lắc đầu buồn bã, và buông ra một lời ứ máu nghẹn ngào: “Các bạn hạnh phúc vì vẫn giữ được tiếng Việt sau hơn một ngàn năm đô hộ của người Hán”.

Tôi muốn phụ họa với Bác về những nỗi đau của con dân các sắc tộc trên đất nước Trung Hoa vì sự hiếu chiến tham lam của các đế chế Đại Hán, bất kể đó là đế chế phong kiến hay đế chế cộng sản. Một lần tôi ngồi quanh ly cà phê với một anh bạn người Trung Quốc, chúng tôi không lẩn tránh sự thật, nói với nhau về sự xung đột kéo dài giữa hai quốc gia… Tôi hơi sững người khi anh ấy nói: “Bất kể xung đột vì lý do nào đều là đáng tiếc và cả hai chính phủ đều phải chịu trách nhiệm trước hai dân tộc”. Nhưng…, anh khựng lại, nhìn thẳng vào mắt tôi, và tiếp… “theo tôi, thì chính phủ của nước lớn hơn phải chịu trách nhiệm lớn hơn”. Tôi hỏi vui: “Tôi cảm thấy rất lạ, hầu hết bạn bè và thầy cô giáo người Hoa của tôi đều rất thân thiện và nhân hậu, hơn nữa cảm nhận rất rõ những sự thật ấy. Vậy vì sao khi họ trở thành các chính khách Trung Hoa, thì đều mang trong mình kiểu hành xử tham tàn và cao ngạo của các đế chế Đại Hán?”. Anh ấy rất hồn nhiên cười vang: “Anh ơi, ngay cả tôi, khi trở thành chính khách, rất có thể tôi còn tồi tệ hơn bọn họ… Vì điều đó đã như một kiểu gien, ăn vào máu thịt của các chính khách Đại Hán mất rồi”. Đột nhiên, tôi sực nhớ tới một anh bạn người Hoa của tôi, vốn sống rất chân chất, thậm chí ngờ nghệch, giao du với tôi suốt thời kỳ tôi làm việc ở Trung Quốc, sau này tôi có dịp gặp lại khi anh ta đã trở thành Tham tán của Sứ quán Trung Cộng tại một nước Châu Âu, tôi nhận ra giọng nói kẻ cả và sặc mùi dạy đời lươn lẹo đúng hệt như giọng điệu của bọn Hán tặc hiếu chiến hiện nay, như kiểu Tôn Quốc Tường (Đại sứ Trung Cộng tại Hà Nội), Mã Hiểu Thiên (Thứ trưởng Quốc phòng Trung Cộng) qua những ngôn từ dọa dẫm khát máu: “Hợp tác thì sống, đấu tranh thì chết”.

Tôi muốn nhắc lại với Bác một sự kiện, theo lời kể của Giáo sư Phạm Xuân Hằng, về câu chuyện của ông với nhà nghiên cứu Văn Trang trong hội thảo kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi Giáo sư Hằng tỏ ý phàn nàn phàn nàn với Văn Trang về việc hai nhà nghiên cứu Trung Quốc đọc tham luận ý nói chiến thắng Điện Biên Phủ là nhờ sự chỉ đạo và tham chiến của Trung Quốc, thì Văn Trang đã giở giọng đúng hệt bọn chóp bu cộng sản Trung Hoa: “Thôi các đồng chí ơi. Các đồng chí phải nhìn về đại cục, đừng chấp nê với bọn trẻ ngu si ấy”. Nhiều người Việt Nam ở thế hệ đàn anh của tôi đều biết cái ông Văn Trang ấy là ai rồi. Ông ta được cụ Hồ Chí Minh cưu mang khi cuộc nội chiến Quốc – Cộng bên Tàu bùng nổ (1927-1950), phải chạy sang lánh nạn ở núi rừng Việt Bắc của Việt Nam. Sau này, khi Nhà nước cộng sản của Mao Trạch Đông thành lập, thì ông ta trở thành cố vấn của Trung Cộng bên cạnh cụ Hồ Chí Minh.

Chỉ cần để ý một chút thôi, chúng ta có thể kể ra hàng trăm câu chuyện đáng phỉ nhổ về người “đồng chí” Đại Hán “môi hở răng lạnh”. Qua tất cả những chuyện chia sẻ với Bác, tôi chỉ mong muốn được đi đến một điều khẳng định: Tiếng nói và các cuộc biểu tình của những người yêu nước chẳng có gì là “bị các thế lực thù địch kích động” cả. Tôi chưa hề tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lược. nhưng nếu anh chị em trong ngành an ninh hỏi tôi, thì tôi sẽ rất vui vẻ trả lời, là tôi ủng hộ những người xuống đường vì đại nghĩa chống Trung Quốc cộng sản xâm lăng.

Một sinh viên trong lúc chuẩn bị tham dự cuộc biểu tình bất thành ngày 28/8 vừa rồi đã đến nhờ tôi viết cho một khẩu hiệu bằng tiếng Trung Quốc để in trên băng-rôn. Tôi đã viết như sau: “Anh láng giềng xâm lược Đại Hán ơi, nhân dân Việt Nam không hoan nghênh anh”.

Anh bạn sinh viên, sau khi nghe tôi dịch lại, thì tỏ vẻ không vui: “Tại sao chúng ta lại văn vẻ và lịch duyệt quá như vậy, thưa thầy?”, rồi cậu ta nói tiếp: “Chúng ta không thể lịch sự như thế với bọn giang hồ thảo khấu! Bọn chúng không xứng đáng được đối xử lịch sự như thế”!

Tôi nghĩ một lát, thấy anh bạn có lý, nên viết lại một dòng rắn đanh như tiếng dao chém đá:

中共帝国主侵略者滾出越南!”.  

Dòng chữ giản dị ấy có nghĩa là “Bọn đế quốc Trung Hoa cộng sản xâm lược cút khỏi Việt Nam!”. Dịch cho anh bạn sinh viên nghe xong, tôi nói vui: “Nếu ai hỏi về khẩu hiệu này, thì chú cứ bảo là “thế lực thù địch” kích động nghe!”. Hai thầy trò chúng tôi cười vang. Tôi không quên chúc các bạn tổ chức cuộc biểu tình thành công. Tôi còn nhắc: “Nếu có ai định thu hình, thì cậu nhớ đặt cái băng-rôn của cậu trực diện máy thu để bọn trùm xâm lược Trung Nam Hải đọc cho rõ nhá”!

Đáng tiếc, cuộc biểu tình đó đã không xảy ra. Lòng yêu nước đã bị chà đạp đến tổn thương theo đúng nghĩa đen của từ này. Lòng hận thù với kẻ xâm lăng đã bị xem là tư tưởng thù địch. Còn các bậc trí thức văn nhân xuống đường biểu thị lòng yêu nước thương nòi thì bị xem là những kẻ gây rối. Vắng đi một cuộc biểu tình thì có người người mang danh là một kẻ có học viết bài ca ngợi trên báo Hà Nội Mới rằng đó là một ngày Chủ nhật được sống bình yên.

Bác Thịnh ơi! Tôi buồn lắm Bác ạ. Mảnh đất thấm máu của các thế hệ đã ngã xuống để bảo vệ đang bị bọn cộng sản Đại Hán dày xéo. Mọi giá trị mà cha ông chúng ta đã đổ mồ hôi nước mắt để vun đắp đang bị đảo lộn hết cả mất rồi!

Bác là nhà nghiên cứu sử học, Bác hãy cố tìm xem trong các huyền thoại lưu truyền và các pho chính sử của nước ta từ thời các Vua Hùng đến nay có một trang nào, thậm chí một dòng chữ nào bi hài hơn thế hay không?

V.C.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

No comments:

Post a Comment