BS. Hồ Hải – Ba khu vực
kinh tế nước nhà: bất động sản đang trên đà vỡ bong bóng. Hệ thống công
thương nghiệp đang tháo chạy. Nông lâm thủy hải sản đang chết mòn vì
ngoại và nội xâm. Để cho 3 khu vực ấy có sức khỏe, thì tiền tệ phải lưu
thông.Nhưng tiền tệ đã, đang và sẽ bị đóng
băng vì những biện pháp cực đoan do lỗi lầm của một cấu trúc thượng tầng
không hợp thời. Máu đang chảy đầy đường, và các con kền kền đang chực
chờ những thây ma đang hấp hối…
Tối 22/5/2011 trong mục bình luận kinh tế
Việt Nam của các nhà kinh tế tài chính trên truyền hình lúc 21h tối
cuối tuần, ông tổng giám đốc ngân hàng Bảo Việt có một phát biểu với
những con số rất ấn tượng và kết luận rất thực tế: “Theo thống kê, năm
2011, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tương đương 3 triệu tỷ đồng,
tương ứng với 1,2 lần số tiền huy động tín dụng cả năm. Ước tính năm
2012, số dư nợ tín dụng sẽ tăng lên 1,4 lần so với tổng huy động tiết
kiệm trong cả nước. Cái vòng luẩn quẩn thiếu thanh khoản ngân hàng cứ
tiếp diễn và lãi suất kịch trần vẫn cứ xảy ra, mặc dù báo cáo tình hình
tăng trưởng tín dụng của khối tài chính ngân hàng vẫn cứ cao. Nhưng kết
quả cuối cùng là lạm phát tăng cao, và nền kinh tế chụp giật cứ mãi tồn
tại”.
Tiếp lới ông ngân hàng Bảo Việt là câu
kết của ông cựu thống đốc ngân hàng cho rằng vấn đề kinh tế Việt nam là
vấn đề thuộc về cơ cấu nền kinh tế và hình thái chính trị xã hội Việt
nam không đúng với qui luật, chứ không còn là vấn đề đem nghị quyết này,
hay chủ trương nọ ra chữa cháy tạm thời. Một nền kinh tế giật gấu vá
vai, trên một kiến trúc thượng tầng cũ nát. Và vòng xoắn bệnh lý kinh tế
Việt ngày càng trầm kha.
Đã hơn 2 năm nay, tôi đã đứng trên quan
điểm triết học viết rất nhiều bài về hình thái xã hội và sự phát triển,
cũng như lý luận đưa ra hình thái kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa là
sai lầm về mặt lý luận và triết học. Nhưng nó vẫn cứ được đại hội đảng
lần thứ 11 thông qua và vẫn cứ thực hiện giai đoạn quá độ tiến lên xã
hội chủ nghĩa. Cuối cùng, trong 4 tháng qua kết quả, các nước trên thế
giới đang đi ra khỏi khủng hoảng kinh tế thế giới thì, nền kinh tế nước
ta đang lao vào cuộc khủng hoảng kép.
Hôm nay, để chào mừng thắng lợi của cuộc
bầu cử quốc hội lần thứ 13 và hội đồng nhân dân các cấp thành công rực
rở, nền kinh tế Việt Nam đầu tuần này có những dấu hiệu báo động một
thời kỳ khó khăn đang đến. Khi thị trường chứng khoán, nơi đại diện đầu
tư lâu dài bán tháo cổ phiếu, chứng kiến một đợt rơi tự do lớn với 8
phiên giao dịch rớt giá liên tục. Còn nền nông nghiệp mà ta luôn tự hào
là nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2 trên thế giới thì, nhà nông bỏ
ruộng vì chi phí tăng.
Ba khu vực kinh tế nước nhà: bất động sản
đang trên đà vỡ bong bóng. Hệ thống công thương nghiệp đang tháo chạy.
Nông lâm thủy hải sản đang chết mòn vì ngoại và nội xâm. Để cho 3 khu
vực ấy có sức khỏe, thì tiền tệ phải lưu thông. Nhưng tiền tệ đã, đang
và sẽ bị đóng băng vì những biện pháp cực đoan do lỗi lầm của một cấu
trúc thượng tầng không hợp thời. Máu đang chảy đầy đường, và các con kền
kền đang chực chờ những thây ma đang hấp hối.
Nếu những gì đang diễn ra là đúng thì, rõ
ràng phải cảm ơn chính phủ đã có công gầy đắp cho lượng tích đủ thành
chất để cho cuộc họp quốc hội đầu tiên của khóa 13 sẽ làm nên những thay
đổi ngoạn mục vào tháng 7 tới.
Cấu trúc hạ tầng quyết định kiến trúc
thượng tầng. Khi cấu trúc hạ tầng đổ máu không cầm được, thì cái thây ma
kiến trúc thượng tầng cũng đã đến giờ cần phải chôn cất, tẩm liệm để
một vòng tuần hoàn mới được tái sinh.
Và khi máu đang chảy đầy đường cũng là
lúc những ai muốn một đất nước Việt hùng cường hãy chuẩn bị tâm thế và
tư thế để đầu tư và phát triển cho nền kinh tế Việt vì một thương hiệu
toàn cầu.
Asia Clinic, 7h21′, ngày thứ Ba, 24/5/2011
BS. Hồ Hải
http://bshohai.blogspot.com/2011/05/mau-ang-chay-ay-uong.html?spref=fb
No comments:
Post a Comment