Huỳnh Trọng Hiếu - Thời
gian gần đây những tờ báo lớn của Đảng liên tiếp đưa tin về công tác
chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII năm 2011-2017. Cũng như
những kỳ bầu cử trước, các phương tiện truyền thông ngày đêm nhồi nhét
vào đầu người dân về ý nghĩa và giá trị của cuộc bầu cử quốc hội “tự do,
công bằng, dân chủ thể hiện nguyện vọng của toàn dân!?”.
Đối
với người dân VN những luận điệu tuyên truyền của chế độ đã trở nên
quen thuộc và họ cảm thấy chán ngấy. Hơn ai hết, họ hiểu rõ giá trị và
vị trí của mình trong cái xã hội mà họ đang phải chấp nhận chung sống và
làm việc. Chẳng có mấy người thèm quan tâm đến việc báo chí, truyền
hình nói gì, chính quyền và người dân VN tuy không nói ra, nhưng ngầm
hiểu với nhau rằng: Cuộc tuyển cử chỉ là hình thức, mọi chức vụ, mọi
nhân sự đều được đảng CS chỉ định và sắp xếp trước. Việc tổ chức bầu cử
chỉ là một vở kịch công phu được dàn dựng để đánh lừa công luận trong
nước và Quốc tế. Nhà nước VN muốn cho Thế giới thấy họ cũng là một chính
phủ do dân bầu lên, đại diện cho nhân dân, vì lợi ích của dân?. Đây
cũng chính là sự khác biệt giữa chế độ độc tài CS và các chế độ độc tài
cha truyền con nối trên thế giới. Đảng CSVN họ kiểm soát chính quyền một
cách tinh vi và thận trọng trước sự quan sát của quốc tế.
Cử tri bầu đại biểu Quốc hội khóa XII, tháng 5/2007. Ảnh vietnamnet
Ở
Việt Nam trong chế độ do đảng CS lãnh đạo, chẳng có cái gì là thật cả,
mọi thứ đều giả dối. Trẻ em VN từ lúc còn nhỏ đã phải học cách sống dối
trá để tồn tại. Sự hào nhoáng bên ngoài luôn là phương tiện dùng để che
đậy cho những thối nát bên trong. Khắp nơi tại VN người ta thấy nhiều
hàng giả và tiêu biểu nhất cho sự giả dối đó là một nền chính trị Dân
chủ giả hiệu. Ai cũng biết, không người nào hài lòng và muốn chấp nhận
sự cai trị độc đoán nhưng chẳng ai làm được gì. Người dân biết rằng, nếu
chính quyền không kiểm soát dân chúng một cách tinh vi (thượng sách)
được thì họ sẽ dùng đến biện pháp trấn áp thô bạo (hạ sách) để giữ đất
nước “ổn định”, “phát triển trong hòa bình!”. Đảng CS độc quyền trình
diễn những màn kịch thô lậu trên sân khấu. Những cơ quan trực thuộc Đảng
như những nhân vật phụ họa cho buổi trình diễn thêm sống động trước
hàng triệu khán giả bị bịt mồm. Những cá nhân hay tổ chức nào dám lên
tiếng phản đối, chỉ trích sẽ bị chụp cho cái mũ phản động, khủng bố hay
gián điệp và kết quả là phải bóc lịch một thời gian dài trong tù ngục .
Quốc
hội VN được Hiến pháp qui định là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất,
đại diện cho người dân VN, có chức năng và quyền hạn độc lập với Đảng
CS!… Sự thật có đúng với những gì mà Hiến pháp đã qui định hay không?
Hãy nhìn vào cơ cấu tổ chức, thành phần nhân sự và hoạt động của Quốc
hội Việt Nam thì rõ.
QH
có khoảng 500 Đại biểu, trong đó tuyệt đại đa số là đảng viên đảng CS.
Trong QH, cơ quan lãnh đạo cao nhất là Đảng đoàn quốc hội bao gồm những
chức danh như: Chủ tịch quốc hội, phó chủ tịch quốc hội, Ủy viên Ủy ban
thường vụ quốc hội. Các chức vụ bí thư, phó bí thư và các uỷ viên đảng
đoàn do Bộ chính trị chỉ định. Đảng đoàn quốc hội là tổ chức lãnh đạo
của Đảng CS trong QH. Đảng đoàn QH phải có trách nhiệm lãnh đạo QH thực
hiện đúng đường lối chủ trương chính sách của đảng CS. Thực hiện các
nghị quyết của đảng CS về tổ chức, các đơn vị, cơ quan trực thuộc quốc
hội phải được phân cấp của Bộ Chính trị. Đảng Đoàn QH có quyền kiểm tra
mọi hoạt động của QH, báo cáo, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để
kịp thời xử lý các đảng viên là Đại biểu QH vi phạm nguyên tắc kỷ luật
Đảng trong hoạt động QH làm ảnh hưởng đến uy tín quyền lực của đảng ?!.
Có
lẽ trên thế giới, chẳng có quốc gia nào tồn tại cái gọi là: Đảng đoàn
quốc hội. Các vị trí lãnh đạo cao nhất, những chiếc ghế quan trọng nhất
trong quốc hội đều nằm trong tổ chức này. Mà cái tổ chức ĐĐQH này lại
chịu sự chi phối và chỉ đạo trực tiếp của bộ chính trị và Ban bí thư. Ví
dụ như Bí thư Đảng đoàn quốc hội là ông Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch quốc
hội cũng là ông Nguyễn Phú Trọng (Đại diện cao nhất của dân tại QH)… mà
ông Nguyễn Phú Trọng lại chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng. Vậy đâu là
Nguyễn Phú Trọng đại diện cho dân và đâu là Nguyễn Phú Trọng đại diện
cho Đảng? Hai chức vị đại diện cho quyền lợi của hai nhóm người (mà
quyền lợi không phải lúc nào cũng đồng hành) lại ở trong một người..
thật là nhạo báng công lý!
Bộ
chính trị và Ban bí thư là hai tổ chức trực thuộc Đảng CS, xét trên
bình diện luật pháp, hai cơ quan này không có quyền can dự vào công việc
của QH. QH là cơ quan quyền lực đại diện cho toàn dân, thể hiện nguyện
vọng, ý chí và quyền kiểm soát đất nước của công dân – phải hoàn toàn
độc lập với đảng. Đảng CS là một tổ chức, tập hợp của một nhóm người
nên không có tư cách để can thiệp và chỉ đạo công việc của QH – cơ quan
đại diện của toàn dân. QH phải đứng trên đảng và không có trách nhiệm
làm theo sự lãnh đạo của đảng CS. Thế nhưng tại VN những điều không thể,
vẫn cứ xảy ra: đảng CS lộng quyền đứng trên mọi tổ chức, chi phối mọi
hoạt động xã hội. Sự hiện diện của tổ chức này hay tổ chức khác chỉ là
bù nhìn, tượng trưng. QH VN chỉ là cơ quan trực thuộc làm nhiệm vụ bảo
vệ quyền lực cho Đảng CS. Cơ quan này hoàn toàn không mang tính độc lập
như những gì Hiến Pháp nước CHXHCN VN phân định hay như quốc hội ở những
quốc gia dân chủ thực sự trên thế giới.
Trong
kỳ bầu cử QH khóa XIII đang diễn ra, có một vài trường hợp đặc biệt:
Luật sư Lê Quốc Quân ứng cử chức Đại biểu QH với tư cách độc lập tại đơn
vị TP Hà Nội. Luật sư Lê Quốc Quân là một nhà bất đồng chính kiến danh
giá tại VN, thường xuyên lên tiếng đấu tranh để cổ súy cho tiến trình
dân chủ hóa đất nước. Ông muốn xây dựng ở VN một ngành lập pháp độc lập
để từng bước hình thành một nhà nước Pháp trị như nhiều quốc gia Dân chủ
tiến bộ trên thế giới. Tư cách và năng lực của Ls Lê Quốc Quân được
nhiều người trong nước và thế giới biết đến, bên cạnh đó ông còn là một
nhân vật có nhiều thành tích gắn liền với các hoạt động nhân đạo – xã
hội. Ông Quân có đầy đủ mọi yếu tố tích cực để trở thành vị đại diện của
người dân Hà Nội.
Nhưng
điều gì đã xảy ra? Tối ngày 30/3/2011,LS Quân được UBND Phường mời đến
để làm thủ tục “lấy tín nhiệm ” của cử tri trong tổ dân cư. Và cuộc “lấy
tín nhiệm của cử tri” đã biến thành một cuộc đấu tố đúng nghĩa như lời
ông Quân nói.
Và
mới đây việc đấu tố lại diễn ra với nhà nghiên cứu Nguyễn phúc Giác Hải
(thuộc Viện nghiên cứu tiềm năng con người). Ông Giác Hải bị đấu tố
nhưng không được phép phản biện.
Về
nguyên tắc việc lấy tín nhiệm của cử tri đối với ứng cử viên QH phải
được tổ chức công khai minh bạch, tự do và có nhiều quan sát viên đến
dự. Ban tổ chức và chính quyền địa phương phải tạo mọi điều kiện thuận
lợi cho cử tri tham gia bỏ phiếu. Bất cứ sự cản trở nào từ phía chính
quyền đối với cử tri đều là vi phạm luật pháp nghiêm trọng, và kết quả
của cuộc lấy phiếu tín nhiệm không được công nhận là hợp pháp.. Nói vậy
mà không phải vậy!
Những
điều mà Ls Lê Quốc Quân và nhà nghiên cứu Nguyễn phúc giác Hải gặp
không khác mấy so với trường hợp của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ trong kỳ
bầu cử QH khóa XII năm 2007.
Cũng
vào năm đó, hưởng ứng lời kêu gọi Tẩy chay bầu cử “QH bù nhìn” của Lm
Nguyễn Văn Lý, ba tôi bị chính quyền và công an tỉnh QN triệu tập làm
việc vì không đi bầu cử. Tại Huế Lm Phan Văn Lợi cũng bị chính quyền
liên tục gây khó dể trong nhiều ngày. Ở VN, việc bầu QH chỉ là hình thức
nhưng nếu không đi bầu, ngay lập tức bạn sẽ bị chính quyền địa phương
gây rắc rối, lần thứ nhất họ cho người đến nhắc nhở, lần thứ hai nếu bạn
không đi bầu thì chính quyền địa phương sẽ đi kèm với công an được
trang bị dùi cui điện đến nhà “thăm hỏi”, lần thứ ba bạn sẽ bị gây rắc
rối nghiêm trọng… từ việc làm ăn, đến chuyện học hành hay xin việc của
những người trong gia đình, rồi việc từ chối chứng giấy tờ, hay liên tục
kiểm tra hộ khẩu.
Chính
từ chỗ nhận thức được việc bầu cử chỉ là trò hề dân chủ, mà qua đó Đảng
CS đã đem người dân VN ra làm thứ hàng quảng cáo, họ cảm thấy mình bị
mỉa mai, bị coi thường nên đối phó với chính quyền bằng cách cử một
người đại diện trong gia đình đi bầu, mà có người gọi đùa một cách cay
đắng là “trả nợ quỷ thần”. Tại VN mọi người quá quen thuộc với chuyện
một người cầm xấp thẻ cử tri đi bầu cho xong việc để khỏi gặp rắc rối
với chính quyền. Việc thay người khác đi bầu cử là hành động phạm pháp,
và việc chấp nhận để điều đó xảy ra càng vi phạm pháp luật nghiêm trọng
hơn. Tuy nhiên, những hành động phạm pháp mà phục vụ cho sự kiểm soát và
lãnh đạo của Đảng CS đều được chính quyền cổ vũ và công khai chấp nhận
hết.
Tại
các quốc gia Dân chủ, trước ngày diễn ra bầu cử, các ứng cử viên đến
từ nhiều Đảng khác nhau mở những cuộc vận động tranh cử rầm rộ trên
truyền thông báo chí. Họ tổ chức những cuộc tiếp xúc cử tri để trực tiếp
trình bày cương lĩnh của mình trong các vấn đề của xã hội và quốc gia.
Họ hứa hẹn sẽ có những thay đổi tốt hơn về kinh tế, về an sinh xã hội,
về đối nội và đối ngoại nếu được đắc cử hoặc tái đắc cử để người dân
chọn lựa. Còn tại VN, dân chúng chẳng bao giờ thấy có cuộc vận động
tranh cử nào cả, chỉ có những lời lẽ tuyên truyền sáo rỗng từ các đài
phát thanh ngày đêm ra rả trên phố, trong xóm làng tra tấn mọi người
chung quanh, trở thành nỗi kinh hoàng của mọi nhà. Họ không quan tâm ai
sẽ làm đại biểu cho mình, người đại diện cho dân tại QH mặt mũi thế nào,
có quan điểm chính trị ra sao, tư cách và năng lực thế nào? Mọi việc đã
có sự sắp xếp, một số người được trao cho nhiệm vụ làm đại diện của dân
và người dân dù muốn hay không cũng phải chấp nhận. Chính quyền tổ chức
chuẩn bị trước bầu cử bằng các phương tiện thông tin truyên truyền của
Đảng. Những buổi bỏ phiếu tín nhiệm, những buổi ra mắt cử tri được tổ
chức sơ sài, hình thức. Các cơ quan do Đảng CS lập ra sẽ tiếp tay cho
việc kiểm soát và chi phối kết quả bầu cử.
Qua
những diễn biến và kết quả của các kỳ bầu cử Quốc hội khóa trước và bây
giờ, chúng ta không khỏi quan ngại về tính Dân chủ trong QH VN. Ngày
nào không xây dựng được cơ chế tam quyền phân lập, không tạo dựng được
một nhà nước pháp trị thì sự độc lập của QH chỉ là mị dân. Lúc đó mọi
vấn đề lớn nhỏ của quốc gia chỉ thể hiện ý chí của một nhóm thiểu số, và
những vụ việc như Vinashin, Bauxite VN, tàu cao tốc vẫn còn tiếp diễn
và nghiêm trọng hơn thế nữa.
Còn việc bầu cử tại VN được quy định là “quyền “ và “nghĩa vụ”.
Đã là quyền thì không phải là nghĩa vụ, đã là nghĩa vụ thì không phải là quyền.
Một việc mà vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền, thì thật là khó hiểu.
Người
dân VN ngày hôm nay hành xử cái “quyền” bầu cử này như thế nào đây?…
Khi không đi bầu cử thì sẽ trở thành “đối tượng” theo dõi và chế tài của
chế độ .
Chúng
ta sinh ra và lớn lên tại VN, cùng chia sẻ với dân tộc và quốc gia
những khó khăn và bất công, chúng ta bị đảng cộng sản lợi dụng và điều
khiển như những con rối, quốc tế nhìn vào chúng ta như những chú hề bất
lực. Nhân dân VN có nên tiếp tục chấp nhận cơ quan đại diện cho mình bị
Đảng CS chi phối và sắp xếp không?
Xin hãy để cho lương tâm và trách nhiệm với quốc gia phán quyết.
© Huỳnh Trọng Hiếu
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment