Thursday, April 25, 2013

Cần thêm bước nữa “Chấn khí dân”



Thúy Hiền - Đã từ lâu rồi, mỹ từ “dân quyền”, “dân chủ” chỉ còn là lý thuyết. Trên thực tế thì nó đã trở thành nổi khát khao của biết bao người. May thay giữa năm 2012 Phong trào Con Đường Việt Nam ra đời đã giúp người dân giải cơn khát ấy.

Bằng hình thức đặc biệt, tổ chức cuộc thi viết về Quyền Con Người, Ban tổ chức nhằm gợi ý cho mọi người tự tìm ra chiếc chìa khóa mở cánh cổng nhân quyền, nơi chứa đựng kho báu, đó là sức mạnh của toàn dân
Muốn thực hiện đề thi thì thí sinh không còn cách nào khác là phải tìm hiểu về lĩnh vực này. Đa số đều ngạc nhiên vì phát hiện ra rằng luật nhân quyền đã được luật pháp “bật đèn xanh” từ rất lâu rồi. Trên 30 năm qua, Việt Nam đã là thành viên Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc
Logo cuộc thi viết "Quyền Con Người và Tôi" do Phong Trào Con Đường Việt Nam phát động
Nhờ phương cách độc đáo này mà Phong Trào giúp cho mọi người nhận ra quyền con người là quyền sinh được mọi thứ quyền, có luật hẳn hoi nên đã tự tin hơn trong việc sử dụng nó để tự vệ cho mình và người thân.
Biết có luật bảo vệ nên mọi người thấy yên tâm hơn như có được “cái ô dù” (là Quyền Con Người) làm bửu bối, có thể ngăn chặn được những cái “mũ chụp” của trị quyền có thể úp lên đầu người dân bất cứ lúc nào.
Chúng ta có thể hiểu cụ thể hơn điều này qua bài viết “Quyền Con Người: Kinh nghiệm từ tôi”của tác giả Nguyễn Văn Thạnh trên trang Dân Luận vừa qua.
Đóm lửa nhân quyền từ Phong Trào đã giúp một số người không còn thấy sợ và dám vượt qua “hàng rào lửa” ngăn, cấm, ban, phát, xin, cho, …của công quyền.
Đóm lửa lan rộng nhanh chóng thành những phong trào đòi Quyền Con Người nối tiếp theo sau cuộc thi viết vừa kết thúc cuối năm.
Ngay những ngày đầu năm 2013 nhiều phong trào nhân quyền thi nhau nở rộ như những bông hoa xuân trên khắp mọi miền đất nước. Những thu hoạch này được bác Bùi Tín gọi là “mùa gặt trên cánh đồng dân chủ”.
Ý thức đòi quyền làm người, quyền làm chủ đất nước phát triển song hành nhanh chóng ở khắp nơi. Biểu hiện qua việc tham gia đông đảo vào các phong trào “ký tên…”, “kiến nghị…”, “tuyên bố…”, “tuyên ngôn…”. Người dân đã biết hổ trợ nhau hợp thành số đông đi đòi công lý cho người tù oan, cho người bệnh oan, cho người chết oan, cho dân oan bị cướp nhà, bị cưỡng chế đất.
Ý thức nhân quyền cũng được truyền tải qua nhiều phương tiện công nghệ thông tin đại chúng, qua những buổi dã ngoại - buổi sinh hoạt thảo luận về Quyền Con người.
Ngọn lửa nhân quyền mỗi ngày một lan tỏa. Chắc hẳn nó được bắt nguồn từ đóm lửa Quyền Con Người mà Phong trào Con Đường Việt Nam phát động. Một phong trào đã thể hiện được khả năng đi đầu trong việc khai mở dân trí ví như một mồi lửa người ta có thể tiếp nối thành rất nhiều ngọn lửa rồi lan rộng mãi ra.
Phong trào lại nối tiếp phong trào. Cứ thế sẽ phát triển nhanh để trở thành những lực lượng dân chủ liên kết mọi thành phần dân tộc lại với nhau như những đợt sóng lần lượt nối tiếp mỗi lúc một to dần lên, sắp chuyển thành những ngọn sóng thần cuốn phăng những ngăn chặn, rào cản, bất công, cường quyền, tham ô, trấn lột đang hoành hành khắp nơi.
Những nhà sáng lập Phong Trào giàu năng lực, tài trí đã chứng tỏ được khả năng “khai dân trí” bước đầu. Vì thế, tôi nghĩ Ban Tổ Chức nên có cuộc thi viết ở bước kế tiếp là “Chấn dân khí” và cũng nên tổ chức những cuộc thi viết thành thông lệ hằng năm nhằm nâng cấp hiểu biết về Quyền Con Người, đồng thời cũng tạo nên nét đặc trưng đặc sắc của Phong Trào.
Qua đó người dân được trang bị, học hỏi thêm kiến thức sử dụng Quyền này một các tối ưu, đúng mực, hiệu quả và nghệ thuật nhất. Hầu nhanh chóng góp phần chuyển hóa đất nước đi lên. Cụ thể như xây dựng ý thức tham gia chính trị trong quần chúng ở bước tiếp theo.
Dù đã có một số bài viết rất hay như những bài của tác giả Đoan Trang vận động về đề tài này nhưng số người quan tâm còn rất ít. Gợi ý này của tôi cũng dựa vào cảm nhận khi đọc bài viết “Chính trị” được viết cách đây hơn bốn năm của nhà sáng lập Phong trào Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi thấy được từ ông mong muốn kiến tạo đất nước qua việc vận động phục hồi ý thức chính trị đã bị tê liệt hóa ở đại đa số người dân.
Theo tôi nghĩ số lượng người dự thi viết dù ít cũng không là vấn đề vì Phong Trào có khả năng lan tỏa như đã nêu trên. Trong quá trình tổ chức thi thì nội dung đề thi đã có khả năng kích hoạt, gợi ý cho những phong trào dân chủ song hành khác sáng tạo thêm nhiều hình thức vận động cho nhân quyền thêm phong phú.
Với trình độ và ý thức xã hội còn rất nhiều hạn chế như hiện nay thì số lượng người dự thi viết có thể không nhiều. Cũng không ngoại trừ người viết có trình độ (về đề tài hiếm thấy ngoài xã hội này) nhưng không tham gia vì có tính nhường nhịn hay khiêm tốn.
Tôi cũng mong suy nghĩ chủ quan của mình hoàn ngược lại với thực tế khi mà Ban tổ chức có được đề thi ở mức phổ thông kích hoạt được sự tham gia hào hứng để nhiều người dự thi.
Dẫu sao thì cuộc thi viết ở bước kế tiếp nếu có sẽ có nhiều thuận lợi hơn bước đầu rất nhiều vì uy tín của Phong trào được khẳng định, đã thu hút thêm nhiều số lượng thành viên, cổ động viên Phong Trào trong - ngoài nước cùng bạn bè bên ngoài xã hội hay bạn bè trên facebook.com/quyenconnguoi. Đặc biệt nhất là có sự hổ trợ từ nhiều bloggers tài giỏi, từ các luật sư- tiến sĩ đã đồng hành với Phong trào từ những ngày đầu gian nan.
Dẫu là có thuận lợi hơn nhưng trong cuộc hành trình “giáo dục quyền con người” không thể xem là đơn giản, dễ dàng nhưng tôi vẫn tin vào tính tiên phong của những nhà sáng lập Phong Trào. Tài năng ưu tú của họ có thể vượt qua mọi trở ngại, khó khăn để tạo nên kỳ tích.
Thúy Hiền

No comments:

Post a Comment