Monday, March 4, 2013

Nên dân chủ hóa trước Trung Quốc



Bùi Tín - Tình hình chính trị tại Việt Nam và Trung Quốc đang có một điểm tương đồng. Ở cả 2 nước, thời gian gần đây đều có phong trào dẫn đầu bởi các trí thức yêu cầu đảng CS chấp thuận ý nguyện của nhân dân là chủ động cùng toàn dân chuyển hẳn từ hệ thống chính trị độc đảng sang hệ thống chính trị đa đảng.

Ở Trung Quốc từ năm 2008 đã có Hiến chương 08, được hơn 300 người ký đầu tiên, về sau lên đến hơn 8.000 ngừơi, do nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba đề xướng. Năm 2010 ông Lưu được tặng giải Nobel Hòa Bình. Mới đây một kiến nghị nữa do giáo sư Trương Thiên Phàn tại Đại Học Bắc Kinh soạn thảo được 72 trí thức ký tên đồng thuận, chỉ rõ đổi mới kinh tế đã chậm hẳn lại do không có đổi mới hệ thống chính trị đi theo. Bản kiến nghị còn yêu cầu đảng, nhà nước và nhân dân soạn thảo hiến pháp mới theo hướng dân chủ đa nguyên.
Gần đây nhà báo Hoa Kỳ gốc Trung Quốc Pei Minxin viết trên mạng Nhà Ngoại giao – The Diplomat – cho rằng ở Trung Quốc đang có 5 luồng đấu tranh đòi dân chủ, đó là các nhóm Thiên An Môn; nhóm trí thức trẻ trong Pháp Luân Công; các nhóm luật sư ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồng Kông; nhóm các nhà kinh doanh vừa và nhỏ bị chèn ép; và thế lực của một số đảng viên CS kỳ cựu có uy tín, kể cả một vài tướng lĩnh trẻ. Giáo sư Pei tin chắc rằng nền dân chủ đa đảng sẽ đến trong thời gian không xa. Ông tính rằng trong thế kỷ XX, một chế độ độc đoán sống lâu nhất là 73 năm ở Liên Xô (1917 – 1990), chế độ độc đoán ở Mexico thọ 71 năm, chế độ độc đoán ở Đài Loan cũng chỉ sống được 73 năm. Trung Quốc hiện ở năm độc đoán độc đảng thứ 64, do đó giáo sư Pei cho rằng Trung Quốc độc đảng chỉ có thể tồn tại trong vài năm, tình hình hiện tại đang báo trước cho sự kiện tất yếu ấy. Thời gian tới sẽ rất có thể có khủng hoảng tài chính sâu rộng, khủng hoảng môi trường nước và chất độc rộng lớn, cuộc cách mạng internet làm thanh niên trí thức nổi dậy kiểu Thiên An Môn, nông dân bất mãn bổ sung lực lượng cho cuộc đấu tranh… buộc đảng CS phải nhượng bộ, cải cách chính trị sâu rộng để tránh sụp đổ.
Việt Nam hiện ở vào năm độc đoán thứ 68; 2 năm nay cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tuy phát triển từ từ nhưng vững chắc. Nỗi sợ cường quyền giảm đi trông thấy. Lực lượng trẻ vào cuộc ngày càng đông đảo, chị em phụ nữ ta thật kiên gan, các em sinh viên, học sinh cũng thấy không thể sống như thế này khi nhìn ra nước ngoài để so sánh. Nông dân ta có truyền thống quật khởi, gắn bó với ruộng đất do cha ông mình khai phá. Cả tầng lớp trung lưu bị chèn ép, dồn vào thế bần cùng hóa, phá sản, quyết dành quyền kinh doanh bình đẳng.
Bất công xã hội sâu rộng đang rèn nên nỗi hờn căm kẻ bóc lột chiếm hết thành quả của phát triển, chỉ để lại cho nhân dân ít cơm thừa canh cặn.
Viên chức cấp trung gian và thấp không nuôi nổi gia đình. Anh em bộ đội và công an hiểu rõ thân phận mình chỉ còn là kẻ trông nhà cho nhà giàu bất lương mới, hiểu rõ nhiệm vụ của mình trước hết là bảo vệ nhân dân, bảo vệ đồng bào, bảo vệ những người yêu nước chống bành trướng và xâm lược, bảo vệ các chiến sỹ dân chủ đang chiến đấu hy sinh cho toàn xã hội.
Một vấn đề cấp bách và lý thú lúc này là đặt ra vấn đề ta nên chờ cho Trung Quốc chuyển sang thể chế dân chủ đa đảng với bản hiến pháp mới như các trí thức Trung Quốc đề nghị, hay việc ta ta cứ làm, nếu đạt trước họ thì càng hay.
Tôi nghĩ đây là một suy nghĩ có ý thức lành mạnh, cũng không viển vông, xa vời.
Việt Nam có nhiều lợi thế so với Trung Quốc. Không nhỏ cũng không quá to rộng. Gọn nhẹ dễ xoay sở vận động, không mênh mông nặng nề như Trung Quốc. Trung Quốc còn đèo bòng chịu gánh nặng an ninh nội bộ rất căng từ 4 phía: Mãn Châu, Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng, luôn phải đề phòng nổi dậy quy mô lớn.
Ta đi trước Trung Quốc trong xây dựng nền dân chủ đa nguyên là lập tức gia nhập vào hệ thống các nước dân chủ thế giới, là thắt chặt ngay liên minh toàn diện với các nước dân chủ lớn, từ gần đến xa như: Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Liên hiệp châu Âu, Hoa Kỳ, Canada. Riêng chuyện này đã cho ta một thế và lực khác hẳn. Đây chính là thế Phù Đổng. Tiếp đó , trong ASEAN quan hệ Việt Nam với Indonesia, Philippines, Malaysia, và Thái Lan sẽ thay đổi về chất vì VN không còn là nước thuần túy Cộng sản.
Trước con mắt bành trướng Bắc Kinh, Việt Nam sẽ được trọng nể khác hẳn trước, tuy rằng họ rất cay, vì Việt Nam dám đi trước Trung Quốc trên con đường dân chủ thật sự, tiến bộ hơn họ một bước dài.
Lúc ấy phong trào dân chủ Trung Quốc sẽ coi Việt Nam như một tấm gương, một căn cứ hữu nghị hỗ trợ cho phong trào dân chủ trong nước.
Lúc ấy Trung Quốc sẽ nổi bật là nước Cộng sản gần như duy nhất còn sót lại, một cái đuôi Cộng sản đồ sộ, cồng kềnh, khó coi và hiếm hoi trên trái đất. Nhân dân Trung Quốc sẽ đòi hỏi chặt bỏ sớm cái đuôi tủi hổ ấy vì nó đang làm ô nhiễm trái đất đã sang thế kỷ XXI.
Bên Trung Quốc nguyên thủ Tướng Ôn Gia Bảo từng tỏ ý mong mỏi Trung Quốc sẽ thực hiện bầu cử dân chủ rộng rãi vào khoảng 5 năm nữa, trước năm 2020. Hiện đang mở rộng bầu cử dân chủ ở làng xã, thí điểm ở quận huyện, có tự do ứng cử. Nhưng xem ra Tổng Bí thư mới Tập Cận Bình không mặn mà lắm. Hiện có 8 đảng tham gia Hội nghị Chính trị Hiệp thương Trung Hoa đều do đảng CS lập ra làm đồ trang sức. Các trí thức Trung Quốc yêu cầu cải tổ tận gốc các đảng ấy để thật sự là những đảng độc lập tự chủ, bình đẳng tranh đua với đảng CS.
Khả năng Việt Nam đi trước Trung Quốc trên con đường dân chủ hóa có nhiều thuận lợi cũng như những khó khăn. Chỉ cần nhân dân ta tỏ rõ ý nguyện. Để xây dựng dân chủ đa nguyên đa đảng cần vận động xây dựng một đảng mới, có thể do một nhóm đảng viên CS cùng một số người ngoài đảng CS đứng ra vận động, dựa theo quyền tự do lập hội đựơc Hiến pháp bảo vệ. Đảng CS coi đó là đảng anh em trong cộng đồng dân tộc, cùng hợp tác, cùng ganh đua đấu tranh, theo luật định, không được dùng bạo lực, vu cáo, kỳ thị chủng tộc với nhau. Sinh hoạt chính trị trong xã hội sẽ sôi nổi, lý thú, phong phú.
Việc làm này sẽ có lợi cho toàn dân, cho xã hội, nạn lãng phí tham ô sẽ bị đẩy lùi rõ, đảng CS sẽ giữ mình trong sạch, kết quả phát triển được xã hội chung hưởng. Một sự kiện trong tầm tay
© Bùi Tín – VOA

No comments:

Post a Comment