David Thiên Ngọc - Nhân dân VN và các dân tộc trên thế giới nếu có quan tâm đến chính trường châu Á ở thập niên 90 thế kỷ trước thì chắc không lạ gì cụm từ "Hội nghị Thành Đô". Đứng về mặt khách quan và những ai không đi sâu nghiên cứu nội tình về mối quan hệ Việt Nam-Trung Hoa đồng thời không quan trọng chú ý đến ngôn từ chính trị thì sự kiện Thành Đô tháng 9/1990 gọi là "Hội nghị" thì không có gì phải bàn luận. Riêng về chính giới và nhất là nhân dân VN có quan tâm trăn trở đến sự hưng vong của đất nước thì có thể coi sự kiện trên là "Chiếu chỉ Thành Đô". Nói như thế có chủ quan và cực đoan lắm không? Để làm sáng tỏ luận điểm của mình tôi xin các bạn cho phép tôi đi hơi xa một chút.
Quan hệ Viêt Nam-Trung Hoa:
Là một mối quan hệ luôn là thời sự nóng và nóng mãi... cho dù hàng ngàn năm trước nó cũng trải qua bao phen máu lửa, bão tố, phong ba rồi yên ả nhưng có lẽ những cơn sóng bạc đầu đó biến dạng thành những đợt sóng ngầm và âm ỉ không bao giờ tắt lịm để chuẩn bị cho thời kỳ sau bộc phát gầm lên. Xét về mặt địa chính trị thì hai nước có một sự liên quan, kết dính tự ngàn xưa bởi núi sông biển đảo liền kề... từ đó những móc xích về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa luôn ảnh hưởng cho nhau và nỗ lực tách rời, độc lập cho dù là từ phía nào cũng khó mà thực hiện. Nhưng qui luật muôn đời là "Nước chảy về vùng trũng", do đó nền văn minh, văn hóa Bắc phương hàng ngàn năm qua luôn chảy về phương Nam một cách tự nhiên và ào ạt mang theo bao hệ lụy... trong đó rực rỡ cũng nhiều và đen tối, độc hại chất chứa sự xâm thực đầy ác ý mưu mô đồng hóa thì luôn đầy dẫy và chực chờ thấm vào da thịt người dân đất phương Nam.
Nơi đây tôi chỉ trích một vài điều có liên quan để làm sáng rõ cho luận điểm mà mục đích của bài viết về sự kiện Thành Đô. Còn đi sâu vào sự xâm thực của văn hóa phương Bắc đối với đất phương Nam tôi sẽ giới thiệu từng phần trong tác phẩm nghiên cứu văn học sử "Nguồn gốc và sự phát triển của nền văn hóa Phù Nam" hầu phục vụ bạn đọc sau.
Như tôi đã nói sự liên quan về mặt địa chính trị và lôi theo phương diện văn hóa, quân sự, kinh tế... của hai nước như vậy nó đã tồn tại từ trước thế kỷ thứ 2 trước cn và từ đó cho đến nay trải qua bao thời kỳ và mỗi thời đại nó có một sắc thái đặc thù khác biệt tùy theo hoàn cảnh lịch sử của mỗi giai đoạn. Nhưng tựu chung hình thức và hoàn cảnh nào thì bọn Bắc phương cũng đứng đầu gió và dân tộc đất phương Nam luôn trong tình trạng chống đỡ, né tránh thậm chí phải chịu tang tóc, đau thương bởi những cơn thịnh nộ của cuồng phong, những mùa gió chướng, gió mùa Đông Bắc tràn về. Hành trình của mối quan hệ VN-TH từ trước thế kỷ thứ 2 trước cn đến nay trải qua 4 giai đoạn (nơi đây tôi chỉ kê lên mà không dẫn giải, chi tiết sẽ có trong tác phẩm đã nêu trên). Và vì khuôn khổ của một bài viết.
1- Thời Bắc thuộc: khoảng 1000 năm từ Âu Lạc-An Dương Vương (179 trước cn) đến khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán và sau đó lên ngôi vương năm 939 sau cn.
2- Thời Đại Việt: Cũng khoảng 1000 năm tương đương với thời Bắc thuộc. Từ khi Ngô Quyền xưng Vương đến khi đế quốc Pháp bắt đầu đặt nền đô hộ năm 1883.
3- Thời Pháp thuộc: Từ năm 1883 đến 1945 hơn 60 năm đến khi VN giành độc lập.
4- Thời hiện đại: Từ năm 1945 đến nay.
Nơi đây tôi nói một vài đặc điểm ở thời kỳ thứ 4 để có cái nhìn xuyên suốt đến chủ đề bài viết "Sự kiện Thành Đô".
Ta biết rằng khi HCM du nhập CNXH về VN là nguồn gốc từ Liên Xô, từ lúc HCM bị Pháp từ chối đơn xin nhập học trường Thuộc Địa (École Coloniale) để rồi lưu lạc qua Mạc tư Koa và được Lenin thu nhận để rồi sau đó mang chủ nghĩa Mác-Lê về gieo rắc nhuộm đỏ vùng ĐNÁ, trước mắt là Đông Dương. Do đó suốt chuỗi hành trình, đảng CSVN luôn dựa vào LX và xem Kremlin là tường thành vững chắc cho chủ nghĩa cs. Chế độ và CSVN đã từng ký hiệp định quân sự toàn diện với LX. Mặt khác trên đầu HCM và tập đoàn CSVN lại có một bóng mây đen lởn vởn che mờ và gây ra nhiều phiền nhiểu, sự cố...
Bằng những toan tính thủ đoạn, HCM và đảng CSVN không chịu cảnh bơi chèo giữa hai dòng nước và từ đó đưa cả hai tay vuốt ve, nâng khăn sửa túi cho cả hai khách đa tình mà cũng lắm nỗi bạc bẽo, mưu mô lợi dung kẻ bề tôi trong những phương diện riêng của mỗi kẻ.
Trong giai đoạn này HCM, CSVN nhận ơn mưa móc từ cả hai. Trái ngang thay, thập niên 60 thế kỷ trước hai kẻ phong tình LX-TQ lâm vào cảnh cơm không lành, canh không ngọt đưa đến rạn nứt và bất đồng quan điểm lên đến cực đại. Lúc bấy giờ sự dựa dẫm vào LX mà một mặt hai lòng với TQ của CSVN đã lộ rõ. Do đó Đặng Tiểu Bình quyết ra tay "Dạy cho Việt Nam một bài học". Thế là chiến tranh biên giới Việt-Trung nổ ra, đồng thời Đặng xúi dục Khmer đỏ tiến hành chiến tranh biên giới Tây Nam với VN rồi Gạc Ma - Trường Sa chiến sĩ VN phải bỏ mình trong lòng biển, đem máu nhuộm sơn hà bảo vệ biển đảo non sông.
Lúc này CSVN gọi Tàu cộng là "phản động" là "bành trướng,bá quyền"...v.v...thù địch, chửi bới nhau kéo dài hơn mười năm.
Qua hơn mười năm bão tố ngút ngàn, đường biên và các cột mốc biên giới Việt-Trung từ xưa đâu còn nữa và đã bị dời sâu vào lòng của Mẹ Âu cơ, hàng ngàn km2 đất dọc biên giới phía Bắc đã trở thành "nước lạ" bởi:
"Bên kia biên giới là nhà.
Bên này biên giới cũng là quê hương..." (Tố Hữu)
Cho nên ải Nam Quan, thác Bản Giốc, núi Lão Sơn... đối với dân VN còn chỉ là hoài niệm. Rồi cũng trong thời điểm này thật mỉa mai thay cho kiếp hoa chùm gởi, cho phận Cát Đằng, Phong Lan bám vào cổ thụ, cành cao mà ký sinh... CS Đông Âu sụp đổ, lâu đài điện Cẩm Linh đang chao đảo chuẩn bị đổ nhào. Đảng CSVN như kẻ lạc loài trong đêm trường mưa bão, trong tay không một chiếc la bàn, phương hướng và tầm nhìn hoàn toàn bị mất. Cơn đói khát thiếu nơi nương tựa, cảnh "Gió cát mưa sa trên nền cờ đỏ"(Trần Dần) đã hiển hiện từ xa... Đảng CSVN như "kẻ khát nước qua sa mạc..."(Nguyễn Khoa Điềm), lúc bấy giờ tập đoàn csVN khao khát được quay về với kẻ thù 4000 năm để tìm một chút hương thừa. Ngay lúc này ở trên đỉnh Hoa Sơn, chưởng môn Nhạc Bất Quần liếc nhìn về cõi trời Nam bằng nửa con mắt mà rằng: "Sóc chết ba năm cũng quay đầu về núi!!!", thế là kịch bản "Thành Đô" được viết ra và dàn dựng bởi quân sư Đặng Tiểu Bình - một chính khách được thế giới xem là nhân vật của thập kỷ 80 tk 20.
Thưa các bạn, mở đầu cho " Chiếu chỉ Thành Đô" quá dài dòng và lan man các bạn nhỉ! Nhưng không biết phải sao cho được tỏ tường. Xin các bạn thứ lỗi cho bởi cái tầm của người viết có hạn.
Từ khi VN-TQ "anh đi đường anh tôi đi đường tôi"(Xuân Diệu)... Buổi chia phôi còn đó, bây giờ cảnh "Giải cấu tương phùng"(Từ của Nguyễn Du) là niềm ước ao của tập đoàn CSVN. Do đó "Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc" là nỗi lo hàng đầu, mất ăn mất ngủ của CSVN.
CSTQ thả con mồi. VN khấp khởi với dịp may hiếm có, nhưng phập phồng lo sợ vì biết rằng TQ là con hổ luôn khát máu, đói mồi.
"Ngày 29.8.1990 đại sứ TQ tại HN Trương Đức Duy xin gặp TBT Nguyễn Văn Linh và chủ tịch hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười chuyển thông điệp của TBT Giang Trạch Dân và chủ tịch Quốc vụ viện Lý Bằng mời TBT Nguyễn Văn Linh, CTHĐBT Đỗ Mười và cố vấn Phạm Văn Đồng sang Thành Đô thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 3.9.1990 để hội đàm bí mật về Campuchia và vấn đề bình thường hóa quan hệ hai nước."(Hồi ký Trần quang Cơ).
Như kẻ chết trôi vớ được chiếc bè và một sự chuyển biến quá bất ngờ vì trước kia Trung Nam Hải khẳng định rằng chỉ khi nào vấn đề CPC được giải quyết rốt ráo rồi mới tính đến chuyện bình thường hóa quan hệ hai nước. Mới ngày 24.8.90 Bắc Kinh còn bác bỏ việc gặp cấp cao của hai đảng, hai nước như vậy đối với một kẻ đần độn cũng đủ hiểu rằng đây là một âm mưu nham hiểm và đầy cạm bẫy đen tối của CS Bắc Kinh.
Kịch bản đã viết sẵn, lệnh thiên triều cho gọi bầy tôi được ban ra. Cộng sản VN chỉ việc chấp hành, tất cả diễn biến của sự kiện Thành Đô đều diễn ra hoàn toàn trong vòng bí mật từ địa điểm đến ngày giờ và nội dung. Một sự kiện có quan hệ đến sự sống còn của đất nước mà chỉ trong một số tên đầu sỏ biết và tự giải quyết với tư thế của một bầy tôi? Đúng là tội đồ thiên cổ của dân tộc, nhân dân VN phải gánh lấy hậu quả đến đời con cháu cũng chưa phai.
Ta hãy nghe người trong cuộc tự thú:
Ông Phạm Văn Đồng nói: "...Trước khi ký văn bản do chuyên viên hai bên thỏa thuận, các đ/c lãnh đạo cần xem lại và bàn bạc xem có thể them bớt gì trước khi ký. Nghĩ lại khi họ mời TBT, CTHĐBT sang gặp TBT, CTQVV lại mời thêm tôi, tôi khá bất ngờ không chuẩn bị kỹ. Anh Mười cho là họ mời rất trang trọng, cơ hội lớn nên đi. Nhưng đi để rồi ký một văn bản mà ta không lường trước được hậu quả..." (Hồi ký TQC) đúng là cơ hội bán nước và việc ký tá của một kẻ đui mù, thiểu năng trí tuệ.
Võ Văn Kiệt xót xa: "Trong thâm tâm tôi, tôi không đồng ý có anh Tô (P.V.Đ) trong đoàn đi Thành Đô. Nếu có gặp anh Đặng (Đ.t.Bình) thì anh Tô đi là đúng. Tôi nói thẳng là tôi xót xa khi biết rằng anh Tô đi cùng anh Linh và anh Mười chỉ để gặp Giang và Lý không có Đặng. Mình bị nó lừa nhiều cái quá. Tôi nghỉ Trung Quốc luôn là cạm bẫy!"(Hồi ký Trần Quang Cơ) cũng chính từ những tư duy này mà Võ Văn Kiệt phải nhận cái chết đầy bí ẩn?
Còn việc triệu Phạm Văn Đồng qua Thành Đô theo tôi cũng chỉ là để làm nhân chứng sống với cái xác không hồn chờ ngày hạ huyệt theo Mác theo Mao và làm tác nhân để CSVN thực hiện tiếp những gì mà PVĐ cùng HCM ký kết trước đây với Tàu cộng trong đó có công hàm 1958 đầy ô nhục và bẩn thỉu gây ra bao cảnh tang thương cho dân tộc, ngư dân phải bỏ mình trong lòng biển và biết bao nhà yêu nước, tuổi trẻ phải chịu gông cùm, đánh đập dã man truy bức từ trong tù cho đến ngoài xã hội, một nhà tù lớn CHXHCNVN.
Phạm Văn Đồng tiếp: "Mình bị hớ, mình dại rồi mà còn nói sự nghiệp cách mạng là trên hết, còn được hay không thì không sao. Cùng lắm là nói cái đó...nhưng tôi không nghĩ vậy là thượng sách. Tôi không nghĩ người lãnh đạo nên làm như vậy."( H.KýT.Q.C)
Trần Quang Cơ nói: "Cuộc hội đàm Thành Đô tháng 9.90 hoàn toàn không phải là một thành tựu đối ngoại của ta, hiện tại đó là một sai lầm hết sức đáng tiếc về đối ngoại. Vì quá nôn nóng cải thiện quan hệ với TQ. Đoàn ta đã hành động một cách vô nguyên tắc. Tưởng rằng thỏa thuận như thế sẽ được lòng Bắc Kinh nhưng trái lại..."(H.ký TQC)
Nói chung từ trước đến nay trong lịch sử ngoại giao của CSVN thì sự kiện Thành Đô là một thất bại nhục nhã, ê chề làm tiêu tan con đường tiến lên của đất nước. Nơi đây ta thấy rõ TQ là một mối lo, là một sự đe dọa cực kỳ nguy hiểm làm tổn hại đến sự độc lập và toàn vẹn lảnh thổ của đất nước Việt Nam.
Trên đây là sự kiện hội nghị bí mật Thành Đô hay còn gọi là "Mật chỉ Thành Đô" mà tập đoàn CSVN cúi đầu tuân mệnh một cách mờ ám mà hơn hai mươi mấy năm qua nhân dân VN phải gánh chịu. Các cảnh nhân dân VN yêu nước bị đàn áp, đánh đập dã man, tù đày vô pháp luật đối với các ngòi bút, dân oan, tuổi trẻ cùng các nhà đấu tranh cho dân chủ, hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ... Đó là những dòng, trang trong chiếu chỉ Thành Đô I tháng 9.1990. Sau khi kết thúc hội nghị bí mật một cách mờ ám và đầy ô nhục trên, lãnh đạo csVN phải đắng cay cúi đầu cam chịu. Để xoa dịu bầy tôi, cuối cùng Giang cũng đã an ủi và tặng câu thơ của Lỗ Tấn mà rằng:
度尽劫波兄弟在,相逢一笑泯恩仇
Độ tận kiếp ba huynh đệ tại, Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu.
Dịch nghĩa: Sau kiếp nạn anh em còn đó, Trông nhau cười, thù oán sạch không !
Kiếp ba: (Thuật ngữ Phật giáo), phiên âm Phạn ngữ Kapla có nghĩa là một thời kỳ rất dài (x. Từ điển Phật học Hán Việt.)
Nghe đến đây các vị trong đoàn CSVN nở nụ cười tươi của thằng Bờm khi nhận được gói xôi từ tay Phú Ông.
Bây giờ xin mời các bạn bước vào những trang đầu của "Chiếu chỉ Thành Đô II". Gọi là Thành Đô nhưng địa điểm diễn ra tại Bắc Kinh và công khai, nội dung thì suy cho cùng ngang ngược và trắng trợn hơn và đây cũng chỉ là những bước đi tiếp theo của Thành Đô I trên con đường cống nạp để cùng nhau "Trước sau như một" tiến lên thế giới đại đồng, có nghĩa rằng không còn Tổ Quốc Việt Nam mà chỉ có một Đại Hán bao trùm thiên hạ với "Giấc mơ Trung Quốc".
Theo sự đổi thay của lịch sử và sắc màu, tình tiết của chính trường thế giới. Con đường xâm lăng của Đại Hán không còn kiểu ồ ạt kéo quân cướp giết và đặt ách đô hộ công khai như ngày xưa đã từng với dân tộc VN mà ngày nay nó biến thái với diên mạo tô vẽ muôn màu và tinh vi hơn.
Chính sách củ cà rốt và cây gậy:
Như trong bài "Tàu lạ lại đâm chìm tàu ngư dân: Cú vỗ đầu để đón chủ tịch Sang?" tôi đã viết chuyến đi Bắc Kinh kỳ này của chủ tịch Sang chỉ là đi chầu thiên triều đồng thời Trung Nam Hải vỗ đầu xoa dịu sau hàng loạt cú đập, tát vào mặt đảng csVN và hà hiếp ngư dân VN, tiện thể Bắc Kinh xem xét Hà Nội đã thực hiện các chỉ thị từ Bắc Kinh thông qua các lần đi sứ của tướng Nguyễn Chí Vịnh, tân đỉnh cao trí tệ Nguyễn Thiện Nhân như thế nào và dâng lên cho Tập Cận Bình lễ vật là những bản án đầy khắc nghiệt cho tuổi trẻ yêu nước như Phương Uyên, Nguyên Kha, các thanh niên Công Giáo. Áp bức hòng bức tử LS Cù huy hà Vũ đang ở trong tù, bắt nhốt các Bloggers Trương Duy Nhất, nhà văb Phạm Viết Đào, anh Đinh nhật Uy anh ruột của Đinh Nguyên Kha cùng các hình ảnh đánh đập dã man "các phần tử phản động, thế lực thù địch" xuống đường chống TQ xâm lược ngày 2/6/2013 tại Hà Nội để làm lễ vật dâng lên cho thiên triều.
Người xưa nói "Nhân bất học bất tri lý" còn bây giờ đảng CSVN vô học mà ham ký. Từ Phạm Văn Đồng ký công hàm 1958 bán biển đảo cho đến Thành Đô I cũng ký nhưng không biết họ viết gì, chỉ ký theo mệnh lệnh để di họa đến không biết mấy đời sau.
Bây giờ đến lượt Trương Tấn Sang.
Trong lịch sử ngoại giao từ xưa nay trên toàn thế giới chưa có một ai đại diện cho một nước nào cho dù là nhỏ bé, thiếu độc lập, thiếu tự chủ cũng chưa có một lãnh tụ nào trong một cuộc tạm gọi là bang giao vừa bước chân xuống miền đất khách chưa kịp tẩy trần mà ký một lúc 10 văn kiện như ông Trương Tấn Sang và tập đoàn ăn hại theo đuôi! Ở đây xin nói thẳng ra rằng các văn kiện đó "Họ" đã viết sẵn theo chủ ý và âm mưu của họ theo kịch bản của quân sư mà kẻ ký chỉ biết hạ bút và không được phép biết nội dung nó là gì? Đứng về phương diện Quốc Gia thì đây là hành động bán nước.
Vạch ra một vài điểm của các văn kiện đó thì ta hẵn rõ!
1- Hai nước sẽ thăm dò, khai thác dầu khí chung trên vịnh Bắc Bộ: Điều này là điều mà ông Sang và chính giới VN lo sợ nhất trong chuyến đi chầu kỳ này trước hàm cá mập Trung Nam Hải. Chỉ có hàng thiểu năng trí não mới thò tay vào ký mà thôi, trong lúc đó các nhà trí thức, khoa học yêu nước đã cảnh báo, nhắc nhở trước khi ông đi rồi. Thử hỏi chuyện đơn giản như đất vườn cây trái, hoa màu của nhà mình mà hàng xóm xấu bụng vào thu hoạch (ăn cướp trá hình) mà gọi là chung nhau, cùng nhau khai thác là sao? Năm ngoái chúng cũng đã ngang ngược kêu gọi mời thầu quốc tế các lô dầu khí của VN rồi là gì? Rồi nay mai vợ nhà mình nó cũng vào khai thác chung cũng được chắc?
2- Bộ Nông Nghiệp hai nước lập đường dây nóng để giải quyết các vụ va chạm liên quan đến ngư dân.
Điểm này là mang mặt nạ diễn tuồng. Từ xưa giờ Hán tặc bắt bớ, tịch thu tài sản, bắt vợ con ngư phủ bán nhà nộp tiền chuộc người và tàu bè của ngư dân VN thì ai là người của chính phủ, nhà nước CSVN có được một lời sẻ chia chứ đừng nói chi binh vực? Rồi việc các tàu sắt to lớn củaTrung cộng đâm thẳng vào tàu gỗ nhỏ bé của ngư dân VN làm tan nát và chìm cả người lẫn tàu cùng tài sản vào lòng biển như mới gần đây ngày 1/6/2013 và ngày 17/6/2013 thì ai là người của đảng CSVN, của bộ Nông Nghiệp VN can thiệp hay hèn nhác nói tránh ra là tàu lạ?
Nơi quê nhà thì ông Sang hô hào mạnh miệng trước ngư dân đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, trước cử tri Tp.HCM về lập trường Biển Đông. Giờ đây, trước quan thầy Bắc Kinh thì ông lại xin "Đối xử nhân đạo với ngư dân", thật là nhu nhược không biết dấu vào đâu cho hết?
Bây giờ lại bày ra lập đường dây nóng để làm gì? Khi cảnh sát biển, tàu tuần duyên VN trốn mất biệt tăm khi ngư dân bị hãm hại, bị gây tang thương chết chóc? Đường dây nóng lập ra tôi thiết nghĩ chỉ để các bên bộ Nông Nghiệp "nước lạ-nước ta" liên lạc thông đồng chia chác các chiến lợi phẩm cướp được từ ngư dân nghèo đói VN mà thôi.
3- Hai bộ Quốc Phòng hợp tác xây dựng trung tâm văn hóa...
Đây là âm mưu xâm lược văn hóa mà từ xưa giờ Trung cộng luôn quan tâm. Thậm chí gần đây bộ Văn Hóa CSVN còn dự tính đưa chương trình dạy tiếng Tàu vào hệ Giáo Dục VN, in chữ Tàu, cờ Tàu lên sách giáo khoa bậc tiểu học?
Còn đem Văn Hóa VN sang truyền bá ở TQ ư? Xưa rồi Diễm! Đừng làm trò hề để có cớ chúng truyền bá, du nhập văn hóa Tàu vào VN mà gọi là trao đổi hai bên? Trung Quốc đâu có thiếu giấy gói xôi, gói cá mà VN phải tốn tiền in ấn và cung cấp cho họ! Đừng làm nhục quốc thể thêm hơn nữa.
4- Trung Quốc Cho VN vay ưu đãi 320 triệu nhâ dân tệ rồi 45 triệu USD cho các dự án?
Đối với cá nhân thường thường bậc trung như Phạm Thanh Bình (Vinashin), Dương Chí Dũng (Vinalines), Bùi Tiến Dũng (PMU-18), Nguyễn Việt Tiến (thứ trưởng bộ GTVT), Phạm Hữu Phú (Sacombank), Hồ Hùng Anh (Techcombank), bầu Kiên (ACB), Nguyễn Đăng Quang (Masan)... thì con số tiền đó cũng chưa là cái gì ghê gớm chứ đừng nói chi đến hạng cao như thống đốc Nguyễn Văn Bình, bộ trưởng GTVT Đinh La To (Thăng)... chỉ là con số lẻ. Đó là chưa nói đến hàng chóp bu như gia đình Ba Ếch thì ôi thôi số đó chỉ là hạt cát nơi bãi biển Nha Trang, Mũi Né mà thôi. Vậy một nước siêu cường thứ 2 về kinh tế thế giới với số tiền nói trên thì đã nói lên được điều gì để thực hiện một âm mưu? Mà ở đây chỉ là cho vay ưu đãi chứ không không phải là viện trợ không hoàn lại!
Cái thâm ý ở chỗ này là Trung cộng đem ra chỉ một chiếc củ cà rốt nho nhỏ để làm mồi đối với CSVN nhằm che đậy tầm nhìn của thế giới vì trong thời gian qua dưới mắt của các chính khách, các nhà bình luận và các chính phủ thì giữa TQ và VN đang căng thẳng, sục sôi trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Làm như vậy để đối kháng lại, chứng minh ngược lại các dư luận trên đồng thời thông báo cho thế giới biết rằng hai nước cộng sản anh em luôn hòa hiếu và tương trợ lẫn nhau.
Thật ra đó là Bắc Kinh củng cố "quyền lực mềm". Đối với thế giới thì Tập Cận Bình sau khi nhậm chức chủ tịch nước đã thực hiện một loạt động thái hoạt động ngoại giao từ Nga qua Mỹ rồi các nước nhỏ khác trên thế giới. Nơi đây ông cũng không quên sử dụng con át chủ bài Kinh Tế. Đây là những động thái và qui trình xây dựng quyền lực mềm và từng bước biến nó thành "Quyền lực cứng". Lôi kéo sự ủng hộ, đồng thuận tạo vây cánh từ các nước bị quyền lực mềm khống chế để làm vũ khí một khi TQ có xảy ra vấn đề tranh chấp nào với một nước khác. Hoặc xa hơn là tranh ngôi thứ siêu cường với Mỹ và thực hiện "Giấc mơ Đại Hán".
Cụ thể trong khu vực ĐNÁ TQ đã sử dụng "Quyền lực mềm" đối với Campuchia, Thái Lan... còn đối với VN thì củ cà rốt chẳng qua là hình thức mà phía sau là cây gậy, cây gậy thật to mới là chính!
5- "Trước sau như một" kiên định 16 chữ vàng và 4 tốt.
Ở điểm này tôi xin ngài chủ tịch nước CSVN bỏ dùm hai chữ nhân dân Việt Nam trong câu"Đảng, Nhà nước và Nhân Dân Việt Nam trước sau như một, hết sức coi trọng phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với TQ". Chỉ có đảng nhà nước CSVN và đảng nhà nước CSTQ trước sau như một mà thôi. Có nghĩa rằng hai đảng cũng nhập lại làm môt và biên cương tổ quốc sẽ xóa nhòa và nhập về Đại Hán chứ Nhân Dân VN không hề đứng chung với hàng ngũ nói trên và ý đồ nhập hai đất nước làm một chỉ là giấc mơ hão huyền của Đại Hán mà thôi! Lịch sử đã khẳng định điều này.
Một điều cảnh báo cho ngài chủ tịch Sang rằng: Nếu vì áp lực của Nhân Dân mà ngài phải nói lên vấn đề Biển Đảo với TQ mà trong lúc đó ngài lại cúi đầu xin trợ giúp, đầu tư cho nền kinh tế đang chết lâm sàng do bầy sâu của các ngài đục khoét tan hoang thì việc làm đó chỉ có ở hạng người "Bất tri lý" hay ở xứ ngàn lẻ một đêm mới có mà thôi.
Thôi, tay đã nhúng vào chàm, chân đã sa xuống vũng lầy hôi thối rồi thì việc gì phải làm ngài cứ làm không thể khác được hơn nữa. Ngài cứ ký thôi nhắm mắt mà ký mặc dù ngài chưa đui mù. Bản thân ngài và gia đình ngài không hề mất đi một tế bào nào cho dù là tế bào đã chết.
Nói đến đây tôi bổng nhớ đế thời kỳ cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 thế kỷ trước ở Tp.HCM của quí ngài có một vị giám đốc một doanh nghiệp lớn bị mù bẩm sinh cả hai mắt tên "Huỳnh Là". Thế mà giám đốc mù đó vẫn điều hành công ty và hằng ngày cứ "ký mò", mò mò mà ký theo sự cầm tay hướng dẫn vị trí ký của cô thư ký có bàn tay êm như nhung... chứ ông nào có thấy và biết gì? Chung quanh ông từ bé giờ được bao trùm bởi một màn đen vô tận. Nhưng lạ thay doanh nghiệp của ông vẫn ăn nên làm ra... gia đình ông vả cả ê-kíp giàu sụ nhanh chóng và tất nhiên cô thư ký cầm tay cho ông ký chiếm một phần không nhỏ tài sản của công ty ông quản lý, một doanh nghiệp quốc doanh thời bao cấp.
Kết quả không lâu sau là hàng vạn người dân phải chết theo vì những văn bản được ký mà vị giám đốc mù không thấy và biết được nội dung như ở "Hội nghị Thành Đô I" mà các ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười đã ký, để rồi sau đó về Hà Nội ông Đồng mới than thở là ký mà không biết và lường được hậu quả của nó sẽ ra sao? Thật mỉa mai thay cho các đỉnh cai trí tệ CSVN.
Từ chỗ ông giám đốc mù Huỳnh Là và tập đoàn Mù Ba Đình được dựng lên để ký những văn bản chết người mà không hề biết là từ đâu? Cấp trên nào quyết định và giao nhiệm vụ? Đối với lão GĐ mù kia thì dễ hiểu vì cấp trên của ông còn "Mù nặng" hơn ông. Nhưng nhóm chóp bu Ba Đình này từ đâu có và ai trao cho cái quyền nguy hiểm đó! Tôi xin chào thua.
Cũng có một điều nữa cũng đáng nói là lão GĐ mù Huỳnh Là khác với các vị ở Hội nghị Thành Đô I&II là trước và sau khi ký lão GĐ mù còn nói được mục đích việc ký và thổ lộ tâm tư của mình. Còn các vị chóp bu csVN ở Thành Đô I&II vừa mù mà lại vừa câm không nói được nên lời bởi bị trái táo Tàu nó chận ngang cổ... do đó dân gian ví von đó là chứng "Mù Câm". Xin các bạn chớ "Nói lái" mà xúc phạm đến các hồn ma ở lăng Ba Đình và những lãnh tụ bị "nhị chứng nan y" Mù và Câm còn đang cầm bút ký!
Ngày 22/6/2013
No comments:
Post a Comment