Nguyễn Gia Thưởng -“… Chính
quyền CSVN miền Bắc phải mất đến hơn 20 năm mới nhận thấy « phải đổi
mới hay là chết » để trở về con đường tư bản, con đường kinh tế thị
trường…”
Cuối
tháng Năm 1975, một Trung Úy bộ đội được cấp trên phái đi công tác 15
ngày ở thành phố Hồ Chí Minh. Đây là giấy phép trá hình để anh bộ đội
được đi thăm Sài Gòn vì anh Trung Úy bộ đội rất được lòng cấp trên.
Đơn
vị của anh đồn trú ở Phú Lợi, ngoại ô Bình Dương. Khi bước chân đến thủ
đô Sài Gòn, anh choáng váng nhìn cảnh tượng nhộn nhịp nơi thành phố
tráng lệ này. Xe ô-tô và xe gắn máy di chuyển tấp nập trên đường phố.
Theo lời tuyên truyền của Đảng, bọn CIA đã bố trí những xe cộ này chạy
trên đường phố để cho người ta có cảm tưởng Sài Gòn có đời sống sung túc
trong khi đó, vẫn theo Đảng, dân Sài Gòn không có cơm để ăn và không có
vải để mặc. Mấy cô gái Sài Gòn phải mặc váy ngắn (mini-jupes) vì thiếu
vải. Những lời khẳng định lặp đi lặp lại trong nhiều năm của mấy ông ủy
viên chính trị đã bị thực tế hàng ngày của dân chúng Sài Gòn phủ nhận
một cách phũ phàng.
Anh
bước vào tiệm bán xe đạp lớn ở Ngã Bảy để dọ hỏi cách thức mua bán.
Người bán hàng vồn vã đón tiếp anh bộ đội. Anh thắc mắc về cụm từ « mua
bán tự do » và sau khi nghe giải thích anh cảm thấy bàng hoàng hơn nữa.
Ông bán hàng cho biết là ai cũng có thể mua những món hàng bày biện ở
đây, chỉ có mỗi điều kiện là phải trả tiền mặt. Đối với anh bộ đội ông
có thể bớt giá. Anh được mời ở lại dùng nước trà với ông chủ hàng. Danh
giá của bộ đội vào lúc đó lên đến tột đỉnh, những ai có bộ đội ghé nhà
là cả một vinh dự. Họ có thể tự hào với Ủy Ban Quân Quản khu vực là họ
có một người cháu phục vụ trong Quân Đội Nhân Dân đến thăm.
Anh bộ đội ngày chiến thắng 30/04/1975
Hình: AFP |
Tâm
trạng của anh giống tâm trạng của một tình nhân bắt được quả tang người
yêu mà anh hằng tin tưởng đã đánh lừa anh. Anh lang thang mấy ngày liên
trên đường phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Anh trở về về đơn vị để lập báo cáo
với cấp trên. Ông đại tá chỉ huy yêu cầu anh làm tờ kiểm điểm cho có lệ.
Đến
ngày đọc tờ kiểm điểm trước đông đủ cử tọa của tiểu đoàn, anh Trung úy
bộ đội đọc những lời giáo huấn của Bác Hồ. Anh nhắc lại nguyên tắc ngăn
cấm các đảng viên thụ hưởng những vui thú của cuộc đời trước khi người
dân được phục vụ. Anh nói tiếp : « Mặc dù vậy, từ khi giải phóng miền
Nam, tất cả những quan lớn của chính phủ sống một cuộc sống không thua
kém các quan chức chính quyền cũ Sài Gòn. Trong quân đội, các sĩ quan
cao cấp có xe ôtô riêng để chở vợ con đi chơi trên xa lộ Sài Gòn Biên
Hòa, trong khi đó những bộ đội nghèo đói và các hạ sĩ quan quèn như
chúng tôi chỉ có những chiếc xe đạp cũ kỹ để đi công tác như vào thời
kháng chiến ». Ông ủy viên chính trị vội vàng cắt ngang lời của anh sĩ
quan bộ đội và nhắc nhở đây là một buổi họp kiểm điểm về sự chậm trễ của
anh. Anh bộ đội vẫn ngang nhiên tiếp tục nói: « Thế hệ của chúng tôi đã
bị các cấp lãnh đạo Đảng đánh lừa một cách thô bỉ. Một khi bọn tư bản
đã bị tiêu diệt, nhân dân chẳng hưởng được gì cả vì cấp lãnh đạo Đảng
nhân danh nhân dân đã trở thành một giai cấp quý tộc mới, tóm gọn tất cả
của cải và quyền hành vào trong tay mình. Họ trắng trợn bóc lột nhân
dân hơn ai hết. Tôi thương tiếc những anh em đồng đồi của tôi và chỉ
muốn chia sẻ số phận những anh em đã ngã gục nơi chiến trường để không
nhìn thấy sự thật tủi nhục của ngày giải phóng. Ít nhất họ đã ra đi theo
bác Hồ với niềm tin sắt son vào lý tưởng cách mạng ».
Ông ủy viên chính trị tức tối hăm doa trừng trị anh vì những lời lẽ phản cách mạng này. Anh bộ đội trả lời: « Tôi ý thức về hành động và lời nói của tôi. Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về những điều này. Tôi xin minh chứng ngay trước mắt quý vị ».
Anh
bộ đội rút chốt hai quả lựu đạn M26 và đặt lên ngay trên bàn họp. Phòng
họp nổ tung và tất cả mọi người hiện diện đều mất mạng. Vài ngày sau sự
cố này, cơ quan hữu trách loan báo một tai nạn nhỏ đã xảy ra ở trại Phú
Lợi trong lúc tập dượt. (*)
Hội chứng Athènes
Nước
Việt Nam đã sang trang lịch sử vào ngày 30/04/1975. Nước Việt Nam đã
được thống nhất, nhưng thống nhất trong đau đớn. Hàng trăm ngàn người bỏ
nước ra đi và hàng triệu người phải tiếp tục chịu ách thống trị của
đảng CSVN. Đảng CSVN gọi ngày này là ngày giải phóng miền Nam, là ngày
chiến thắng, bên thua trận thì gọi là ngày Quốc Hận, coi như miền Nam đã
mất. Nhưng đến nay thực tế chứng minh miền Nam đã thắng. Việt Nam Cộng
Hòa đã thua trận, nhưng nhờ đó nhân dân toàn thể nước Việt Nam đã nhận
chân ra được sự phá sản của chủ nghĩa Mácxít – Lêninnít.
Đế
quốc La Mã vào thế kỷ thứ III trước Công Nguyên đã chiếm Hy Lạp và biến
Hy lạp thành một tỉnh nhỏ của La Mã. Tuy nhiên sau khi chiếm được Hy
Lạp, các vua chúa và giới quý tộc La Mã đã lần hồi bị lây nhiễm văn hóa
của Hy Lạp. Từ thơ văn cho đến thể thao, từ các thần cho đến các nhân
vật huyền thoại họ đều sao chép y hệt người Hy Lạp. Các học giả gọi sự
kiện này là Hội chứng Athènes. Hội chứng này đang xảy ra tại Việt Nam.
Một
bằng chứng khác của lịch sử cho thấy việc xâm chiếm và áp đặt quyền lực
trên một nước chưa hẳn là một thắng lợi. Theo lịch sử nước Trung Hoa,
nhà Hán, nhà Tùy, nhà Đường và Nhà Tống đã thay nhau trị vì Trung Quốc
trong nhiều thế kỷ. Cho đến năm 1279, Vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt lập ra
nhà Nguyên. Trong một giai đoạn ngắn, vào năm 1368, Chu Nguyên Chương
lật đổ nhà Nguyên lập ra nhà Minh. Tới năm 1644, đến lượt người Mãn Châu
lật đổ nhà Minh để lập nhà Thanh. Nhưng người Mông Nguyên và người Mãn
Châu cuối cùng đã bị văn hóa nhà Hán đồng hóa. Cho đến nay khi nói đến
văn hóa Trung Hoa, mọi người chỉ nói đến văn Hóa người Hán mà không đề
cập đến văn hóa Mông Nguyên hay nhà Thanh. Xét theo chiều dài lịch sử,
người Hán đã thắng nhờ văn hóa vượt trội của họ.
Văn
hóa miền Nam với nền tảng tự do dân chủ, tuy là non nớt, đã hơn hẳn
miền Bắc. Chính quyền CSVN miền Bắc phải mất đến hơn 20 năm mới nhận
thấy « phải đổi mới hay là chết » để trở về con đường tư bản, con đường
kinh tế thị trường.
Nhân dân miền Bắc sau ngày 30/4 đã chứng kiến tận mắt sự thật ở miền Nam. Những sự thật đó là gì?
Thứ
nhất là miền Bắc sống nghèo khổ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Mặc dù cả
hai bên đều giao chiến khốc liệt nhưng nhân dân miền Nam vẫn sống sung
túc, không thiếu cơm ăn, không thiếu nhà ở. Chế độ tem phiếu ở miền Bắc
đã gây nên những cảnh cười ra nước mắt. Chữ tắt XHCN biến thành cụm từ
Xếp Hàng Cả Ngày. Văn hóa « xin – cho » bắt đầu từ đấy. Nhà nước là
người ban phát những nhu yếu phẩm thực dùng hàng ngày cho nhân dân.
Người đại diện nhà nước cắt xén phần ngon nhất cho gia đình và bạn bè
phe cánh của mình. Phần còn lại cho dân thấp cổ bé miệng không có là bao
và lúc nào cũng phải tìm cách van xin cầu cạnh để mà sống.
Thứ
hai là nhân dân miền Bắc đã thoát ra khỏi vỏ bọc bưng bít lừa dối của
tập đoàn lãnh đạo CSVN. Đảng Cộng Sản đã lừa dối nhân dân cả hai miền
kêu gọi hy sinh để giải phóng miền Nam bị Mỹ đô hộ. Ngày 30/4 đã đạp đổ
bức tường bưng bít này. Hầu hết những bộ đội miền Bắc đều sửng sốt và
kinh ngạc trước sự phồn thịnh của miền Nam, đến độ trong những lúc tâm
sự thân mật có người đã nói: « Nếu bọn đế quốc Mỹ trở lại, tôi sẽ vứt
súng đi và dơ tay đầu hàng ngay ». Cảnh tượng anh Trung Úy bộ đội tự vẫn
cho nổ lựu đạn để không muốn nhìn thấy sự thật đã phản ánh tâm trạng vô
cùng đau khổ của những chiến sĩ thắng trận.
Thứ
ba, nhân dân miền Bắc thấy thế nào là tự do. Sự kềm kẹp của Mỹ Ngụy
sung sướng gấp trăn ngàn lần sự ưu ái của chủ nghĩa xã hội miền Bắc.
Thứ
tư, nhân dân miền Bắc đã vứt bỏ văn hóa Mác xít. Và ngày nay họ đã cùng
với dân miền Nam hùng hồn chứng minh tính chất ưu việt của tự do, dân
chủ trong những sinh hoạt hàng ngày trong Tòa Án, trên mạng, trên đài.
Những cố gắng bưng bít đã trở thành vô dụng. Những nhà tù đã trở nên
những nơi rèn luyện chí khí của những người đấu tranh ôn hòa đòi tự do
dân chủ cho dân tộc.
Không
có ngày 30/4 có lẽ nhân dân miền Bắc sẽ vẫn phải sống như nhân dân Bắc
Triều Tiên ngày nay. Cảnh tượng lạnh lùng của thành phố và thôn quê của
Bắc Hàn gây nên sự sót xa của nhân dân Nam Hàn.
Năm
1940, Tướng De Gaulle trong lời kêu gọi nhân dân Pháp nổi dậy đánh đuổi
Đức Quốc Xã, giành lại tổ quốc bị chiếm đóng đã để lại cho hậu thế một
câu nói vẫn còn sức mạnh cho đến bây giờ: « Nước Pháp đã thua một trận
đánh nhưng nước Pháp chưa thua cuộc chiến » (La France a perdu une
bataille, mais la France n'a pas perdu la guerre!). Cuộc chiến không
súng đạn đòi tự do dân chủ ở nước Việt Nam vẫn đang tiếp diễn. Và chắc
chắn dân chủ sẽ thắng vì đó là tiến trình đi lên của nhân loại và tất cả
các dân tộc trên thế giới. « Bánh xe của lịch sử » đang tiến trên con
đường dân chủ đa nguyên. Làn sóng dân chủ thứ tư đang diễn ra tại các
nước Bắc Phi và Trung Đông và sẽ tràn qua các nước châu Á như một cơn
sóng Tsunami quét sạch những chế độ độc tài toàn trị.
No comments:
Post a Comment