Friday, April 29, 2011

Ám sát Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

Claire Sterling - Lời người dịch: Kể từ ngày Thứ Hai, 18 tháng Giêng năm 2010, Mehmed Ali Agca, kẻ từng tìm cách sát hại cố Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, được thả khỏi nhà tù tại Thổ Nhĩ Kỳ. Người đàn ông 52 tuổi này từng ngồi tù ở Ý và Thổ Nhĩ Kỳ suốt ba chục năm qua vì vụ mưu sát Đức Giáo Hoàng ngày 13 tháng Năm năm 1981, và trước đó, vụ giết hại một nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ năm 1979.

Tháng Bảy năm 1981, Agca bị kết án chung thân tù giam. Tới tháng Sáu năm 2000, do lời yêu cầu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Mehmed Ali Agca được Tổng thống Ý Carlo Azeghio Ciampi ân xá. Hắn bị trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ, ở đó hắn lại bị kết án tù vì tội giết ký giả Abdi Ipekci năm 1979 và hai vụ cướp ngân hàng trong thập niên 1970.

Luật sư của Agca cho biết sau khi được phóng thích, thân chủ của ông sẽ ký được những hợp đồng sách báo và phim ảnh đáng giá hàng triệu Mỹ kim, với những gì mà hắn hứa là sẽ tiết lộ tất cả sự thật. Thế giới cũng hi vọng qua những thông tin ấy, chắt lọc được các chi tiết có giá trị, khác với những lời khai trái ngược nhau mà Agca đã đưa ra trước đây.

Tuy thế, kinh nghiệm về truyền thông báo chí cho thấy chắc chắn rằng niềm hi vọng đó chỉ được đáp ứng một cách tương đối trong một thế giới phức tạp, còn nhiều cái phải che giấu vì nhu cầu chính trị và tuyên truyền, cũng như sự khai thác trục lợi của giới làm sách báo, phim ảnh.

Ðể giúp độc giả có dịp nhớ lại những gì đã biết và thuận tiện đối chiếu với những thông tin sắp nhận được từ Agca và giới truyền thông, chúng tôi sao lục lại một bản điều tra và báo cáo có giá trị, được phổ biến cách đây 27 năm, gần 10 năm trước ngày hệ thống Cộng sản sụp đổ tại châu Âu, đặc biệt tại Liên Xô và Bulgaria.

Nguyễn Ước (2010)

Lời giới thiệu
của Tạp chí Reader’s Digest

Thiên điều tra này về một âm mưu có tính cách quốc tế và công phu nhằm giết Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II là công trình của một trong những ký giả được kính trọng nhất Châu Âu, Claire Sterling. Bà sinh tại Hoa kỳ và suốt ba mươi năm qua sống ở Ý Đại Lợi. Những phóng sự điều tra của bà, như cuốn năm 1981 về Mạng lưới Khủng bố (The Terror Network), được tạp chí Ngoại Giao Sự Vụ (Foreign Affairs) ca ngợi là là "cuốn sách có tính cách bước ngoặt về phong trào khủng bố”, đã khiến bà nổi tiếng quốc tế. Những phóng sự ấy cũng mở nhiều cửa ra cho bà được tiếp cận những nguồn thông tin ưu tiên chỉ chuyên dành cho một số ít người trong lãnh vực này.

Tiến hành dưới sự uỷ thác của tạp chí Reader's Digest, Sterling đi lui tới suốt bốn tháng trời, đặt quan hệ với những nguồn tin tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ðức, Ý Đại Lợi, Tunisia và các xứ khác. Những bằng chứng mà bà tổng kết được đã rọi một ánh sáng mới và nghiệt ngã vào những biến cố xảy ra năm 1981 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Thành tố chủ yếu nhất trong mạng nhện phức tạp này: mối liên hệ tới Bungaria.

Ðến nay, 1997, mười sáu năm sau ngày xảy ra âm mưu ám sát trên, tuy đã chấm dứt Cuộc Chiến Tranh Lạnh, Mehmet Ali Agca còn thụ án và vụ án trở thành một bí mật vĩnh viễn của thế kỷ, nhưng bản báo cáo này vẫn giữ vững được giá trị.

Readers’ Digest (1982)

Toàn văn bản điều tra và báo cáo

Vào ngày Thứ Tư 13 tháng Năm 1981, tại Quảng trường Thánh Phêrô, một thanh niên nổ súng và suýt giết chết Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Xạ thủ bị bắt tại hiện trường, ngay sau đó, nhận diện ra hắn là Mehmet Ali Agca (đọc là Aját Ahjah), 23 tuổi, người Thổ Nhĩ Kỳ (viết tắt là Thổ). Nội trong vài giờ đồng hồ sau, thế giới đã biết là trước đó hắn đào thoát khỏi một nhà tù ở Istanbul trong khi chờ bị xử tử vì đã ám sát khủng bố một nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ. Các phóng sự chiếm trang đầu của báo chí khắp thế giới đều mô tả hắn là một tên ác ôn phát xít làm việc cho tổ chức Tân Quốc Xã Sói Xám (Gray Wolves) của Thổ Nhĩ Kỳ. Ðã có giả thuyết là Sói Xám sai Agca tới Roma để giết Ðức Thánh Cha – hoặc hắn là một tên lập dị phái hữu tự ý mình hành động.

Nhưng Mehmet Ali Agca vừa không phải một sát thủ của Sói Xám vừa không là một tên lập dị. Và hắn không hành động đơn độc. Như tôi được biết trong những tháng điều tra, đã có bằng chứng vững chắc rằng Mehmet Ali Agca là công cụ của một âm mưu công phu có tính chất quốc tế. Cho dù có khinh suất, nông cạn hoặc thờ ơ cũng không có một một nước nào bị dính líu tới vụ này đơn phương tự mình thúc đẩy tiến hành cuộc điều tra đến cùng.

Phiên toà xử Mehmet Ali Agca tại La Mã vào tháng Bảy 1981 chỉ kéo dài 72 giờ. Người ta nghiêm nhặt giới hạn lời làm chứng cho sự có tội của hắn trong việc đã thật sự nổ hai phát súng làm trọng thương Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng Ba Lan đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo La Mã. Agca bị kết án tù chung thân nhưng tại phòng xử án không có ai nói lời nào về một âm mưu nào đó. Tuy thế, hai tháng sau đó, trong một bản tường trình giải thích bản án, vị thẩm phám có nói đến "các sức mạnh ẩn giấu" và "sự hiện hữu của một âm mưu cao độ".

Vào tháng Sáu năm nay, người Ý đã chính thức xác nhận việc tin có sự hiện hữu của một âm mưu như thế bằng việc bắt giữ tại Thụy Sĩ một người Thổ tên là Omer Bagci. Trong khi yêu cầu giải giao, Ý Đại Lợi cáo giác Bagci về tội "tham gia trực tiếp vào âm mưu ám sát Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II”.

Tuy thế, vào thời gian dài trước sự triển khai này, đã có bằng chứng về âm mưu ấy. Tại phạm trường, Agca có ít nhất hai trợ thủ. Tên thứ nhất, không nhận diện được, bị chụp hình từ đằng sau (bởi người săn tin cho hãng ABC) khi hắn ta với khẩu súng trên tay vọt chạy khỏi đám đông. Kẻ thứ hai, tay giữ chặt một cái tráp màu đen, bị nhìn thấy khi đuổi theo chiếc xe buýt ngay lề Quảng trường Thánh Phêrô. Nhiều nhân chứng để ý tới vì hắn nhảy xuống xe ở trạm kế. Dựa vào các miêu tả của họ, đã vẽ được một chân dung tổng hợp, rất giống với người bị khuất nửa mặt đứng kế Agca, bị một nhiếp ảnh gia người Ý chớp nhoáng chụp được. Vào lúc kết thúc phiên toà xử Agca, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ nhận diện, có tính cách phỏng đoán, tên thứ hai này là Omer Ay, cũng là một kẻ khủng bố đang đào tẩu.

Những dây liên kết âm mưu của Agca với Omer Ay bị lần theo dấu sau đó qua một văn phòng cấp giấy thông hành tại một thành phố Thổ Nhĩ Kỳ tên là Nevsehir. Cả hai tên đều được cung cấp các thông hành giả mạo một cách hoàn hảo, trong cùng một ngày (11 tháng Tám 1980), với hai số kế tiếp nhau (136635 và 136636). Dù các thông hành này có ảnh của Agca và Ay, cả hai lại mang tên của hai cư dân Nevsehir (Faruk Ozgun và Galip Yilmaz). Khi tới Roma, Agca vẫn sử dụng thông hành mang tên Ozgun của mình.

Lại càng thêm tính cách gợi ý về một âm mưu là những ghi chép, được viết nhanh ở Thổ Nhĩ Kỳ, tìm thấy trong túi áo của Agca vào lúc hắn bị bắt. Một "kiểm soát viên" đã ra cho hắn những chỉ thị sau cùng này:

Thứ Sáu trong khoảng 7 đến 8g sáng: điện thoại.
Thứ Tư 13 tháng 5: xuất hiện ở quảng trường.
Chúa Nhật 17 tháng 5: có lẽ xuất hiện ở lan can.
Thứ Tư 10 tháng 5: quảng trường.
Không được thất bại.
Lựa kỹ túi xách.
Chủ yếu nhuộm tóc.
Cần thì đeo thánh giá, đồ jin ngắn, giày thể thao, áo gió Montgomery.
Sau Thứ Tư,
đi vòng đến Florence hoặc gần nhà ga.
Cẩn thận không để bị thấy quanh Vatican
hoặc những địa điểm thu hút chú ý.
Cần: xé vụn các bưu thiếp.
Tài chánh: 600.000 lia
(180.000 khách sạn,
20.000 điện thoại,
200.000 chi tiêu hằng ngày,
100.000 mua xách đeo, quần và áo,
100.000 dành lúc khẩn cấp).
Ngày mai, tiền ba ngày khách sạn.
Cần: đi Naples,
mua xách và nhuộm tóc.
Coi vé xe lửa có giá trị không.
Rất cẩn thận đồ ăn.
Ðiểm tâm tại đây lúc 9g sáng.

"Tại đây" tức là khách sạn Pensione Isa ở La Mã, nơi trước đó phòng của hắn được một người nói trôi chảy tiếng Ý giữ chỗ; Agca không nói được như thế. Thuốc nhuộm tóc để trá hình trốn thoát của hắn được tìm thấy ở đó. Hắn đã tuân lệnh xé nát những bưu thiếp có hình Ðức Thánh Cha diễn hành trên một chiếc xe jeep không mui. Cái túi xách được chọn lựa cẩn thận, chứa khẩu súng lục hiệu Browning kềnh càng, thì ở bên mình hắn tại Vatican.

Nòi giống mới

Những dây dọi phân tán này không có nhiều để tiếp tục lần ra đầu mối, nhưng các sợi chỉ khác lại do chính Agca cung cấp. Dù từ chối cung khai trong phiên toà, hắn trước đó đã kể với các thẩm vấn viên về một thoả thuận lớn lao – hầu hết thoả thuận đó đã thành sự thật. Bằng cách này hoặc cách khác, hắn là người chứa chất nhiều kinh ngạc.

Hắn không thích hợp với một khuôn mẫu chung nào: lập dị tôn giáo, quốc gia quá khích, chuyên nghiệp đâm thuê chém mướn, sát thủ phát xít hoặc tay sai cộng sản. Cao và gầy, với đôi mắt đen tối sâu hoắm, trên khuôn mặt là mái tóc đen cắt ngắn và xương gò má nhô cao, Agca biểu lộ sự thông minh nhạy bén và sự tự tin gần như ngạo mạn. Với khả năng trầm tĩnh, hắn nhìn trịch thượng các thẩm vấn viên người Ý là những kẻ tin chắc rằng hắn đã được những tay chuyên gia tập huấn.

Thẩm phán Domenico Sica, vốn là người đã thẩm vấn hàng chục tên khủng bố, cam đoan với tôi rằng ông ta chưa bao giờ phải chịu đựng một tên nào như Agca. Domenico Sica nói: "Ngay từ đầu, hắn khống chế cuộc thẩm vấn. Hắn dắt tôi tới chỗ hắn muốn tới và rồi, khi tôi đối chất hắn về những điểm mâu thuẫn, thì hắn thình lình ngưng nói”.

Theo Nocola Simone, viên chức của cơ quan cảnh sát Ý chống khủng bố DIDOS thì: "Hắn còn có thể tự làm cho mình ngủ thiếp ngay trên ghế ngồi và thức dậy tươi tỉnh. Hắn luôn luôn tự chủ”.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II trúng thương
Không biểu lộ dấu hiệu phạm tội hoặc sợ hãi nào, Agca trong cùng một lúc có thể vừa giữ kẽ và vừa nói huyên thuyên một cách kỳ quặc. Ðiều mà Agca quan tâm nhất là phong trào khủng bố với những ích lợi tự thân của nó. Trong khi quả quyết rằng việc giết Ðức Thánh Cha là do ý tưởng của chính hắn, hắn khoe khoang về việc nhận được sự giúp đỡ của nhiều tên khủng bố ở các nước khác – "Bungari, Anh Quốc và Ý Đại Lợi”.

Hắn nói với các viên chức thẩm vấn: "Tôi không phân biệt giữa những người khủng bố phát xít và những người khủng bố cộng sản. Chính sách khủng bố của tôi chẳng đỏ hoặc đen: nó đỏ lẫn đen”. Hắn tự gọi mình là một "tay khủng bố quốc tế", một người thuộc về một nòi giống mới phát sinh sau một thập niên bạo lực lan rộng khắp hành tinh này. Từ điều mà tôi xác định được qua câu chuyện của hắn, sự tự đánh giá này của hắn hình như là gần với sự thật.

Nếu có xứ sở nào đó cung ứng được những điều kiện lý tưởng cho việc phát triển nòi giống mới này, thì xứ sở ấy chính là quê hương của Agca. Xứ sở Thổ Nhĩ Kỳ quê hương của hắn là tiền đồn phương Ðông của Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và trong suốt nhiều năm là một trong số ít ỏi các nước dân chủ Hồi giáo. Liên bang Xô Viết, từ giữa thập niên 1960, đã sớm sủa chọn Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành một cuộc khuynh đảo có hệ thống. Vào thuở ấy ấy, theo lời một cán bộ cao cấp đào ngũ của Cơ quan Mật vụ Liên Xô KGB, có một số thanh niên Thổ được tuyển chọn thụ huấn tại Liên Xô và tại Syria dưới sự giám sát của Xô Viết. Khi hồi hương, những thanh niên này bắt đầu cái mà Sakharov gọi là "một chiến dịch bạo động khủng bố, bắt cóc và ám sát tại thành thị”.

Bạo động của tả phái khởi sự vào năm 1968 trong các trường đại học, cuối cùng châm ngòi khích động đến hữu phái. Lúc ấy, bên này châm lửa vào bên kia, và cuộc chém giết lây lan từ các thành phố lớn đến các làng mạc hẻo lánh. Tính tới trước tháng Chín năm 1980 là lúc quân đội lên nắm chính quyền để chấm dứt sự hỗn loạn, Thổ Nhĩ Kỳ đã gánh chịu những cuộc sát nhân khủng bố ở mức độ cứ khoảng mỗi giờ một vụ.

Ðứa con yêu quí

Mehmet Ali Agca bước ra từ môi trường hoang dại bất trị ấy. Sinh năm 1958 ở gần tỉnh lị cố đô Malatya, Agca lên mười khi cuộc khủng hoảng kể trên bắt đầu. Những người tả phái nắm thành phố Malatya, những người hữu phái nắm những khu nhà lụp xụp tồi tàn ở các vùng hẻo lánh, bao gồm Yesiltepe là nơi Agca lớn lên. Va chạm nổ ra giữa giáo phái Hồi giáo Sunnite phái hữu và các chi phái Hồi giáo Alawite dựa vào phái tả, bị quạt bùng lên bởi sự khiêu khích có tính toán của cả đôi bên.

Dòng họ Agca thuộc giáo phái Sunnite. Nhưng Mehmed Ali không biểu lộ mối ác cảm đặc biệt nào đối với những người chi phái Alawites và dường như hắn chỉ có một ít ràng buộc có tính cách tôn giáo. Người anh của hắn là Adnan kể với tôi: "Chú ấy thỉnh thoảng mới đến nguyện đường”. Hắn còn uống rượu, là điều mà người Hồi giáo ngoan đạo không dám nghĩ tới.

Tại trường trung học Yesiltepe, Mehmet Ali được người ta nhớ lại là một học sinh gương mẫu. Vị hiệu trưởng nói: "Anh ta rất sáng trí và chăm chỉ". Các giáo viên của hắn còn nhớ là hắn "luôn luôn suy nghĩ về các vấn đề cá nhân".

Mehmet có đầy dẫy các vấn đề cá nhân. Bố hắn là người nghiện rượu, đánh đập vợ mình; ông chết sớm khi đang chung sống với bà, để lại cho bà ba đứa con dại. Sống nhờ tiền trợ cấp ít ỏi, bà Mezeyyen Agca phải dựa chủ yếu vào Mehmet Ali, cậu út và là con yêu quí của bà. Về phần mình, hắn dường như ngưỡng mộ mẹ mình. Ðể phụ giúp gia đình, Mehmet lao động sau khi tan học bằng cách bán nước dạo và đẩy gạch, xi măng.
Tháng Chạp vừa qua (1981), bà Mezeyyen Agca tiếp tôi trong ngôi nhà hai phòng lưa thưa đồ đạc và nói về cậu con của mình. Bà nói, không có gì trục trặc cho hắn cho tới khi hắn bỏ nhà đi luôn. Trong những năm theo học ở các đại học tại Ankara và Istanbul thì "những tên ác ôn túm lấy nó". Ở nhà, hắn "rất trung thật, rất tôn kính - tôi không bao giờ hiểu được chuyện này”. Là một thanh niên cô độc, hắn không có bạn gái, một thân một mình đi coi chiếu bóng hoặc đi xem thể thao, không ưa thích gì chính trị. "Cái duy nhất mà nó quan tâm là đọc sách”, mẹ hắn kể với tôi. "Nó đọc tới ba giờ sáng".

Nhưng trước ngày Agca rời nhà đi Ankara vào năm 1976, hắn lại kết bạn với một số người ở Malatya. Hầu hết là những người phái hữu, cũng có một ít thuộc phái tả, hoặc như Agca viết sau đó tại phòng giam của mình ở Roma: "Vào năm 1977, tôi quyết định đi Palestine theo lời khuyên của Sedat Sirri Kadem, một bạn đồng học ở Malatya. Sedat và tôi đi Damascus. Tại đó tôi gặp Teslim Tore, kẻ cùng tôi đi Beirut. Sau khoá học 40 ngày tại một trại bí mật huấn luyện du kích, Teslim giúp tôi quay trở về Thổ Nhĩ Kỳ”.

Dù chỉ có những lời của Agca đề cập tới chuyện này, nó cũng không thể bị gạt bỏ ra ngoài tai. Sedat Sirri Kadem, kẻ bị bắt năm 1981, là thành viên của Dev-Sol, một trong những đoàn khủng bố thuộc phái tả gây chết chóc nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Hắn thừa nhận có biết Agca. Teslim Tore, cũng xuất thân từ Malatya, là thủ lãnh của tổ chức THKO (Quân đội Giải phóng Nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ), một nhóm cộng sản hiểm độc. Theo bản tường trình sau cùng, cảnh sát Ankara nói rằng Tore là huấn luyện viên tại trại du kích người Palestine ở Lebanon.

THKO là nhóm anh em với một trong năm nhóm bí mật mà Agca nói là hắn có "duy trì các liên hệ với chúng" trong khoảng từ năm 1977 đến 1979. Hai trong các nhóm khác có tên là Emegen Birligi và Halkin 

Kurutusulu, cũng là nồng cốt Mác xít. Agca cũng rõ rệt nói tới Akincilar, phía cực hữu tôn giáo, và Ulkuculer, tên gọi tắt của tổ chức Tân Quốc Xã Sói Xám. Sự kiện các nhóm thuộc phái hữu và phái tả ngưng chém giết nhau trong nhiều năm không nhất thiết có nghĩa cả hai đều có sự xung đột không thể nào giải quyết được. Cả hai phái đều liên can tới cùng một đối tượng ngay lúc ấy: Việc triệt phá tình trạng dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, cả những người phái hữu lẫn những người phái tả đều lũ lượt kéo đến các trại huấn luyện Palestine. Với "một tên khủng bố quốc tế" hăng máu như Agca thì không có đắn đo gì trong việc qua lại như thoi đưa của mình khi bên này khi bên kia.

Tình nguyện bị treo cổ

Dù không rõ vào năm 1977 Agca có đi Beirut để thụ huấn hay không nhưng chẳng bao lâu sau đó cuộc sống của hắn có chuyển biến kì bí. Ngày 13 tháng Mười hai năm ấy, có mở một trương mục ngân hàng với tên của hắn tại chi nhánh Istanbul của ngân hàng Turkye Iss Bankasi, một trong những ngân hàng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Số tiền ký thác lần đầu là 40.000 lia Thổ Nhĩ Kỳ (tương đương khoảng 2.000 đô la Mỹ) là một gia tài đối với một sinh viên vất vả ở Thổ Nhĩ Kỳ, và rồi sắp đến còn hơn thế nữa. Những tiền trả công kì bí này là chìa khóa lớn lao giải mã trường hợp của Agca.

Tuy nhiên, vào lúc ấy, tại Thổ Nhĩ Kỳ chẳng ai biết về người chi tiền rộng rãi cho Agca – hoặc biết thêm bất cứ điều gì về chàng thanh niên xuất thân từ Malatya. Hắn trải qua những ngày tháng ở đại học mà không tạo chú ý, không gây ra điều gì đáng nhớ trong lớp học, bất động trong các hoạt động chính trị của sinh viên và không bị cảnh sát biết tới.

Rồi thì đến ngày 1 tháng Hai năm 1979, Abdi Ipekci, chủ bút tờ báo tin tức thiên tả ôn hoà Milliyet và là nhà bình luận có ảnh hưởng nhất nước bị bắn chết trong khi lái xe từ sở làm về nhà. Sáu tháng sau vụ sát nhân ấy, một người vô danh kêu điện thoại tới cảnh sát Istanbul nói rằng kẻ giết Ipekci có tên là "Ali", hiện đang ở quán cà phê Marmara, nơi lui tới thường xuyên của sinh viên phái hữu. Cảnh sát đột kích địa điểm ấy và bắt Agca.
Dù tờ Milliyet và Nghiệp đoàn Ký giả Thổ Nhĩ Kỳ treo giải thưởng sáu triệu lia Thổ Nhĩ Kỳ (giá lúc ấy tương đương 120.000 đô la Mỹ – một giải thưởng thật sự khó tin tại Thổ Nhĩ Kỳ) cho việc bắt được kẻ giết Ipekci, người gọi điện thoại vô danh ấy không bao giờ xuất đầu lộ diện để lãnh thưởng. Và trong khi ấy, dù bằng chứng duy nhất chống lại Agca chỉ là việc hắn giống với một bức hình tổng hợp vẽ một trong ba người bị nhìn thấy chạy ra từ hiện trường sát nhân, hắn lại sẵn sàng thú nhận. "Tôi làm đấy; tôi giết Ipekci đấy”, hắn nói trong buổi họp báo được truyền hình toàn quốc - nói tỉnh bơ như thể hắn đang thảo luận về trời mưa hay nắng.
Agca tham dự cuộc họp báo ấy sau 15 ngày bị thẩm vấn bí mật tại bộ chỉ huy cảnh sát trị an. Coi có vẻ hoạt bát và sung sức, hắn đùa giỡn với các phóng viên và không biểu lộ dấu hiệu bị cảnh sát tra tấn.

Người đích thân kể cho tôi nghe chuyện Mehmet Ali Agca bị bắt, thẩm vấn và nhận tội là Hasan Fehmi Gunes, kẻ chỉ huy các lực lượng an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ Ipekca. Là Bộ trưởng Nội Vụ thời chính phủ cộng hoà xã hội của Thủ tướng Bulent Ecevit, Gunes là một người rất cấp tiến đối với phái tả của Ecevit, có can dự mạnh mẽ vào cái mà phía cực hữu buộc tội về tình trạng tệ hại của các tội ác khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong nhiều ngày, không một ai bên ngoài cái nhóm nhỏ bé và chặt chẽ này biết việc bắt giữ Agca, Gunes kể với tôi. "Tôi còn không nói với cả Thủ tướng Ecevit”, ông ta nói. Ðích thân có mặt trong cuộc thẩm vấn Agca, Gunes thừa nhận rằng việc sẵn sàng nhận tội của Agca thật đáng ngạc nhiên. Không có các nhân chứng chống lại Agca cho tới khi hắn nói ra hai tên. "Dù sao chăng nữa, có thể hắn biết điều ấy giúp hắn khỏi bị tra tấn và đánh đập để thú tội", Gunes nói.

Việc tự nguyện thú tội của mình có nghĩa đưa tới kết quả là Agca tự nguyện để mình bị treo cổ – và còn đi xa hơn nữa – đưa tới việc ghim trách nhiệm cho phái cực hữu trong vụ sát nhân chấn động này. Ðầu tiên, hắn nói rõ tài xế lái chiếc xe vượt thoát là một người phái hữu tên là Yavus Caylan. Kế đó hắn kể hắn nhận khẩu súng giết người từ một tên Sói Xám mà ai cũng biết là Mehmet Sener. Hắn cũng kể là đã trả khẩu súng lại cho Sener tại văn phòng một chi bộ của Ðảng Quốc Gia Hành Động (thuộc Sói Xám).

Yavus Caylan khai có tuyên thệ tại bục toà dành cho nhân chứng rằng hắn có chở Agca tới hiện trường ám sát nhưng không biết gì về những dự tính sẽ thực hiện sau đó; hắn bị kết án ba năm, sau tăng lên 15 năm. 
Mehmet Sener trốn đi Châu Âu mà không bị cản trở. (Hiện nay, hắn nằm trong một nhà giam Thụy Sĩ, bị buộc tội dùng thông hành giả. Có thể không còn được nghe biết thêm gì từ hắn trừ phi Thụy Sĩ cho phép giải giao hắn cho Thổ Nhĩ Kỳ). Không bao giờ tìm thấy khẩu súng. Còn hơn hết thảy là, từ cuối năm 1977, người trả tiền cho Agca, kẻ giấu mặt, đã không bao giờ bị truy kích.

Gởi các tín hiệu

Sự hiện hữu của kẻ giấu mặt kì bí này lần đầu tiên được Sahir Erman, luật sư của gia đình Ipekci nêu lên vào cuối phiên toà. Trình bày để nhận diện những người khả dĩ hậu thuẫn cho Agca, luật sư Erman thiết lập một loạt các trương mục ngân hàng được mở ra với tên của Agca tại các thành phố khác nhau do ai đó giả mạo chữ ký của hắn. Tiền kí thác lên tới 260.999 lia Thổ Nhĩ Kỳ (khoảng 12.000 đô la Mỹ vào thời đó), trả trong 12 tháng, số tiền gởi vào tại thành phố này có thể được Agca thật rút ra ở bất cứ thành phố nào khác. Sự khác biệt giữa các chữ kí thật và giả quá hiển nhiên, Sahir Erman quả quyết với tôi.

Bị giam giữ tại nhà tù Kartal-Malpete, Agca chờ điều được coi là một kì vọng bất ngờ. Ngày 11 tháng Mười, từ vành móng ngựa hắn phóng đi một tín hiệu khó hiểu. Hắn nói với toà, "Sau khi tôi bị bắt, Bộ trưởng Nội Vụ Hasan Fehmi Gunes tới Istanbul và trò chuyện với tôi. Ðề nghị của ông ta là, nếu tôi khai rằng có một cán bộ cao cấp của Ðảng Quốc Gia Hành Động đã ra lệnh cho tôi giết Ipekci, hoặc khai rằng tôi là thành viên của đảng ấy, thì Gunes sẽ giúp đỡ tôi”.

Chúng ta không bao giờ biết trong lời khai nầy có bao nhiêu phần là hăm dọa hoặc tháu cáy. Chính Guntes kể cho tôi nghe về những luận điệu của Agca, và thêm rằng: "Nếu mọi sự cáo giác ấy buộc tội tôi là thật thì tôi đã bị treo cổ lâu rồi”.

Trong lần đầu tiên ấy, Agca có thể đưa ra dấu vết giả tạo, nhưng không có sai sót nào trong dự tính hăm dọa của hắn khi hắn khai lần nữa trước vành móng ngựa. Hắn nói với toà vào ngày 24 tháng Mười: "Tôi không giết Ipekci, nhưng tôi biết ai giết”. Hắn còn nói thêm là sẽ tiết lộ tên của kẻ sát nhân thật sự vào phiên toà sắp tới. Ðó là lời cảnh cáo dứt khoát để những chủ nhân ông của hắn câu hắn ra, và họ đã làm điều ấy.

Ngày 25 tháng Mười Một năm 1979, Agca bước ra khỏi nhà giam quân sự Kartal-Maltepe, mặc đồng phục nhà binh và đi qua tám lần cửa kiên cố mỗi cửa có lính canh gác cẩn mật. Hắn không thể làm được điều ấy nếu không có sự hỗ trợ từ cấp cao.

Ngày đầu sau khi vượt thoát, hắn gởi một lá thư tới tờ Milliyet để nói về cuộc viếng thăm Istanbul sắp tới của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: "Sợ hãi rằng Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Hồi giáo anh em có thể trở thành một quyền lực chính trị, quân sự và kinh tế tại Trung Ðông, những tên đế quốc Tây Phương phái tới Thổ Nhĩ Kỳ Tên Tư Lệnh Thập Tự Chinh, là Gioan Phaolô, trá hình làm một thủ lãnh tôn giáo. Nếu không huỷ bỏ cuộc viếng thăm này, tôi dứt khoát là sẽ giết Tên-Tư-Lệnh-Giáo-Hoàng”.

Giọng điệu này của một người Hồi Giáo quá khích, vốn xuất xứ từ kẻ ít thấy đi nhà nguyện, không có sức thuyết phục. Theo Roma, Agca bày trò ra lá thư này như một mưu mẹo làm rối trí cảnh sát khỏi theo dõi hắn trong khi họ tập trung vào việc bảo vệ Ðức Thánh Cha. Nhưng đó là một sự cắt nghĩa hoàn toàn phi lý. Một lối giải thích có lẽ đúng hơn rằng Agca được bảo cho viết lá thư ấy để sử dụng trong tương lai.

Tại điểm này có sự sắp đặt chuyển hướng trong nghề nghiệp của Agca. Sau cuộc nghỉ mát tại nhà tù của hắn, các chủ nhân ông chuyển hắn đến biên giới và xếp hàng với người khác. Chìa khóa của giai đoạn này nằm ở thời kỳ nghỉ ngơi dài ngày của hắn ở Bulgaria trên đường đến Tây Âu.

Ở lại Bulgaria trong khoảng 50 ngày như Agca làm là thời gian đủ để tự chính nó làm phát sinh mối nghi ngờ về những hoạt động trong tương lai của hắn. Bên ngoài Liên bang Xô Viết, Bulgaria là một quốc gia cộng sản cảnh sát trị cứng rắn nhất châu Âu, nó cũng là một trong những đại diện chính của Mátcơva về khủng bố và khuynh đảo. Từ đầu thập niên 1970, Bulgaria đã phục vụ các nhóm khủng bố ở Tây Âu, cung cấp các phương tiện huấn luyện du kích chiến và là nơi ẩn trốn, và hành động như một trạm giao liên hàng đầu cho các vũ khí thuộc khối Xô Viết.

Những bằng chứng gần đây nhất về vai trò này xuất hiện sau khi cảnh sát Ý giải thoát viên tướng người Mỹ bị bắt cóc James Lee Dozier vào mùa đông năm ngoái và đưa những tên bắt người thuộc Lữ Ðoàn Ðỏ này ra toà. Toán trưởng của chúng cung khai rằng, như một phần của nỗ lực "gây bất ổn cho Ý Đại Lợi”, Bulgaria hiến tặng cho các Lữ Ðoàn Ðỏ "tiền bạc và vũ khí" trong thời gian chúng cầm giữ Dozier.

Một trong những công tác áp đặt hơn mà Liên Xô chỉ định Bulgaria làm là hỗ trợ việc gây bất ổn cho nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ quan an ninh Bulgaria hiểu ngọn ngành những người Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua biên giới mình, hợp pháp hoặc ngược lại. Không người Thổ Nhĩ Kỳ nào có thể la cà trong một thời gian lâu tại thủ đô Sofia mà không bị theo dõi – đặc biệt với hạng người như Agca, một tên sát nhân phát xít bị kêu án có hình phơi bày hàng tuần lễ trên trang đầu các tờ báo ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo bản tường trình viết tay của Agca, hắn vào Bulgaria bằng giấy thông hành Ấn Ðộ giả mạo không hoàn hảo lắm mang tên Yoginder Singh. Hắn trọ tại nhiều khách sạn đắt tiền trước khi dọn đến khách sạn xa hoa là Hotel Vitosha. Hắn khai, ở đó hắn lượm được khẩu Browning 9 li mà hắn dùng để bắn Ðức Thánh Cha, của một người "Syria" nào đó mà hắn quên tên cho tiện việc. Hắn còn yêu cầu có một thông hành giả hoàn hảo cấp với tên "Faruk Ozgun", mà thật đáng ngạc nhiên là hắn lại nhớ tên người làm giấy đó.

Agca khai, "Tại Khách sạn Vitosha, tôi quen biết với Omer Marsan, người mà tôi đã nghe tên ở Thổ Nhĩ Kỳ”. Marsan là một người Thổ sống ở Munich (Ðức) và "can dự tới mua bán chợ đen – thuốc lá, rượu và đôi khi vũ khí”. Theo Agca, với 1.500 Ðức kim, Marsan cam đoan mua được ở Thổ Nhĩ Kỳ một giấy thông hành mang tên Faruk Ozgun, trong vòng một tháng giao giấy tại Sofia. Tại Phòng 911 của Khách sạn Vitosha, Marsan cũng giới thiệu Agca với một người Bulgaria tên là Mustafaeof, không nhận diện được hắn nhưng về sau cáo buộc là hắn đóng vai trò chủ chốt trong việc "điều hành" Agca.

Dù Marsan có hành động như một người chạy giấy tờ hay không, giấy thông hành mang tên Ozgun vẫn được trao cho Agca tại Sofia, trong điều kiện cơ quan mật vụ Bulgaria liên can trực tiếp vào. Thông hành ấy đóng dấu tại Edirne ngày 30 tháng Tám kèm một giấy xuất cảnh của Thổ Nhĩ Kỳ. Giấy xuất cảnh này giả. Có điều dấu nhập cảnh vào Bulgaria ngày 31 tháng Tám lại là dấu thật. Như thế, từ Thổ Nhĩ Kỳ, có ai đó đã mang lậu giấy thông hành có tên Ozgun này vào Bulgaria - ai đó không giống với hình chụp của Agca trong giấy thông hành ấy nhưng có khả năng làm cho nó được đóng dấu trong phần của Bulgaria. Người chạy giấy nào đó phải hối hả đưa thông hành ấy cho Agca tại Sofia, vì cũng ngay trong ngày ấy, hắn dùng nó để lên đường đi Nam tư. Từ Nam tư, Mehmet Ali Agca lên tàu làm một chuyến du hành đánh lạc hướng trên khắp Lục địa, ngang qua 12 nước, và thường lộn ngược trở lại. Ở tuổi 22, trừ ba năm xa nhà còn thì sống suốt đời mình trước đó trong ngôi nhà thôn dã nghèo nàn tại phần đất hẻo lánh của Thổ Nhĩ Kỳ, và không có ngoại ngữ nào để bù đắp vào tiếng Anh ngập ngừng và nặng giọng, hắn di chuyển thoải mái thấy rõ quanh các thủ đô thị tứ của Châu Âu. Hắn mua sắm ở các cửa tiệm Yves Saint Laurent, uống sâm banh ở cửa hàng thời thượng Biffi's tại Milan, và nghỉ ngơi mùa đông một cách phong nhã tại Tunisia và Palma de Mallorca.

Từ lúc vượt ngục cho tới khi bị bắt ở Roma, hắn xài khoảng 50.000 đô la cho vé máy bay và khách sạn hạng nhất. Trong những cuộc du hành của mình không lần nào Agca đem chi phiếu đổi tiền mặt. Hắn chẳng bao giờ cạn tiền mặt.

Ngoài trừ nội dung chuyện ở lại của mình tại Bulgaria, Agca cung cấp cho các thẩm vấn viên người Ý các chi tiết về một lần dừng chân khác trên đường đi tới Quảng trường Thánh Phêrô – đó là lần hắn viếng thăm Tunisia. Tại đó, theo lời chỉ bảo của Marsan là kẻ hắn thường nói chuyện điện thoại ở Munich, hắn khai là có họp với một người Bulgaria khác tên là Mustafaeof. Nhưng trên tất cả là sự yên lặng của hắn trong một số vấn đề. Agca rõ ràng là đã vượt khỏi cương vị của mình để tự ý cung cấp cho cảnh sát những thông tin mà không chắc tự họ tìm kiếm được. Thí dụ như, ngay cả sự hiện hữu của Omer Marsan và nơi ở của tên ấy cũng có thể còn chưa được biết tới nếu Agca không tự ý tiết lộ những điều ấy.

Ngày 22 tháng Năm 1981, chín ngày sau khi Ðức Thánh Cha bị bắn, Cơ quan DIGOS của Roma đánh điện cho Cơ quan Bundeskrimimalamt Tây Ðức về những tiết lộ của của Agca liên quan tới Marsan. Cảnh sát Ðức mang Marsan đi thẩm vấn, và hắn thừa nhận là có trọ ở Khách sạn Vitosha tại Sofia trong mùa hè 1980. Hắn cũng thừa nhận ở đó hắn có gặp Agca, nhưng lại nói hắn chỉ biết Agca là "Metin". Hắn đồng ý là Metin có điện thoại cho hắn "nhiều lần" tại Munich. Nhưng hắn quả quyết rằng mình không biết Metin là Agca cho tới khi Ðức Thánh Cha bị bắn.

Cảnh sát Ðức phóng thích Marsan trong vòng 24 giờ đồng hồ. Họ kể với tôi rằng hắn đã trả lời các câu hỏi "cách đầy đủ" và "cách cởi mở", và chưa từng phạm tội ác nào tại Tây Ðức. Ðược thả tự do, hắn biến mất tiêu.

Những liên hệ của Agca với Marsan và với một người Ðức tên là Horst Grillmeier, thì mang tính cách quyết định, giúp hiểu rõ âm mưu ám sát Ðức Thánh Cha. Cả hai đều liên kết với Abuzer Ugurlu, chủ nhân ông một đường dây lái súng khổng lồ đặt căn cứ tại Sofia và được biết tới như cánh tay Mafia Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, Grillmeier được biết là đã kiếm được – vào ngày 9 tháng Bảy năm 1980 – khẩu Browning tự động mà Agca khai là đã, vào thời điểm mùa hè kế đó, nhặt được của một người Syria không biết tên tại Sofia. Một tài liệu bí mật của cảnh sát Ý mô tả Grillmeier là "người thường viếng thăm" Ðông Ðức, Syria, Lebanon, Libya và Bulgaria. "Chúng tôi tin là hắn cung cấp vũ khí cho những tên khủng bố quốc tế", bản tường trình ấy ghi nhận. Sau khi Agca bị bắt, cảnh sát Áo thẩm vấn Grillmeier và cũng thả hắn ra trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Và hắn biến mất. Các viên chức tình báo Ý tin rằng hắn hiện nay đang ẩn núp tại một nước nào đó trong khối Ðông Âu.

Chính cựu Bộ trưởng Nội Vụ Gunes là người đầu tiên chuyển đạt cho tôi về sự mênh mông của vương quốc bí mật của Abuzer Ugurlu. Ông nói, "Ugurlu, hắn ta là Bố già!" Doanh nghiệp buôn lậu với Thổ Nhĩ Kỳ lên tới hàng triệu đô la. Là một công dân Thổ Nhĩ Kỳ, Ugurlu còn du hành với thông hành của Bulgaria. Hắn có một biệt thự to lớn ở Sofia, nơi thường dành ưu tiên cho các lãnh tụ cao cấp của Ðảng Cộng Sản.

Ugurlu rõ ràng đã kiếm được những ưu tiên này nhờ thực hiện những công tác vô giá cho Bulgaria trong chính sách khuynh đảo Thổ Nhĩ Kỳ. Số lượng lớn lao các vũ khí được tìm thấy trong kho của những tên khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ – cả người phái tả lẫn người phái hữu – trong hai năm qua đều xuất xứ qua mạng lưới điều hành bởi Ugurlu, với sự giúp đỡ của Bulgaria. Một người từ hàng ngũ của Ugurlu đào ngũ đã khai rõ rệt là Mafia Thổ Nhĩ Kỳ "nằm dưới sự kiểm soát và giám sát của cơ quan mật vụ Bulgaria”.

Thế thì, việc đó tóm lại là, Ugurlu làm việc cho người Bulgaria. Về phần mình, người Bulgaria làm điều mà người Nga muốn họ làm. Không tổ chức công an mật vụ của nước nào kết chặt và giống hệt với KGB như của Bulgaria. Ðiều hơn thế nữa là KGB kiểm tra theo dõi tất cả mọi tên khủng bố như một chuyện đương nhiên. Thật không thể tưởng tượng được là KGB không hoàn toàn hay biết gì về một tên khủng bố có liên can mật thiết với cơ quan mật vụ Bulgaria như Agca.

Bằng việc để cho người của Bố già Ugurla chăm lo cho các nhu cầu của Agca ở Sofia – cung cấp cho hắn ta súng, thông hành, người giao liên như Marsan và Mustafaeof – cơ quan mật vụ Bulgaria có thể giữ một chừng mực khoảng cách với Agca. Cơ quan KGB Xô Viết, tuy ở một chừng mực khoảng cách khác, lúc ấy có thể tuyên bố hoàn toàn chân thật rằng mình không bao giờ để mắt tới kẻ bắn Ðức Thánh Cha.

Vụng về không cắt nghĩa nổi

Chúng ta đã biết cách chắc chắn hơn về toàn bộ vụ này nếu mà cảnh sát của Tây Ðức, Áo, Thụy Sĩ, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ đã có phối hợp những nỗ lực của họ. Tính cách nghèo nàn trong lối làm việc phối hợp của họ trong trường hợp Omer Marsan thì cũng tồi tệ như trong trường hợp Omer Ay. Việc bắt giữ hắn tại hải cảng Hamburg ở Tây Ðức tháng Hai vừa qua – vì phạm luật giao thông – tạo ra lời rì rầm sôi nổi.

Khởi sự vào ngày 25 tháng Năm năm 1981, cơ quan DIGOS của La Mã, qua chi nhánh Cảnh sát Quốc tế Interpol ở Roma, đã gởi một chuỗi thông tin liên can tới Omer Ay đến bộ tư lệnh Interpol ở ngoại ô Paris để phân phối đi khắp thế giới. DIGOS kết luận là bức vẽ tổng hợp về một người đàn ông với cái tráp đựng hồ sơ, bức hình khuất nửa mặt của người đứng kế Agca tại Quảng trường Thánh Phêrô, và một bức hình của chính Omer Ay. Trong bản báo cáo đính kèm, DIGOS ghi nhận "sự giống nhau rõ rệt" giữa hai bức hình sau. Viết bên dưới bức vẽ tổng hợp là mô tả chi tiết vật lý đối chiếu gần gũi với Omer Ay thật.

Ngày 4 tháng Sáu, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một trát truy nã quốc tế cho cơ quan Interpol ở Ankara để "lưu hành trong mọi quốc gia", chính thức cáo buộc Omer Ay về việc giúp kiếm mua thông hành giả cho Agca và cho chính mình.

Tuy thế bộ tư lệnh Interpol chối việc họ đã từng nhận bức ảnh nửa mặt và bức vẽ về Omer Ay do Ý gởi. Trát truy nã ngày 4 tháng Sáu của Thổ Nhĩ Kỳ không thật sự gởi tới cho Interpol cho tới ngày 4 tháng Chín. Interpol chỉ nhận được nó vào ngày 7 tháng Mười Hai. Cho tới tháng Hai năm kế – chín tháng sau mưu toan ám sát tại Vatican – cảnh sát Hamburg không nhận được các tài liệu của DIGOS và trát truy nã. Trước lúc ấy, dĩ nhiên dấu vết thì nguội ngắt. Omer Ay tỉnh bơ kể với cảnh sát Ðức rằng hắn không quen biết Agca và khai là không bao giờ ở Roma. Người Ý không yêu cầu được thẩm vấn hắn. Thổ Nhĩ Kỳ có yêu cầu, nhưng cũng không đòi hỏi giải giao hắn cho mình.



Kẻ thù ta không phải là con người!

Thật khó mà giải thích về những lộn xộn và vuột cơ hội này, hoặc về sự dửng dưng có tính cách chính thức. Chẳng hạn như, tại Tây Ðức, một viên chức cảnh sát cao cấp nắm vụ Agca nói với tôi, "Cảnh sát của chúng tôi đơn giản không coi vụ này là có tính cách quan trọng như bà nghĩ”.

Các viên chức quan trọng tại các xứ sở phương Tây phụ trách vụ này nói với tôi một cách riêng tư rằng họ tin Liên bang Xô Viết đứng đằng sau các lực lượng dấu mặt "điều hành" Agca. "Có khả năng người kiểm soát hắn là tên mật vụ Bulgaria Mustafaeof". Ðó là lời Francesco Mazzola, chỉ huy trưởng uỷ ban quốc hội thanh kiểm giám sát các công tác mật vụ của Ý nói với tôi năm ngoái. Không nói rõ tên, nhiều viên chức cao cấp của Vatican có vẻ chia xẻ quan điểm này. Sau khi nói chuyện với các "nguồn tin" Vatican, Francesco D'Andrea của tờ Giornale Nuovo viết về "một kế hoạch chi li trong sự hợp tác giữa KGB Xô Viết và một phân ban nào đó của mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ, có dây dưa với một nhóm quyền hành tại Thổ Nhĩ Kỳ muốn Thổ Nhĩ Kỳ rút ra khỏi NATO và gia nhập vào khu vực cuốn hút của Xô Viết”. Ông ta viết, "Các viên chức Vatican đạt tới kết luận này, dựa vào những chỉ dẫn chính xác... được truyền theo các kênh thông tin ngoại giao”.

Theo đúng như sự xoay trở của Agca trong các nhóm hữu phái, thì không có bằng chứng rằng hắn từng là một Sói xám. Bức chân dung về hắn như một tên sát nhân phái hữu không thật sự có ý nghĩa. Tại sao những người phái hữu bên trong và bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ muốn ám sát vị thủ lãnh của Giáo hội Công giáo La Mã, đặc biệt lại dưới sự bao che của cộng sản Bulgaria? Người ta có thể hỏi cách sòng phẳng rằng vụ ấy đem được điều gì tốt lành đến cho phái tả Thổ Nhĩ Kỳ? Giữa những người Thổ Nhĩ Kỳ gần gũi với vụ này, một giả thuyết được công nhận rộng rãi nói rằng các lực lượng cánh hữu bị xâm nhập và lôi kéo theo lợi ích của Liên bang Xô Viết. Ðây là điều mà họ tin là diễn ra vào lúc ấy:

Từ rất sớm Mehmet Ali Agca đã được chấm và tuyển mộ để sau này sử dụng trong bối cảnh hỗn loạn tại quốc nội. Hắn có thể không bao giờ biết ai thật sự là người trả tiền và kiểm soát hắn. Thân cận với những người phái hữu từ khi còn ở Malatya, Agca có thể được khuyến khích tiếp tục hoạt động trong tổ chức của mình để được dựng lên thành "nhân vật phái hữu". Dù có ra tay hay không, hắn cũng đã được khích lệ để hỗ trợ việc giết Abdi Ipekci, hắn có thể đã bị thuyết phục mà thú nhận rằng mình đã giết Ipekci, để bao che cho những người khác và ghim chặt trách nhiệm cho phái hữu.

Khi được giải thoát thì hắn quá nổi tiếng, không thể giữ lại ở Thổ Nhĩ Kỳ được, và hiển nhiên là, hắn quá hữu dụng nên không thể bị kết liễu. Do đó, các chủ nhân ông Thổ Nhĩ Kỳ của hắn chuyển hắn cho những lực lượng khác chịu trách nhiệm trực tiếp hơn với Liên bang Xô Viết.

Nhiều người Thổ tin rằng có một số cảnh sát trị an của chính Thổ Nhĩ Kỳ có liên can tới các chủ nhân ông ấy vào lúc kết thúc giai đoạn Agca ở Thổ Nhĩ Kỳ. Như Bộ trưởng Nội Vụ vào thời đó, Gunes hiện đang bị điều tra. Vai trò của ông ta phức tạp do việc người anh em ruột của ông ta bị bắt vì là lãnh tụ địa phương của Ðảng Cộng sản Thổ Nhĩ Kỳ sinh hoạt trong bóng tối và việc hai con trai của ông cũng bị bắt vì là thành viên của tổ chức khủng bố Dev-Sol tả phái.

Dự tính cho bị bắt

Có một giả thuyết rộng rãi ở phương Tây rằng Ðức Thánh Cha phải bị bắn vì ngài là người Ba Lan. Ðiều này có thể đúng. Dù Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II chẳng có chút nào là diều hâu hung hăng chống Xô Viết, ngài là vị cha tinh thần không chối cãi được của phong trào Công Đoàn Ðoàn Kết của Ba Lan mà nó vốn không bao giờ có thể ra đời nếu không có sự chúc lành của ngài. Như chúng ta thấy, từ khi có tuyên bố thiết quân luật ở Ba Lan, Công Đoàn Ðoàn Kết là một mối đe dọa bất khoan nhượng cho những nền tảng của đế quốc Xô Viết.

Tuy nhiên, nếu quả thật động cơ duy nhất là của người Nga, thì tại sao họ lại chọn một người Thổ Nhĩ Kỳ để nổ súng?

Người Thổ Nhĩ Kỳ ấy đã ở đó, tại Quảng trường Thánh Phêrô, để báo hiệu cho những ai theo Kitô giáo rằng nước Thổ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo là một xứ sở khác biệt và nham hiểm một cách mập mờ tới độ nó không thuộc về khối NATO. Một người Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện gánh vác vết nhục của một tên sát nhân phát xít bị kết án thì thật là tốt mọi đàng cho vai trò đó.

Ðó là lý do để tin rằng Mehmet Ali Agca không chỉ bị sử dụng mà còn bị phản bội và rằng hắn đã trông mong vào hai kẻ đồng loã của mình để đánh lạc hướng tại Vatican cho hắn có thể tẩu thoát. Thay vào đó, theo lệnh trên, hai tên đồng loã này lại bỏ chạy. "Nhân vật phái hữu" của hắn đã bị thiết lập lên cách kiên cố, Agca đã bị dự tính cho bị bắt. "Sau đó, hắn không ở được trong tư thế thương lượng”, một viên chức cao cấp của DIGOS nói. "Nếu hắn khai, hắn sẽ bị để cho chết mục trong nhà giam. Nếu im lặng, có thể các chủ nhân ông sẽ lại câu hắn ra”.

Cũng giống như tại Istanbul, Agca nói và không nói, để lộ vừa đủ tin tức – chẳng hạn, về sự liên hệ của hắn với Marsan và Mustafaeof – cho các thẩm vấn viên người Ý để phát đi một thông điệp có vẻ thách thức và tuyệt vọng đến các chủ nhân ông của mình. Hắn vẫn đang chờ câu trả lời, từ phía những người chống đỡ cho hắn, là những kẻ có thể không còn hữu dụng xa hơn cho hắn, những kẻ mà hắn không bao giờ biết mặt, và là những kẻ mà có lẽ hắn không bao giờ hiểu mối liên hệ thật sự giữa hắn với họ.

Claire Sterling (1982)
Nguyễn Ước dịch

© Thông Luận 2011

No comments:

Post a Comment