Michael Lüders - Phan Ba dịch
QUẢNG TRƯỜNG TAHRIR CHÚNG TÔI LÀ NHÂN DÂN
Ben Ali vừa mới bị lật đổ trong Algeria thì cuộc Cách mạng Ả Rập đã diễn ra tiếp tục ở Ai Cập, như trong một hệ thống của những cái ống trao đổi thông tin với nhau. Tại sao lại ở đó? Tất nhiên cũng vì tròn 20 triệu người Ai Cập trong lứa tuổi từ 18 đến 29 đang chen lấn ra thị trường lao động, nhiều người được đào tạo tốt, với ít cơ hội – về mặt xã hội học là các “nhân tố lý tưởng của sự biến đổi”.
Họ yêu cầu có việc làm và tự do, họ ghê tởm sự tham nhũng tràn lan khắp mọi nơi, và họ muốn được lắng nghe và được tôn trọng. Điều đấy cuối cùng có trong hết thảy các quốc gia Ả Rập. Tuy có sự giống nhau trong cấu trúc xã hội và chính trị, nhưng vẫn có sự khác biệt giữa các nước với nhau, những cái khác biệt gợi ý tại sao cuộc Cách mạng của Tunesia lại có thể lan sang Ai Cập – chứ ví dụ như không lan sang Algeria. Ở đấy, người dân vẫn còn bị chấn thương bởi cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm. Gần như người Algeria nào, kể cả giới trẻ, cũng đều quen thuộc với hình ảnh xác chết trên đường phố.
Tương tự như trong Tunesia, sự bất bình và phản kháng cũng đã bị dồn nén lại qua nhiều năm trong Ai Cập, không chỉ riêng trong thế hệ Facebook mà cả trong giới công nhân cũng như nhân viên. Tháng 9 năm 2007, trong các thành phố thuộc đồng bằng sông Nile Kafr ad-Dawar, Al-Mahalla, Tanta và Zelfta đã xảy ra những cuộc đình công và biểu tình tự phát của những người công nhân dệt may ở đấy. Các cuộc bạo động kéo dải nhiều ngày đã tự phát bùng nổ, được các ủy ban địa phương tổ chức và đạt được thành công phần nào, ví dụ như điều kiện làm việc được cải thiện. Mặc dù người ta dùng bạo lực để chấm dứt những cuộc đình công đấy, chúng đã đưa ra một thước đo. Trong năm kế tiếp theo sau đó, nhân viên nhà nước ở Cairo đình công, trong đó là các nhân viên tài chính, những người không thu thuế hai tháng liền. Những người đình công muốn có thêm lương và những khoản phụ cấp xã hội. Họ cũng biểu tình diễu hành qua đường phố, một phần còn giơ thẻ đảng viên của đảng chính phủ NDP lên. Điều đấy khiến cho người ta khó dùng gậy đập tan những cuộc phản kháng hơn.
Thế hệ Facebook
Ở Ai Cập cũng như ở Tunisia, cuộc nổi dậy đã ở trong không khí trước khi cuối cùng rồi nó cũng nổ ra. Cuộc nổi dậy bắt đầu ở Cairo mà không có người lãnh tụ hay tổ chức, được hỗ trợ bởi những truyền thông mới. Vào ngày 25 tháng 1 năm 2011, hàng nghìn người đã xuống đường sau khi nhiều nhóm khác nhau trong Internet đã kêu gọi một “Ngày Thịnh Nộ”. Đã xảy ra những cuộc đụng độ đầu tiên với cảnh sát, những cuộc nổi dậy lan sang các thành phố khác. Chính quyền cố dùng cảnh sát và mật vụ để tái lập yên tĩnh và trật tự bằng bạo lực. Quân đội ra quân với xe tăng, nhưng không nổ súng. Có những người chết và bị thương đầu tiên, thế nhưng cuộc nổi dậy của nhân dân không còn có thể được ngăn chận lại được nữa. Mặc dù Bộ Nội vụ cắt Internet và điện thoại di động, sau buổi giảng đạo thứ sáu ngày 28 tháng 1, hàng chục nghìn người đã đổ đến Quảng trường Tahrir (“Quảng trường Giải phóng”) nằm ở trung tâm, quảng trường mà từ lúc Nasser lật đổ nền quân chủ năm 1952 và chấm dứt thời kỳ thuộc địa của Anh đã có tên là như thế. Qua đó, lần từ chức của Mubarak đã được bắt đầu đếm ngược. Phần lớn các trụ sở cảnh sát ở Cairo bị đốt cháy, cũng như trụ sở chính của đảng cầm quyền NDP. Các bộ và cơ quan nhà nước đóng cửa. Cảnh sát, lực lượng bị người dân khiếp sợ và khinh khi vì sự tàn bạo và tính tham nhũng của họ, được rút ra khỏi đường phố của Cairo theo lệnh của Bộ Nội vụ. Trong hy vọng là tình trạng lộn xộn và vô chính phủ sẽ xảy ra sau đó – để chia rẽ người biểu tình với đa số người dân. Thế nhưng người dân lại tự bảo vệ được khu phố của họ trước những kẻ hôi của và trộm cắp.
Lúc đầu, thế hệ Facebook là lực thúc đẩy, giới trẻ trung lưu thành thị. Dưới thời của Nasser, cha mẹ của họ đã thành công trong bước nhảy từ sự nghèo khổ ở nông thôn đến bước đường sự nghiệp của một nhân viên nhà nước khiêm tốn ở thành thị. Dưới thời Mubarak, họ có được một sự đào tạo tạm chấp nhận được, tuy vậy hầu như không có được một cơ hội cho việc làm. Giới trẻ này lớn lên trong một môi trường bảo thủ và xã hội Darwin mà họ đã trốn nó chạy vào trong thế giới ảo của Internet, trên đường tìm một triển vọng và các giá trị. Thế hệ Facebook là một thiểu số – đa số người dân Ai Cập là người nghèo và vô sản, thường có nguồn gốc nông thôn. Nhưng họ đã thành công trong việc thể hiện cả những hy vọng của những người đấy và thống nhất phần lớn những người cùng trang lứa đứng sau lưng mình. Lòng can đảm của họ và các công cụ giúp đỡ Facebook, Twitter và điện thoại di động đã lo phần còn lại. Chỉ trong vòng một vài ngày, con người từ tất cả các lứa tuổi và tầng lớp xã hội, công nhân cũng như giáo sư đại học, đàn ông và đàn bà, người Hồi giáo và Kitô giáo, người thành thị và nông dân, nhân viên ngân hàng cũng như thành viên công đoàn khắp nơi trong nước đã tham gia cuộc cách mạng. Tình trạng ngưng trệ về chính trị giống như trong cơn hôn mê, dãy nối tiếp nhau không bị gián đoạn của những chính phủ chuyên quyền với một pharaoh đứng đầu, biến đổi trong thời gian ngắn nhất trở thành một dòng chảy bất ngờ của quyết tâm và sức mạnh. Cuộc cách mạng Ai Cập tự tạo cho mình một con đường, phá vỡ tất cả các lý thuyết về chính trị hay xã hội. Từ sự lộn xộn đã hình thành một cung cách đối xử mang tính đạo đức đáng chú ý. Những người không quen biết nhau bộc lộ tình đoàn kết khi đối diện với quyền lực của nhà nước. Phụ nữ nông dân đưa củ hành cho những người biểu tình để làm giảm cơn đau sau những cuộc tấn công bằng hơi cay, đàn ông trẻ tuổi thảo luận với những người đồng lứa tuổi để ngăn không cho họ đập phá, người biểu tình tạo thành một hàng rào an ninh trước Viện Bảo tàng Quốc gia để ngăn chận cướp bóc. Trên Quảng trường Tahrir, nơi có cho tới hai triệu người tụ tập, đã thành hình những ủy ban để lo về cung cấp lương thực và nước uống, người bị thương được chăm sóc, cả nhà vệ sinh cũng được dựng lên. Người Hồi giáo và Kitô giáo cùng nhau cầu nguyện, Huynh Đệ Hồi Giáo nhảy múa cùng với những người đồng tính luyến ái, phụ nữ ngủ qua đêm ờ ngoài trời – những điều tối kỵ dường như đã trở nên vô nghĩa. Và cũng như trước đó ở Tunesia, những câu khẩu hiệu Hồi giáo hay của Chủ nghĩa Hồi giáo không đóng vai trò nào.
Ông Mubarak và bài diễn văn từ giã
Không chỉ diễn tiến của cuộc cách mạng là tự phát, ở Cairo cho tới tận tỉnh lẻ xa xôi nhất, cả những yêu cầu của nó cũng được thay đổi và mở rộng liên tục. Vào ngày 25 tháng 1, những người biểu tình yêu cầu các cải cách cơ bản. Sau khi nhà nước phản ứng như lệ thường, tức là với bạo lực, tiếng gọi “Irha!”, “Cút đi!” vang lên lần đầu tiên ít lâu sau đó – lời kêu gọi Mubarak từ chức. Người này phản ứng với những nhượng bộ mang tính tô điểm, cho tới khi cuối cùng có lời yêu cầu đưa ông ấy ra tòa án.
Cũng như những nhà chuyên quyền khác, Mubarak hoàn toàn không hiểu được rằng ngọn núi lửa nào đã bùng nổ ra ngay trong đất nước của ông ấy. Trong thời gian nhậm chức nhiều thập niên liền, không bị làm phiền bởi một giới đối lập thật sự, họ đã đánh mất sự tiếp xúc với hiện thực và tin rằng có thể nhờ vào một hệ thống cai trị bằng sự sợ hãi và đàn áp để chế ngự được thần dân của họ. Vào ngày 28 tháng 1, Mubarak phát biểu công khai lần đầu tiên về những cuộc nổi dậy. Phần lớn người Ai Cập đã nghĩ rằng ông ấy sẽ thể hiện sự tự phê bình. Thừa nhận lỗi lầm, đưa ra một kế hoạch thời gian cho các cải cách nghiêm chỉnh. Nếu như ông ấy làm việc đấy thì có lẽ ông ấy đã còn có thể đến được với người dân của mình. Thay vì vậy, ông ấy đã đọc một bài diễn văn trên truyền hình mà trong đó sự tự mãn và không hiểu biết hầu như không thể nào còn nhiều hơn được nữa, cái có tác động ngược hẳn lại. Mubarak tuyên bố rằng ông ấy không thể từ chức trong bất cứ trường hợp nào, và chỉ ông mới là sự bảo đảm cho an ninh và ổn định, nếu không thì đất nước này sẽ chìm vào trong hỗn loạn.
Một câu chuyện đùa được kể lại trong những ngày đấy: “Ông Mubarak, ông cần phải đọc bài diễn văn từ giã người Ai Cập ngay trong ngày hôm nay.”
“Tại sao? Tất cả bọn họ muốn đi đâu thế hả?”
Thế nhưng sự hỗn loạn, cái mà vị tổng thống đưa ra để cho rằng mình phải đấu tranh chống lại nó, là do chính hệ thống chính trị mà ông ấy là hiện thân của nó tạo ra. Những người theo Mubarak không biết làm gì hơn là, vào ngày 2 tháng 2, gửi những người cưỡi ngựa và lạc đà đến Quảng trường Tahrir, nơi họ giận dữ đánh đập điên cuồng những người biểu tình. Một hình ảnh thật là nguyên mẫu: những kỵ sĩ côn đồ nhận tiền để cố gắng bảo vệ một trật tự phong kiến. Những người biểu tình đã phải trả một cái giá cao bằng máu. Theo bản báo cáo của cơ quan tư pháp điều tra, cảnh sát đã nổ súng tùy thích, thiện xạ bắn tỉa đã giết người từ trên mái nhà, xe bọc sắt của cảnh sát đã lao vào trong đám đông, nhân viên mật vụ đã tra tấn những nghi phạm cho đến chết, những kẻ khiêu khích đã dùng dao rựa chém người biểu tình. Trên khắp nước có ít nhất là 846 người chết, trong đó có 26 cảnh sát. Phần lớn nạn nhân có vết thương do súng bắn gây ra ở đầu hay ngực. 6467 người bị thương, “rất nhiều người trong số họ bị thương ở mắt, hàng trăm người đã mù”, theo bản báo cáo điều tra dầy 400 trang mà vụ xử Mubarak và các con trai của ông ấy dựa trên đấy là chính.
Bài diễn văn trên truyền hình lần cuối cùng của Mubarak vào ngày 10 tháng 2 mang vẻ gần như bệnh hoạn, cái khiến người ta nhớ đến lần xuất hiện của sếp An ninh Quốc gia [Đông Đức] Erich Mielke trong Quốc Hội CHDC Đức trong tháng 11 năm 1989: “Tôi yêu mến tất cả các anh chị!” Xanh nhợt nhạt, Mubarak đọc quan điểm của mình về sự việc: ông ấy là người cha, người Ai Cập là những đứa con của ông ấy, những người mà ông sẽ không bao giờ bỏ rơi. Vào ngày sau đó, giới quân đội tuyên bố Mubarak từ chức.
Nhà báo người Mỹ có nhiều ảnh hưởng Thomas Frieman ngạc nhiên ghi nhận trên tờ New York Times, rằng trong diễn tiến của cuộc Cách mạng Ai Cập không có đến một lá cờ Mỹ hay Israel duy nhất bị đốt cháy. Cũng như thế trong Tunisia và các “quốc gia cách mạng” khác, ngoại trừ Jemen. Từ thời điểm của bước ngoặc, cái nhìn của Phương Tây đến vùng này đã mở rộng ra, rời Kinh Coran đi đến thế hệ Facebook. Có lẽ là lần đầu tiên, thế giới Ả Rập hưởng một “phần thưởng thiện cảm”. Thua thiệt ở đây cũng là những người phê phán Hồi giáo, những người qua nhiều năm liền đã cố gắng đưa ra thông điệp như truyền giáo, rằng đạo Hồi và hiện đại, đạo Hồi và dân chủ là không thể đi chung với nhau. Rõ ràng là có thể được, như những sự kiện tại chỗ cho thấy.
Hệ thống hy sinh ông vua pharaoh
Bây giờ sẽ tiếp tục ra sao? Thế mạnh to lớn của cuộc Cách mạng Ai Cập cũng như của cuộc Cách mạng Tunesia, tức là tính tự phát của nó, cũng đồng thời là điểm yếu to lớn của nó. Trong cả hai đất nước đều không có một Václav Havel, không có một Lech Walesa. Không có một nhân vật lãnh tụ đáng tin cậy có được sự ủng hộ rộng khắp – như trong trường hợp của Ba Lan là qua nhà thờ Công giáo và phong trào công đoàn Solidarnosc. Cũng không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, như ở Đông Âu qua Liên minh châu Âu. Ở Đông Đức, sau khi tái thống nhất, người ta có phương tiện hầu như vô hạn cho các biện pháp xây dựng hạ tầng cơ sở và hiện đại hóa. Những điều đấy không có ở Tunesia lẫn Ai Cập. Thiếu cơ sở, tiền bạc và những điều kiện khung để gắn chặt cuộc cách mạng vào các thể chế. Thành tích lịch sử, lật đổ một nhà độc tài, là một việc. Tạo dựng về chính trị trong thời gian sau đó là một việc khác. Bảo đảm tính pháp quyền, nhân quyền và đa dạng ý kiến. Xây dựng đảng phái dân chủ, không hướng đến một chúa tể đứng đầu. Thúc đẩy bình quyền cho phụ nữ. Làm rõ quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo. Làm giảm bớt các mâu thuẫn xã hội khổng lồ như thế nào? Đấu tranh chống tham nhũng và kinh tế móc ngoặc? Thay đổi tính cách? Trong giới thượng lưu mà đã quen sống trên lưng của quần chúng? Dưới các lực lượng an ninh xem việc tra tấn, đánh đập bất cứ người nào cũng là một quyền tự nhiên, không bị trừng phạt?
Nhiều thập niên liền, trong Ai Cập có một thỏa thuận không được nói ra trong giới tinh hoa, quân đội cũng như dân sự. Quyền lực chính trị và kinh tế về cơ bản là được độc quyền hóa, những “khu đất riêng” được công nhận qua lại. Điều đấy cũng có trong cả giới lãnh tụ tôn giáo, Thiên Chúa Ả Rập và Hồi giáo. Không có ảnh hưởng ra ngoài giáo hội hay không giàu có đi nữa, họ vẫn tự xem mình là đại diện cho một nền đạo đức tốt hơn hay cho một sự công bằng cao cả hơn và yêu cầu những người theo họ phải trung thành. Nhưng bây giờ vấn đề là hòa hợp sự bá chủ đó với các đòi hỏi của một xã hội dân sự đang yêu cầu quyền cùng quyết định.
Dưới áp lực của giới công chúng, hệ thống Mubarak không còn sự lựa chọn nào khác hơn là phải hy sinh ông vua pharaoh. Người đại diện tối cao của nó. Nhưng chính hệ thống đấy thì lại không bị tước đi quyền lực, cả ở Ai Cập lẫn ở Tunesia. Các mối quen biết cũ vẫn tiếp tục tồn tại, và họ sẽ bảo vệ các đặc quyền của họ. Mối đe dọa của một cuộc phản cách mạng (dần dần) là có thật. Cũng vì cơ sở xã hội cho một trật tự mới còn mỏng. Về cơ bản, nó bao gồm thế hệ Facebook cộng với các “nhà dịch vụ mới”. Giới trung lưu thành thị đấy, những người trong vòng mười, mười lăm năm vừa qua đã đạt đến thịnh vượng và tiền bạc. Tuyển mộ ra từ môi trường đấy là “xã hội dân sự” hay được nhắc đến mà những niềm hy vọng lớn nhất trong phần lớn các quốc gia Ả Rập đều dựa trên nó. Người ta có ý muốn nói đến một cộng đồng được hiểu như là lý tưởng, của những người công dân hành xử có ý thức trách nhiệm, những người, vào lúc ban đầu qua Internet hay biểu tình đông người ở bên ngoài nghị trường, đấu tranh cho tính pháp quyền và dân chủ và thúc đẩy quá trình tước quyền lực của nhà nước phong kiến và giao nó lại cho một giới công dân có định hướng thực tiễn, muốn làm việc. Cho đến nay, xã hội dân sự đấy hưởng được sự ủng hộ của một đạo quân hàng triệu người nghèo đầy hy vọng và có ý tốt mà sự hân hoan cho biến đổi của họ có thể chuyển sang thờ ơ và thất vọng, nếu như hoàn cảnh sống khiêm tốn của họ hoàn toàn không thay đổi gì.
Cuối cùng thì quân đội mang quyền quyết định. Nó là cột trụ của hệ thống Mubarak và đồng thời cũng là cột sống của quốc gia và xã hội. Và là thể chế duy nhất bảo đảm cho đất nước không tan rã. Nhưng trước hết nó là một đế chế kinh tế thực sự và nói chung là người chủ lao động lớn nhất. Phần lớn người Ai Cập đều quá trọng quân đội, chủ yếu từ những lý do về tình cảm. Quân đội này đã chiến đấu với Israel qua nhiều cuộc chiến tranh và đã trả một giá đắt bằng máu. Và ngoại trừ một vài đội đặc nhiệm trong khuôn khổ của những cuộc bạo động vì bánh mì, họ cũng chưa từng bao giờ bắn vào nhân dân của mình.
Vào lúc đầu của cuộc cách mạng, hoàn toàn không thể đoán trước là họ sẽ chống lại những người biều tình hay không. Có lẽ câu hỏi này đã được tranh cãi sôi nổi trong giới chỉ huy. Nhưng chậm nhất là đến ngày 28 tháng 1 thì người ta đã quyết định. Đơn giản là có quá nhiều người trên đường phố. Một biển máu có thể dẫn ngay đến một cuộc nội chiến. Ngoài ra, quân đội cũng có thể không tuân theo lệnh nổ súng, vì nhiều quân nhân đã đoàn kết với những người biểu tình.
Thế nào đi nữa thì thiện cảm mà giới lãnh đạo quân đội dành cho Mubarak cũng có giới hạn, ngay khi các tướng lĩnh và sĩ quan nhờ ông ấy mà mới có nhiều đặc quyền. Thế nhưng ông ấy đã phạm một đạo luật không được viết ra mà theo đó tổng thống lúc nào cũng phải là một vị tướng trong bộ quần áo dân sự. Thay vì vậy, Mubarak, tự mình là một tướng không quân được tặng thưởng nhiều huy chương, lại muốn truyền chức vụ tổng thống lại cho con trai của mình là Gamal. Người ta đã dự định trước là sẽ nâng nhà kinh tế học này qua chức vụ có nhiều ảnh hưởng của ông ấy trong đảng cầm quyền NDP lên vị trí đứng đầu của nhà nước. Là chuyên gia đầu tư, ông ấy đã học tại một ngân hàng Mỹ ở London, cái mà giới quân đội nói chung là không hề thích thú: tư nhân hóa và tự do hóa nhanh chóng, cải cách theo gương mẫu của Wall Street. Họ cũng không hài lòng với sự tham nhũng tràn lan của các bộ trưởng, với sự làm giàu không biết giới hạn của thị tộc Mubarak và với sự đầu tư không minh bạch của họ vào các công ty Mỹ – tất cả những việc đó đều va chạm đến lợi ích kinh doanh của giới quân đội.
Không làm gì được nếu như không có quân đội
Sự gắn bó chặt chẽ giữa kinh tế và quân đội bắt đầu từ thời Nasser, người chuyển giao các vị trí lãnh đạo trong công nghiệp do nhà nước chỉ đạo về cho những thành viên có công cán của giới quân đội. Dưới thời Sadat, quân đội rút ra khỏi chính trị và thay vào đó đã trở thành một quyền lực kinh tế, được tăng cường thêm sau hòa ước với Israel năm 1979. Một phần lớn công nghiệp vũ khí được sửa đổi để sản xuất sản phẩm dân sự. Quân đội thành lập một công ty mẹ riêng của mình, “Tổ chức Công nghiệp hóa Ả Rập”. Thuộc trong số các đối tác kinh doanh đầu tiên là nhà sản xuất ô tô Mỹ Chrysler, đã cải tạo những nơi sản xuất xe tăng thành xưởng sản xuất ô tô và máy giặt trong những năm 1980.
Hiếm có thông tin đã được xác minh về quân đội Ai Cập và các doanh nghiệp của nó. Tất cả những gì có liên quan đến quân đội đều được xem là bí mật quốc gia. Quân đội Ai Cập là quân đội lớn nhất trong thế giới Ả Rập, nhưng số liệu về quân số lại dao động từ 350.000 đến 500.000 người. Từ thời Nasser, chỉ riêng Tổng Thống ấn định ngân sách cho nó, không có sự tham gia của Quốc Hội. Nó không được ghi vào trong ngân sách quốc gia. Chỉ một giới nhỏ của những người trong cuộc mới biết chính xác con số và cách sử dụng của nó. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế tại Stockholm (SIPRI), ngân sách quốc phòng Ai Cập năm 2010 ở tròn bốn tỉ dollar. Đấy là ngân sách lớn nhất trong toàn châu Phi, nhưng so với những khoảng chi cho quân thiết bị của Israel (13 tỉ) và Saudi Ả Rập (38 tỉ) thì là một con số không quá lớn. Thêm vào đó mỗi năm một lần là một tỉ dollar tiền viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ. Giống như trong Ai Cập nói chung, tiền lương của một quân nhân hoàn toàn phụ thuộc vào sự chiếu cố của cấp trên. Một sĩ quan có thể lĩnh 800 dollar một tháng – nhưng cũng có thể là 50.000 dollar.
Tờ tuần báo Ai Cập Al-Yawm as Sabia ước lượng doanh thu năm của “Tổ chức Công nghiệp hóa Ả Rập” cho 2007/08 là vào khoản tròn 450 triệu dollar. Bên cạnh tổ chức này còn có một gã khổng lồ về kinh tế của quân đội, “Tổ chức Quốc gia cho các dự án dịch vụ”. Các hoạt động sản xuất và buôn bán của họ trải dài từ lương thực thực phẩm qua phân bón cho tới máy công nghiệp. Đồng thời, Bộ Quốc phòng là người sở hữu đất đai nhiều nhất trong nước. Thuộc bộ là nhiều khu phố trong Cairo, những vùng đất màu mỡ ở đồng bằng sông Nile, nhiều vùng bờ biển rộng lớn trên bán đảo Sinai và dọc theo biển Đỏ. Quân đội là nhà đầu tư trong nước lớn nhất của ngành công nghiệp du lịch và cũng chiếm ưu thế trong ngành xây dựng. Doanh thu và lợi nhuận không được đưa ra trong bất kỳ một thống kê nào. Theo các ước đoán, khoảng 10 đến 40% của tổng sản phẩm nội địa xuất phát từ các hoạt động của quân đội. Nói cách khác, quân đội là một nhà nước trong một nhà nước và – tất nhiên là – không trả thuế.
Thành viên của quân đội được chăm sóc tốt. Quân đội có trung tâm mua sắm, bệnh viện, câu lạc bộ, khách sạn riêng và chăm lo toàn bộ cho giới lãnh đạo cũng như gia đình của họ, kể cả bảo hiểm sức khỏe và lương hưu. Người Ai Cập bình thường chỉ có thể mơ những điều đó. Khác với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mà họ thường được so sánh với nó sau lần từ chức của Mubarak do họ ép buộc, họ hoàn toàn không có một dự án chính trị, nói chi cho đến một viễn tưởng. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhìn mình như là người giữ bảo tồn di sản của người thành lập quốc gia Kemal Atatürk, người đã tách biệt nhà nước ra khỏi tôn giáo. Quân đội Ai Cập nhìn trước hết là đến bản thân và những đặc quyền của họ. Họ không hề nghĩ đến việc cải mới nhà nước một cách cơ bản: củng cố xã hội dân sự, đấu tranh cho công bằng xã hội hay ủng hộ dân chủ. Ai cai trị đất nước họ cũng mặc kệ, cho tới chừng nào mà các quyền lợi kinh doanh của họ không bị đụng chạm đến. Một chính phủ thành hình từ bầu cử tự do mà chợt có ý nghĩ yêu cầu quân đội đưa ra các bản hạch toán tài chính và báo cáo kinh doanh hay còn cho sở Tài chính vào cuộc thì có lẽ sẽ có rủi ro bị đảo chính.
Đằng sau sân khấu
Theo cái nhìn của giới lãnh đạo quân đội thì những người biểu tình và các nhà cách mạng là một sự khó chịu gây bực mình. Họ ra sức hành hạ và đàn áp những người đấy, để cuối cùng rồi cũng có được sự yên bình. Đồng thời, các tướng lĩnh cũng sẵn sàng đưa Mubarak và các đại diện dẫn đầu của chính quyền ông ấy ra tòa và cho phép tịch thu tài sản của họ – hy sinh nhà vua, để xoa dịu nhân dân, để kéo dài thời gian. Người ta đừng nên có ảo tưởng: không phải bầu cử quyết định tương lai của Ai Cập, ai thắng cử cũng thế. Các nhân vật thật sự ở sau sân khấu Quốc Hội về lâu dài là a) quân đội, trong quần áo dân sự hay trong quân phục, là lực lượng mạnh nhất, b) giới thượng lưu cũ, thế nào thì cũng có quan hệ kinh doanh hết sức tốt đẹp với giới quân đội, không thích thử nghiệm, và cuối cùng c) số ít các đối tác trẻ, nhà giàu mới và người mới đến từ môi trường dotcom/startup. Ba nhóm này sẽ đặt ra khuôn khổ mà một chính phủ tương lai sẽ hoạt động ở trong đó. Chính phủ đấy chiếm lĩnh được không gian tự do nào, điều đấy phụ thuộc một cách quyết định vào sự đấu tranh, lòng can đảm và tính cương quyết của những người biểu tình và của các nhà cách mạng Ai Cập, luôn yêu cầu những quyền lợi của họ dưới hình thức những cuộc biểu tình đông người, không khiếp sợ lẫn nản lòng. Nếu không thì quân đội sẽ không có những nhượng bộ cơ bản.
Trước bối cảnh đó có thể hiểu rằng tại sao “Hội đồng Quân đội Tối cao” lại miễn cưỡng tiếp nhận quyền lực vào ngày 11 tháng 2 và tuyên bố hai điều. Về một mặt, toàn bộ các hiệp ước đang tồn tại và có hiệu lực theo luật quốc tế, đặc biệt là Hiệp ước Hòa bình với Israel, sẽ được tuân thủ. Về mặt khác, người ta sẽ giao trách nhiệm chính trị trong thời gian ngắn nhất, thời gian được nói vào lúc ban đầu là sáu tháng, về cho một chính phủ được bầu. Không phải vì tôn trọng quyền tối cao. Quân đội đứng trong ánh sáng sân khấu càng lâu thì kinh doanh trong bóng tối của họ bị đe dọa soi chiếu càng lớn. Đồng thời họ không biểu lộ một sự nhanh nhẹn nào trong lúc thực hiện các yêu cầu về chính trị của các nhà cách mạng. Đặc biệt là họ đã từ chối bãi bỏ các đạo luật của tình trạng khẩn cấp nhiều tháng liền và chỉ đồng ý cải cách từng phần Hiến Pháp.
Các đạo luật của tình trạng khẩn cấp, được đưa ra sau khi Sadat bị ám sát chết năm 1981, có trong hầu hết các nước Ả Rập ở dưới dạng tương tự, cho phép các lực lượng an ninh bắt giam mỗi một thần dân bị nghi ngờ hoạt động chống nhà nước, tức là mỗi một người đối lập và người phê phán chính phủ, mà không cần cáo trạng và cũng không có giới hạn về thời gian. Biểu tình và tụ họp mang tính chính trị bị đặc biệt cấm. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ bị giới hạn, họ không được phép nhận giúp đỡ về mặt tài chính từ nước ngoài. Kiểm duyệt được phê chuẩn qua luật. Về mặt chính thức, các đạo luật của tình trạng khẩn cấp phục vụ cho việc đấu tranh chống khủng bố và trước hết là hướng đến những người theo đạo Hồi quá khích. Thật sự thì sự độc đoán không hề có ranh giới, ai cũng có thể lọt vào tầm ngắm của “Mabahith Amn ad-Dawla” nổi tiếng (“Điều tra của An ninh Quốc gia”, SSI), An ninh Quốc gia của Ai Cập. Cho tới 30.000 người đã bị quẳng vào nhà tù dưới những quy định của các đạo luật về tình trạng khẩn cấp, cả sau cuộc Cách mạng, hàng nghìn người vào lúc đầu vẫn còn bị giam giữ.
Cơ quan SSI, dưới quyền của Bộ Nội vụ, đã tạo một chế độ khủng bố thật sự với những nghĩa trang bí mật mà người ta đã chôn vùi những người đối lập bị giết chết ở đấy, với những phòng tra tấn và phòng giam giống như từ thời Trung cổ trong các trại giam riêng. Thường người bị nghi ngờ sẽ bị bắt cóc trên đường phố. Hẳn là không có tù nhân nào của SSI mà không bị tra tấn một cách tàn bạo. Thuộc vào những thực hành thông thường trong lúc hỏi cung là sự lạm dụng tình dục. Tại nhiều trường đại học Ai Cập, sỹ quan SSI quyết định giảng viên đại học nào được nhận hay bị sa thải, ai là trưởng khoa và ai là hiệu trưởng, sinh viên nào được phép thi và sinh viên nào thì không. Giống như An ninh Quốc gia [của Đức], SSI cũng có một mạng lưới chỉ điểm và mật thám, vào cho tới tận tầng lớp cao nhất của xã hội. Thuộc vào trong đó là lãnh tụ tôn giáo, diễn viên, tổng biên tập, người dẫn chương trình truyền hình, những người được cho là lãnh tụ đối lập. Người ta cũng biết đến những việc làm của SSI và các nhóm nhân quyền cũng ghi nhận chúng. Mang vấn đề ra giới công khai là việc không được nói đến, từ những lý do dễ hiểu.
Từ nỗi lo ngại, rằng SSI có thể hủy những tài liệu buộc tội họ, những người biểu tình giận dữ đã xông vào các trụ sở chính tại địa phương của an ninh trên khắp nước trong đêm 4 rạng ngày 5 tháng 3. Không khác gì những người biểu tình Đông Đức, những người mà đã chiếm lấy trụ sở chính của An ninh Quốc gia [Đức] tại Berlin vào ngày 15 tháng 1 năm 1990. Thật sự là người sếp cuối cùng của SSI, tướng Hassan Abd ar-Rahman, đã ra lệnh tiêu hủy toàn bộ hồ sơ, việc đã được những người biểu tình ngăn chận được. Người Ai Cập đối xử như thế nào với quá khứ này, liệu họ về phần mình có thành lập một “Cơ quan Gauck” [để quản lý các hồ sơ của An ninh Quốc gia Đông Đức], đưa những người có trách nhiệm ra tòa hay tuyên bố ân xá, cũng có thể thành lập một ủy ban hòa giải theo gương của Nam Phi, là việc vẫn còn phải chờ đợi. Vào ngày 15 tháng 3, SSI đã được Bộ Nội vụ giải tán, thế nhưng người ta đã dự định thành lập mới dưới một cái tên khác và với những quyền hạn khác.
Dựa trên những tài liệu còn giữ lại được, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lâu năm của Mubarak, Habib al-Adli đã bị bắt. Ông ấy bị cho rằng đã ra lệnh cho cảnh sát bắn vào người biểu tình trên Quảng trường Tahrir. Thêm vào đấy, ông ấy bị buộc tội rửa tiền trên quy mô lớn. Ngoài ra, ông ấy cũng bị cho rằng đã giám sát và điều phối các cuộc gian lận bầu cử dưới thời Mubarak. Thuộc vào trong số những lời buộc tội của công tố viên cũng là việc ông ấy đã thường xuyên chỉ thị cho gây khủng bố, để tăng cường căng thẳng giữa người theo đạo Hồi và tín đồ Thiên Chúa Giáo Ai Cập.
Công cụ thống trị đấy, dùng bạo lực để xúi giục các xung đột sắc tộc và tín ngưỡng, nói chung là một trong những công cụ lâu đời nhất. Trong đêm đầu năm 2011, một quả bom đã nổ trong một nhà thờ Thiên Chúa Giáo Ai Cập tại Alexandria, giết chết 22 người và làm bị thương hàng chục người. Vụ khủng bố này đã gây phẫn nộ và kinh hãi khắp thế giới. Nhiều chính trị gia Phương Tây biểu lộ sự lo ngại của họ về tình trạng của những tín đồ Kitô giáo trong thế giới Ả Rập. Viện công tố buộc tội Habib al-Aldi là đã ra lệnh thực hiện.
Chính phủ lâm thời làm thất vọng
Khác với những gì được các nhà cách mạng yêu cầu, “Hội đồng Quân đội Tối cao” không sẵn sang bãi bỏ Hiến Pháp từ năm 1971 bị nhiều chỉ trích và thay thế bằng một Hiến Pháp mới. Thay vì vậy, hội đồng cử ra một ủy ban chuyên gia mười người. Họ đề nghị sửa chữa tám điều, cái cùng với toàn bộ Hiến Pháp được các nhận trong cùng một lần trưng cầu dân ý. Điều hai bị tranh cãi, nêu luật Hồi giáo như là nguồn cơ bản cho lập pháp và định nghĩa Ai Cập là một nhà nước Hồi giáo, vẫn được giữ nguyên. Ý nghĩa trong thực tế của điều này là nhỏ bé, vì luật Hồi giáo chỉ có giá trị trong lĩnh vực luật gia đình, luật hôn nhân và luật thừa kế của người Hồi giáo. Trong những trường hợp khác, luật dân sự được áp dụng, cái có định hướng đến Code Civile của Pháp. Tuy vậy, điều luật này là một sự sỉ nhục cho những người Thiên Chúa Giáo Ai Cập và cho những người Hồi giáo trần tục. Tiếp cận đề tài này rõ ràng là việc quá khó xử cho giới quân đội.
Thay đổi quan trọng nhất là ở điều 77, giới hạn thời gian giữa chức vụ tổng thống nhiều nhất là hai nhiệm kỳ và qua đó là tám năm. Đồng thời, quyền hạn của tổng thống cũng bị cắn xén mạnh – Mubarak chỉ định thủ tướng, các bộ trưởng, thống đốc, chánh án ở các vị trí cấp cao, sỹ quan, tướng lĩnh và có quyền phủ quyết tại tất cả các đạo luật. Ngoài ra, ông ấy còn có thể cai trị qua sắc lệnh và có thể giải tán quốc hội mà không cần đưa ra lý do.
Bị chỉ trích đặc biệt là điều 75. Trong đó nói rằng không ai được phép ứng cử vào chức vụ tổng thống nếu như người đấy kết hôn với một phụ nữ không phải là người Ai Cập. Điều luật này hướng rõ ràng đến phong trào đối lập mà nhiều nhà hoạt động trong hàng ngũ của họ có vợ là người nước ngoài. Cũng được cho là có vấn đề là việc theo điều 189, đầu tiên là phải có bầu cử Quốc Hội rồi sau đấy, trong một bước thứ nhì, mới triệu tập một hội nghị thành lập hiến pháp. Phong trào đối lập thích ngược lại hơn. Ho lo ngại, rằng đặc biệt là những phần còn lại của đảng NDP của Mubarak và Huynh Đệ Hồi Giáo sẽ có lợi thế qua bầu cử và sau đấy sẽ cố gắng gây ảnh hưởng có lợi cho mình lên Hiến Pháp. Mặc cho tất cả các phản bác, người Ai Cập đã bỏ phiếu với 77,2% đồng ý. Một phần, họ đã đứng xếp hàng đợi hàng giờ để tham gia lần trưng cầu dân ý đầu tiên trong lịch sử của họ. Tuy vậy, chỉ có 14,1 triệu của 45 triệu người có quyền đi bầu là đã tham gia, chưa đến một phần ba. Chắc chắn là một dấu hiệu cho thấy rằng tại nhiều nhà cách mạng, cố gắng trên bình diện chính trị phải nhường chỗ cho việc kiếm sống và lo cho gia đình. Khảo sát kết quả bầu cử cho thấy đặc biệt là giới có học và khá giả đã bỏ phiếu chống Hiến Pháp, vì họ cho rằng như thế là vẫn chưa đủ. Trong số đó cũng là ứng cử viên tổng thống Amr Mussa, tổng thư ký nhiều năm liền của Liên đoàn Ả Rập, và Mohammed al-Baradei, từng là sếp của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Hệ thống Mubarak hoạt động tốt cho tới đâu khi không có Mubarak, điều đấy đã được giới quân đội chứng minh đầy đủ. Một ví dụ của nhiều ví dụ: Rami Issam. Người sinh viên và ca sỹ 23 tuổi này là một đại diện đặc trưng cho thế hệ Facebook. Anh ấy đã soạn bản nhạc “Irhal”, cái đã trở thành bài hát không chính thức của cuộc cách mạng và trên YouTube đã được truy cập hơn nửa triệu lần. Giữa tháng 3, Rami Issam rơi vào tay của quân đội, như anh ấy thuật lại cho đài truyền hình Al-Jazeera: “Tôi đang trên đường đi đến một buổi biểu diễn trong nội thành. Khách đi đường bị quân nhân tấn công trên quảng trường Tahrir. Tôi đi đến đó để xem có việc gì xảy ra. Lính đánh đập người dân, đi kèm theo họ là một đám người thô lỗ, tùy thích lôi người ra khỏi đám đông. Người dân bị đánh đập, rồi bị bắt giam. Tôi cũng thế. Tôi có gắng giữ bình tĩnh và lúc ở trong trại hỏi cung đã cố nói chuyện với những người lính có cấp bậc cao. Họ ở trong Viện bảo tàng Quốc gia. Nhóm chúng tôi vừa bước vào viện bảo tàng thì những người lính đánh đập chúng tôi như đã phát điên lên. Bốn giờ liền. Họ cởi quần áo chúng tôi ra, hành hạ chúng tôi với súng Teaser và dí điện mạnh vào người chúng tôi. Tóc tôi cột lại thành đuôi ngựa đã bị họ cắt mất. Khi tôi nằm ở dưới đất, một sỹ quan đạp cả hai chân lên mặt tôi.”
Vào ngày 9 tháng 4 lại có hàng nghìn người biểu tình tụ tập trên quảng trường Tahrir và yêu cầu phải mang Mabarak và gia đình của ông ấy ra tòa, gia tốc quá trình dân chủ hóa. Quân đội dùng bạo lực để giải tỏa quảng trường và bắn vào đám đông, hai người bị giết chết. Blogger người Thiên Chúa Giáo Ả Rập Michael Nabil Sanad sau đấy viết rằng “Hội đồng Quân đội Tối cao” và quân đội không đứng về phía của Cách Mạng mà tiếp tục sự thống trị bằng bạo lực của Mabarak với những phương pháp cũ: bắt giam hàng loạt, tra tấn, đe dọa. Vì thế mà anh ấy đã bị một tòa án quân sự tuyên xử ba năm tù vì tội lăng mạ quân đội. Chỉ riêng trong hai tháng đầu tiên sau khi Mubarak bị lật đổ đã có hàng nghìn người của phe đối lập bị các tòa án quân đội tuyên xử, thường trong những phiên xử nhanh. Phụ nữ biểu tình trên quảng trường Tahrir bị bắt và trong một thủ tục làm nhục bị khám xét xem có còn là trinh nữ hay không. Nếu như họ không còn trinh và không kết hôn họ sẽ bị tố cáo vì “phi đạo đức”.
Tuy vậy, quân đội vẫn cho phép khởi tố Husni Mubarak và hai người con trai của ông ấy. Một ván cờ thí, như đã nói. Khác với những người biểu tình, họ không phải trả lời trước một tòa án quân sự mà là trước một tòa án dân sự.
Lúc đầu sẽ xấu đi, rồi tốt hơn?
Trong khi hết đảng này đến đảng khác thành hình và thế hệ Facebook bảo vệ những thành quả của cuộc Cách Mạng, phần lớn người Ai Cập trước hết là cứ chờ đã. Thuộc vào trong số các vấn đề lớn nhất là việc bạo lực thường hay bùng lên giữa những người Kitô giáo và người Hồi giáo, do ít nhất là một phần của tròn 200.000 kẻ chuyên đánh người hiện giờ đã thất nghiệp của chế độ Mubarak gây ra. Có những khu phố nhất định, thường là tương đối nghèo, như Embaba hay Bulaq, có thời gian bị cho là nguy hiểm cho người nước ngoài. Tội phạm hình sự tăng mạnh. Kinh tế Ai Cập trong nửa đầu của năm 2011 đã giảm phân nửa, ngân sách nhà nước có những lổ thủng kỷ lục. Nếu như không có những khoản bạc tỷ từ các quốc gia vùng Vịnh và từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế thì đất nước này đã phá sản. Du lịch, một trong những ngành mang lại ngoại tệ quan trọng nhất, đã gần như tê liệt trong năm 2011. Tất cả những việc đấy là những vấn đề và khó khăn nhất thời. Nhưng chúng cũng cho thấy rằng một cuộc cách mạng nào cũng có cái giá của nó.
Bắt đầu mới ở Tunesia cũng gặp khó khăn tương tự. Tuy vậy, giới lãnh đạo quân sự ở đấy đã không ủng hộ tổng thống từ sớm. Quân đội Tunesia, chỉ có 30.000 người, còn một vài món nợ chưa thanh toán với Ben Ali. Ông ấy đã thu nhỏ nó lại vì các lực lượng mật vụ và an ninh khác và không hề cho giới lãnh đạo của nó có được các đặc quyền như sỹ quan và tướng lĩnh ở Ai Cập hay Algeria được hưởng. Ba ngày sau khi Ben Ali chạy trốn sang Ả Rập Saudi, một chính phủ lâm thời bắt đầu làm việc vào ngày 17 tháng 1. Vì chính phủ này bao gồm cho tới phân nửa là bộ trưởng cũ của Ben Ali và thủ tướng của nó bây giờ lên làm tổng thốngn ên các cuộc phản đối vẫn còn tiếp tục trên khắp nước. Phần lớn người đồng hành với Ben Ali sau đấy đã từ chức. Thế nhưng chính phủ lâm thời vẫn còn yếu và không ổn định. Cả ở Tunesia người ta cũng cho rằng tốt hơn là bầu cử rồi sau đó mới soạn thảo hiến pháp. Giải quyết các vấn đề to lớn của đất nước như thế nào, đặc biệt là các vấn đề về kinh tế? Trong khoảng khắc này không ai có được một câu trả lời.
Thuộc những thành quả quan trọng nhất của cuộc Cách mạng Tunesia là việc An ninh Quốc gia và Cảnh sát Chính trị đã bị giải tán và hủy bỏ. Đồng thời, RCD, đảng chính phủ của Ben Ali (Hội nghị Lập hiến Dân chủ), bị giải tán, tài sản bị trưng thu. Người ta đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm các tài khoản của gia đình tổng thống ở trong và ngoài nước và đóng băng chúng nếu có thể, cũng như loại trừ dòng họ mafia của họ ra khỏi các vị trí lãnh đạo. Tuy vậy, mối nguy hiểm của một cuộc phản cách mạng vẫn còn đó. Đặc biệt là trong kinh tế vẫn còn có nhiều đại diện của chính quyền cũ, những người liên kết tốt với nhau.
Michael Lüders
Nhà xuất bản C. H. Beck
Phan Ba dịch
Nhà xuất bản C. H. Beck
Phan Ba dịch
No comments:
Post a Comment