Thursday, September 15, 2011

Ảo quan (Nguyễn Gia Thưởng) (TL 261)


Nguyễn Gia Thưởng (Bruxelles) "...Những người tự nhận mình đã nắm giữ chân lý tuyệt đối thường có những hành động mù quáng và họ hành xử chẳng khác bao nhiêu với nhóm của ông Marshall Applewhite và al-Qaida..."




Ông Harold Camping đã tiên đoán năm 2011 sẽ xảy ra tận thế. Ông còn đi xa hơn nữa và nói rõ vào ngày 21-5-2011, Thượng Ðế sẽ tiêu hủy hoàn toàn địa cầu và vũ trụ. Trước đây ông cũng tiên đoán ngày phán xét cuối cùng là ngày 21-5-1988 và ngày 7-9-1994.

         Harold Camping không phải là giáo chủ đầu tiên tiên đoán ngày tận thế. Nhưng thế giới vẫn còn may là ông Camping và đài phát thanh Family Radio International của ông chưa đạt đến mức độ cuồng tín như Marshall Applewhite, một giáo chủ đã thuyết phục các tín đồ Heaven’s Gate (Cửa Thiên Ðàng) tự sát để linh hồn bay lên một phi thuyền nấp đàng sau đuôi sao chổi Hale-Bopp năm 1997.

         Cả triệu người dè bỉu tâm tính nhẹ dạ của các thành viên theo giáo thuyết Camping, nhưng con người dễ sinh lòng tôn thờ các chuyên viên thuyết pháp có hấp lực, và điều này đã gần như trở thành quy tắc ứng xử của con người. Con người đã sẵn mang bản năng dễ chấp những sự kiện siêu nhiên, đôi khi núp bóng dưới lớp áo tôn giáo.

         Nhà văn chuyên viết về khoa học Michael Brooks nhận xét : "Con người dễ dàng chấp nhận tôn giáo và dùng tôn giáo để giải thích những sự kiện trên thế giới. Trí óc của con người đã được định khuôn sẵn như vậy" (Natural born believers, New Scientist, Feb. 7, 2009).

         Ông Brooks cho rằng : "Khả năng kiến tạo thần thánh không phải là yếu tố cần và đủ để cho tôn giáo nẩy mầm. Chính cảm quan phát triển thái quá trong lối suy luận nguyên do và hậu quả đã khiến cho chúng ta nhìn thấy ở khắp mọi nơi sự hiện diện của một mục đích tối thượng và một sự an bài nào đó, ngay cả khi nó chẳng có một mối tương quan nào hết".

         Brooks đề cập đến công trình của ba nhà nghiên cứu Jennifer Whitson, Austin và Adam Galinsky (Northwestern University) đăng trên tạp chí Science (vol 322, p. 1115) : "Những cá nhân nhận thấy mình không làm chủ được tình hình thường thấy những mẫu hình xuất hiện trong khi những mẫu hình này không hiện hữu... Khi chúng ta không làm chủ được tình hình, chúng ta thường lui trở về phương pháp suy luận mê tín dị đoan. Ðiều này giải thích tại sao tôn giáo được quần chúng ái mộ trở lại vào những lúc khó khăn".

         Nhà tâm lý David Pizarro nói đến hiện tượng "apophenia", một khuynh hướng của trí óc đi tìm kiếm những mối tương quan đặt căn bản trên dị đoan - chẳng hạn như một lực sĩ luôn đi lại đối vớ mà mình đã dùng khi thắng cuộc thi đấu. (Everyday apophenia, Edge world question 2011, www.edge.org). Một ví dụ nổi tiếng khác là cựu vô địch quần vợt John Mc Enroe và André Agassi mối khi bước ra sân luôn tránh bước ngang qua lằn vạch trắng vẽ trên sân quần vợt.

         Ông Pizzaro ghi nhận : "Óc của con người là bộ máy nắm bắt và khai phá khuôn mẫu thật phi thường. Chúng ta có khả năng tìm thấy những mối tương quan tiềm ẩn giữa các đồ vật, các sự kiện và con người. Thiếu sót khả năng này, vô số những dữ kiện đổ dồn vào đầu óc chúng ta chắn chắc sẽ thành một mớ sự kiện hỗn độn, không đầu không đuôi. Nhưng cũng chính vì khả năng sắp đặt khuôn mẫu tài tình này nên khi gặp trục trặc nó hướng suy nghĩ con người sang một khuôn mẫu lệch lạc không có thực, xa rời hoàn toàn thực tế".

         Nhà nghiên cứu thần kinh học Ðức Klaus Conrad đã phát minh ra danh từ "Apophenia" (xin tạm dịch là Ảo Quan) để mô tả khuynh hướng của bệnh nhân mắc phải thứ bệnh tâm thần này. Nhưng nhờ vào những tiến bộ của khoa nghiên cứu phong cách ứng xử của con người, người ta khám phá ra khuynh hướng này không chỉ giới hạn nơi các bệnh nhân hoặc những người kém thông minh. Những người có đầu óc thông minh và thân thể khỏe mạnh cũng có thể phạm những sai lầm tương tự trong sinh hoạt thường nhật. Thí dụ như một anh lực sĩ dị đoan thấy có mối tương quan giữa những lần thắng trận của anh với một đôi vớ, một bà mẹ từ chối không chủng ngừa cho đứa con vì bà nghĩ con mình sẽ mang bệnh nếu phải chích ngừa, và một khoa học gia nhìn thấy kết quả xác nhận giả thuyết qua những dữ kiện ngẫu nhiên và cả ngàn người tin rằng chức năng lựa chọn ngẫu nhiên của một thảo chương (program) bị hỏng bởi vì họ làm lẫn sự trùng hợp giả với mối liên hệ có ý nghĩa.

         Nói tóm lại, khả năng nhận diện và phân biệt thể loại đã giúp cho nhân loại thành công cũng có thể đánh lừa chúng ta một cách dễ dàng. Khuynh hướng tìm kiếm khuôn mẫu là một phó sản của cơ cấu não bộ trong phương cách tìm tòi khuôn mẫu. Nhưng khả năng nhận biết và dè phòng khuynh hướng đặc biệt nguy hiểm này có thể giúp cho chúng ta nếu ý niệm "Apophenia thường nhật" trở thành một ý niệm mà mọi người nhận biết dễ dàng.

         Cũng trong tập san Edge, Gary Marcus, giáo sư tâm lý và ngôn ngữ Ðại Học New York cho biết có những kết quả sai lạc bởi vì trí óc con người rất nhạy cảm với môi trường mình đang sống; trí óc ghi nhớ rõ sự việc hơn khi sống trong một môi trường quen thuộc chẳng hạn như tên của một người bạn cùng lớp trong khuôn viên đại học (Cognitive humility, Edge world question 2011). Có lẽ hậu quả hiển hiện nhất là con người có khuynh hướng hầu như bất biến là ghi nhớ rất rõ những sự kiện phù hợp với thâm tín của mình hơn là sự kiện hiển nhiên có thể phá đổ thành kiến của mình. Khi hai người bất đồng ý kiến, thường là vì thành kiến đã khiến họ nhớ trở lại (hoặc chỉ nhìn thấy) những khác biệt của nhau.

         Ông Marcus nhận xét : "Những xác tín sai lầm thường hay xảy ra vì con người có khuynh hướng không nhìn thấy giải pháp khác cho những thâm tín của mình".

         Phối hợp triết lý với tâm lý, ông Hugo Mercier (University of Pennsylvania) và Dan Sperber (Central European University) đưa ra một "luận thuyết" (argumentative theory) giải thích tại sao con người "bóp méo những nhận định, những thái độ và cứ để cho những thành kiến sai lầm tồn tại (Why do humans reason ? Arguments for an Argumentative Theory, Behavioral and Brain Sciences, vol. 34, June 26, 2010). Hai ông Mercier và Sperber nói rằng: "Con người có khuynh hướng bảo lưu ý kiến của mình nên không tìm hiểu những luận điểm người đối thoại để học hỏi và thu thập hiểu biết, họ ngay từ lúc đầu xem đây là những luận cứ cần phải phản bác".

         Triết gia Eric Hoffer ghi nhận: "Khi những tổ chức quần chúng lớn mạnh, họ thường tạo dựng một bức màn ngăn chặn không cho thành viên hoặc tín đồ của mình thấy thực tế của thế giới bên ngoài. Họ khẳng định chân lý tối thượng và tuyệt đối nằm trong chủ thuyết của họ và ngoài chủ thuyết của họ không có chân lý hoặc xác tín nào khác" (The True Believer, 1951, Harper & Brothers).

         Những người tự nhận mình đã nắm giữ chân lý tuyệt đối thường có những hành động mù quáng và họ hành xử chẳng khác bao nhiêu với nhóm của ông Marshall Applewhite và al-Qaida.

         Bước sang thế kỷ thứ 21, chúng ta vẫn còn thấy một nhóm người ở Việt Nam nhất quyết tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa, không cần đa nguyên, đa đảng, xem con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản là một chân lý tất yếu nhân loại phải đi đến. Mong sao người Việt còn đủ sáng suốt để ngăn chặn nhóm người mắc bệnh "ảo quan" này kéo cả nước Việt Nam bay theo phi thuyền của ông Applewhite.

 

Nguyễn Gia Thưởng (Bruxelles)

http://ethongluan.org/index.php/ao-quan.html

No comments:

Post a Comment