Ngô Nhân Dụng - Ðầu tháng trước, ông Lý Ðạo Quỳ (Li
Daokui), cố vấn Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc đã cảnh cáo nếu cuộc
thương thuyết ở Quốc Hội Mỹ bế tắc, nước Mỹ có nguy cơ vỡ nợ, đồng đô la
sẽ xuống giá, làm thiệt hại đến nhà nước Trung Quốc, vì họ đang cầm
trong tay những giấy nợ của Mỹ trị giá hơn một ngàn tỷ đô la!
Ngày
hôm qua, bà Christine Lagarde, tân chính trị Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và cựu
bộ trưởng Tài Chánh Pháp cũng lên tiếng cảnh cáo rằng nếu chính phủ Mỹ
“vỡ nợ” hoặc điểm tín dụng bị hạ xuống thấp thì cả thế giới sẽ bị vạ
lây! Cuối tuần qua, cả Tổng Thống Barack Obama lẫn Chủ Tịch Hạ Viện John
Boehner đều nói rằng họ sẽ cố đạt được một thỏa thuận trong chiều Chủ
Nhật, trước khi các thị trường chứng khoán Á Châu mở cửa, để tránh cảnh
người ta đổ xô đi bán các cổ phiếu vì lo!
Nhưng
sau đó hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ vẫn chưa đạt được thỏa hiệp nào
hết; mà các thị trường ở Á Châu vẫn mua bán thản nhiên! Trong lúc đó thì
tại thị trường chứng khoán New York Chỉ số Dow Jones chỉ xuống chút
đỉnh, hôm Thứ Hai mất 50 điểm, Thứ Ba mất 90 điểm. Mức sụt giảm nhỏ như
vậy thường xẩy ra như khi mức lời của một vài công ty lớn thấp hơn mong
đợi. Thường khi một công ty hay một chính phủ có nguy cơ vỡ nợ thì những
trái phiếu của họ bị sụt giá, vì với mức rủi ro lớn hơn mọi người muốn
phải đạt được một mức tiền lãi cao hơn mới bõ công bỏ tiền mua. Nhưng
trong mấy ngày qua các công trái 10 năm của chính phủ Mỹ vẫn vững giá,
dân đầu tư chấp nhận chỉ được lãi 3% cũng thỏa mãn rồi! Tức là người ta
hoàn toàn tin tưởng rằng cứ cho chính phủ Mỹ vay đi, thế nào cũng được
hoàn trả! Các công ty Moody hay S&P dọa sẽ hạ thấp điểm tín dụng của
chính phủ Mỹ? Nhưng các công ty thẩm lượng tín dụng chưa bao giờ hạ
điểm của một xí nghiệp hay một chính phủ nào khi thị trường vẫn còn tín
nhiệm khiến họ có thể đi vay với mức lãi suất chỉ có 3%!
Một con nợ mà chậm trả tiền lãi trong một hai ngày là coi như vỡ nợ rồi
(hỏi công ty Vinashin thì biết). Nhớ lại cuối năm 2008, Ngân hàng
Lehman Brothers phá sản, chính phủ Georges W. Bush muốn có 700 tỷ Mỹ kim
để cứu các ngân hàng. Ðề nghị này bị Quốc Hội bác bỏ, thị trường chứng
khoán khắp nơi sụt giảm mạnh, thế là cả hai đảng phải chấp thuận ngay
món tiền cựu trợ đó. Vậy mà tới hôm nay hai đảng vẫn còn găng nhau, cò
kè bàn cãi từng trăm tỷ đô la một, trong khi thị trường chứng khoán coi
như chỉ lắc đầu, nhún vai chờ đợi!
Không lẽ hàng triệu nhà đầu tư khắp thế giới lại dửng dưng không lo lắng
gì trước viễn cảnh quốc gia giầu mạnh này có nguy cơ vỡ nợ khiến kinh
tế cả thế giới bị suy trầm?
Câu trả
lời giản dị là: Người ta không tin chuyện đó sẽ xẩy ra! Lo lắng nước Mỹ
sắp vỡ nợ cũng không khác gì chuyện “Người nước Kỷ lo trời sập” trong Cổ
Học Tinh Hoa. Chắc trời sẽ không sập đâu! Chúng ta sẽ thấy khi nhìn vào
các con số.
Hiện nay nhà nước liên
bang Mỹ mang nợ hơn 14,000 tỷ đô la. Mỗi tháng Bộ Tài Chánh Mỹ phải trả
tiền lãi cho các “chủ nợ” cũ, tức những người đang cầm các trái phiếu
của chính phủ, số tiền phải thanh toán trung bình 15 đến 20 tỷ đô la.
Trong Tháng Tám này sẽ phải trả 29 tỷ, Tháng Chín chỉ dưới 10 tỷ thôi.
Trong khi đó, nhà nước vẫn thu tiền vào (đừng quên, dân Mỹ vẫn tiếp tục
đóng thuế dù trời có sập hay không), trung bình mỗi tháng nhà nước Mỹ
thu khoảng 200 tỷ Mỹ kim. Do đó, thế nào chính phủ cũng có tiền trả lãi.
Còn tiền vốn đáo hạn phải trả thì sao? Bộ Tài Chánh sẽ dùng số tiền thu
trong số 200 tỷ trên để hoàn lại chủ nợ cũ. Nhưng ngay sau khi trả nợ
rồi thì tổng số nợ xuống dưới mức trần, họ có quyền đi vay đúng số tiền
đó để bù vào ngân sách! Mỗi tuần chính phủ Mỹ vẫn cứ trả nợ rồi lại đi
vay bao nhiêu lần chưa hề ngưng.
Vấn
đề của chính phủ Mỹ không phải là vỡ nợ, mà là sẽ “thiếu tiền tiêu!”
Một tổ chức độc lập, Bipartisan Policy Center (BPC) đã tính trong khoảng
ngày 2 đến ngày 9 Tháng Tám, tổng số công trái (giấy nợ của quốc gia)
sẽ lên tới mức 14,300 tỷ, tức là đụng trần. Nếu không được vay thêm nợ,
thì chính phủ sẽ phải cắt giảm các món chi tiêu khác. BPC tính trong
Tháng Tám này, chính phủ Mỹ sẽ thu được 172 tỷ đô la; trong khi theo
ngân sách đã được Quốc Hội chấp thuận từ trước thì sẽ phải chi ra 307
tỷ.
Theo BPC, số tiền 172 tỷ đó dư
để trả tiền lãi các món nợ cũ (29 tỷ), tiền Hưu Bổng Xã Hội (Social
Security, hay SS, 49 tỷ), Medicare và Medicaid (50 tỷ), lương binh sĩ (3
tỷ), cựu chiến binh (3 tỷ). Còn lại chưa tới 40 tỷ để chi cho các mục
khác.
Bây giờ chính phủ Obama sẽ
phải quyết định đặt ưu tiên dùng món tiền 40 tỷ đó như thế nào! Thí dụ,
có thể đem chi cho các món trợ cấp thất nghiệp (13 tỷ); trả lại dân số
tiền thuế nộp dư (IRS refunds 4 tỷ); trả tiền cho các công ty cung cấp
cho bộ Quốc Phòng (32 tỷ); trợ cấp xã hội trong đó có phiếu thực phẩm
Food stamps (9 tỷ); chi cho bộ Giáo Dục (20 tỷ); cùng các cơ quan chính
phủ khác. Tổng cộng sẽ thiếu 135 tỷ. Nếu không được vay nợ mới, chính
phủ sẽ phải cắt các món chi tiêu khoảng 135 tỷ, tức là cắt 44%. Cắt món
nào, cắt của ai? Dưới thời cựu Tổng Thống Clinton (Dân Chủ), đã có lúc
chính phủ bị thiếu tiền giống như vậy; không phải vì đụng trần nợ mà vì
Quốc Hội (Cộng Hòa) không chịu biểu quyết ngân sách như ông tổng thống
muốn. Lúc đó, ông Clinton dọa sẽ không còn tiền trả lương hưu SS khiến
Quốc Hội đã phải biểu quyết một ngân sách riêng cho món này!
Bây giờ cảnh đó có thể tái diễn, nhưng có nhiều cách để bộ Tài Chánh Mỹ
vẫn có thêm tiền tiêu, ngay cả sau khi đụng trần giới hạn công trái.
Trong
số hơn 14 ngàn tỷ nợ nần đó thực các chủ nợ là ai. Tới ngày cuối Tháng
Ba năm 2011, tổng số nợ của chính phủ Mỹ là $14,270.1 tỷ (đô la Mỹ).
Trong số đó, công chúng làm chủ $9,656.6 tỷ tiền nợ, Công chúng (public)
gồm có các nhà đầu tư trong nước Mỹ và ngoại quốc, các chính phủ và
ngân hàng trung ương các nước khác mà Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Federal
Reserve system) làm chủ nhiều nhất, $1,427.4 tỷ. Ngân Hàng Trung Ương
Trung Quốc đứng hạng nhì ($1,100 tỷ) rồi đến Nhật Bản ($900 tỷ). Những
giấy nợ mà “công chúng” cầm, họ có quyền đem bán trên thị trường
(marketable), một thị trường rất năng động vì ai cũng tin rằng cho chính
phủ Mỹ vay là an toàn nhất!
Ngoài
số nợ với “công chúng” kể trên, các con nợ khác của chính phủ Mỹ là
“người nhà,” gồm những cơ quan trong chính phủ có ngân sách riêng của
họ. Tiền quý vị đi làm đóng cho những quỹ như Quỹ Hưu Bổng Xã Hội và
Medicare, vân vân, tiền các ngân hàng góp để bảo hiểm các trương mục,
các công chức liên bang góp tiền hưu riêng, đều được giữ trong những Quỹ
Tín Thác (Trust funds). Các vị quản lý những quỹ này cũng đi mua công
trái của chính phủ để sinh lời, tức là các quỹ của nhà nước Mỹ trở thành
chủ nợ của nhà nước! Giống như ông nhà nước rút tiền trong cái túi áo
cho cái túi quần vay nợ vậy!
Tổng
cộng số tiền do các “chủ nợ trong nhà” cho chính phủ vay, vào cuối Tháng
Ba năm 2011 là $4,613.5 tỷ; trong số đó có khoảng $500 tỷ không được
phép đem bán lại trên thị trường (nonmarketable), giống như sổ tiết kiệm
vậy! Số chủ nợ trong nhà này rất lớn: Social Security trust funds là
chủ nợ của $2,606.6 tỷ; Quỹ Bảo Hiểm Tai Nạn Nghề Nghiệp (Disability) có
$173.1 tỷ; Quỹ Hưu Bổng Công Chức Liên Bang (Federal employees
retirement funds) là chủ $782.7 tỷ, Quỹ Y Tế Medicare đã cho chính phủ
vay $337.3 tỷ; Bảo hiểm các trương mục ngân hàng (Deposit insurance
funds) là chủ nợ của $38.3 tỷ, vân vân.
Bây giờ chúng ta có thể thấy chính phủ Mỹ có thể “xoay sở” với các món
nợ “trong nhà” để tiếp tục có tiền tiêu mà chưa cần Quốc Hội cho phép
nâng mức trần nợ lên. Khi các Quỹ Tín Thác đem tiền của Social Security
hoặc Medicare mua những công trái không được phép bán trên thị trường
(nonmarketable) thì tổng số nợ tăng lên, tức là tiến gần mức trần hơn.
Hành động đó khiến khả năng phát hành công trái bán ra ngoài
(marketable) bị giảm. Bây giờ, muốn cho tổng số nợ khỏi đụng mức trần,
bộ Tài Chánh có thể ngưng không phát hành thêm các công trái
“nonmarketable” đó nữa, trong khi những công trái“nonmarketable” nào đáo
hạn thì tạm khoan không thanh toán vội. Hậu quả là tổng số nợ tự động
giảm xuống, dưới mức trần; nhà nước lại được đi vay thêm!
Họ có quyền làm như vậy hay không? Không có sách nào cấm cả, ít nhất là
chưa có! Trong thực tế, quỹ hưu bổng của các công chức liên bang đã
được đối xử như vậy một lần rồi! Họ cứ chờ sẽ đến lúc chính phủ có dư
tiền, sẽ đem tiền đến trả. Giống như nhà nước rút tiền trong cái túi áo
trả vào cái túi quần vậy!
Tóm lại,
viễn tượng chính phủ Mỹ vỡ nợ rất khó xẩy ra. Từ năm 1962, Quốc Hội Mỹ
đã biểu quyết nâng mức trần nợ lên 74 lần, riêng trong 8 năm thời Tổng
Thống Reagan mức trần đã được tăng lên 17 lần, thời ông Clinton 4 lần,
thời ông Bush trẻ 7 lần. Nhưng vấn đề của nước Mỹ không phải là mức trần
công trái, mà là ngân sách khiếm hụt!
Vì
chính phủ cứ được phép vay nợ đều đều nên cứ việc chi tiêu rộng rãi;
ngân sách vì thế ngày càng thâm thủng. Chính phủ Mỹ bây giờ cứ thu được 6
đồng thì chi 10 đồng, tỷ lệ thâm thủng là 40% Không một quốc gia nào có
thể cứ tiếp tục chi nhiều hơn thu, rồi đi vay nợ để bù vào như vậy mãi
mãi được! Ðây là một vấn đề người Mỹ phải giải quyết, càng sớm càng tốt.
Tổng Thống Obama vào ngồi ở Tòa Bạch Ốc đúng lúc mối lo lắng đó nổ bùng
lên (tất nhiên các đối thủ chính trị của ông góp phần chọn thời điểm
cho nó nổ). Vì thế, một quyết định giản dị là tăng mức trần nợ biến
thành một cuộc tranh luận về ưu tiên trong ngân sách! Việc tăng mức trần
nợ không ảnh hưởng gì tói kinh tế quốc gia.
Việc cắt giảm chi tiêu của nhà nước cũng như việc tăng thuế vào lúc
kinh tế đang trì trệ sẽ khiến kinh tế khó hồi phục hơn. Nếu hai đảng có
đồng ý với nhau trong mấy ngày tới, chắc chắn họ cũng đặt một thời hạn
dài, trong 10 năm, để các khoản cắt hay tăng sẽ chỉ được thi hành trong
thời hạn 2, 3 năm nữa.
Nếu kinh tế
Mỹ hồi phục rồi tăng trưởng mạnh, thì lúc đó số tiền thuế thu được sẽ tự
động tăng lên. Như đã xẩy ra thời ông Clinton, ông đã cắt giảm nhiều
chương trình xã hội giúp cho ngân sách cân bằng rồi thặng dư, đến thời
ông Bush trẻ mới biến thành khiếm hụt.
Vụ khủng hoảng tài chánh từ năm 2007 khiến số chi tiêu của chính phủ
phải tăng thêm và số thuế thu được giảm xuống! Nhưng ở Mỹ cứ một đảng
nào cầm quyền thì đảng đối lập cũng hô hoán về ngân sách khiếm hụt, để
bắt nhà nước giảm chi! Vì vậy, chúng ta được chứng kiến cảnh hai đảng
tranh cãi và những lời báo động nếu họ còn cãi nhau mãi thì nước Mỹ sẽ
‘vỡ nợ!”
Tuy nhiên, đến ngày 2 Tháng
Tám này mà hai đảng vẫn không thỏa hiệp được với nhau về mức trần công
trái, thì quý vị cứ an tâm. Nước Mỹ sẽ không vỡ nợ đâu!
NguoiViet
No comments:
Post a Comment