Tiến Hồng - “…ông Dũng muốn bổ nhiệm ông Lê Hồng
Anh vào chức vụ Thường trực Ban Bí thư, nhưng đã bị ông Nguyễn Phú
Trọng gạt ra. Ông Dũng đã lớn tiếng cho ông Trọng biết: ‘Vậy thì bây giờ
Đảng là Đảng, Chính phủ là chính phủ!’…”
Việc
tàu hải giám Trung Quốc trong thời gian ngắn (26/5 - 9/6/2011) liên tục
tấn công cắt cáp thăm dò tàu Bình minh 02 và Viking II thuộc
PetroVietnam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động gây
hấn nghiêm trọng chưa từng xảy ra trong tranh chấp Biển Đông. Vì đây là
lần đầu tiên Trung Quốc gây cản trở tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam
trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý nhưng lại nằm trong đuờng « lưỡi
bò» 9 đoạn của Trung Quốc (1). Trong các phản ứng ngoại giao và truyền
thông, Trung Quốc đã « đánh lận con đen » biến các tranh chấp Hoàng
Sa-Truờng Sa thành tranh chấp về đuờng chữ U chín vạch (luỡi bò) mà tính
chất thiếu cơ sở của nó đã bị các nước Việt, Mã Lai, Nam Dương, Phi,
bản Tuyên ngôn Djakarta và các diễn giả (trừ diễn giả Trung Quốc Tô
Hạo!) tham dự hội nghi An ninh hàng hải Biển Đông (CSIS) tổ chức ở
Washington mới đây phê phán (2).
Trong
cả hai truờng hợp, Trung Quốc sử dụng tàu hải giám, vũ khí nhẹ, thuộc
lực luợng hải giám mới thành lập, không thuộc quân đội để có cớ chối tội
(như lời tuyên bố của bộ truởng quốc phòng Trung Quốc tại Diễn đàn
Shangri-La 10 vừa qua). Nếu có va chạm, lực luợng quân sự Trung Quốc sẽ
có cớ sử dụng vũ lực. Sự khiêu khích hoàn toàn có tính toán.
Phi
Luật Tân cũng gặp truờng hợp tương tự. Ngoài 5 truờng hợp bắn tàu đánh
cá trong vùng đặc quyền kinh tế, nghiêm trọng nhất là truờng hợp hai tàu
tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu một tàu thăm dò dầu khí của Phi vào ngày
2/3/2011 ở Reed Bank (Bãi Cỏ Rong). Địa điểm này thuộc vùng đặc quyền
kinh tế Phi nhưng cũng nằm trong đuờng luỡi bò mà Trung Quốc đòi. Phi
đã điều hai máy bay quân sự tới khu vực xảy ra vụ việc và tàu Trung
Quốc đã bỏ đi. Trung Quốc, vào tháng 5, lại dựng cột mốc chủ quyền trên
các bãi đá ngầm ở Amy Douglas Bank thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Phi.
Chính quyền Phi ngay sau đó đã cho nhổ cột mốc.
Đối
với Phi, phản ứng chính thức là phản ứng của một quốc gia có chủ quyền,
dù là một nuớc nhỏ. Bộ ngoại giao Phi đã hai lần triệu (convoquer) đại
sứ Trung Quốc đến để trao kháng thư phản kháng. Cả hai lần, đại sứ Trung
Quốc đều phải răm rắp đến bộ ngoại giao Phi để nhận kháng thư. Trong
khi đó, với cộng sản Việt Nam, cả hai lần, đại diện bộ ngoại giao phải
thân hành đến toà đại sứ Trung Quốc để gặp và trao kháng thư. Đây không
phải là phản ứng của một quốc gia có chủ quyền thực sự.
Từ đường chữ U chín vạch (Lưỡi bò) đến cơn khát dầu khí biển Đông
Trong
khi tiếng vang hội nghi Shangri-La chưa dứt, ngày 9/6/2011, đại sứ
Trung Quốc tại Phi Luật Tân, ông Lưu Kiến Siêu, đã đưa ra lời cảnh báo
các nước trong khu vực mà Trung Quốc coi là tranh chấp và có chủ quyền
(toàn bộ đuờng luỡi bò) phải ngưng thăm dò, khai thác nếu không có sự
chấp thuận. Đồng thời, Trung Quốc sẽ «cởi mở» để các nước có chủ quyền
khác cùng khai thác. Bắc Kinh sẽ không sử dụng vũ lực để giải quyết vấn
đề trừ khi bị « tấn công » hay nói đúng hơn « khiêu khích để có cớ tấn
công».
Như
vậy là đã rõ. Trung Quốc muốn biến toàn bộ vùng lưỡi bò (80% Biển Đông
mà Trung Quốc gọi là Nam Hải), dù thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các
quốc gia khác, thành nơi cho Trung Quốc khai thác hay «gác tranh chấp,
cùng khai thác». Kế sách này đã có từ thời Đặng Tiểu Bình. Tờ China Morning,
trụ sở tại Bắc Kinh và đặt duới sự kiểm soát của đảng cộng sản Trung
Quốc, trong một bài viết ngày 8/6/2011 đã không úp mở khi đưa ra nhận
định: Tranh chấp biển Đông là phép thử thực tế của Trung Quốc để chuyển
từ «cuờng quốc đất liền» sang «cường quốc biển» bằng phương thức « biến
cái của nguời khác thành của mình, biến vùng biển không tranh chấp thành
vùng biển có tranh chấp, đòi chia sẻ tài nguyên qua công thức «gác
tranh chấp, cùng khai thác » (3). Điều cũng đáng chú ý ở đây là website
đảng cộng sản Việt Nam đã cho đăng tải bài viết của Tấn Vũ đưa ra âm muu
trên. Ông Hà Sĩ Phu đã đặt câu hỏi về một buớc chuyển có thể có của
đảng cộng sản Việt Nam (4). Chúng tôi cho rằng bước chuyển chính cũng
nằm trong phần kế tiếp, liên quan đến sự kiện lần đầu tiên, cộng sản
Việt Nam hoanh nghênh sự can dự của Mỹ trong vấn đề tạo ổn định trước
những tranh chấp tại Biển Đông.
Không
phải là không có tính toán khi cuối tháng 5, Trung Quốc đã hạ thủy giàn
khoan khổng lồ « Dầu khí Đại dương 981» trị giá 900 triệu USD, có thể
hoạt động ở vùng nuớc sâu 3000m, và dự trù đi vào hoạt động ở biển Đông
vào tháng 7, nhưng không chỉ rõ nơi chốn. Phi Luật Tân đã mau chóng yêu
cầu Trung Quốc công bố địa bàn hoạt động của giàn khoan. Đi kèm theo,
Trung Quốc loan báo sẽ cùng với các công ty nước ngoài thăm dò khai thác
trong thời gian tới 19 lô tại biển Đông (12 ở phía tây, 7 ở phía đông),
trải rộng trên 52 000 km2, nhưng cũng không chỉ rõ nơi chốn. Cụ thể, kế
hoạch đầu tư 54 ti USD trong 5 năm tới cho khai thác dầu khí là để giải
quyết cơn khát năng luợng của Trung Quốc. Từ một nuớc xuất khẩu dầu
(1994), chủ yếu khai thác từ vùng Hắc Long Giang, nay Trung Quốc ngày
càng gia tăng nhập khẩu để phục vụ cho phát triển (55% luợng tiêu thụ
430 triệu tấn năm 2010, hàng thứ nhì sau Mỹ). Trước nhu cầu ngày càng
gia tăng, giá cả dầu và nguồn cung chính ở Trung Đông bất ổn, Trung Quốc
khao khát truớc biển Đông, một «vịnh Ba Tư thứ hai», với trữ luợng 50
tỉ tấn dầu thô và 20 nghìn tỉ mét khối khí, mà Trung Quốc cho rằng cho
đến nay chỉ Việt Nam, Phi, cùng với Mã Lai, Brunei là khai thác.
Dàn khoan CNOOC 981
Việc
hạ thủy giàn khoan khổng lồ khai thác dầu khí biển Đông là một buớc đi
nằm trong kế hoạch dự kiến đến năm 2020, Trung Quốc sẽ khai thác từ biển
Đông mỗi năm 35 triệu tấn dầu so với số luợng 20 triệu tấn mà Trung
Quốc coi là «mất đi» (sic) hàng năm từ các nước trong vùng. Có nhiều
phần chắc, phương thức hoạt động của giàn khoan với lực lượng hùng mạnh
tàu hải giám và tàu chiến đi kèm sẽ là: «Ai đến trước thì được truớc»,
đặt các nước đang khai thác hợp pháp như Phi, Việt trước một sự đã rồi,
và sau đó, nếu cần sẽ đề nghị ăn chia. Đây là cơ nguy một cuộc đụng độ
khó tránh khi Trung Quốc xâm phạm vùng đăc quyền kinh tế của các nước
trong vùng như Việt Nam và Phi. Trung tâm nghiên cứu Lowy Institute của
Úc mới đây đã cảnh báo là thái độ làm càn của quân đội Trung Quốc ở biển
Ðông cùng với nhu cầu tài nguyên ngày càng tăng khiến có nguy cơ xảy ra
chiến tranh. Giám đốc CIA Panetta, người được chỉ định đảm nhiệm bộ
trưởng quốc phòng thay thế ông Robert Gates vào cuối năm, trong phúc
trình gửi Quốc hội Mỹ mới đây cho biết Trung Quốc dường như đang xây
dựng lực lượng để “chiến đấu và chiến thắng trong những cuộc xung đột
quyết liệt và chớp nhoáng” trên các đường biên giới nước này, mặc dù sự hiện diện của Mỹ. Đây là một nhận định cực kỳ nghiêm trọng trong việc đánh giá tình hình tranh chấp ở biển Đông.
Cũng
cần nói ở đây là Việt Nam hiện đang gặp khó khăn trong việc khai thác
dầu khí kể từ khi một số công ty nuớc ngoài bỏ cuộc do áp lực của Trung
Quốc. Công ty Anh BP năm 2009 sau khi rút khỏi lô 05.2 và 05.3 nằm trong
vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam thì vào tháng 1/2011 lại ký thoả thuận
thăm dò dầu khí ở biển Đông với tập đoàn dầu khí CNOOC của Trung Quốc mà
không nêu rõ địa điểm. Sự kiện quan trọng nhất là việc hãng Talisman
(Gia Nã Đại) vừa ký với PetroVienam hợp đồng thăm dò, khai thác các lô
133, 134 thuộc vùng đặc quyền kinh tế, ở cách bờ Việt Nam 300 km, cách
đảo Hải Nam 1000km, gần Hoàng Sa. Hãng Talisman hoàn toàn tin tưởng vào
tính cách hợp pháp của hợp đồng nhưng phía Trung Quốc lại cải tên lô
(WAB-21), và ký với công ty Mỹ Harvest Natural Resources (HNR) khai thác
sau khi cũng công ty Mỹ Crestone bỏ cuộc. Trung Quốc đã cho công ty HNR
biết sẽ «can thiệp» để bảo vệ hợp đồng. Đây là một phép thử cụ thể cho
khả năng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Đối
với Phi, nước này đã thách thức Trung Quốc khi ngày 29/6/2011, bộ Năng
lượng quyết định cấp 15 hợp đồng với các công ty nước ngoài để khai thác
dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của mình gần đảo Palawan. Quyết
định trên được đưa ra sau khi ngoại trưởng Mỹ cam kết sẽ giúp đỡ tăng
cường khả năng quốc phòng và bảo vệ chủ quyền của Phi. Tổng thống Phi
vừa ký văn kiện đổi tên biển Nam Trung Hoa thành biển Tây Phi luật
Tân.Tư lệnh hải quân Phi cũng điều tàu chiến trong hải phận và tuyên bố
sẽ không nổ súng trước nhưng sẽ đáp trả nếu bị tấn công.
Từ phát ngôn viên của Trung Quốc
Cộng
Sản Trung Quốc đã dồn cộng sản Việt Nam đến bước đường cùng, không thể
lùi hơn nữa nếu không muốn bị lật đổ. Cho đến nay, với chính sách dựa
vào Trung Xô để thực hiện thống nhất đất nước, cộng sản Việt Nam đã gây
nhiều thua thiệt cho đất nước kể từ khi Trung Xô xung đột và khối Đông
Âu và Liên Xô bị xụp đổ. Sự kiện cộng sản Việt Nam coi cộng sản Trung
Quốc là kẻ thù và đưa đến cuộc tấn công năm 1979 thực chất là cuộc tranh
giành ảnh hưởng ở Cam-phu-chia, cuộc chiến đó đã đem đến cho đất nước
nhiều tổn thất. Khi phải muối mặt dựa trở lại vào Trung Quốc, vì bị cô
lập mà không sớm tìm đường thoát hiểm, vì chỉ đặt sự sống còn của đảng
lên trên quyền lợi của đất nước, vì bị mua chuộc bằng nhiều cách, lại
thêm bị bắt nọn về việc ông Phạm Văn Đồng đã ký công hàm ngày 14/9/1958,
cộng sản Việt Nam đã để cho Trung Quốc sử dụng chiêu bài 16 chữ vàng và
4 tốt để nhượng bộ tối đa với người láng giềng hung hiểm.Việc để mất ải
Nam Quan và thác Bản Giốc liên quan đến di lụy từ cuộc chiến 1979-1988
mà cộng sản Việt Nam đã để mất đất, không chiếm lại được. Hiệp định về
vịnh Bắc bộ cũng chịu nhiều mất mát. Chiến lược hợp tác toàn diện với
Trung Quốc thực chất là lệ thuộc toàn diện, kể cả trong lĩnh vực quốc
phòng, công an, an ninh (TC2). Cộng sản Việt Nam hết nhượng bộ cho Trung
Quốc khai thác bô-xít ở Tây nguyên, cho khai thác 400.000 hecta rừng ở
biên giới, thành lập các cộng đồng người Hoa biệt lập ở nhiều nơi như ở
Hải Phòng, Quảng Ninh, và cả ở Bình Dương. Về kinh tế, việc để cho Trung
Quốc trúng 90% những dự án đấu thầu trọn gói (EPC) rất quan trọng về
năng lượng, nguyên liệu, …đã đưa công nhân Trung Quốc tràn ngập và lệ
thuộc phụ kiện. Thêm vào đó là việc để hàng hoá giả, thực phẩm độc hại
Trung Quốc tràn ngập thị trường qua biên giới phía Bắc, để một số siêu
thị ở Hà Nội được nhận tiền Nhân dân tệ, đặc biệt là để cho cán cân
ngoại thương với Trung Quốc bị khiếm hụt đến 13 tỉ USD… tất cả đã đặt
cộng sản Việt Nam vào thế lệ thuộc, yếu kém.
Chính
sách lệ thuộc về quốc phòng được thể hiện rõ ràng qua lời phát biểu của
bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh với bộ trưởng quốc
phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Diễn đàn Shangri-La 10 vào đầu
tháng 6/2011. Ông Thanh sau khi đề cao mối giao hảo 4 tốt giữa hai nước
(sic) đã cho biết: «Các tranh chấp ở biển Đông phải được giải quyết bằng
thương thuyết trực tiếp giữa hai nước mà không có sự tham dự của bất cứ
nước thứ ba nào ‘lợi dụng, gây chia rẽ’(!)».
Lần
đầu tiên báo chí Trung Quốc tỏ ra «hài lòng». Các bình luận của độc giả
Trung Quốc thì cho Việt Nam đã «nói thay cho Trung Quốc»(!) vì chỉ có
Trung Quốc là không muốn Mỹ nhúng tay vào tranh chấp biển Đông. Một số
nhà phân tích nước ngoài còn cho rằng chính sách quốc phòng nói trên có
thể khiến cho các nước trong vùng nghi ngờ về lập trường đa phương hoá
mà Việt Nam kêu gọi. Trước mắt, chính sách quốc phòng chỉ biết cột chặt
vào sự «nương tay» của đối tác lớn mạnh có ý đồ lấn át mình đến cùng thì
chính sách đó chính là tự diệt.
Đến bước chuyển về sự can dự của Mỹ. Ai đứng sau ?
Ngày
10/6/2011, phát ngôn viên bộ Ngoại giao, bà Nguyễn Phương Nga, nhân sự
kiện tàu sân bay Mỹ tới biển Đông kiểm tra tự do lưu thông hàng hải, đã
tuyên bố :
«Duy trì hoà bình, ổn
định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của các
quốc gia trong và ngoài khu vực. Do đó, mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế
trong việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực Biển Đông đều được hoan
nghênh».
Bản thông cáo chung Việt -
Mỹ ngày 18/6/2011 cũng xác nhận quan điểm trên đồng thời phản đối sử
dụng vũ lực và ghi nhận rằng các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và
hàng hải cần phải tuân thủ các nguyên tắc đã được luật pháp
quốc tế công nhận, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển 1982.
Trung
Quốc đã phản ứng dữ dội đối với sự thay đổi lập trường giải quyết song
phương của cộng sản Việt Nam. Một bài báo ngày 20/6/2011 đăng trên tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times),
một ấn bản song ngữ Anh-Hoa trực thuộc quyền kiểm soát của đảng cộng
sản Trung Quốc, đã đưa ra lời hăm doạ sẽ sử dụng vũ lực «nếu Việt Nam
tiếp tục gây hấn trên biển Hoa Nam» (sic) và «nếu không tìm được một
‘giải pháp hòa bình’ cho các tranh chấp chủ quyền». Bài báo cũng thòng
thêm nhận định là tấn công vào Việt Nam sẽ không dẫn đến xung đột trực
tiếp với Hoa Kỳ, cho dù sẽ xảy ra vài «va chạm».
Theo
một nguồn tin đáng tin cậy mà chúng tôi nhận được, người đứng đằng sau
chuyển biến quan trọng nói trên chính là ông Nguyễn Tấn Dũng. Trong bài
tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng ngày 10/6/2011 cương quyết bảo vệ chủ
quyến đất nước, có một đoạn chỉ được web ViệtBáo.vn đăng tải, theo đó
Việt Nam chủ trương một đường lối đa phương thay vì song phương. Theo
tin chúng tôi nhận được, gần đây có tranh chấp công khai giữa ông Nguyễn
Tấn Dũng và ông Nguyễn Phú Trọng, nhân vật thần phục Bắc Kinh rõ rệt
nhất trong Bộ Chính trị. Sự tranh chấp liên quan đến việc ông Dũng muốn
bổ nhiệm ông Lê Hồng Anh vào chức vụ Thường trực Ban Bí thư (thay thế
ông Trương Tấn Sang sau khi ông Sang được cử làm Chủ tịch Nước), nhưng
đã bị ông Nguyễn Phú Trọng gạt ra. Ông Dũng đã lớn tiếng cho ông Trọng
biết: «Vậy thì bây giờ Đảng là Đảng, Chính phủ là chính phủ!». Trước
tình hình phải đụng đầu khó tránh với Bắc Kinh, ông Dũng muốn tự mình
đứng ra bao sân cho đường lối công khai đưa ra lá bài Mỹ đối trọng thích
ứng với Trung Quốc (dù biết Mỹ chưa chắc sẽ can thiệp khi hữu sự như
trường hợp của Phi). Ông Nguyễn Phú Trọng được đặt trước sự đã rồi nên
những ngày gần đây đã không có một lời nào trước tình hình «dầu sôi lửa
bỏng». Ông Trương Tấn Sang, người vốn có tranh chấp với Dũng từ nhiều
năm qua và nương tay cho báo chí tiết lộ những sai trái của ông Dũng
trong vụ Vinashin có dấu hiệu đã hùa theo ông Dũng. Ông Trọng ở trong
thế tương đối cô lập nhưng vẫn chưa có tiếng nói sau cùng. Giờ chót, ông
Trọng nhượng bộ ông Dũng về chức Thường trực Ban Bí thư và tiếng nói
sau cùng chính là ý nghĩa chuyến đi của đặc phái viên Hồ Xuân Sơn tại
Bắc Kinh ngày 25/6/2011 sẽ được trình bày sau.
Theo
chỗ chúng tôi được biết, sự chuyển hướng giờ chót của ông Dũng do những
toan tính cá nhân hơn là quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước. Bản
thân ông Dũng quá tham nhũng và có những tài sản và hoạt động kinh tài
của gia đình ở Mỹ mà giới tài chính ở đây đều nắm vững. Mặt khác, ông
Dũng cũng bị Trung Quốc nắm yếu huyệt về món tiền «nhẩm xà» 150 triệu
USD cho Trung Quốc khai thác bô-xít.
Bước chuyển cuối cùng: «Thỏa thuận chung», «Song Phương», từ bỏ chủ quyền
Ngày
25/6/2011, ông Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao kiêm đặc phái viên
của lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ với ông Đới Bỉnh Quốc,
quốc vụ viện đặc trách ngoại giao của đảng cộng sản Trung Quốc tại Bắc
Kinh. Chắc chắn, chuyến đi « sứ » này có ý nghĩa một sự nhượng bộ nhất
định của cộng sản Việt Nam đối với cộng sản Trung Quốc sau những biến cố
vừa xảy ra.
Ông Hồ Xuân Sơn vẫn
không ngượng miệng khi nhắc đến «16 chữ vàng» và nói rằng: «Đề nghị hai
bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận của cấp cao hai nước, không có những
việc làm gây phức tạp thêm tình hình, không để vấn đề Biển Đông ảnh
hưởng đến quan hệ hai nước». Không biết « thoả thuận chung » này như thế
nào, chỉ biết là liền sau đó, theo BBC, tàu hải giám Trung Quốc lại
định cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam lần thứ ba ở một nơi gần
địa điểm tàu Viking II bị tấn công phá cáp. Nhưng sự việc lần này đã
không được báo chí đăng tải vì yếu tố «định hướng dư luận» trong thông
cáo chung. Các cuộc biểu tình lần thứ năm chống Trung Quốc xâm phạm chủ
quyền của Việt Nam cũng bị công an trấn áp mạnh mẽ hơn, nhất là ở
Sài-gòn. Những người yêu nước tự hỏi đảng cộng sản giờ đây đứng vào phía
nào, phía của quyền lợi đất nước hay quyền lợi của thiên triều cũng là
quyền lợi của đảng.
Về phía Trung
Quốc, bản tin của Tân Hoa Xã đã đưa ra một câu bí hiểm để gây hoang mang
trong dư luận Việt Nam: «Trung Quốc đã kêu gọi Việt Nam hãy thực hiện
đầy đủ một thỏa thuận song phương trên vấn đề Biển Hoa Nam [Biển Đông] vốn đã đạt được trong thời gian diễn ra chuyến viếng thăm của
phái viên đặc biệt của Việt Nam Hồ Xuân Sơn vào tuần trước ». Đi kèm
theo sau, Bắc Kinh nhắc lại rằng : « Các tư liệu lịch sử của
Trung Quốc cho thấy năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố
chủ quyền với các đảo ở Nam Hải trong đó có Tây Sa (Hoàng Sa),
Nam Sa (Trường Sa) và Thủ tướng Việt Nam khi đó là ông Phạm Văn
Đồng đã gửi công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai thừa nhận chủ
quyền của Trung Quốc ».
Đọc bản
tin của Tân Hoa Xã, nếu nó phản ảnh đúng sự thật thì bất cứ một người
bình thường nào cũng hiểu là đã có thoả thuận song phương mới đạt được
về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa theo hướng của Trung Quốc.
Đây
là một biến cố nếu không được chính thức phủ nhận thì sẽ đánh dấu bước
chuyển cuối cùng của giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam: đầu hàng
thiên triều.
Cũng cần nhắc lại về ý
nghĩa và giá trị của bức công hàm mà ông Đồng đã ký. Về hình thức, công
hàm của ông Đồng ký ngày 14/9/1958 chỉ tán thành và tôn trọng lãnh hải
12 hải lý của Trung Quốc (mà biên giới bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa). Ở
đây, không có sự minh thị mà chỉ là mặc thị thừa nhận chủ quyền của
Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa. Mặt khác, dù chúng ta không biết ông
Đồng có «bán» Hoàng Sa, Trường Sa hay không để trả món nợ về sự giúp đỡ
của cộng sản Trung Quốc trong cuộc chiến 1945-1954, nhưng về phương diện
pháp lý, ông không thể « bán » phần đất thuộc chủ quyền của Việt Nam
Cộng Hoà trong khi đất nước chia đôi. VNCH dù bị mất Hoàng Sa nhưng đã
cương quyết phản đối trước Liên Hợp Quốc. Trong cuộc hội thảo về An ninh
hàng hải Biển Đông (ISIS) mới đây, lập luận nêu trên đã được diễn giả
của Hà Nội nêu lên để trả lời cho câu bóng gió của ông Tô Hạo cho rằng
có «vài nước đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc rồi rút lại» (ý nói
Việt Nam). Nhưng diễn giả của Hà Nội đã không đề cập đến bức công hàm.
Ngoài bức công hàm, Trung Quốc còn đưa thêm bằng chứng cho rằng cộng sản
VN thời kỳ đó qua các lời tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn
Khiêm và các sách giáo khoa, đã chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc tại
các quần đảo này.
Một điều chắc chắn
là cộng sản Trung Quốc không bao giờ chấp nhận bất cứ sự phân trần,
thương lượng nào của cộng sản Việt Nam. Nói cách khác, trong vấn đề giải quyết « song phương » với Trung Quốc những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước (Hoàng Sa và một phần đối với Trường Sa), không thể có « thương nghị » trừ phi cộng sản Việt Nam « đồng thuận » ngầm về chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Đối với vấn đề tranh chấp song phương mà hai bên không thể nào giải
quyết thì bắt buộc phải đưa vấn đề ra trước một cơ quan trọng tài, tức
Toà án quốc tế. Trước mắt, phải công khai nêu vấn đề
về ý nghĩa và giá trị công hàm với Trung Quốc. Nếu không, tất cả các
« thoả thuận chung » sẽ có nghĩa là thoả thuận nhượng chủ quyền Hoàng
Sa, Trường Sa cho Trung Quốc.
Giờ
đây, người ta có quyền nghi ngờ về một nhượng bộ quan trọng của đảng
cộng sản Việt Nam. Một số nhân sĩ, trí thức Việt Nam đã viết kiến nghị
ngày 2/7/2011 gửi bộ Ngoại giao yêu cầu giải thích về các thắc mắc nêu
trên (5). Phải chăng đây là «giải pháp hoà bình» mà tờ Hoàn cầu Thời báo
đã nhắc tới để cộng sản Việt Nam tránh khỏi một cuộc chiến tranh với
Trung Quốc.
Đảng cộng sản Việt Nam không thể bảo vệ chủ quyền đất nước
Một
chỉ dấu khác về thái độ đầu hàng của cộng sản Việt Nam sau chuyến đi
của ông Hồ Xuân Sơn là mới đây, Đại học Hoa Sen đã đình chỉ, sau một
tuần lễ khởi động, cuộc thi sáng tác logo chống đối Đường lưỡi bò phi
pháp của Trung Quốc (6).
Thái độ bất
nhất, thiếu minh bạch trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông với
Trung Quốc, đặc biệt là việc tiếp tục gia tăng trấn áp những người biểu
tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền cho thấy đảng cộng sản không
còn tư cách và khả năng để đương đầu với thử thách lớn lao mà đất nước
đang phải đối phó.
Những thành phần yêu nước trong quân đội và nhân dân sẽ có tiếng nói sau cùng.
Tiến Hồng
Rennes 7/7/2011
Rennes 7/7/2011
(1)
Vụ tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp thăm dò xảy ra tại lô 148, cách mũi Đại
Lãnh, Phú Yên 120 hải lý. Tàu Viking II bị cắt cáp, phá chân vịt xảy ra
tại lô 136 ngoài khơi Vũng Tàu, cách đuờng cơ sở khoảng 100 hải lý. Vùng
đặc quyền kinh tế được tính từ bờ là 200 hải lý, khoảng 340 km2. Vụ gây
hấn ngày 9/6 là từ 1 tàu cá được 2 tàu ngư chính của Trung Quốc hộ
tống, mặc dù tàu Viking II đã phát pháo hiệu cảnh báo, nhưng tàu cá cố
tình đâm vào khu vực lưới cáp thăm dò địa chấn, thiết bị cắt cáp chuyện
dụng của tàu TQ bị mắc kẹt trong tuyến cáp của tàu Viking II. Hai tàu
ngư chính cùng nhiều tàu cá khác của Trung Quốc đã vào giải cứu cho con
tàu này.
(2) « Khi học giả quốc tế ‘chỉnh huấn’ Trung Quốc về Biển Đông » Hoàng Phương. Thông Luận. 22/6/2011
(3) « Những buớc đi tính toán, hệ thống của TQ trên biển Đông » Tấn Vũ. Website Đảng Cộng sản. VietnamNet đăng tải. 18/6/2011.
(4) « Một buớc chuyển thật chăng ?» Hà Sĩ Phu. RFA. 14/6/2011.
(5) « Yêu cầu thêm thông tin về quan hệ với Trung Quốc » BBC. 5/7/2011.
(6) « Yêu nước nào có dễ dàng » Mặc Lâm. RFA. 6/7/2011.
No comments:
Post a Comment