Tuesday, May 17, 2011

Tin Thế Giới: Giám đốc IMF bị từ chối tại ngoại

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn bị giam giữ tại nhà tù nổi tiếng hà khắc trên đảo Rikers ở New York vì cáo buộc xâm hại tình dục. Thẩm phán tòa nói ông Strauss-Kahn, 62 tuổi, có nguy cơ chạy trốn. Ông đã bị bắt hôm thứ Bảy trên máy bay và bị cáo buộc tội mưu toan hãm hiếp một nhân viên dọn dẹp trong khách sạn.

Ông Strauss-Kahn đối diện bảy tội danh và nếu bị phán quyết là có tội, có thể bị xử tới 25 năm tù.
Ông được cho là ứng cử viên có triển vọng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2012.
Tới nay ông vẫn khẳng định là mình vô tội.
Luật sư của ông bày tỏ sự thất vọng khi tòa bác yêu cầu tại ngoại, thế nhưng nói thân chủ của ông chắc chắn sẽ được chứng minh là vô tội.
Luật sư bào chữa Benjamin Brafman nói tại tòa: “Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu”.
Ông Strauss-Kahn đáng ra đã phải tham dự một cuộc họp bộ trưởng tài chính EU tại Brussels để thảo luận việc cứu giúp tài chính cho một số quốc gia.
IMF đóng vai trò chủ đạo trong kế hoạch cứu nguy cho nền kinh tế của Bồ Đào Nha và Hy Lạp.
Phóng viên BBC Chris Morris tại Brussels nói vị lãnh đạo IMF đã giành được sự tin tưởng của cả châu Âu và các nước nhận trợ giúp.
Liên hiệp châu Âu nói vụ bê bối này sẽ không ảnh hưởng tới chương trình trợ giúp các nước trong khu vực sử dụng đồng euro.
Từ chối tại ngoại
Jean-Claude Junker, Thủ tướng Luxembourg, nói: “Tôi rất buồn và thất vọng. Ông ấy là bạn của tôi… Ông Strauss-Kahn hiện đang nằm trong tay nền công lý của người Mỹ và chúng tôi không thể bình luận gì, thế nhưng sự việc làm cho tôi hết sức đau buồn”.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde mô tả việc buộc tội ông Strauss-Kahn là “gây sửng sốt và đau đớn”.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói trong một thông cáo rằng đã nhận được tin về cáo buộc đối với giám đốc điều hành và cho hay sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến.
Phe công tố trình bày trước tòa rằng đây không phải là lần đầu tiên ông Strauss-Kahn bị liên quan cáo buộc tình dục và ông bị bắt vì tìm cách trốn khỏi nước Mỹ.
Luật sư của ông Strauss-Kahn biện hộ rằng bị cáo không tìm cách chạy khỏi hiện trường mà chỉ vội tới một cuộc hẹn ăn trưa mà thôi.
Ông cũng nói thêm rằng ông Strauss-Kahn sau đó đã gọi điện cho khách sạn để báo rằng ông đang ở sân bay và để quên điện thoại di động trong phòng.
Tuy nhiên thẩm phán Melissa Jackson đã bác đề xuất nộp 1 triệu đôla cho ông Strauss-Kehn tại ngoại của phe bào chữa và nói ông Strauss-Kahn cùng con gái phải ở lại New York cho tới phiên tòa tới vào thứ Sáu này.
Bà Jackson nói: “Khi tôi nghe thông tin thân chủ của các ông có mặt tại sân bay JFK để chuẩn bị bay đi thì điều này đã gây quan ngại”.
Cáo buộc đối với ông Strauss-Kahn xoay quanh vụ việc xảy ra tại khách sạn Times Square Sofitel ở New York.
Theo Sở cảnh sát New York, một nhân viên dọn phòng 32 tuổi trình báo rằng khi bà vào phòng của ông Strauss-Kahn chiều thứ Bảy tuần trước, ông này bước ra khỏi phòng tắm trong tình trạng lõa thể, đuổi theo và xâm hại tình dục bà ta.
Người phụ nữ này sau đó chạy thoát và báo cảnh sát.
Tối thứ Bảy, ông Strauss-Kahn bị bắt trên chiếc máy bay của hãng Air France ở sân bay John F Kennedy của New York chỉ vài phút trước khi máy bay cất cánh.


Tristane Banon cáo buộc ông Strauss-Kahn xâm hại tình dục bà năm 2002
Vị lãnh đạo IMF đã phải qua giám định y khoa vào hôm Chủ nhật. Cảnh sát tìm kiếm các vết xước cũng như các bằng chứng khác chứng minh cho cáo buộc tấn công.
Sau đó ông bị cáo buộc các tội “hành vi tội phạm tình dục, giữ người trái phép và mưu toan hãm hiếp”. Cảnh sát cho hay người nữ nhân viên dọn phòng đã nhận ra ông Strauss-Kahn trong loạt người được mang ra đối chất.
Ứng viên tổng thống
Cho tới khi bị bắt, Dominique Strauss-Kahn vẫn được cho ứng viên tiềm năng của đảng Xã hội cho cuộc đua vào vị trí tổng thống Pháp vào năm tới.
Các cuộc trưng cầu ý kiến đều đánh giá cơ hội chiến thắng của ông trước Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy là rất cao.
Chủ tịch đảng Xã hội Martine Aubry nói vụ bắt giữ ông Strauss-Kahn là “tin sét đánh” nhưng nói ông cần được đối xử như người vô tội.
Vợ ông Strauss-Kahn, phóng viên truyền hình Pháp nổi tiếng Anne Sinclair, cũng tuyên bố chồng mình vô tội.
Trong khi đó, tiếp tục có cáo buộc khác về ông Strauss-Kahn. Một nhà văn Pháp nói bà có thể sẽ kiện ông ra tòa vì tội xâm hại tình dục hồi năm 2002.
Tristane Banon, 31 tuổi, nói ông Strauss-Kahn đã mưu toan hãm hiếp bà khi trả lời phỏng vấn cho một cuốn sách mà bà đang viết.
Luật sư của bà Banon nói với hãng thông tấn AFP: “Chúng tôi có kế hoạch đệ đơn kiện”. Phe bào chữa cho ông Strauss-Kahn chưa có phản hồi gì về cáo buộc mới này.

IMF chief denied bail, faces Grand Jury next
1 hour ago – AFP 2:01 | 728 views
IMF chief Dominique Strauss-Kahn was denied bail and sent to New York’s Rikers prison on Monday to wait for a grand jury hearing over charges of sexual assault and attempted rape of a hotel…


Giám đốc IMF: Từ khách sạn
siêu sang tới nhà giam

Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế Dominique Strauss-Kahn đã được trải nghiệm cả nơi sang trọng và tồi tàn bậc nhất ở thành phố New York.

Strauss-Kahn đã đi thẳng từ khách sạn hạng sang chuyên phục vụ món salad tôm có giá 25 USD, tới đồn cảnh sát, nơi ông ta được cung cấp đồ ăn nguội lạnh. Giám đốc IMF 62 tuổi ra tòa án Manhattan hôm qua để điều trần vì tội lạm dụng tình dục cô hầu phòng tại khách sạn Sofitel. Sau 18 giờ bị giam ở đồn cảnh sát, Strauss-Kahn không hề đưa ra lời bào chữa nào và cũng bị từ chối cho tại ngoại.
Người đứng đầu IMF từng ở phòng siêu sang ở tầng cao thứ nhì ở khách sạn Sofitel New York, vốn được du khách Pháp yêu thích và thuộc sở hữu của tập đoàn Pháp Accor Group. Nhiều nhân viên ở đây nói tiếng Pháp, đôi khi khách chào nhau trong thang máy bằng tiếng Pháp.
Dịch vụ phòng luôn sẵn sàng 24 tiếng. Tầng hầm của khách sạn có phòng tập. Nhà hàng Gaby ở đây phục vụ các món ăn đắt tiền, ví như món risotto hải sản giá tới 31 USD.
Phòng ở của Strauss-Kahn bao gồm một phòng ngủ lớn. Từ phòng ngủ có một hành lang dẫn tới phòng tắm. Nó cũng có một phòng họp. Wall Street Journal dẫn nguồn tin trong nhóm điều tra cho hay giá phòng lên tới 3.000 USD một đêm song Strauss-Kahn chỉ phải trả 800 USD.
Một người hầu phòng 32 tuổi khẳng định chính ở đây Strauss-Kahn đã tấn công tình dục cô trong lúc cô định dọn phòng vào sáng 14/5. Cô này chạy khỏi phòng sau đó và báo với quản lý.
Khi Strauss-Kahn có mặt ở phi trường JFK và đã yên vị trong khoang hạng nhất trên chiếc máy bay của hãng Air France và chuẩn bị bay tới Paris, cảnh sát New York đã gọi khẩn cấp cho quản lý sân bay. Trong khi ba thám tử Mỹ lái xe tới chiếc phi cơ chuẩn bị cất cánh, thì hãng Air France cũng bí mật bỏ hành lý của Strauss-Kahn ra khỏi máy bay.
Các thám tử lên máy bay và thấy Strauss-Kahn ngồi tại ghế ở khoang hạng nhất. “Chuyện này là thế nào?”, ông ta hỏi sau khi một thám tử yêu cầu ông ta rời khỏi phi cơ. Strauss-Kahn bị dẫn giải khỏi phi cơ hai phút trước lịch cất cánh của máy bay. Ông ta không kháng cự và cũng không nói thêm bất cứ một lời nào.
Strauss-Kahn được đưa tới đồn cảnh sát ở sân bay. Họ tìm thấy thẻ phòng khách sạn Sofitel trong người ông ta. Chưa đầy 30 phút sau, cảnh sát New York tới còng tay Strauss-Kahn. Lúc này, ông ta được đưa tới một đồn cảnh sát ở khu Harlem. Tổng giám đốc IMF nhất quyết không trả lời các câu hỏi và đòi gặp luật sư.
Cảnh sát đưa đồ ăn cho Strauss-Kahn vài lần song ông ta từ chối cho tới sáng 15/5. Bữa sáng của ông ta có trứng, khoai tây chiên và bánh mỳ nướng. Tối 15/5, họ mang cho ông thịt nguội, pho mát và bánh mỳ.

Sáng 16/5, sau cuộc kiểm tra ADN ở một bệnh viện tại Brooklyn, Strauss-Kahn được đưa tới tòa án ở Manhattan. Tại đây ông ta bị từ chối cho đóng tiền tại ngoại là một triệu USD. Từ toà, Strauss-Kahn bị đi thẳng tới nhà tù Rikers Island. Đây là một trong những nhà tù khét tiếng ở New York.
Khi mới bắt đầu tới Rikers Island, tù nhân sẽ được kiểm tra bằng máy phát hiện kim loại cũng như kiểm tra toàn thân. Họ không được giữ đồ đạc cá nhân song được phép mặc quần áo của họ hoặc đồng phục nhà tù.
Giống như Strauss-Kahn, phần lớn tù nhân ở đây đang đợi các phiên xét xử. Phần lớn được giam trong các phòng có 50-60 người. Strauss-Kahn có thể được giam ở phòng đơn. Ông ta buộc phải ở trong phòng này sau khi tắt đèn vào lúc 23h và sau bữa sáng (5h-6h sáng). Ông ta ăn trưa và tối ở trong phòng. Strauss-Kahn sẽ không được phép liên hệ với bất cứ tù nhân nào. Mỗi khi ra khỏi phòng giam, tổng giám đốc IMF sẽ được nhân viên nhà giam tháp tùng.
Mai Trang

IMF Scandal: Naked Chase
12 minutes ago – ABC News 5:25 | 0 views
The latest on IMF chief accused of sex attack at pricey New York hotel.


Thị trường thế giới chao đảo
vì bê bối sex của
giám đốc IMF

Các thị trường chứng khoán, hàng hóa đồng loạt đi xuống sáng nay, theo sau vụ bê bối tình dục của Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn.
Chỉ số chứng khoán châu Á Thái Bình Dương MSCI Asia Pacific Index mất 1,2% điểm xuống 134,61 tính đến 9h21 sáng nay theo giờ Tokyo. Tổng cộng trong 3 ngày vừa rồi, chỉ số này mất 2,8%.

Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc đều mất 0,6% sáng nay. Hầu hết các chỉ số chứng khoán còn lại trong vùng như của Australia cũng giảm điểm khi giới đầu tư đang nghe ngóng chờ đợi diễn biến tiếp theo của vụ bắt giữ ông Giám đốc điều hành IMF, diễn ra vào hôm qua.

Ngoài ra, chứng khoán Nhật Bản còn đi xuống khi thị trường chưa chắc chắn về việc liệu Chính phủ Nhật có thông qua gói cứu trợ cho Công ty điện lực Tokyo Electric hay không. Còn tại Hàn Quốc, đà bán chốt lời các cổ phiếu công nghệ và ôtô cũng khiến thị trường giảm điểm.

Đồng euro mất 0,2% so với đôla Mỹ do giới đầu tư lo ngại cho rằng việc ông Giám đốc IMF bị bắt giữ vì “quấy rối tình dục” tại một khách sạn ở New York có thể làm chậm, thậm chí hủy bỏ quá trình cứu trợ Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Theo kế hoạch, hôm nay Hy Lạp sẽ đệ đơn lên EU và IMF, đề nghị một gói cứu trợ bổ sung cho gói 110 tỷ USD nhận được hồi tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, vụ bê bối tình dục tại IMF có thể khiến những cuộc bàn thảo tại châu Âu đi chậm lại.

Giới phân tích đánh giá sự việc này như châm thêm dầu vào ngọn lửa khủng hoảng nợ công. “Đồng euro đang phản ứng tiêu cực trước tin về người đứng đầu IMF, nhất là trong thời điểm quan trọng khi EU và IMF đang dần tháo gỡ khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp và Bồ Đào Nha”, một chuyên gia từ Ngân hàng UBS nhận định.
Hiện mỗi euro đổi được 1,4088, so với mức 1,4110 USD cuối ngày thứ sáu. Trước đó, có lúc đồng tiền chung châu Âu chạm mức thấp nhất kể từ 1/4 ở 1,4048 USD. Đôla New Zealand và đồng won Hàn Quốc cũng đồng loạt mất giá.

Do đôla tăng điểm, dầu thô lần đầu tiên đi xuống trong vòng 3 ngày. Hợp đồng dầu thô giao tháng 6 mất 84 cent xuống 98,81 USD một thùng vào giữa phiên giao dịch ngoài giờ tại New York. Kể từ hồi đầu tháng, giá dầu liên tục đi xuống, rơi khỏi mức cao nhất suốt 30 tháng ở 115 USD do sự tăng giá của đồng đôla Mỹ.

Còn ở London, dầu Brent giao tháng 6 cũng vừa mất 44 cent xuống 113,39 USD. Theo lời Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hàng hóa thế giới của Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, giá dầu có thể giảm trong nửa sau của năm do có những dấu hiệu cho thấy giá tăng làm nhu cầu nhiên liệu đi xuống.
Thanh Bình

France shocked by DSK court hearing
9 hours ago – Reuters 1:44 | 1061 views
Images of Dominique Strauss-Kahn in a U.S. courtroom have shocked France with the head of the the Socialist Party slamming them as degrading


Ngân hàng Trung ương châu Âu
chọn được người kế vị

Các bộ trưởng tài chính châu Âu vừa chọn được người tiếp theo sẽ ngồi vào ghế Chủ tịch ECB vào tháng 10 tới.
Hôm qua, Chủ tịch của Nhóm các bộ trưởng tài chính châu Âu, ông Jean-Claude Juncker cho biết họ đã chọn ra được Mario Draghi đến từ Italy làm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu trong nhiệm kỳ bắt đầu từ tháng 10 tới.
“Chúng tôi chỉ định Mario Draghi làm người kế nhiệm ông Jean-Claude Trichet làm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu”, ông Juncker tuyên bố trong cuộc họp báo hôm qua.
Ông Mario Draghi sẽ lên làm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu vào tháng 10 tới. Ảnh: frenchtribune.com
Ông Mario Draghi hiện là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Italy. Theo nhận định của Juncker, ông Draghi có đầy đủ phẩm chất, cũng như danh tiếng để trở thành người xứng đáng nhận nhiệm vụ mới này. Ở quê nhà, Mario Draghi được mệnh danh là “Siêu Mario”. Tên tuổi của ông càng lan rộng ra các nước khác sau sự tiến cử của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Những tháng trước, nữ Thủ tướng Đức liên tục lên báo chí, truyền hình để vận động đưa Mario Draghi làm người kế nhiệm Giám đốc điều hành của IMF, khi nhiệm kỳ của ông Dominique Strauss-Kahn kết thúc vào năm 2012.
Tuy nhiên sau khi ông Giám đốc điều hành Strauss-Kahn của IMF gặp “vận đen” và bị bắt giữ ở New York hôm Chủ nhật, người phát ngôn của Chính phủ Đức, ông Steffen Seibert cho biết giờ đây họ hoàn toàn ủng hộ Mario Draghi lên làm người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Ngoài ra, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Italy cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo khác trong khu vực như Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.
Trong giới tài chính quốc tế, tên tuổi Draghi rất được kính trọng. Ông nổi tiếng với vai trò dẫn dắt Hội đồng Bình ổn Tài chính (Financial Stability Board), một tổ chức quốc tế có nhiệm vụ cải cách tài chính trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trước đó, ông từng là giám đốc cấp cao tại Ngân hàng Goldman Sachs, thành viên của Hội đồng ECB.
Ông sẽ lên nhận trọng trách mới vào tháng 10 khi nhiệm kỳ của Chủ tịch đương nhiệm kết thúc, trong thời điểm khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn chưa giải quyết xong cuộc khủng hoảng nợ công.
Ngân hàng Trung ương châu Âu có trụ sở chính tại Frankfurt, Đức. Đây là cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm bảo đảm sự ổn định của đồng euro tại 17 quốc gia thành viên. Trong cuộc khủng hoảng nợ công hiện tại, ECB đã chứng tỏ vai trò của mình trong việc ra tay cứu giúp nhiều nạn nhân của khủng hoảng như Hy Lạp, Ireland và hiện tại là Bồ Đào Nha.
Hiện ECB đối mặt nhiều áp lực mới như lạm phát. Các số liệu đưa ra hôm qua cho thấy lạm phát tháng tư đã lên 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mục tiêu 2% mà tổ chức này đặt ra.
Thanh Bình

Sự sụp đổ của một trong những
nhân vật sáng chói nhất
trên chính trường Pháp

Thanh Phương, rfi
Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn tại Tòa án hình sự Manhattan, New York ngày 16/5/11.Reuters
Bị còng tay sau lưng và bị hai cảnh sát xốc nách đi, rồi bây giờ bị tống giam với những cáo buộc nặng nề về cưỡng bức tình dục, chỉ trong vài tiếng đồng hồ, Dominique Strauss-Kahn, một trong những nhân vật sáng chói nhất trên chính trường Pháp, một trong những nhân vật có thế lực nhất toàn cầu, đã rơi xuống tận đáy, tiêu tan hoàn toàn tham vọng trở thành Tổng thống tương lai của nước Pháp.

Cho tới hôm qua, các luật sư của cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp vẫn hy vọng là ông sẽ được tại ngoại hầu tra và trong thời gian đó, họ sẽ tìm ra đủ bằng chứng để minh oan cho ông. Đó cũng là hy vọng của gia đình, của Đảng Xã hội Pháp và dư luận Pháp nói chung, bởi vì vụ này đang làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của nước Pháp. Nhưng trước đề nghị nộp tiền thế chân 1 triệu đôla, nữ thẩm phán Melissa Jackson vẫn giữ thái độ kiên quyết, ra lệnh tống giam ông Dominque Strauss-Kahn, khởi đầu cho một thủ tục tố tụng hình sự chắc chắn sẽ kéo dài. Cho dù cuối cùng ông có được trắng án thì công danh sự nghiệp của Dominque Strauss-Kahn coi như chấm dứt ở đây.

Năm nay 62 tuổi, ông Dominique Strauss Kahn, một kinh tế gia lỗi lạc, đã góp phần nâng cao uy tín của Quỹ Tiền tệ Quốc tế kể từ khi ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của định chế này năm 2007, một chức vụ coi như ngang hàng với các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Với trình độ, kinh nghiệm nhiều lần làm bộ trưởng của ông, từ nhiều tháng qua, Dominique Strauss-Kahn vẫn được đa số dân Pháp xem là một trong những ứng cử viên Tổng thống có khả năng giải quyết các vấn nạn của nước Pháp, đặc biệt là thất nghiệp. Trong nội bộ Đảng Xã hội, đảng đối lập cánh tả, tuy có nhiều nhân vật khác sẽ tham gia bầu cử sơ bộ chọn người đại diện cho Đảng ra tranh cử Tổng thống năm 2012, nhưng trước khi xảy ra vụ New York, mọi người coi như đã chấp nhận ông Dominique Strauss-Kahn như là ứng cử viên đương nhiên, bởi vì chỉ có ông mới chắc chắn đánh bại được ứng cử viên cánh hữu Nicolas Sarkozy. Nay, bàn cờ chính trị phải được sắp lại, với viễn cảnh là Đảng Xã hội sẽ lại để vuột mất cơ hội giành chiếc ghế lãnh đạo tối cao.

Rơi xuống tận đáy như vậy, chính là vì Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế vẫn có một điểm yếu, đó là phụ nữ, điều mà chính bản thân ông vẫn thừa nhận. Từ nhiều năm qua, thói trăng hoa của ông không còn là chuyện bí mật đối với giới báo chí Pháp, nhưng hầu như không ai nói đến trên mặt báo, với lý do không muốn đụng chạm đến đời tư của các chính trị gia. Nhưng ngay cả khi đã sang Washington làm việc, tại một quốc gia rất kỵ những vụ bê bối tình dục, ông Dominique Strauss-Kahn vẫn « ngựa quen đường cũ ». Ông lại dan díu với nhân viên cấp dưới, một nữ kinh tế gia người Hungary và suýt nữa đã bị mất chức vì vụ này. Vào lúc đó, người vợ thứ ba của ông, bà Anne Sinclair, một nhà báo nổi tiếng của Pháp, đã công khai tuyên bố tha thứ cho chồng. Lần này, sau khi ông Dominique Strauss-Kahn bị bắt ở New York hôm thứ bảy, bà Anne Sinclair cũng đã tuyên bố « không tin chút nào » những lời cáo buộc đối với chồng bà.

Nhưng vụ New York không phải chỉ là cuộc tình vụng trộm qua đêm, mà là một vụ án hình sự nghiêm trọng, vì với những tội danh bị cáo buộc, cựu Bộ trưởng Pháp có thể lãnh án tổng cộng đến tới 74 năm tù. Việc cảnh sát Mỹ để cho ống kính toàn thế giới chụp và quay cảnh ông Dominique Strauss-Kahn bị còng hai tay dẫn đi hôm chủ nhật đã gây sốc dư luận Pháp, nhất là vì luật pháp của Pháp không cho phép điều này. Nhiều nhân vật trong Đảng Xã hội cánh tả hôm nay đã nhất loạt chỉ trích hệ thống tư pháp Mỹ. Nhưng dù muốn dù không thì Tổng giám đốc IMF sẽ được xử theo luật pháp Hoa Kỳ. Quá trình rơi xuống địa ngục của ông Dominique Strauss-Kahn chỉ mới bắt đầu.

New York newspapers lambast IMF boss
6 hours ago – Reuters 0:54 | 868 views
New York City papers lambasted Dominique Strauss-Kahn on Tuesday after the International Monetary Fund chief was denied bail on attempted rape charges.


thegioinguoiviet

No comments:

Post a Comment