Wednesday, May 25, 2011

Đôi điều về khái niệm “đoàn kết”

Phan Hồng Giang – Trong xã hội ta hiện nay còn tồn tại những loại người mà nhân dân không thể đoàn kết với họ. Để thực hiện được sự đoàn kết toàn dân, nhất thiết phải trấn áp cương quyết và triệt để những kẻ cần phải coi là đối nghịch của một xã hội lương thiện, những kẻ cần loại bỏ khỏi xã hội lành mạnh.
Đó là bọn lợi dụng chức quyền bòn rút, tham nhũng bạc tỷ của dân, bọn sách nhiễu dân để ăn hối lộ , bọn mua quan bán chức, bọn ăn tiền, bao che tội phạm, “chạy án” bẻ cong công lý, bọn buôn lậu, gian lận thương mại, bọn côn đồ lưu manh “xã hội đen”, bọn buôn bán trẻ em phụ nữ…


*

Hàng ngày, chúng ta vẫn thường nghe thấy hai tiếng “đoàn kết”. Khái niệm tưởng chừng như rất quen thuộc này, đi vào thực chất, lại không hề đơn giản. Nên chăng cần tìm hiểu kỹ hơn khái niệm “đoàn kết” không ít khi mang những nội hàm khá vênh nhau. Xin thí dụ: có đơn vị, từ lãnh đạo đến chi bộ, công đoàn vv… đều “đoàn kết”, nhưng đôi khi lại là để bảo vệ quyền lợi cục bộ, vô hiệu hóa các hoạt động thanh, kiểm tra từ bên ngoài. Đây là một biểu hiện “đoàn kết” giả tạo, “đoàn kết” xấu! (thực chất là một sự “cấu kết” giữa các “thế lực đen”…). Lại có cơ quan, một số người cương quyết phê phán, tố cáo những hành vi sai trái của một bộ phận lãnh đạo, nhưng do cấp trên giải quyết không rốt ráo, nên kết quả là cơ quan đó bị mang tiếng là “mất đoàn kết”!. Ở đây, sự “mất đoàn kết” này là cần thiết, là sự đụng độ giữa cái thiện và cái ác, báo hiệu một sự thay đổi theo chiều hướng đi lên…

Trong xã hội luôn luôn có sự khác biệt giữa các nhóm người về quyền lợi, về sự hiểu biết cũng như về niềm tin. Đây là một tồn tại khách quan. Bởi vậy, theo tôi, khái niệm đoàn kết nên được hiểu là sự dung hòa giữa các nhóm người (dân tộc, giai cấp, tầng lớp, cộng đồng dân cư, họ tộc, gia đình…) về quyền lợi, về chính kiến và niềm xác tín vì lợi ích tối cao của quốc gia, của dân tộc, trên cơ sở các quy định của pháp luật. Không nên để một nhóm người nào, nhân danh vì sự đoàn kết, lại thực thi sự đoàn kết ấy bằng cánh áp đặt quyền lợi, chính kiến, niềm tin của mình lên các nhóm người khác. Đây sẽ là một kiểu “đoàn kết” không vững bền.

Để thực hiện đoàn kết, các khác biệt trong các cộng đồng dân cư, các nhóm xã hội cần được giải quyết bằng trao đổi, bàn bạc, lắng nghe các ý kiến khác nhau phản hồi từ cơ sở để kịp điều chỉnh chính sách cho phù hợp. (Sự khiếu kiện kéo dài, các vi phạm luật lệ có hệ thống chẳng hạn như trên lĩnh vực đất đai, xây dựng…phải chăng là do chính sách chưa phù hợp, làm lòng dân không yên). Ở đây cần tránh đối đầu, tránh dẫn đến xung đột từ những mâu thuẫn có thể giải quyết bằng cách dung hòa quyền lợi các bên liên quan (không để xảy ra những Quỳnh Phụ, Thái Bình, thứ 2, thứ 3…) Trong nội bộ nhân dân, thiểu số phải phục tùng đa số, nhưng đồng thời, đa số phải tôn trọng lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của thiểu số; không dùng số đông để trấn áp thiểu số. Đoàn kết ở đây là phải gắn liền với dân chủ, dân chủ thực sự là bảo đảm cho sự đoàn kết vững bền.

Trong xã hội ta hiện nay còn tồn tại những loại người mà nhân dân không thể đoàn kết với họ. Để thực hiện được sự đoàn kết toàn dân, nhất thiết phải trấn áp cương quyết và triệt để những kẻ cần phải coi là đối nghịch của một xã hội lương thiện, những kẻ cần loại bỏ khỏi xã hội lành mạnh. Đó là bọn lợi dụng chức quyền bòn rút, tham nhũng bạc tỷ của dân, bọn sách nhiễu dân để ăn hối lộ , bọn mua quan bán chức, bọn ăn tiền, bao che tội phạm, “chạy án” bẻ cong công lý, bọn buôn lậu, gian lận thương mại, bọn côn đồ lưu manh “xã hội đen”, bọn buôn bán trẻ em phụ nữ…

Như vậy ngoài thuộc tính dân chủ, đoàn kết còn gắn chặt với sự trừng phạt thẳng thừng với những kẻ là sâu mọt của xã hội.

Đoàn kết trong Đảng, lại là một Đảng duy nhất cầm quyền, chính là điều kiện tiên quyết để thực hiện đoàn kết toàn dân. Điều này trong điều kiện thực tiễn Việt Nam,dù hoàn toàn không dễ để thi hành, cũng vẫn cần được đặc biệt nhấn mạnh. Ở đây theo tôi, nên luôn nhớ đến ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc (1967): “Muốn có đoàn kết, trong Đảng phải có dân chủ thực sự” (tình trạng mất đoàn kết khá phổ biến ở một số tổ chức Đảng trước tiên là do mất dân chủ).

Dân chủ gắn liền với sự minh bạch, sòng phẳng, trước tiên là trong việc đề xuất các quyết sách, trong đánh giá và sử dụng cán bộ, trong thu chi tài chính. Nên dần dần phát triển hình thức dân chủ trực tiếp song song với việc từng bước công khai hóa các thông tin theo mức độ dân trí ngày càng được nâng cao. Hạn chế dần, tiến tới chấm dứt tình trạng số người được bầu bằng với số người đề cử…

Nói gọn lại, “đoàn kết” với ý nghĩa chân chính của nó luôn gắn chặt với dân chủ, bình đẳng, khoan dung và nhân ái. Chính vì vậy, “đoàn kết” luôn luôn là một khái niệm mang tính văn hóa.

Phan Hồng Giang
http://www.viet-studies.info/PhanHongGiang_DoanKet.htm

No comments:

Post a Comment