Monday, July 11, 2011

Chính quyền cộng sản không thể giữ được Biển Ðông

Thông Luận - "...Cái giá phải trả để có được hậu thuẫn quốc tế là dân chủ hóa. Ðiều này những người lãnh đạo cộng sản không muốn vì thế họ sẽ không giữ được Biển Ðông trong khi mất Biển Ðông thì Việt Nam sẽ không còn là Việt Nam nữa..."

 Bản "thông tin báo chí chung" giữa Trung Quốc và Việt Nam sau chuyến đi Bắc Kinh của thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn ngày 25-6-2011 và bài phỏng vấn ông Sơn của báo điện tử Biên Giới Lãnh Thổ của bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đáng được coi là những kỷ lục của sự vớ vẩn.

Như chính ông Hồ Xuân Sơn xác nhận, ông đã được cử đi Bắc Kinh để đàm phán về những sự kiện nghiêm trọng xảy ra gần đây, trong đó hải quân Trung Quốc đã tấn công các tàu Việt Nam đang hoạt động rất sâu trong lãnh hải Việt Nam. Tuy vậy bản "thông tin báo chí chung" cũng như bài phỏng vấn đã không có một lời nào về những gì hai bên đã trao đổi về những biến cố này. Phải hiểu là Trung Quốc đã rất cứng rắn. Ðiều này chỉ phù hợp với những lời tuyên bố của bộ ngoại giao Trung Quốc và những phát biểu vẫn còn tiếp tục được đưa ra của các quan chức Trung Quốc theo đó, một cách trịch thượng, họ hăm dọa sẽ thẳng tay hơn nữa nếu Việt Nam không chấp hành những răn đe của họ. Chuyến công tác của ông Sơn như vậy đã không đạt được một kết quả nào trong mục tiêu đề ra của nó. Ðã vậy, nó còn là dịp để chính quyền cộng sản Việt Nam tái xác nhận sự phục tùng ô nhục của họ đối với Bắc Kinh.

Qua thông cáo chung, cũng như lời ông Sơn trong cuộc phỏng vấn, hai bên vẫn tiếp tục hợp tác hữu nghị trên Biển Ðông, "tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị", và ứng xử theo tinh thần "những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam - Trung Quốc thì giải quyết song phương".

Nhưng thế nào là "những hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị"? Phía Trung Quốc đã khẳng định là họ hoàn toàn đúng và Việt Nam hoàn toàn sai thì họ có gì phải xét lại? Đó chỉ có thể là việc Việt Nam đưa vấn đề ra trước luật pháp quốc tế. Như vậy, tuy không nói ra, chính quyền cộng sản Việt Nam đã chấp nhận không kiện Trung Quốc. Ðiều này ông Hồ Xuân Sơn đã nhắc lại trong bài phỏng vấn. Một điểm đáng lưu ý khác là bản "thông tin báo chí chung" không hề nhắc tới Công Ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc như là một trong những cơ sở để giải quyết các bất đồng trong khi chính công ước này qui định những định chế trọng tài trong trường hợp có tranh chấp. Tình trạng hiện nay trên Biển Ðông có thể tóm tắt như sau: Trung Quốc liên tục xâm lấn, Việt Nam không có phương tiện tự vệ và cũng không kiện ra tòa án quốc tế.

Cần nhấn mạnh rằng nguyên tắc “những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam - Trung Quốc thì giải quyết song phương" là một nguyên tắc rất ngớ ngẩn nếu được lấy làm nền tảng để giải quyết các tranh chấp. Nền tảng của xã hội văn minh là luật pháp chứ không phải là "giải quyết song phương". Trong bất cứ một hợp đồng nào người ta cũng phải dự trù những định chế trọng tài trong trường hợp có tranh chấp. Khi một mâu thuẫn xuất hiện dĩ nhiên điều tốt nhất là cố gắng thảo luận và thỏa hiệp. Nói cách khác, giải quyết song phương, nếu có thể được, nhưng nếu không giải quyết được thì phải đưa ra luật pháp. "Giải quyết song phương" chỉ là luật rừng nếu được đưa lên thành một nguyên tắc. Chuyện sói ăn thịt cừu chỉ liên quan đến sói và cừu; chuyện cướp của giết người chỉ liên quan đến thủ phạm và nạn nhân.

Trường hợp Biển Ðông dĩ nhiên là không thể giải quyết song phương. Lý do giản dị là cái mà Trung Quốc muốn chiếm đoạt bằng mọi giá cũng là cái mà Việt Nam phải giữ bằng mọi giá. Trung Quốc quyết tâm chiếm đoạt Biển Ðông trong khi Việt Nam sẽ không còn là gì cả nếu mất Biển Ðông.

Nhưng giữ Biển Ðông bằng cách nào? Ðó không chỉ giản dị là một thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc. Trước hết cần loại bỏ giải pháp quân sự. Hải quân và không quân Việt Nam hiện nay quá yếu so với Trung Quốc. Tuy nhiên cũng không nên vì thế mà tuyệt vọng. Nếu sức mạnh là tất cả thì nhiều nước đã bị xóa bỏ, Pháp đã chiếm Luxembourg, Mỹ đã chiếm Cuba, Nga đã chiếm Estonia. Vũ khí tự vệ chính là luật pháp quốc tế, trong trường hợp này là Công Ước về Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc.

Nhưng tại sao chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn không chịu đưa vấn đề ra luật pháp quốc tế? Không nên vội kết luận rằng nhưng người cầm quyền cộng sản tăm tối. Họ thừa biết đó là vũ khí tự vệ duy nhất, vấn đề thực sự là họ tự biết không thể. Luật pháp quốc tế đòi hỏi những điều kiện căn bản, nếu không sự kiện cáo có thể kéo dài rất lâu và phán quyết sau đó không được tuân thủ. Phải có hậu thuẫn mạnh và hậu thuẫn này chính quyền cộng sản không thể có. Không thể dựa vào luật pháp quốc tế trong khi vẫn sống ngoài vòng luật pháp quốc tế, vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn và thô bạo.

Các cường quốc dân chủ có khả năng và cũng có nhu cầu áp đặt một thế giới có luật pháp nhưng họ cũng không thể bảo vệ một chế độ độc tài bạo ngược. Cái giá phải trả để có được hậu thuẫn quốc tế là dân chủ hóa. Ðiều này những người lãnh đạo cộng sản không muốn vì thế họ sẽ không giữ được Biển Ðông trong khi mất Biển Ðông thì Việt Nam sẽ không còn là Việt Nam nữa.

Phải giữ Biển Ðông nhưng điều này chỉ có một chính quyền dân chủ mới làm được. Hơn lúc nào hết dân chủ là điều kiện sống còn của đất nước.

Thông Luận

2 comments:

  1. cuộc cách mạng hoa lài đã ẩ ra tại ai cập ,thời gian mấ tháng đầu khởi phát do một nhóm dân chúng nổi lên ì uất ới ụ một cô gái bị bắt,hiếp dâm rồi bị nhốt làm nhục [không lãnh tụ]..trước đó tunisia anh chàng thanh niên bán hàng rau quả tự thiêu chết để làm ngòi nổcho cách mạng[không lãnh tụ]...
    hai cuộc cách mạng nêu trên đã ẩ ra, bộc phát như trái bom [do hai ngời nổ của hai lãnh tụ một trai một gái[tunisia,aicaap],họ đã h sinh nhưng linh hồn của họ sống mãi để lãnh đạo dân hai nước nà trên đuõng tranh đấu còn dài ở phía trước
    CÂU HỎI:dân biểu tình n đã có được một trong hai lãnh tụ đó[có một người đã tụ thiêu nhưng không lên tiếng nói lời nào trước khi tẩm ăng],
    TRẢ LỜI:hã đợi đó cho đến khi lòng dân ta đủ sôi sục à lãnh tụ ta có thể sẽ đến à hi sinh làm ngòi cho cuôc cách mạng hoa lài,mong tha!!!
    feed back l dinh ngu ên

    ReplyDelete
  2. cuộc cách mạng hoa lài đã xẩy ra tại ai cập ,thời gian mấy tháng đầu khởi phát do một nhóm dân chúng nổi lên vì uất với vụ một cô gái bị bắt,hiếp dâm rồi bị nhốt làm nhục [không lãnh tụ]..trước đó tunisia anh chàng thanh niên bán hàng rau quả tự thiêu chết để làm ngòi nổcho cách mạng[không lãnh tụ]...
    hai cuộc cách mạng nêu trên đã xẩy ra, bộc phát như trái bom [do hai ngời nổ của hai lãnh tụ một trai một gái[tunisia,aicaap],họ đã hy sinh nhưng linh hồn của họ sống mãi để lãnh đạo dân hai nước nà trên đuõng tranh đấu còn dài ở phía trước
    CÂU HỎI:dân biểu tình vn đã có được một trong hai lãnh tụ đó[có một người đã tụ thiêu nhưng không lên tiếng nói lời nào trước khi tẩm xăng],
    TRẢ LỜI:hã đợi đó cho đến khi lòng dân ta đủ sôi sục à lãnh tụ ta có thể sẽ đến và hi sinh làm ngòi cho cuôc cách mạng hoa lài,mong thay!!!
    feed back

    ReplyDelete