Người Buôn Gió - Lâu
rồi cứ mải miết chuyện Hoàng Sa- Trường Sa, chẳng ghé được qua nhà chị
Dương Hà. Hôm nay rảnh mò tới nhà chị, nghe kể chuyện anh Vũ bị giam
chung với hai tên tù hình sự, tình trạng anh Vũ yếu, thể chất suy do bị
bệnh tim. Nhưng tinh thần anh mạnh mẽ, vẫn tin tưởng rằng những việc
làm của mình là vì đất nước, hoàn toàn có công chứ không có tội. Trước
sau những việc làm của anh sẽ được sáng tỏ rõ ràng.
Anh
Vũ trong tù luôn tin như vậy, thế nhưng bên ngoài '' người lạ'' lại đi
lọ mọ đi phao tin anh về những chuyện cá nhân , xử sự thế này, thế kia
với người này, người nọ. Toàn chuyện không hề có thật, nhưng chán cái
kiểu cần mẫn đi từng nhà để rủ rỉ như vậy đúng là làm ăn theo kiểu ''
trăm bó đuốc vớ được con ếch''. Đánh đằng báo chí như Quý Thanh không ăn
thua, giờ chơi trò thủ công đánh tỉa vậy. Làm ăn kiểu đó thì bảo sao
giáo sư Châu không chế là '' làm xấu hổ thể diện...'' được.
Ngồi uống trà nói chuyện, bỗng
nhà hàng xóm mở nhạc không lời, loại nhạc tiền chiến bài Thu Quyến Rũ.
Chị Hà ngưng lời dỏng tai nghe, lát sau rớm nước mắt nói.
- Cứ nghe nhạc này lại nhớ anh Vũ, ở nhà anh hay nghe nhạc loại này lắm.
Rồi loanh quanh, chị nhắc đến bài viết của mình về ông Lộc Vàng. Chị bảo
- Hay là rảnh, chị và em đến ông đó đi, chị nghe về ông ý cũng thương tâm quá.
Hai chị em cơm bụi xong, đến
quán Lộc Vàng. Quán vắng teo, sơ sài mái lá, bàn ghế tre, ông chủ quán
đang ngồi ngả người trên ghế vẻ ưu tư, mệt mỏi. Trước mặt là bao thuốc
với ấm trà. Hình như ông đang suy tư chuyện gì đó không vui lắm.
Ông Lộc Vàng khách sáo mãi ,
dường như cảnh giác là thói quen của những người từng là nạn nhân trong
nhà tù chế độ ưu việt của ta. Nhưng biết chị Hà là vợ anh Vũ, ông ồ lên
rồi nói chuyện khác hẳn. Ông kể về nỗi oan khuất mà ông đã phải chịu đến
chục năm tù, chỉ vì những bài hát vô hại, người ta quy ông là hát nhạc
của bọn đế quốc, thực dân. Ông vào trại tù họ lập đội văn nghệ của
trại, bảo ông tham gia, ông nhất định không tham gia. Cho dù ở đội văn
nghệ nhàn nhã, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Chỉ hát hò, tập
dượt rồi đến ngày lễ lạt, chào mừng, tuyên dương này nọ hát dăm bài, thế
nhưng ông Lộc Vàng đi vác gạch chứ không vào đội ấy.
Sao mà lại tù chứ ? ông Lộc Vàng
hỏi đầy u uất. Giờ người ta hát nhạc đó đầy, ti vi phát đầy, cả nước
hát đầy. Sao lại bắt tù cơ chứ.? Rõ là tôi bị oan.
Ông nghẹn giọng, rồi ông òa
khóc. Ông kể về vợ ông lúc ông bị bắt đi tù, vợ ông làm ở đoàn nghệ
thuật. Trưởng đoàn nói xấu về ông, vợ ông mắng lại, rồi bỏ làm ngay tức
khắc. Về nhà đi ra đường bán hàng rong, một gánh bún đậu, nón lá như bao
người bán hàng rong lam lũ khác, rảo đôi quang gánh trên các phố
phường. Chắt bóp nuôi con, nuôi chồng đằng đẵng cả chục năm. Ai biết
được người phụ nữ trẻ bán bún đậu rong ấy mới hôm nào đó là ca sĩ của
một đoàn nghệ thuật, có tem phiếu, chế độ, đãi ngộ mà khối người mơ ước.
Câu chuyện của người đàn ông bị
đi tù oan khuất kể trong tiếng nấc nghẹn ngào nước mắt. Tôi chưa bao giờ
chứng kiến được người đàn ông nào rơi lệ khi nhắc đến vợ mình với vẻ
đầy biết ơn, đầy yêu thương như vậy. Những lời kể về năm tháng đọa đầy
trong tù ngục mà ông đã chịu chỉ để minh họa cho nỗi khổ đau, vất vả mà
người phụ nữ chung thủy giơ đôi vai gầy yếu san sẻ cùng ông.
Tôi cúi xuống xoa mặt mình, tôi
nhớ đến mẹ tôi và gánh hàng rong của mẹ trong những năm bố tôi ở tù. Lúc
tôi ngẩng lên thấy chị Hà đang dàn dụa nước mắt, chị sụt sịt lấy túi
giấy lau dòng lệ.
Thật không biết nói thế nào, ông
trời thật trớ trêu. Người phụ nữ đang có chồng oan khuất trong tù, hàng
ngày lo lắng, nhớ thương cho chồng quên cả bản thân mình, bỗng lại được
nghe một người đàn ông khác cũng từng bị oan khuất trong tù kể về nỗi
niềm thương xót người vợ của mình ở nhà tần tảo, lo toan. Cảm xúc dồn
nén bật ra trong tiếng nức nở và nước mắt.
Chia
tay ông chủ quán Lộc Vàng, trong đầu tôi vang vẳng lời trong nhạc phẩm
Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, người nhạc
sĩ cũng từng đi tù cải tạo 10 năm.
- ..cho người này gợi nhớ thương người kia..
Sao
mà đắng cay quá bác Nguyễn Văn Đông ơi, ông Lộc Vàng gợi niềm đau xót
cho chị Dương Hà, hay chị Dương Hà gợi niềm đau xót dĩ vãng trở lại
trong ông ?
No comments:
Post a Comment