Saturday, September 10, 2011

Mua lúa, gạo tạm trữ để giữ giá cái con… khỉ khô, ăn cướp thì có!!!

Hoàng Kim - Cao Phong

Hoàng Kim (Đồng Tháp)
Mua lúa tạm trữ năm 2011: công cụ để VFA hạ giá lúa
Vụ đông xuân năm 2011, giá lúa đang cao khoảng 6.300 đồng/kg, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) tuyên bố sẽ mua lúa tạm trữ với giá “không dưới 5.000 đồng/kg” làm cho giá lúa hạ đột ngột. Đến khi nông dân thu hoạch vụ hè thu, giá lúa trên 6.000 đồng/kg VFA một lần nữa tuyên bố sẽ mua lúa tạm trữ vào ngày 15/7 cũng với giá lúa “ không dưới 5.000 đồng/kg”, khiến giá lúa hạ một lần nữa, sau đó, không biết vì lý do gì, giá lúa tăng từng ngày vượt mốc 6.500 đồng/kg, VFA lại bổng dưng tuyên bố không mua tạm trữ, tuyên bố này lại làm lúa hạ giá.
Qua đó chúng ta thấy: VFA đang dùng biện pháp mua lúa tạm trữ như là một công cụ để hạ giá lúa.
Sáng ngày 7/3/2011, đang uống cà phê, thì loa thị trấn phát thanh về việc (VFA) mua lúa tạm trữ từ ngày 1/3 để giữ giá cho nông dân. Bác Tám Quang bỗng bức xúc nói lớn tiếng: “mua lúa tạm trữ để giữ giá cái con…, ăn cướp thì có” ( cái con… mà Bác Tám thốt ra  trong lúc bức xúc, không tiện viết ra đây, nên tôi thay bằng con khỉ khô cho dễ đọc).
Hỏi ra, mới biết rằng: lúa của Bác Tám và của con bác, đem ra bãi lúa từ ngày 2/3 cho đến nay, nhưng vẫn chưa bán được một hột nào vì giá lúa cứ xuống mãi.
Bác Tám bức xúc cũng có lý do: sau tết, giá lúa tăng liên tục, từ 5.500 đồng/kg đến ngày 31/3 lúa thườngOM4218 có giá lên đến 6.300 đồng/kg. Vậy mà khi Bác Tám thu hoạch lúa vào ngày 2/3 (sau khi VFA mua tạm trữ 1 ngày), thương lái trả có 6.100 đồng/kg, rồi cứ giảm dần, đến ngày 7/3 chỉ còn có 5.700 đồng/kg, lại không có người mua.
Mới có 1 tuần mà mất 600 đồng/kg, Bác Tám và con của bác thu hoạch khoảng 50 tấn lúa, như vậy là mất đứt 30.000.000 đồng, thử hỏi ai mà không đổ quạu?
Kể từ ngày Bác Tám thốt lên câu bức xúc, tôi để tâm tìm hiểu việc mua lúa tạm trữ của VFA, càng hiểu sâu hơn, tôi càng thấy, bức xúc của Bác Tám hoàn toàn có cơ sở.
Mua lúa tạm trữ năm 2008: bán gạo xuất khẩu giá 620 đô la Mỹ/tấn, mua gạo trong nước giá 361 đô la Mỹ/tấn, tức là bán lúa giá 6.432 đồng/kg, nhưng mua lúa của nông dân có 4.000 đồng/kg
Đây là bảng số liệu xuất khẩu gạo năm 2008 do Hải Quan Việt Nam Online gởi email cho tôi.
Thời gian
Số lượng
(nghìn tấn)
Trị giá
( triệu USD)
Đơn giá
(USD/tấn)
Tháng 1
131
51
393
Tháng 2
321
136
423
Tháng 3
551
252
457
Tháng 4
652
369
565
Tháng 5
556
438
789
Tháng 6
223
218
975
Tháng 7
493
429
870
Tháng 8
357
288
805
Tháng 9
431
253
587
Tháng 10
302
145
480
Tháng 11
288
135
469
Tháng 12
436
181
415
Cả năm
4.741
2.895
610
Qua bảng xuất khẩu gạo năm 2008 ta nhận thấy:
Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm với giá bình quân 601 đô la Mỹ/tấn, đặc biệt tháng 6 giá xuất khẩu cao nhất đạt 975 đô la Mỹ/tấn.
Vậy mà, khi nông dân thu hoạch lúa hè thu khoảng giữa tháng 6, VFA tuyên bố không ký được hợp đồng bán gạo, và giá gạo thế giới xuống quá thấp, nên ngày càng hạ giá mua lúa và cuối cùng ngừng mua lúa, làm cho lúa của nông dân tồn đọng không ai mua.
Ngày 8/8 đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải: “yêu cầu Bộ NN & PTNT và các cơ quan liên quan có chính sách tiêu thụ hết lúa cho nông dân, đảm bảo người trồng lúa phải có lãi trên 40%” [1].
Làm như miễn cưỡng phải tuân lệnh Thủ tướng, ông Trương Thanh Phong Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam kiêm Chủ tịch VFA cho biết: “trong vòng một tuần phải thu mua được 10.000 tấn gạo nguyên liệu, với giá dao động hiện nay 5.900 đồng – 6.100 đồng/kg”, khiến cho nông dân phải kêu rên: “trong nhà còn cả trăm giạ lúa. Giá lúa chỉ nằm ở mức 4.000 đồng/kg, khổ cái chẳng thấy thương lái nào đến mua” [2].
Từ bảng xuất khẩu gạo ta thấy: Xuất khẩu gạo từ đầu tháng 7 đến hết tháng 12 được 2,307 triệu tấn, đạt giá trị 1,431 tỷ đô la Mỹ, giá bán gạo bình quân 620 đô la Mỹ/tấn.
Bán gạo xuất khẩu bình quân 620 đô la Mỹ/tấn. Tra cứu tỷ giá ở Hải Quan ViệtNamtừ ngày 2/6 đến ngày 29/12 tôi lấy mức thấp nhất 1 đô la Mỹ = 16.600 đồng. Vậy giá bán gạo bình quân 6 tháng cuối năm của VFA là: 620 * 16.660 = 10.292.000 đồng/kg, tức là 10.292 đồng/kg gạo.
Bán gạo giá 10.292 đồng/kg qui ra giá bán lúa là 6.432 đồng/kg (ước tính 1,6 tấn lúa xay được 1 tấn gạo).
Bán lúa giá 6432 đồng/kg, nhưng mua lúa của nông dân có 4.000 đồng/kg vậy VFA lời 2.432 đồng/kg, còn nông dân hòa vốn.
Vậy không nói VFA ăn cướp hết tiền của nông dân thì gọi là gì???
Năm 2009: bán gạo tạm trữ với giá qui lúa 6.362 đồng/kg, mua lúa tạm trữ của nông dân vẫn với giá 4.000 đồng/kg
Năm 2009 VFA dàn dựng và thực hiện kịch bản mua bán lúa gạo giống như năm 2008.
Tháng 2/2009, lúc nông dân chúng tôi bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân, khi giá gạo trên thị trường thế giới đang cao khoảng 486 đô la Mỹ/tấn, có nhiều khách hàng mua gạo, VFA ký công văn số 48/CV/HH ký ngày 20-2-2009 để ngừng xuất khẩu gạo:
“Quyền tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Huỳnh Minh Huệ vừa ký công văn số 48/CV/HH, thông báo chỉ cho đăng ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu gạo có thời hạn giao từ tháng 7 đến tháng 9-2009 nhằm bảo đảm thực hiện các hợp đồng đã ký kết và phù hợp kế hoạch cân đối của Chính phủ” [3].
Công văn số 48/CV/HH này đã ngăn cản các doanh nghiệp ký hợp đồng bán gạo vụ hè thu, vì thế, khi nông dân chúng tôi thu hoạch vụ hè thu vào giữa tháng 6, VFA lại tuyên bố không ký được hợp đồng bán gạo xuất khẩu, giá bán gạo xuất khẩu thấp nên không mua lúa của nông dân.
Chính phủ lại phải cho VFA vay không lãi 2 tháng từ 20/9 -20/11, để VFA mua lúa cho nông dân. Lại làm như miễn cưởng VFA đưa ra giá mua lúa tạm trữ từ 3.800 – 4.000 đồng/kg.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cho biết: “Tháng 8 năm nay, khi lúa trong nước xuống giá thê thảm, chỉ còn 3.500 đồng/kg, gần xấp xỉ giá thành, lúc ấy, trong hơn 100 doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chỉ có 21 doanh nghiệp đăng ký mua tạm trữ nhờ có kho tàng, hệ thống đại lý, cơ sở thu mua và có năng lực tài chính. Các doanh nghiệp thống nhất sản lượng mua lúa là 400.000 tấn với giá 3.800 đồng/kg lúa khô”. Sau đó, tiếp tục mua thêm 500.000 tấn lúa với giá từ 3.800 – 4.000 đồng/kg [4].
Lúa mua tạm trữ năm 2009 VFA tồn kho và bán vào đầu năm 2010.
Căn cứ vào Hải Quan ViệtNam: từ tháng 1 đến tháng 3 VFA xuất khẩu với số lượng 1,443 triệu tấn, với trị giá 792.528.000 đô la Mỹ, giá bán bình quân 549 đô la Mỹ/tấn.
Qui ra tiền ViệtNamgiá bán mỗi tấn gạo là: 549 * 18544 = 10.180 đồng. Vậy 1 kg gạo giá 10.180 đồng, tức là giá bán mỗi kg lúa là 6.362 đồng.
VFA bán lúa tạm trữ giá 6.362 đồng/kg lời 2.362 đồng/kg lúa, nông dân lại bán lúa hòa vốn.
Vậy không nói VFA  ăn cướp hết tiền của nông dân thì gọi là gì???
Năm 2010: VFA tiến thêm một bước mua tạm trữ cả 2 vụ đông xuân và hè thu. Cả năm VFA bán lúa tạm trữ với giá 5.365 đồng/kg, vẫn lại mua lúa của nông dân với giá 4.000 đồng/kg

Thấy mua lúa tạm trữ lúa hè thu hai năm 2008 và 2009 quá lời, năm 2010 này, VFA tham lam tiến thêm một bước nữa, là mua lúa tạm trữ cả hai vụ đông xuân và hè thu.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cho biết: “Từ tháng 3 sẽ có 30 doanh nghiệp bắt đầu thu  mua 1 triệu tấn gạo dự trữ để bình ổn giá lúa vụ đông xuân tại ĐBSCL. Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết sáng ngày 25-2” [5].
Giá thu mua tạm trữ VFA đưa ra trên  báo An Giang Online ngày 2/3 như sau: “ VFA ấn định kế hoạch xuất khẩu 6 triệu tấn gạo và đưa ra giá sàn xuất khẩu cho các doanh nghiệp thành viên 400 USD/tấn. Về giá lúa, nhằm đảm bảo kế hoạch quí I xuất 1,2 triệu tấn gạo, VFA định giá thành sản xuất 2.200 đồng/kg lúa và “bảo hiểm” giá mua tại kho doanh nghiệp 4.000 đồng/kg lúa” [6].
Còn mua lúa tạm trữ vụ hè thu, vào ngày 14/7, khi lãnh đạo các tỉnh than phiền vì giá lúa hè thu quá thấp: “Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Phòng cho hay sản lượng lúa hè-thu ở tỉnh này khoảng 1,3 triệu tấn, giá thành 3.000 đồng/kg. Hiện nông dân bán lúa khô với giá 3.300 đồng/kg, lãi chỉ 10%. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang thông tin, giá lúa hè thu ở địa phương này hiện giảm còn 2.800 – 2.900 đ/kg, trong khi giá thành trên dưới 4.000 đ/kg”.
Ông Trương Thanh Phong Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miềnNam, Chủ tịch VFA cho rằng:
“Rất khó mua theo mức giá mà các địa phương đưa ra. Vì so với hồi đầu năm nay, thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, giá gạo giảm 25% so cùng kỳ; loại gạo 5% chỉ còn 350 USD/tấn, thấp hơn gạo Thái Lan khoảng 90 USD và còn giảm nữa. Ông Phong đưa ra giải pháp: “Chúng ta nên… phớt lờ mức lợi nhuận 30%, phớt lờ luôn giá sàn thu mua, nhưng yêu cầu DN không được mua dưới giá 3.500 đồng/kg, trên cơ sở đó VFA sẽ tính toán ra giá gạo để triển khai thu mua” [7].
Như vậy, căn cứ theo tuyên bố của lãnh đạo VFA, và căn cứ vào giá bán lúa của cá nhân tôi, cả năm 2010 VFA mua lúa của nông dân với giá tối đa 4.000 đồng/kg.
Bảng xuất khẩu gạo năm 2010, tôi lập từ thống kê của Hải Quan ViệtNam.
Do xuất khẩu gạo tháng 1, 2, 3/2010 là lúa tạm trữ từ vụ hè thu năm 2009, nên xuất khẩu năm 2010 không tính số lượng gạo này mà tính số lượng tồn kho cuối năm 2010 chuyển sang đầu năm 2011.
Theo ông Thứ trưởng Bộ Công thương trong bài “ Có còn gạo cho an ninh lương thực” đăng trên báo Lao động Online: tồn kho năm 2010 chuyển sang năm 2011 là 1,45 triệu tấn.
Theo Hải quan Việt Nam:  xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2011 số lượng 1,93 triệu tấn, trị giá 971 triệu đô la Mỹ, giá bán bình quân 503 đô la Mỹ/tấn. Vì vậy, lúa tạm trữ VFA mua của nông dân cả năm 2010 được lập theo bảng sau:

Thời gian
Số lượng (tấn)
Trị giá (đô la Mỹ)
Đơn giá làm tròn số ( đô la Mỹ/tấn)
Tháng 4
725.620
361.359.655
498
Tháng 5
719.131
329.612.442
458
Tháng 6
541.749
233.252.526
430
Tháng 7
853.531
359.408.801
421
Tháng 8
614.548
229.275.138
373
Tháng 9
354.112
150.621.014
425
     Tháng 10
505.863
234.357.935
463
     Tháng 11
497.344
244.233.830
491
     Tháng 12
499.726
259.835.357
519
3 Tháng 1,2,3/2011
1.450.000
729.350.000
503
Tổng cộng
6.761.624
3.131.306.000
463
Nhìn vào bảng xuất khẩu gạo ta thấy:
Giá bán gạo bình quân cả năm 2010 của VFA là 463 đô la Mỹ/tấn. Lấy tỷ giá thấp nhất của năm 2010 là 1 đô la Mỹ = 18.544 đồng, vậy giá bán gạo bình quân là 8.585.000 đồng, mỗi kg gạo giá 8.585 đồng.
Như vậy, cả năm 2010 VFA bán lúa với giá bình quân 5.365 đồng/kg.
Bán lúa giá 5.365 đồng/kg, mua lúa với giá 4.000 đồng/kg. VFA lời 1.365 đồng/kg.
Vậy rõ ràng từ năm 2008 đến nay: mua lúa tạm trữ là ngụy kế, mà VFA dùng để ăn cướp tiền của nông dân trong việc mua bán lúa gạo.

Viết đến đây, bỗng dưng tôi nộ khí xung thiên lẩm bẩm: “Mua lúa tạm trữ để giữ giá cái con … khỉ khô, ăn cướp thì có”.
H.K.
Tác giả gửi trực tiếp BVN.
Tài liệu tham khảo:
(1)     VTC News, bài “ Thủ tướng: đảm bảo người trồng lúa lời trên 40%” http://vtc.vn/2-187968/thu-tuong-dam-bao-nguoi-trong-lua-lai-tren-40.mobi
(2)     SGGP Online, bài “Tiêu thụ lúa hè thu ở ĐBSCL: băn khoăn giá thành”http://www.sggp.org.vn/nongnghiepkt/2008/8/161671/
(3)     TBKTSG Online, bài “Chỉ cho đăng ký hợp đồng xuất gạo sau tháng 6” http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/15553/
(4)     Bài “Mua gạo tạm trữ trúng to” http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/27357/
(5)     Bài “Bắt đầu thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo” http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/30374/
(6)     Bài “Năm 2010: xuất khẩu 6 triệu tấn gạo” http://www.baoangiang.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=11531
(7)     Diễn đàn Doanh nghiệp Online, bài “Mua lúa gạo tạm trữ: DN “phớt lờ” chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?” http://dddn.com.vn/2010071310081581cat101/mua-lua-gao-tam-tru-dn-phot-lo-chi-dao-cua-thu-tuong-chinh-phu.htm
–––––––––––––––––––––––––––––––––
“Nhà buôn gạo” phải chung lưng với nhà nông
 Cao Phong
Ngày 6-9, hơn 100 thành viên là hội viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã về Cần Thơ tham dự Đại hội VFA nhiệm kỳ VII (2011 – 2015). Đến dự đại hội, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nhiều lần nhắc nhở các “nhà buôn gạo” cần gắn kết hơn với 10 triệu hộ nông dân trồng lúa của cả nước, tiếp tục tạo “thế và lực mới” của một cường quốc xuất khẩu gạo.
Lợi nhuận của nông dân là mục tiêu số một
Báo cáo của Đại hội VFA nhiệm kỳ VII đã đánh giá một cách toàn diện về sự trưởng thành của ngành lúa gạo ViệtNam giai đoạn 2006 – 2010. Trong đó, các thành viên của VFA cùng với sự điều hành linh động của Chính phủ đã đưa ngành lúa gạo Việt Nam vượt qua những giai đoạn khó khăn, biến động: 2 lần phải buộc tạm ngưng xuất khẩu, 1 lần phải ứng phó với tình trạng biến động giá gạo tại thị trường nội địa. Những ứng xử có tính chất tình thế càng khẳng định sự trưởng thành, bản lĩnh của các doanh nghiệp ViệtNam, những đóng góp của ViệtNam về an ninh lương thực trên thế giới càng được trân trọng.
Thoát khỏi sự thiếu hụt về lương thực, Việt Nam đã tạo dấu mốc và ấn tượng với thế giới vào năm 1989 khi xuất khẩu gần 1,4 triệu tấn gạo, trị giá hơn 310 triệu USD. Con số thống kê xuất khẩu gạo từ năm 1989 – 2010 của VFA thật ấn tượng: xuất khẩu hơn 76,5 triệu tấn gạo, trị giá hơn 21,6 tỷ USD. Năm 2011, dự báo Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, tạo nên kỳ tích cao nhất về số lượng và giá trị trong 22 năm qua.
Trong bối cảnh giá lương thực trên thế giới biến động theo xu hướng tăng mạnh, Chính phủ Thái Lan quyết định nâng giá thu mua là những điều kiện thiên thời để khẳng định vị thế của xuất khẩu gạo Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây cũng là dịp nhiều người mong đợi ngành lúa gạo trong nước trưởng thành về “lượng” và biến đổi về “chất” bằng cách tạo lập thương hiệu cho gạo Việt Nam.
Gạo xuất khẩu - thế mạnh đặc thù của ĐBSCL. Ảnh: NGUYỄN THANH DŨNGGạo xuất khẩu - thế mạnh đặc thù của ĐBSCL. Ảnh: NGUYỄN THANH DŨNG
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói: “Xuất khẩu gạo không chỉ là lợi nhuận liên quan đến sản xuất nông nghiệp mà cần phải tính đến giá trị gia tăng và lợi ích của nông dân. VFA phải có giải pháp để hài hòa lợi ích trong giai đoạn tới đây. Cụ thể, cần tăng cường chỉ đạo thương nhân thực hiện nghiêm túc kinh doanh, xây dựng thương hiệu nâng cao giá trị gia tăng”.
Ông Cao Minh Lãm, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang mạnh dạn đề xuất xác lập lại vị trí của ngành lúa gạo Việt Nam. Theo đó, nên đặt lợi nhuận của người nông dân là mục tiêu số 1, sau đó mới đến an ninh lương thực quốc gia, rồi hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. “Khi có lãi cao, nông dân sẽ ùn ùn trồng lúa” – ông Lãm lý giải như một tất yếu cho sự bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Điều này cũng đáng suy nghĩ khi hiện nay nhiều nhà khoa học đang phân vân giữa việc tạo hấp lực mới để nông dân bám trụ nghề trồng lúa thay vì phải đặt nặng nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia lên vai họ.
Đồng hành và gắn kết
Một đại biểu tại đại hội đã phê bình các thành viên chủ chốt VFA nhiệm kỳ qua chưa phản ứng và tổ chức đối thoại, xử lý thông tin kịp thời, nhất là những tin đồn thuộc dạng “cuộc chơi” của các nhà buôn. Thực tế, ngoài năm 2008 các “nhà buôn gạo” Việt Nam đạt lợi nhuận cao, còn lại hàng năm chuyện “thắng thua, lên bờ xuống ruộng” là bình thường. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng các thành viên VFA nếu đấu không lại mặt hàng gạo thơm, cần định vị thương hiệu gạo Việt Nam: luôn tươi và mới, ngọt, đậm đà! Ý kiến này xuất phát từ thành công của các nhà khoa học Việt Nam trong lai tạo các giống lúa ngắn ngày.
Nhiều ý kiến đã ghi nhận sự đóng góp, trưởng thành của các thành viên VFA trong thời qua. Trong đó, VFA đã có những điều chỉnh, cải tiến trong hoạt động và đóng góp tích cực cho thành tựu của ngành xuất khẩu gạo Việt Nam.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch VFA, cho biết: Vừa qua, VFA đã chỉ đạo các doanh nghiệp ở các tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn thực hiện thí điểm ký hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa với nông dân theo mô hình “liên kết bốn nhà” được nông dân đồng tình và cơ hội mở rộng diện tích bao tiêu rất lớn. Từ năm 2010, các doanh nghiệp thành viên VFA đã tổ chức lực lượng bạn hàng xáo liên kết với doanh nghiệp kinh doanh lương thực thu mua lúa gạo nông dân ĐBSCL đạt được những kết quả khả quan. Sắp tới, VFA xác định sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho các doanh nghiệp và nông dân.
“Lĩnh vực sản xuất và kinh doanh lương thực có vị trí vô cùng quan trọng, liên quan đến sinh kế của hơn 10 triệu hộ nông dân. Chính vì vậy, thời gian tới, VFA cần phát triển ngành lúa gạo mạnh, hiện đại, hiệu quả, đảm bảo tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; nâng cao hiệu quả xuất khẩu, đảm bảo lợi ích cho nông dân trồng lúa” – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng gửi gắm.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng mong muốn VFA gắn kết hơn nữa với nông dân, với vùng nguyên liệu, địa phương. Bởi không có nông dân trồng lúa thì cũng không có VFA như hôm nay, hạt lúa và hạt gạo gắn liền nhau. Mong muốn của nông dân vựa lúa ĐBSCL: “nhà buôn gạo” cần là người bạn đáng tin cậy, chung lưng đấu cật với nhà nông!
Đại hội VFA nhiệm kỳ VII (2011 – 2015) đã bầu ra ban chấp hành VFA gồm 25 thành viên; bầu chủ tịch và 4 phó chủ tịch VFA. Ông Trương Thanh Phong tái đắc cử Chủ tịch VFA nhiệm kỳ VII.
C.P.

No comments:

Post a Comment