Bùi Tín (VOA)- Ai lãnh
đạo đất nước Việt Nam hiện nay? Đảng Cộng sản ư? Đó là theo lý sự, theo
văn kiện của đảng CS, còn trên thực tế hơn 3 triệu đảng viên chẳng có
quyền hành gì. Ban Chấp hành Trung ương 200 người (175 ủy viên chính
thức và 25 ủy viên dự khuyết) vừa được Đại hội XI cử ra ư? Cũng chẳng
phải. Mỗi năm Ban Chấp hành Trung ương họp vài ba lần, dơ tay biểu quyết
vài nghị quyết do Bộ Chính trị đưa ra, ít khi có tranh luận.
Có ủy viên
trung ương suốt 5 năm, chẳng mở miệng nói một câu nào. Theo nguyên tắc
dân chủ tập trung, trên thực tế Bộ Chính trị mới là cơ quan lãnh đạo cao
nhất của đảng, cũng là cơ quan lãnh đạo duy nhất của đảng, tuy rằng
trên lý thuyết Bộ Chính trị chỉ là cơ quan cấp dưới của Ban Chấp hành
Trung ương. Đây là một nghịch lý giữa lý thuyết và thực hành, nói và làm
trái ngược nhau.
Chính vì thế mà ông
Nguyễn Văn An, nguyên chủ tịch Quốc hội, nguyên ủy viên Bộ Chính trị
khóa VIII và IX đã nhận xét rằng tất cả quyền lực của đất nước, từ lập
pháp, hành pháp và tư pháp, từ chính trị, kinh tế, quốc phòng đến đối
ngoại và văn hóa đều tập trung trong tay chiếc ngai vàng tập thể của 14
ông vua, không chia sẻ cho một ai khác. Quốc hội cũng chỉ là một công cụ
của đảng, tức là của Bộ Chính trị, của 14 ông vua ngồi chung một chiếc
ngai vàng.
Quốc hội khóa XIII gồm có
gần 500 đại biểu sắp được bầu ngày 22-5 tới đây thực chất là sản phẩm
của 14 ông vua tập thể do Đại hội XI đầu năm nay bầu ra lựa chọn và xét
duyệt.
Đầu
Xuân 2011 này, hàng loạt quốc hội ở Bắc Phi đã bị nhân dân nổi dậy giải
thể và xóa bỏ cùng với những đảng độc quyền đẻ ra các quốc hội bù nhìn
ấy. Họ gọi những quốc hội ấy là “những quốc hội ô nhục, được bầu ra một
cách ô nhục trong một chế độ độc đoán ô nhục” – Chẳng lẽ các ông vua tập
thể ở Hà Nội không hề biết gì về những chuyện thời sự nóng bỏng như
thế?
Gần đây một cuộc đàn áp đẫm máu ở
huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, đã diễn ra quyết liệt. Dân quân của
đảng, tự vệ của đảng, bộ đội địa phương huyện Mường Nhé cho đến bộ đội
tỉnh Điện Biên đều là của đảng CS đã được đìều động đến để đàn áp hơn
7.000 người dân tộc H’Mong, còn gọi là người Mèo, tay không, bồng bế trẻ
em đi đòi lại đất, rừng, nương rẫy, mồ mả tổ tiên của họ bị tước đoạt
bởi chính nhà nước này và cường hào địa phương.
Phó
thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã lên tận nơi để một mặt điều hành cuộc
đàn áp, đồng thời mặt khác để xóa vết tích “cuộc chiến tranh một phía”
này, đồng thời chỉ đạo cho báo chí lề phải đối phó với dư luận quốc tế
đang cất tiếng tố cáo mạnh mẽ cuộc đàn áp.
14
ông vua ngự trị ở Hà Nội không ngờ rằng ở Hoa Kỳ có một tập thể 20 vạn
người H’Mong tỵ nạn, trong đó có nhóm trí thức, sinh viên người H’Mong
theo dõi rất chặt cuộc sống của đồng bào họ ở Lào, Việt Nam và Trung
Quốc. Họ có phương tiện thông tin hiện đại, máy điện toán, điện thoại
cầm tay để liên lạc cập nhật với nhau, giữa trong và ngoài nước. Tổ chức
Center for Public Politics Analysis (Trung tâm Phân tích Chính sách
Công) có uy tín ở Hoa Kỳ đã lên tiếng mạnh mẽ và theo dõi sít sao sự
kiện nghiêm trọng này.
Vậy thì Bộ Chính trị Hà Nội còn định sống với ai đây?
Với
tuyệt đại đa số nông dân – chiếm 70 % số dân cả nước – các ông Vua tập
thể đã cố tình bỏ qua đòi hỏi nóng bỏng là trả lại cho họ quyền sở hữu
tư nhân về ruộng đất vốn có từ xa xưa; Quốc hội khóa XII đã lần lữa bỏ
qua không thảo luận về Luật Đất đai đã dự định trong chương trình nghị
sự; nông dân bị bạc đãi, nông nghiệp bị bỏ mặc, nông thôn biến thành bãi
rác của thành thị công nghiệp hóa, công nông liên minh chỉ còn là niềm
mỉa mai cay đắng, với một loạt cường hào cộng sản mới còn độc ác, tham
lam gấp bội bọn cường hào thời đế quốc và phong kiến. Tỉnh nông nghiệp
Thanh Hóa đang bị cơn đói to đe dọa, hàng vạn gia đình đứt bữa, trong
khi đài phát thanh khoe đã xuất khẩu 2 triệu tấn gạo từ đầu năm.
Với
lao động công nghiệp, các ông vua tập thể cấm việc lập công đoàn độc
lập, đàn áp các cuộc đình công, luôn bênh các ông chủ quốc doanh và ông
chủ tư bản nước ngoài, còn xuất khẩu lao động như buôn nô lệ ở Malaysia,
Singapore, Đài Loan, Nam Triều Tiên,Trung Đông, Hoa Kỳ. Những thanh
niên đứng ra bênh vực dân oan và dân lao động như Quốc Hùng, Huy Chương,
Minh Hạnh ở Trà Vinh đã bị 9 và 7 năm tù. Giai cấp công nhân được coi
trọng như thế đó.
Với trí thức, các
ông vua ra lệnh cấm phản biện, từ chối nền đại học tự trị, “kiên trì”
việc nhồi nhét thuộc lòng chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị toàn thế giới loại
bỏ khỏi chương trình ở mọi cấp, kiểm soát chặt internet, bỏ tù các
bloggers khảng khái, các luật sư trọng pháp luật, các chiến sỹ dân chủ
can trường, từ Nguyễn Văn Hải – Điếu Cày, Anh Ba Sài Gòn – Phan Thanh
Hải đến Cù Huy Hà Vũ, Vũ Đức Hồi, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Thanh Nghiên
và biết bao người khác.
Với tôn giáo,
họ kỳ thị đạo Gia Tô, chèn ép đạo Phật, hung dữ với đạo Tin Lành, đàn
áp các đạo Hòa Hảo, đạo Cao Đài nhân danh học thuyết cộng sản vô thần,
coi tôn giáo là “thuốc phiện”. Họ làm vua, ban cho các chức sắc tôn giáo
nào chức nghị sỹ, nào huân chương đỏ vàng, bằng khen to nhỏ, là những
cám dỗ của cuộc đời trần thế, trái ngược với tôn chỉ của giới tu hành.
Còn
đối xử với các dân tộc thì sao? Các dân tộc ở Tây Nguyên đang bị tơi
bời khói lửa trong đàn áp, tước đoạt rừng rẫy, gây hiểm họa bauxite; ở
phía Nam, dân tộc Khơ-me và Chăm bị chèn ép đồng hóa về văn hóa, và nay ở
miền Bắc là người H’Mong bị đàn áp bằng súng đạn, bằng cả trực thăng vũ
trang. Thương vong hàng mấy trăm mạng. Đây là tiêu biểu cho cuộc “chiến
tranh một phía”, một bên là lính tráng, súng đạn, trực thăng, một bên
là tay không, phụ nữ bồng bế trẻ em kêu gào, la khóc, đòi công lý.
Làm
vua ắt phải quan tâm đến toàn dân trong thiên hạ, ắt phải lo cho mọi
giới sỹ, nông, công, thương, binh. Coi tất cả các giới là đối tượng răn
đe, là thù địch thì nhà vua, dù là vua tập thể đời nay, còn định sống
với ai?
Dân gian đang truyền nhau
rằng họ chẳng cần sống với ai, không cần chơi với giới nào hết. Họ giữ
ghế, giữ quyền lực, giữ hầu bao, giữ nhóm tay chân bộ hạ, co cụm lại,
dựa vào nhau, sống với nhau trong chia chắc quyền hành, bảo vệ lẫn nhau
để tồn tại.
Nông dân, công nhân, lao
động, trí thức, giới kinh doanh tư nhân, sinh viên, học sinh, mọi tôn
giáo, mọi dân tộc, họ đều thực thi các kiểu “chiến tranh một phía”. Theo
một số nhà lý luận của Ngũ giác đài Hoa kỳ, “chiến tranh một phía”
(one-sided war) là dùng bộ máy chiến tranh để đàn áp dân chúng tay
không.
Thì ra nhóm chuyên gia Đại học
Harvard có mặt tại Hà Nội từ năm 2002 tinh đời thật. Họ nghiên cứu kỹ
và đi đến kết luận là ở Việt Nam đang hình thành một chế độ kinh tế –
chính trị mới có tính cách “phe nhóm cánh hẩu”. Chẳng có xã hội chủ
nghĩa, chẳng có chủ nghĩa cộng sản, không có chủ nghĩa dân tộc, cũng
không có chủ nghĩa tư bản đúng nghĩa, chỉ có chủ nghĩa phe nhóm, cầm đầu
bởi 14 ông vua tập thể, một danh từ do chính nguyên chủ tịch Quốc hội,
nguyên ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn An khai sinh.
Sự thật trên đây giải thích mọi sự kiện xảy ra trên đất nước Việt Nam hiện tại.
Blog Bùi Tín (VOA)
No comments:
Post a Comment