Saturday, June 22, 2013

Quỷ đang thay áo: Trung Quốc đang trở nên “hiền” hơn chăng?



Vitudotutuong Tập Cận Bình sang Mỹ gặp Obama với không khí được coi là “thân thiện hóa”. Các tuyên bố bớt cứng rắn hơn trong tranh chấp biển đảo. Các hoạt động khiêu khích trên biển giảm tần suất và mức độ. Có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với Việt Nam: tướng Vịnh được xoa đầu chiêu an; Thủ tướng Dũng tiếp bí thư Quảng Tây; chủ tịch Trương Tấn Sang công du Bắc Kinh… Người ta thấy Bắc Kinh dường như có thay đổi theo chiều hướng hòa dịu. Vậy thực chất của những thay đổi đó là gì?

Trước hết, có thể khẳng định: bản chất bành trướng, xâm lược, nô dịch nước khác của tên Thủy Hoàng đế đời mới này là không có gì thay đổi. Trung Quốc bây giờ cũng như Trung Quốc hàng nghìn năm đã qua, hệ tư tưởng nước lớn duy ngã độc tôn - thực dân kiểu Tàu - đã ngấm sâu trong huyết quản, từ dân cho đến chính quyền. Chính vì thế, Trung Quốc không có bạn thực sự với bất cứ một quốc gia nào, đặc biệt là hàng xóm. Các nước ở gần Trung Quốc chỉ có thể hoặc là kẻ thù, hoặc là đày tớ của chúng. Đây là một thực tế lịch sử không có ngoại lệ.
Chỉ tính trong vòng nửa thế kỷ nay thôi, hầu hết các nước đã "có chuyện" với chúng: Việt Nam, Ấn Độ, Nga, Nhật, Campuchia, Myanma, Philippins, Indonesia... Chính Trung Quốc góp "công" lớn trong việc biến chế độ Polpot thành kẻ diệt chủng và tên lính xung kích đâm sau lưng Việt Nam. Chính Trung Quốc muốn duy trì tên "Chí Phèo" Bắc Hàn ở ngưỡng dở sống dở chết, kinh tế-kỹ thuật lệ thuộc tuyệt đối vào Trung Quốc, luôn giơ "hạt nhân" quấy đảo Hàn, Mỹ, Nhật. Bằng sức mạnh "góp gạo" của 1,5 tỷ dân, gần bằng 1/4 dân số thế giới, dù thu nhập bình quân đầu người chỉ tầm 1/10 Nhật Bản, nhưng chúng cũng thừa tiền để hừng hực phát triển quân đội. Nhật Bản chỉ cần chi vượt 1% GDP cho quốc phòng là dân họ đã biểu tình, nhưng Trung Quốc sẵn sàng chi cho quốc phòng gấp 10 lần Nhật mà dân vẫn im re. Một chính thể độc tài nhưng lại thực thi được chính sách mở cửa chấn hưng kinh tế. Sự nguy hiểm là ở chỗ đó. Nhờ phát triển kinh tế, dân không đói thì không lo bạo loạn. Nhờ độc tài, chúng tha hồ bóp nặn sức dân để tăng chi cho quân sự mà không ai dám lên tiếng.
Các diễn biến mới trong cách ứng xử của Trung Quốc với các nước cùng khu vực chỉ cho thấy chiến lược “mưu bá đồ vương” của tên cướp phương Bắc đang chuyển sang một giai đoạn mới. Chúng ta hãy nhìn vào thực tế để hiểu rõ hơn vấn đề này.

NHỮNG THAY ĐỔI VỀ TÌNH THẾ QUỐC TẾ.

Sau thời kỳ phát triển “nóng”, từ 2010 đến nay, kinh tế thế giới bước vào giai đoạn khủng hoảng và suy thoái. Trung Quốc cũng không thoát khỏi vòng ảnh hưởng đó. Từ địa vị của một cường quốc đang trỗi dậy, với một thị trường có sức hút ghê gớm, đến mức Trung quốc “muốn gì là có nấy” – kể cả bắt chẹt các nước phát triển về chuyển giao công nghệ, về thuế suất ưu đãi, về xuất khẩu, về nhượng quyền kinh doanh… - thì nay các nước đã bắt đầu có những đông thái quay lưng đối với Trung Quốc. Mỹ và châu Âu liên tiếp tẩy chay hàng nhái, hàng độc hại đến từ Trung Quốc và áp thuế chống phá giá lên các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Mới đây, Mỹ trừng phạt kinh tế Trung Quốc do vi phạm lệnh cấm vận với I-ran. Trung Quốc cũng bị cắt mất một số thương vu, hợp đồng có giá trị lớn tại Mỹ và Châu Âu.
Song song với những thất thế về kinh tế, Trung Quốc cũng bị cộng đồng thế giới lên án về các hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo và các hành vi gián điệp mạng có tổ chức. Không chỉ dừng ở các tuyên bố phản đối, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại Thái Bình Dương, tăng cường liên minh với Nhật Bản và một số đồng minh khác chĩa mũi nhọn vào Trung quốc. Có thể nói, hiện tại Trung Quốc đang đi vào thế bị cô lập toàn diện. Nếu không có những đối sách thích hợp, uy tín và vị thế của Trung Quốc sẽ xuống thấp hơn bao giờ hết.

TẬP CẬN BÌNH LÊN NGÔI, CÙNG VỚI SỰ THẬN TRỌNG TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI.

Tháng 11 năm 2012 đánh dấu sự chuyển giao quyền lực quan trọng. Vốn là người thâm trầm kín đáo, học cao, có quá trình công tác dày dạn qua nhiều chức vụ được coi là khó khăn vất vả., Tập Cận Bình đang là “ngôi sao sáng” của Trung Quốc trong thời kỳ mới. Biểu hiện từ tướng mạo cho đến phát ngôn cho thấy đây là con người thận trọng trong hành động nhưng kiên quyết trong nguyên tắc. Những động thái gần đây chứng tỏ giới lãnh đạo Trung Quốc đang chuyển hướng chiến lược, từ “vươn lên toàn diện, áp đảo toàn diện” sang “tiến vững chắc, lấn trọng điểm”.
Về kinh tế, để xóa bỏ dần hình ảnh một “quốc gia hàng nhái- độc hại-rẻ tiền”, Trung Quốc đang siết lại các định chế kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia bằng kích phát vi mô, bình ổn vĩ mô. Song song với hướng chủ đạo công khai trên, Trung Quốc cũng tiếp tục triển khai và “hệ thống hóa” một số chủ trương và biện pháp ngầm chống phá kinh tế đối với các nước có chọn lọc.
Về quốc phòng, Trung Quốc chủ trương đầu tư mạnh vào kỹ thật công nghệ nhắm vào cải tiến vũ khí hiện có, phát triển các loại vũ khí phương tiện hiện đại để theo kịp các cường quốc quân sự về chất lượng. Không tăng mạnh về số lượng, mà đi vào chiều sâu, nỗ lực tinh nhuệ hóa quân đội.
Về đối ngoại, tên cáo già ngày nay hiểu rằng: không thể một mình một lúc công nhiên xưng hùng xưng bá, chống lại cả thế giới. Tập Cận Bình điều chỉnh đường lối ngoại giao theo hướng “liên minh để chia rẽ nhóm, thỏa hiệp để đồ lợi riêng”. Có thể nói một cách hình tượng là: nuôi chó để giết sói, săn nai; hòa hổ để trói báo, trộm cừu.
Nói chung, nhiều dấu hiệu cho thấy, trước mắt là thời kỳ Trung Quốc tiếp tục “mài nanh dũa vuốt”, một mặt nâng cao vị thế quốc gia trên mọi lĩnh vực, mặt khác chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để thực hiện giấc mộng bá quyền với những bước đi vững chắc hơn. Trước sau gì chúng cũng không thay đổi dã tâm lấn chiếm biển đảo đất trời, áp đặt càng nhiều càng tốt đặc quyền nước lớn lên các nước khác cùng khu vực.

VIỆT NAM ĐANG SA VÀO “LƯỚI MỀM” CỦA TRUNG QUỐC

Sau thời kỳ ăn cướp và xâm lấn trên bộ, trên biển đối với Việt Nam, bằng nhiều hành động bẩn thỉu, nham hiểm có, trắng trợn có, Trung Quốc đã đạt được hàng loạt mục tiêu bành trướng quan trọng:
1,“Cắm chốt” được vào Tây Nguyên bằng dự án bauxite, có thể ví như đã trộm được chiếc lẫy nỏ thần của đất nước hình cánh cung, để khi cần sẽ ra tay “điểm huyệt” chí tử.
2, Đổ bộ “quân mặc áo dân” vào dãy Tây Bắc hiểm trở bằng các hợp đồng “cho thuê” rừng phòng hộ đầu nguồn hơn 300 ngàn héc ta, với chi phí cực thấp. Mỗi héc ta rừng hiện nay chúng chỉ phải nộp thuế hàng năm dao động từ 30 đến 210 nghìn đồng Việt nam, bằng “một vài bát phở tái” – theo bình luận của các bloger.
3, Xây dựng Hoàng Sa, lấn chiếm Trường Sa: làm sân bay, bến cảng, phủ sóng điện thoại, hỗ trợ dân ra định cư, xúc tiến lập chính quyền “Tam Sa”. Có thể nói, những đảo nổi đảo chìm nào hiện nay Trung Quốc chiếm của Việt Nam thì đều đã được “an bài” rồi. Việc Việt Nam đòi lại chủ quyền trong thời điểm này chỉ còn là chuyện… trong mơ.
4, Thò tay vào nội chính đảng CSVN bằng các thủ đoạn đe dọa, mua chuộc, đến mức có thể khống chế và áp đặt về tổ chức nhân sự, về kinh tế, thương mại và hoạch định chủ trương – chính sách.
Về vấn đề đảm bảo chủ quyền, trước sức ép của Trung Quốc, những cố gắng từ phía Việt Nam cũng chỉ đạt được hai thành tựu không hoàn hảo: 1, ký được Hiệp định biên giới phía bắc năm 1999; cắm được 1971 cột mốc, với những nhượng bộ tai hại theo chỉ thị của Lê Khả Phiêu – lúc đó là Tổng bí thư – làm phía Việt Nam mất khoảng 700km2 cho phía Trung Quốc, hầu hết là những cao điểm và địa danh khá quan trọng. 2, giữ được một phần khá lớn quần đảo Trường sa, bằng việc xây dựng chốt trên đảo nổi và lập gần 70 nhà nổi trên các đảo chìm, mỗi vị trí chứa được một tiểu đội lính canh phòng trang bị vũ khí cá nhân.

TẠI SAO CHÍNH QUYỀN HÀ NỘI BUỘC PHẢI ÔM CHÂN BẮC KINH?

Năm 1990, khi Liên Xô và khối Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, trên thực tế Việt Nam không những không được bất kỳ một sự bảo trợ tự phía “anh cả” Liên Xô, mà còn rơi vào vị thế cô lập, không có bạn trên trường quốc tế. Trong khi những căng thẳng với Trung Quốc vẫn tiếp diễn, chính quyền Hà Nội loay hoay tìm các liên minh mới. Mỹ là lựa chọn số Một. Tuy nhiên, nước Mỹ đời nào làm bạn với một nước Cộng Sản vừa đánh đuổi họ. Các tổng thống Mỹ đều lựa chọn con đường bình thường hóa từng bước quan hệ ngoại giao trên cơ sở các tiến bộ của Việt Nam về kinh tế thị trường và dân chủ hóa. Nhận ra xu hướng này, trong nội bộ Đảng đã hình thành nhóm muốn đưa Việt Nam vào con đường dân chủ đa đảng thực sự, dẫn đầu là giáo sư- ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách. Nhưng bộ phận lớn của đảng CSVN hiểu rằng: dân chủ và đa đảng sẽ là con đường ngắn nhất, vững chắc nhất để đánh mất quyền lực tập trung, cũng chính là con đường đổ vỡ như Liên Xô, khối Đảng sẽ mất mọi đặc quyền đặc lợi hiện có. Không có kẻ độc tài nào tự rời ghế cả. Trần Xuân Bách thất bại, mất ghế Bộ Chính trị, phải lui về làm cố vấn cho bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và qua đời trong lặng lẽ năm 2006.
Không còn “nơi nương tựa”. kể từ năm 1990, chính quyền cộng sản Việt Nam đã dần dần, từng bước một, ngả vào vòng tay không mấy êm ái của tên khổng lồ phương Bắc, bị gặm nhấm, bị ăn mòn và nay là bị khống chế về căn bản.
Ngày 19/6/2013 vừa rồi, sự kiện chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi Bắc Kinh chính thức đánh dấu một thời kỳ lệ thuộc toàn diện của chính quyền Việt Nam vào Bắc Kinh, dưới hình thức “hợp tác hữu nghị toàn diện”. Thực tế, trong cái “liên minh ma quỷ” này, đôi bên đều có những mối lợi ích kỷ to lớn.

TRUNG QUỐC ĐƯỢC LỢI GÌ KHI “HỢP TÁC TOÀN DIỆN” VỚI VIỆT NAM?

1, Bớt được một kẻ thù tiềm tàng, thêm được một “Chí Phèo” thuộc hạ, sẵn sàng tung hứng ủng hộ các hành động xâm lấn các nước khác. Bắc Kinh thừa hiểu: mọi sự căng thẳng trên biển với Việt Nam lúc này sẽ chỉ đưa lại lợi ích không cụ thể, trong khi đó lại làm tăng phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, gây nguy hiểm cho một đồng minh chính trị Cộng Sản “cùng hội cùng thuyền”. Nếu bị bức bách, Việt Nam có thể biến động theo kiểu “cách mạng hoa nhài”, và đám cháy lan sang Trung Quốc là chuyện khó tránh khỏi.
2, Tạo mối chia rẽ trong nội bộ các nước ASEAN về quyền lợi biển đảo. Khi bị chia cắt, không còn tiếng nói chung, Bắc Kinh sẽ dễ bề thao túng, điều khiển mọi cuộc chơi theo ý mình.
3, Tăng trưởng mạnh thương mại giữa hai nước mà lợi thế vốn thuộc về phía Trung Quốc, cả về cán cân thương mại lẫn ưu thế cạnh tranh. Hàng hóa tạp nham chất lượng thấp từ Trung Quốc sẽ hoàn toàn tràn ngập, biến Việt Nam thành thùng rác tiêu thụ hàng rởm - nhưng lại đẻ ra vàng thật cho Trung Quốc.
4, Củng cố các lợi thế ngoại giao đã đạt được, tiến tới chi phối toàn diện chính quyền Hà Nội, chuẩn bị cho ý đồ nô dịch kiểu mới đối với Việt nam.

CHÍNH QUYỀN HÀ NỘI ĐƯỢC LỢI GÌ KHI ĐẶT TRỌN “LÒNG TIN CHIẾN LƯỢC” VỚI TRUNG QUỐC?

1, Lợi ích “cao cả” nhất, xuyên suốt nhất: giữ ghế độc tài.
Gần đây, các cá nhân bất đồng chính kiến và hội đoàn đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền tăng cường hoạt động hơn bao giờ hết. Những tiếng nói phản kháng cất lên từ trong và ngoài nước ngày càng nhiều. Đã có những khối liên minh được thành lập. Lô gic mà các nhà dân chủ nêu ra là: đa đảng để dân chủ hóa; dân chủ để thực thi pháp quyền; Pháp quyền tạo nhà nước mạnh; nước mạnh thì mới giữ được bờ cõi. Tiến trình đó dường như là con đường không thể thay thế của Việt Nam tới tương lai mới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, với điều 4 Hiến pháp, đảng Cộng Sản được “bảo kê”. Với điều 88, điều 258 bộ luật hình sự, đảng tha hồ bắt bớ giam cầm người đối kháng trên cơ sở hình sự hóa các hành vi đấu tranh chính trị. Vì vậy, điều dễ hiểu là, phong trào phản kháng công khai ở trong nước thường ưu tiên trương khẩu hiệu “chống Trung Quốc xâm lược” để đấu tranh. Bằng việc liên minh với Trung Quốc, Hà Nội hy vọng Bắc Kinh tạm nương tay, không bắn giết ngư dân, không cướp đảo và lấn biển. Khi không còn lý do “bảo vệ chủ quyền” thì cũng không còn lý do biểu tình nữa, việc trấn áp phong trào phản kháng sẽ “chính danh” hơn, sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Mặt khác, sự liên minh giữa hai đảng cũng mở ra cơ hội liên thủ để kìm chống các phong trào đối kháng ở cả hai nước tốt hơn. Khi đó, màu sắc chính trị của Cộng Sản VN được đồng hóa với Cộng Sản Trung Quốc, và cục diện tương lai mà nhà cầm quyền Việt Nam dám hy vọng là: hai chính thể độc tài cùng cứu nhau để tồn tại, tôi nguy thì anh cũng nguy, tôi khỏe thì anh cũng khỏe. Và tất nhiên là “tôi” khỏe, vì “anh” (dường như) là con tàu không thể chìm (!)
1, Lợi ích cục bộ: khẳng định vị thế nhóm lợi ích.
Khi liên minh “tính Đảng” Sang – Trọng không thể hạ bệ được phe “thực tiền- thực quyền” Nguyễn Tấn Dũng, đã có sự phân hóa rõ rệt. Chủ trương “giữ Đảng, chống tham nhũng và không thân Tàu” của ông Nguyễn Phú Trọng đã lộ rõ hai nghịch lý cơ bản: Một là, Đảng không thể chống tham nhũng. Thậm chí có thể nói “còn đảng, còn tham nhũng, và còn mình”. Bởi trên đời này, bất cứ hình thức độc tài nào sớm muộn cũng dẫn đến đặc quyền đặc lợi. Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối. Ngày nay, chính Tham nhũng đã là sợi dây “đoàn kết nội bộ” trong các phe nhóm cầm quyền.Hai là: không thể giữ Đảng mà không thân Tàu. Điều đó chẳng khác nào muốn đi ăn cướp mà không bầu tướng cướp, như đã phân tích ở trên. Chắc chắn từ đây ông Trọng “lú” sẽ phải lui vào hậu trường, may lắm thì giữ vai trò bung xung, vô thưởng vô phạt. Trương Tấn Sang ngờ nghệch và bất định, nay sẽ là kẻ “chạy cờ” cho Ba Dũng – kẻ láu cá nhiều thủ đoạn, ngả hẳn sang phía Bắc Kinh trong cuộc chơi đu dây múa rối nhiều tập.
Độc tài tập thể - đảng, với tính chất mơ hồ vô định của nó, trước sau gì cũng chuyển hóa sang Độc tài cá nhân. Với những gì đang diễn ra ở Việt Nam, một tương lai chính trị đen tối kiểu Bắc Hàn đang hình thành ngày càng rõ nét.
(Còn tiếp phần 2: Tương lai dân tộc đi về đâu?)
21/06/2013

No comments:

Post a Comment