Phạm Trần - Ngày
Thứ Tư, 14 Tháng 09 Năm 2011, đánh dấu 53 năm ngày Phạm Văn Đồng, Thủ
tướng Cộng sàn Việt Nam gửi Công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai
của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhìn nhận Chủ quyền của nước này
trên hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà sử sách Việt Nam từ bao đời
đã chứng minh đó là giang sơn của Tổ tiên người Việt.
Lỗi lầm lịch sử này giờ đây đã biến thành
mối họa cho dân tộc nhưng đảng Cộng sản Việt Nam, người cầm quyền duy
nhất của cả nước Việt Nam, lại không đủ can đảm giải thích tại sao Phạm
Văn Đồng đã sai lầm như thế ?
Trước khi bàn thêm, chúng ta cần đọc lại nguyên văn Công hàm tai hại này của Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai:
“Thưa đồng chí Tổng lý
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ:
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của
Chính phủ nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của
Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có
trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong
mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.
Chúng tôi xin kính gửi đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”.
Hà-nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958
(Ký tên-Đóng dấu
Phạm Văn Đồng
Thủ tướng Chính phủ
Nước Việt-Nam Dân chủ Cộng Hòa)
Cũng nên biết Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm
1958 của Trung Hoa có đính kèm Bản đồ hai Quần đảo Hòang Sa và Trường
Sa, mà khi ấy thuộc quyền cai qủan của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa
(VNCH) ở miền Nam vỹ tuyến 17, ranh giới phân chia hai miền Nam-Bắc Việt
Nam quy định bởi Hiệp định Geneve năm 1954.
Trong suốt thời gian từ 1954 cho đến khi
Quân đội Cộng sản miền Bắc chiếm Sài Gòn ngày 30 tháng 04 năm 1975, chấm
dứt sự có mặt của Chính quyền VNCH, chưa hề thấy những người cầm quyền ở
miền Bắc, kể cả Hồ Chí Minh còn sống khi Phạm Văn Đồng gửi Công hàm
ngày 14 tháng 9 năm 1958, lên tiềng giải thích lý do tại sao Đồng đã
hành động dại dột như thế để di hệ lụy cho dân tộc về sau ?
Sự im lặng của Chính quyền miền Bắc, khi
ấy là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, khi Bắc Kinh lợi dụng sự yếu thế của
Quân đội VNCH trong nhửng ngày cuối cùng của cuộc chiến giữa hai miến
Nam-Bắc, xua quân đánh chiếm Quần đào Hòang Sa ngày 19/01/1974, đã mở
đường cho Bắc Kinh bất ngờ đem quân đánh chiếm 8 mỏm đá ngầm ở Quần đào
Trường Sa vào tháng 3 năm 1988, khi ấy đã do lính Cộng sàn Việt Nam kiểm
soát.
Cho đến bây giờ, chính phủ của Nhà nước
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, vẫn chưa có bất cứ hành động nào,
ngòai những lời nói xác nhận chủ quyền bằng nước bọt nghe mãi nhàm tai
trên hai Quần đào Hòang Sa và Trướng Sa.
Việt Nam đã không dám đưa Trung Hoa ra
trước Liên Hiệp Quốc và Tòa án Quốc tế để đòi lại toàn Hoàng Sa và 8 mỏm
đá ngầm ở Trường Sa, trong khi Trung Hoa tiếp tục tuyên bố và khoanh
hình Lưỡi bò dành chủ quyền từ 80 đến 85% diện tích Biển Đông.
Đảng CSVN còn ngăn cản không để cho Quốc
hội thảo luận và ra Nghị quyết xác nhận chủ quyền lãnh thổ trên hai Quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội đương
nhiệm XIII, chấm dứt ngày 06-08-2011.
Hành động khuất tất này của Nhà nước Việt
Nam đã bị nhiều thành phần trong xã hội Việt Nam và người Việt ở nước
ngòai lên án là nhu nhược về bản lãnh và hèn yếu trong chính trị trước
những đe dọa công khai và trắng trợn của lực lượng Hải quân Trung Quốc
ngay trong lãnh hải của Việt Nam.
Thậm chí, nhà nước Việt Nam còn chỉ thị
cho công an, cảnh sát đàn áp người dân tham gia các cuộc biều tình chống
âm mưu bành trước, bá quyền của Trung Quốc kể từ đầu tháng 6 cho đến
ngày 21 tháng 8 (2011).
Sự sợ hãi Bắc Kinh của đảng CSVN còn được
chứng minh bằng lời cam kết “gia nô” của Nguyễn Chí Vịnh, Trung tướng,
Thứ trưởng Quốc phòng nói với Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó tổng tham
mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, trong Cuộc họp ở Bắc
Kinh ngày 28 tháng 08 (2011).
Theo tường thuật của Thông tín viên Báo Quân đội Nhân dân thì Vịnh đã hành động như sau:
“Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam
cũng thông báo chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở
Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn.“Các thế lực thù địch
hiện có hai luận điệu chống phá. Thứ nhất, là Việt Nam dựa vào Mỹ để
chống Trung Quốc. Thứ hai, là Việt Nam nhượng bộ để Trung Quốc lấy đất,
lấy biển Việt Nam. Đây là các luận điệu bất lợi cho Đảng và Nhà nước
Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Chúng ta cần làm cho nhân dân hai
nước hiểu rõ, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại vấn đề nhưng hai
Đảng, hai Nhà nước đã cam kết xử lý bằng biện pháp hòa bình, theo luật
pháp quốc tế, với giải pháp hai bên cùng có thể chấp nhận được”. (Theo Bảo Trung của Báo Quân đội Nhân dân, 30-8-2011)
Tiếp theo chuyến đi Bắc Kinh của Vịnh thì
Trung Quốc đã phái ngay Ðới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ, dẫn đầu một
phái đòan cao cấp sang thăm Việt Nam và tham dự Phiên họp lần thứ năm
của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc.
Tuy đây là cuộc họp thường niên giữa hai
bên, nhưng bối cảnh xung đột ở Biển Đông giữa Trung Hoa và Việt Nam đã
làm cho tình hình không còn hòa bình nữa.
Ngoài cuộc họp với Nguyễn Thiện Nhân, Phó
Thủ tướng, họ Đới còn gặp và thảo luận tình hình chung, kể cả những
tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông, với Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư
đảng và Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng.
Tại cuộc họp với Trọng, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) viết: “Ðồng
chí Ðới Bỉnh Quốc đã báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về những
kết quả tích cực của Phiên họp lần thứ năm Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song
phương Việt Nam – Trung Quốc. Ðồng chí nhấn mạnh, Ðảng, Chính phủ Trung
Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện
với Việt Nam. Mặc dù hiện nay hai bên còn có những vấn đề tồn tại, nhưng
hai bên có chung lý tưởng, có lợi ích chung, vận mệnh gắn liền với
nhau, không có lý do gì không cố gắng thúc đẩy quan hệ hai nước phát
triển tốt đẹp. Ðồng chí bày tỏ các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc mong
đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sớm sang thăm Trung Quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt
liệt hoan nghênh đồng chí Ðới Bỉnh Quốc và Ðoàn sang thăm Việt Nam; đánh
giá cao kết quả cuộc họp Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương; khẳng định
đây là cơ chế hợp tác quan trọng, hết sức hiệu quả, cần phát huy hơn
nữa trong thời gian tới. Tổng Bí thư đề nghị hai đồng chí Chủ tịch và
các thành viên Ủy ban hai bên phát huy tinh thần trách nhiệm, phối hợp
chặt chẽ với nhau thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên mọi lĩnh vực, ở mọi
cấp độ, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quan hệ, nâng hiệu quả
hợp tác lên một tầm cao mới…
Về tình hình Biển Ðông, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn hai bên thông qua đàm phán hòa bình,
hiệp thương hữu nghị, nỗ lực tìm ra giải pháp thỏa đáng, tạo điều kiện
thuận lợi cho mối quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt
Nam – Trung Quốc tiếp tục phát triển.”
Việc Trọng “được mời” hay “bị gọi” sớm
qua thăm Trung Quốc đã được bàn đến trong chuyến đi của Nguyễn Chí Vịnh,
có chăng là Đới Bỉnh Quốc chỉ nhắc lại yêu cầu của Bắc Kinh muốn Trọng
mau thực hiện chuyến đi mà thôi.
Tại cuộc gặp Nguyễn Tấn Dũng, TTXVN ghi lại lời Dũng nói rằng: “Nhân
dân Việt Nam luôn ghi nhớ với lòng biết ơn sâu sắc sự ủng hộ và giúp đỡ
to lớn của Ðảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc dành cho nhân dân
Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và sự nghiệp
xây dựng đất nước hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định,
Ðảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn cùng
với Ðảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc tiếp tục đưa quan hệ đối tác
hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, ngày càng đi vào chiều sâu,
theo đúng phương châm 16 chữ và tinh thần bốn tốt ( láng giềng hữu nghị,
hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai . Láng giềng
tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt ). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
cho rằng, điều này phù hợp lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, góp
phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Về vấn đề biên giới lãnh thổ, Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hai bên đạt được trong việc
thực hiện ba văn kiện liên quan biên giới trên đất liền, góp phần xây
dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị,
hợp tác và phát triển.
Về vấn đề Biển Ðông, Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng cho rằng, qua trao đổi hai bên đã hiểu rõ lập trường của nhau,
việc hai bên còn khác biệt là thực tế khách quan. Hai bên cần thông qua
đối thoại chân thành, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, trên cơ sở luật
pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, Tuyên bố về
cách ứng xử của các bên trên Biển Ðông (DOC) để tìm kiếm giải pháp cơ
bản lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được. Thủ tướng cho rằng, hai
bên cần đẩy nhanh đàm phán để sớm ký Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản
chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, tạo cơ sở để hai bên giải quyết các
vấn đề cụ thể trên biển….
Đồng chí Ðới Bỉnh Quốc đề nghị, trên
tinh thần vừa là đồng chí, vừa là anh em, hai bên khẩn trương cùng nhau
đàm phán, thảo luận những vấn đề mà hai bên còn khác biệt trong vấn đề
Biển Ðông để tìm ra những giải pháp mang tính cơ bản, lâu dài mà hai bên
đều có thể chấp nhận được.”
Tất cả những lời tuyên bố của đôi bên
không mảy may đem lại điều gì mới lạ hơn những gì mà lãnh đạo hai nước
đã từng nói cho tất cả mọi người cùng nghe từ vài năm qua.
Tuy nhiên khi Dũng bảo “Nhân dân Việt
Nam luôn ghi nhớ với lòng biết ơn sâu sắc sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn
của Ðảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc dành cho nhân dân Việt Nam
trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và sự nghiệp xây dựng
đất nước hiện nay” thì không hiểu Dũng có nhớ Chính phủ do Dũng cầm
đầu đã dành đến 90% dự án kinh tế, xây dựng cho Trung Quốc để rút ruột
tiền mồ hôi nước mắt của người dân Việt Nam ?
Hơn nữa khi Đới Bỉnh Quốc tuyên bố những
lời đường mật với lãnh đạo Việt Nam thì Bắc Kinh đã và đang hành động
bắt nạt Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Những việc làm của Bắc Kinh ở Biển Đông
trong thời gian qua đã chứng minh chính sách “vừa tát vừa xoa” của Trung
Quốc đối với Việt Nam như họ vẫn tiếp tục đem tầu Hải giám tuần tra các
vùng biền của Việt Nam, vẫn chận bắt và tích thu tài sản của các ngư
dân Việt Nam đánh cá quanh Hoàng Sa và Trường Sa cũng như họ chuẩn bị di
chuyển dàn khoan dầu khổng lồ đến thăm dò dầu khí ở Trường Sa, bất chấp
phản đối của các bên tranh chấp chủ quyền ở đây gồm có Phi Luật Tân, Mã
Lai Á, Nam Dương, Đài Loan và Việt Nam.
Ngoài ra Trung Quốc cũng đã cho Việt Nam
biết họ không bao giờ muốn thảo luận chủ quyền với Việt Nam ở Hoàng Sa
vì Hoàng Sa bây giờ đã nằm trong tay Bắc Kinh và Công hàm năm 1958 của
Phạm Văn Đồng đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở đó.
CÔNG HÀM CÓ Ý GÌ ?
Trước thái độ chai lỳ bất di dịch của Bắc
Kinh, ngày 27-07-2011, một bài viết trên báo Đại Đòan Kết của Mặt trận
Tổ Quốc Việt Nam đã khơi lại Công hàm Phạm Văn Đồng với lập luận như
sau:
“Gần đây Trung Quốc luôn rêu rao cái
gọi là họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa. Việc Trung Quốc diễn giải nội dung Công hàm ngày
14-9-1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như là một chứng cứ cho thấy Việt
Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa là hết sức phiến diện và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của
bản Công hàm đó, hoàn toàn xa lạ với nền tảng pháp lý của Việt Nam cũng
như luật pháp quốc tế, bất chấp thực tế khách quan của bối cảnh lịch sử
đương thời. Có thể nói, giải thích xuyên tạc Công hàm 1958 là một trong
chuỗi những hành động có tính toán nhằm tạo cớ, từng bước hợp thức hóa
yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa của Việt Nam….
Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn
Đồng xuất phát từ mối quan hệ rất đặc thù với Trung Quốc trong thời điểm
VNDCCH đang rất cần tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia
trong khối xã hội chủ nghĩa bấy giờ và là một cử chỉ ngoại giao tốt đẹp
thể hiện quan điểm ủng hộ của VNDCCH trong việc tôn trọng lãnh hải 12
hải lý của Trung Quốc trước các diễn biến quân sự phức tạp trên eo biển
Đài Loan. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu những lời ủng hộ Trung
Quốc trong hoàn cảnh hết sức khẩn trương, chiến tranh chuẩn bị leo
thang, Hạm đội 7 của Mỹ đang tiến vào eo biển Đài Loan và đe dọa Trung
Quốc.
Nội dung Công hàm 1958 của Thủ tướng
Phạm Văn Đồng cũng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có
việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa. Bởi, hơn ai hết, chính Thủ tướng VNDCCH thấu hiểu quyền
tuyên bố về lãnh thổ quốc gia thuộc thẩm quyền cơ quan quyền lực nhà
nước cao nhất là Quốc hội, và việc bảo vệ tòan vẹn lãnh thổ quốc gia
luôn luôn là mục tiêu hàng đầu đối với Nhà nước và nhân dân Việt Nam,
nhất là trong hoàn cảnh ra đời của Công hàm như đã nêu trên. Công hàm
1958 có hai nội dung rất rõ ràng: Một là, Chính phủ VNDCCH ghi nhận và
tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý; Hai là, Chính
phủ VNDCCH chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải
12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Trong Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn
Đồng không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền,
càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung Quốc đã nêu. Do vậy,
chỉ xét về câu chữ trong một văn bản có tính chất ngoại giao cũng dễ
dàng nhận thấy mọi suy diễn cho rằng Công hàm 1958 đã tuyên bố từ bỏ chủ
quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó
là bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc
đối với hai quần đảo này là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ
sở pháp lý.”
Đấy chỉ là cách “cãi lý” của Báo Đại Đòan
Kết” chứ chưa phải là Bản Tranh luận chính thức của Bộ Ngọai giao hay
của Nhà nước Việt Nam cho nên Trung Quốc vẫn tiếp tục bác bỏ mọi yêu cầu
nói chuyện Hòang Sa với Việt Nam.
Vậy tại sao cho đến giờ này Nhà nước vẫn
chưa dám “truy tố” Trung Quốc cướp đất, cướp biển của Việt Nam ra trước
công luận Thế giới và Tòa án Quốc tế mới là điều khó hiểu.
Thái độ “ngậm mồm chịu trận” này của đảng
CSVN còn nhục nhã hơn khi nhà nước cho Công an đi lùng bắt, đàn áp, đấm
đá dã man, thô bỉ giữa ban ngày chống người dân biểu tình lên án Trung
Quốc xâm lược, chiếm đất, chiếm biển của Tổ tiên để lại thì có phải là
những người cầm quyền đã “đứng” về phiá kẻ xâm lăng rồi không ?
Vậy mà, phía Việt Nam vẫn còn như ngủ mê
khi đồng ý với Lời Thông báo chung sau cuộc họp giữa Trưởng đòan Việt
Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đới Bỉnh Quốc ngày 6-9 tại Hà
Nội.
Bản Tuyên bố chung có đọan viết: “Hai bên
cho rằng, giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển hết sức quan trọng trong
việc duy trì đại cục quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc, khẳng
định sẽ căn cứ theo những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, luật
pháp quốc tế và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển
Đông (DOC, Declaration of Conduct), kiên trì thông qua đàm phán và hiệp
thương hữu nghị, giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển, áp dụng những
biện pháp hữu hiệu nhằm duy trì và bảo vệ hòa bình và ổn định tại Biển
Đông.
Cũng trong các cuộc tiếp xúc, hai bên
nhất trí sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu
dài mà hai bên có thể chấp nhận được. Hai bên nhất trí tăng cường việc
đàm phán vấn đề trên biển, sớm ký kết “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ
bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc.”
Những cam kết này chỉ kéo dài thời gian
chịu thiệt thòi cho phía Việt Nam, bởi vì Trung Quốc vẫn không thay đổi
lập trường vừa “đánh vừa đàm” cố hữu của họ.
Chuyện trước mắt phải giải quyết là chủ
quyền của Việt Nam ở Hòang Sa và 8 mỏm đá ngầm đã rơi vào tay quân Tầu ở
Trường Sa. Chừng nào hai vấn đề này chưa được giải quyết thì chuyện Tầu
chiếm thêm biển và đất của Việt Nam chỉ còn là thời gian.
Chẳng nhẽ những người cầm đầu Đảng không
đủ trí khôn để nhận ra rằng cả trăm bài báo như kiểu Đại Đoàn Kết viết
về Công hàm Phạm Văn Đồng cũng không tạo được sức mạnh chính trị và gây
xúc động cho hàng triệu con tim bằng tấm hình một em bé lên 5 cầm tấm
bích chương trước ngực xác nhận “HS-TS là của Việt Nam” đi biểu tình rất
ngây thơ giữa đường phố Sài Gòn?
Chừng nào lãnh đạo mà chưa có cam đảm
hành động như em bé lên năm thì dù có nói đến 1 triệu “chữ vàng” hay
ngàn vạn “chữ tốt” cũng chẳng ai tin, huống chi đối với kẻ thù ? -/-
09/2011
gửi Dân Làm Báo
No comments:
Post a Comment