Vĩnh Thúc - Trong số báo đầu tháng 5, bán nguyệt san Fortune có bài báo đặc sắc “Chuyện Trong Nhà Apple”
(Inside Apple) về cách điều hành một trong những công ty huyền thoại
vùng Thung Lũng Điện Tử (Silicon Valley) và cả thế giới (giá trị thương
hiệu Apple hiện nay đã qua mặt Google và đứng đầu thế giới).
Trong bài
báo có nhiều chi tiết đáng chú ý, tỉ như chuyện Steve Jobs thuê giáo sư
từ các đại học danh tiếng (Yale, Harvard) viết các “điển hình” (case
study) về chuyện quản lý tại Apple nhằm đào tạo đội ngủ quản lý tương
lai của Apple (phòng chuyện một ngày không xa Steve Jobs sẽ không còn ở
Apple nữa). Đó lại là một trong những điển hình của nhà quản lý có trách
nhiệm chuẩn bị “đội ngủ kế thừa”.
Việt
Nam trong những năm qua cũng có những gương mặt quản lý tốt và thành
công. Một trong những ví dụ đó là cựu Tổng Biên Tập báo VietnamNet chẳng
hạn. Từ một kỹ sư nổi bật trong ngành Bưu Điện, anh được giao nhiệm vụ
lãnh đạo báo VietnamNet trong nhiều năm. Những người theo dõi tin Việt
Nam thường xuyên đều biết, từ vài năm qua, VietnamNet đã trở thành một
trong những “nhà báo” có nhiều người đọc nhất, có những bài báo “can
đảm” nhất theo nghĩa không ngại đụng chạm đến cơ chế, quyền lực của
nhiều “nhóm lợi ích” (interests groups). Chỉ không quá vài tháng sau khi
TBT cũ từ nhiệm, TBT mới tới thay, dường như đã có sự thay đổi “thấy
rõ” ở VietnamNet. Điển hình là những bài ở trang nhất về cái gọi là “Người Mỹ Có Thực Sự Lên Mặt Trăng”?
Nếu thi thoảng chỉ có một bài loại này thì có thể cho là “sự cố”, nhưng
khổ nổi có cả một loạt bài liên tiếp (ít nhất 3-4 bài) làm người đọc
phải tự hỏi “chuyện gì đây, thực hay đùa?”.
Trong
bữa ăn tối thường niên với giới truyền thông tại Nhà Trắng (White House
Correspondents Dinner) cuối tháng 4 vừa qua, trong phần khai mạc của
chủ nhà (mà theo thông lệ là những mẩu chuyện khôi hài về thành viên
chính phủ lẫn giới truyền thông), Tổng thống Obama có nhắc đến những
“thành quả” mà nhà tỷ phú “rởm đời” Trump đã gặt hái được gần đây
(chuyện đòi công bố giấy khai sinh chi tiết của Obama) và “gợi ý” những
chuyện “to lớn” khác mà Trump sẽ theo đuổi (theo nghĩa khôi hài), ví dụ
như chuyện “có phải chúng ta đã giả mạo chuyện thám hiểm cung Trăng”.
Thế
đấy. Trong năm 2011 này, nếu bạn muốn tìm kiếm những người Mỹ mà tin
rằng chuyện thám hiểm Mặt Trăng năm 1969 là chuyện giả tao do chính phủ
dựng ra, với may mắn, bạn cũng có thể tìm được chứ chẳng phải không
(những người nghi ngờ theo “chủ nghĩa toa rập” thì ở đâu cũng có). Thế
nhưng đối với hàng trăm triệu người Mỹ (và hẳn là hàng tỉ người trên thế
giới) thì “bước nhảy vọt của nhân loại” năm 1969 đó thì hẳn như là một
sự thật hiển nhiên. Sự kiện khoa học nổi bật này là kết tinh của nhiều
ngành khoa học (từ cơ bản đến ứng dụng) và được giảng dạy trong tất cả
các trường học, từ tiểu học đến đại học. Nếu ở tiểu học, học sinh được
biết đến nó như một sự kiện lịch sử, ở trung học, học sinh học về nó như
một sự kiện khoa học (vật lý hay toán học chẳng hạn). Còn ở đại học,
tùy chuyên ngành, sinh viên có thể tìm hiểu các hiện tượng kế tục (ví dụ
như việc thám hiểm thành công Sao Hỏa, hơn 200 lần xa hơn Mặt Trăng,
vào năm 2006) và hiển nhiên là các nghiên cứu sinh sau đại học sẽ nhắm
đến các thành tựu xa rời hơn nữa (nào ai biết được loài người sẽ tiến xa
đến đâu vào năm 2020?).
Vậy mà một
Việt Nam năm 2011 muốn “đi ngay vào văn minh hiện đại” (xây đường sắt
cao tốc và nhà máy điện hạt nhân) vẫn không tin nổi chuyện loài người đã
thám hiểm Cung Trăng năm 1969 nhờ vào các tiến bộ vượt bậc trong khoa
học? Nhìn luận cứ và trích dẫn của những bài báo “tầm phào” đó, người
đọc ngạc nhiên khi thấy trích dẫn từ “KM.ru”. Dù không biết KM.ru là
loại nhà xuất bản nào ở Nga (lá cải, hạng ba hay hạng nhất), nhưng người
đọc sẽ tự hỏi:
a) Giáo dục Việt Nam
(từ tiểu học đến đại học) có dạy về sự kiện lịch sử này (hay xem đó như
là “công cụ tuyên truyền của đế quốc” mà “ta” không thừa nhận?). Nếu câu
trả lời là có, thì người ta phân vân, “chẳng lẽ từ người dịch, Biên tập
viên Khoa học, đến Tổng biên tập VietnamNet đều chưa đến trường?
b)
Nếu sự kiện khoa học to lớn này bị bỏ qua trong hệ thống giáo dục của
Việt Nam thì câu hỏi (cho tất cả những nhà giáo trong nước) sẽ là “một
thành tựu to lớn từ bốn thập kỹ trước và là nền móng cho bao nhiêu ứng
dụng trong đời sống hằng ngày ngày nay mà Việt Nam vẫn chưa chấp nhận
được, thử hỏi chừng nào mới với được cái đuôi (đừng nói đón đầu) khoa
học thế giới”?
c) Người viết ngờ rằng
trường hợp (b) là đúng, vậy thì câu hỏi tiếp sẽ là “có thể nào một tạp
chí của Bộ Truyền Thông và Thông Tin, một cơ quan thông tin ngôn luận
của Nhà nước lại làm chuyện “tuyên truyền xám” phản khoa học, ngu dân,
đi ngược lại sự hiểu biết của loài người trong thời đại mà cả Chính phủ
lẫn toàn dân đang hăng hái học tập các thành quả khoa học, tiến bộ của
nhân loại (chẳng hạn việc Thủ tướng trải thảm đỏ mời công ty bán dẫn
hàng đầu Intel)?
Đại hội Đảng đã
xong, bầu cử Quốc hội mới sắp tiến hành. Dù không ai tuyên bố nhưng Bộ
trưởng Lê doãn Hợp đã nhận biết cái “án tử chính trị” của ông, một người
mới sẽ thay thế Hợp trong chức Bộ trưởng TT&TT. Hy vọng vị Bộ
trưởng mới sẽ tránh vết đổ của Bộ trưởng cũ bằng cách đặt cho mình câu
hỏi (và trả lời suôn sẻ trước khi nhậm chức): “Trong thế kỷ 21 này công
tác tuyên truyền sẽ phải khác thế kỷ 20 như thế nào?”
Tổng
Biên tập mới của VietnamNet cũng cần những câu hỏi tương tự. Bởi vì
đừng quên rằng 80 năm trước, thời Việt Nam làm cách mạng giành độc lập,
dân chúng không có một nguồn thông tin nào khác ngoài tin tức trên báo
chí được lưu hành. Ngày nay, giới trẻ đã nắm bắt rất nhanh chóng và hữu
hiệu những công cụ truyền thông của thế kỷ mới (từ điện thoại di động
đến mạng xã hội). Bởi vậy, nếu nhà quản lý không theo kịp những tiến bộ
khoa học trong truyền thông và tiếp tục làm việc theo lối cũ, họ sẽ thấy
mình mất việc rất nhanh.
Đáng tiếc,
mười năm ở cương vị TBT có lẽ Tuấn vẫn chưa nghĩ đến hay chưa xây được
“đội ngủ kế thừa” (hoặc chí ít một cơ chế tốt với Biên tập viên Khoa
học). Nếu có hẳn đã tránh được sai lầm thô thiển kiểu tuyên truyền xám
này. Đừng bao giờ quên rằng việc “tuyên truyền xám” như trên không kéo
lùi được nước Mỹ (sự thực họ có các thành quả mới kiểu “Google” hay
“Facebook” hầu như mỗi năm), nhưng chắc hẳn nó sẽ kéo lùi Việt Nam (!).
© Vĩnh Thúc
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment