Saturday, February 2, 2013

Đọc “Bên thắng cuộc” để tìm sự đồng thuận cho hiện tại và tương lai



Tiêu Dao Bảo Cự 1.2.2013 - Cuốn sách Bên thắng cuộc của tác giả Huy Đức vừa mới ra đời đã tạo thành một hiện tượng, nhiều người tìm đọc, giới thiệu cho nhau, ngợi ca và phê phán. Một cơn sốt trong dư luận như thế này là điều hiếm có từ một cuốn sách khá khô khan.

Về bản thân cuốn sách Bên thắng cuộc
Nội dung của Bên thắng cuộc không phải là vấn đề mới. Lịch sử Việt Nam sau 1975, ai đã từng trưởng thành trong giai đoạn này mà không sống trải, chiêm nghiệm hay nghe, biết ít nhiều về những gì đang trào sôi trên đất nước và ảnh hưởng đến từng số phận con người. Cái mới ở chỗ tác giả đã tập trung vào một số chủ đề nổi cộm với cách trình bày sáng sủa, đầy ắp tư liệu để cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng thể, sinh động và liên tục.
Có người nói cuốn sách không trình bày được toàn bộ sự thật về giai đoạn lịch sử này. Điều ấy tất nhiên và đòi hỏi đó là một yêu cầu vô lý. Ai, cuốn sách nào có thể trình bày được như thế? Không ai cả, nếu không phải là hàng trăm cuốn sách và một độ lùi lịch sử vài ba chục năm nếu tình hình thuận lợi, không còn độc đảng toàn trị, độc quyền viết lịch sử.
Có người ở ngành lịch sử trong nước than: ước gì chúng tôi có thể có tư liệu và tự do để viết như Huy Đức, một người làm báo. Người viết sử chính thức trong hệ thống chỉ được phép sử dụng tư liệu chính thống và viết theo quan điểm chính thống. Làm sao có sự thật lịch sử.
Có người còn nói về thể loại, cho rằng Bên thắng cuộc không phải là sách lịch sử, không có giá trị. Sao lại phải gọt chân cho vừa giày? Thiếu gì sách lịch sử “đúng kiểu” mà lại chẳng có bao nhiêu lịch sử trong đó. Tác phẩm làm ra các thể loại chứ không phải thể loại làm ra tác phẩm. Điều này đúng không phải chỉ cho lịch sử mà còn trong  văn học nghệ thuật. Thí dụ có nên tranh cãi tiểu thuyết và truyện ngắn cần phải có cốt truyện hay không. Đơn giản là cuốn Bên thắng cuộc viết về đất nước thời kỳ sau 1975 và giá trị của nó ở chỗ mang lại điều gì có ích cho người đọc.
Bên thắng cuộc có nhiều điều mới và không mới, đúng và không đúng, đối với người này người khác. Chuyện “tuẫn tiết”, tù cải tạo, vượt biên, không thể nào Huy Đức biết được nhiều, đầy đủ và thấm thía bằng những người trong cuộc, nhất là khi nhiều người trong số họ sau khi ra nước ngoài đã viết bút ký, hồi ký về chuyện của mình và những người đồng cảnh. Cũng những chuyện đó và nhiều chuyện khác, thế mạnh của Huy Đức là người có hiểu biết, có tư liệu đặc biệt của bên thắng cuộc mà nhiều vấn đề đến nay vẫn chưa được phổ biến công khai. Những cuộc phỏng vấn, chuyện trò cá nhân, các hoàn cảnh và tâm tình riêng tư của giới lãnh đạo được đưa vào không phải là những “chuyện vặt vãnh” mà chính là giúp soi rọi thêm tình hình, vì lịch sử không chỉ là những sự kiện khô khan, những con số, ngày tháng, chủ trương chính sách mà do con người cụ thể tác động, nhất là những người nắm quyền lực.
Có những vấn đề tuy đã chú ý tập trung nhưng  Huy Đức cũng không thể nào giới thiệu đầy đủ như chuyện “cởi” và trói” thời Nguyễn Văn Linh, chỉ riêng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và báo chí. Tác giả đã không đề cập cơn sóng phản kháng đòi tự do dân chủ cuồn cuộn trong giới văn nghệ và báo chí ở nhiều tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên, Miền Nam, kể cả trong một số báo Đảng và những hệ lụy sau đó. Đây chỉ là một nhận xét, dĩ nhiên không thể đòi hỏi quá nhiều ở tác giả trong một cuốn sách viết toàn diện về một thời kỳ dài phức tạp như thế.
Giá trị nội dung của bản thân Bên thắng cuộc, chính là lịch sử, hay hoàn cảnh đất nước từ sau 1975, được tái hiện một cách công phu, tập trung, với tư liệu phong phú, có thể tin cậy, một cách tương đối khách quan, bằng bút pháp trong sáng của một nhà báo có tâm, có nghề, được chuẩn bị một cách có ý thức và khoa học qua nhiều năm tháng, với ý chí và ý định rõ rệt muốn mang lại sự thực cho một giai đoạn lịch sử hiện tại, đáng lý rõ rệt thì lại quá mù mờ.
Các nguồn tư liệu riêng và chung phong phú, với hàng nghìn chú thích nghiêm túc (cuốn I có 608 chú thích, cuốn II có 654 chú thích), không chỉ về những vấn đề sau 1975 mà còn ngược về quá khứ nhiều năm trong những sự kiện liên quan, cho thấy sự làm việc cẩn trọng, cần mẫn của tác giả. Có thể đã có những sai sót đây đó nhưng có lẽ do vô tình chứ không phải cố ý của tác giả.
Vì mục đích nói về bên thắng cuộc nên những tư liệu đưa ra cũng chủ yếu của bên này. Có những tư liệu chứng tỏ sự dối trá rõ rệt và đó là dối trá của nhà cầm quyền chứ không phải là dối trá của người trích dẫn, như ta có thể thấy khi tác giả đưa ra những tư liệu trái ngược chung quanh chuyện cải tạo. Thí dụ một trích dẫn trên báo Tin Sáng mô tả “không khí trong các trại cải tạo từa tựa như một trại hè” trước khi giới thiệu một lá thư của người chồng là sĩ quan đang cải tạo gởi cho vợ. Người đọc có thể thấy dụng ý mỉa mai của tác giả chứ không phải đồng tình khi cố ý đưa ra trích dẫn đó một cách khách quan và đặt trong bối cảnh bi đát của toàn bộ chuyện cải tạo.
Những cách đọc Bên thắng cuộc
Bên thắng cuộc chắc chắn là một cuốn sách đáng để đọc, nội dung của nó không tranh luận, tranh cãi với ai nhưng vừa mới ra mắt đã tạo nên nhiều dư luận ngược chiều, tranh luận, tranh cãi đến mức cực đoan và chắc chắn chuyện này còn tiếp diễn. Đây là hiệu ứng thành công và đáng mừng của một tác phẩm.
Trừ một số bài viết dù ở bên này hay bên kia, có nhận định một cách khách quan, phần lớn các bài viết chống cuốn sách ở cả hai phía thắng và thua cuộc (kể cả việc biểu tình chống dù chưa đọc sách), đều chứng tỏ “hội chứng chính nghĩa” của cuộc chiến trước đây đến nay vẫn chưa chấm dứt mà còn tiếp diễn một cách gay gắt khi sự ra đời của cuốn sách kích động lên.
Dĩ nhiên có một số sự kiện lịch sử trước và sau 1975 vẫn chưa được soi sáng đầy đủ và chưa có nhận định thống nhất từ nhiều phía do tính chất mù mờ phức tạp của lịch sử và quan điểm, chính kiến của người trong cuộc. Tuy nhiên tâm trạng rõ rệt của những người chống cuốn sách vẫn là phe ta, đường lối chính sách của phe ta có chính nghĩa, ai nói khác đi đều là thứ phản bội, tội đồ của dân tộc. Chính điều này đã góp phần làm lịch sử “giẫm chân tại chỗ” khi đáng lý phải vùng vẫy thoát ra khỏi vũng bùn của máu và nước mắt.
Về tựa đề Bên thắng cuộc và tên hai phần của cuốn sách (Giải phóngvà Quyền bính), có lẽ tác giả Huy Đức đã nghiền ngẫm sâu xa và sự lựa chọn có sức gợi nhiều ý nghĩa.
Bên thắng cuộc vì sau 1975 đất nước thuộc về bên thắng cuộc, bên phải chịu tránh nhiệm trước dân tộc và  lịch sử, hiện tại và mai sau. Tác giả là người đã trưởng thành, làm việc và chiêm nghiệm trong bộ máy cai trị, có cái nhìn cận cảnh từ bên trong, hi vọng có thể đưa ra một tiếng nói về sự thật, khác với tiếng loa đồng ca một chiều đinh tai nhức óc như hình chụp dùng làm bìa cho tác phẩm.
Giải phóng nhưng những điều diễn ra sau đó với cải tạo, vượt biên, đánh tư sản, ngăn sông cấm chợ… lại không hề mang ý nghĩa giải phóng. Ngược lại  thực tế đã chứng minh nhân dân Miền Nam và cả nước lại đi vào vòng trói buộc, vào cảnh trì trệ thay vì cất cánh như đáng ra phải có sau khi đã “thống nhất đất nước, quy giang sơn về một mối”. Chưa kể đến gợi ý trong lời mở đầu của tác giả, đây là Miền Bắc giải phóng Miền Nam hay ngược lại.
Quyền bính bộc lộ bản chất của một tập đoàn khi đã nắm được quyền lực cai trị. Trình độ kém cỏi trong xây dựng đất nước thời bình, bệnh giáo điều, chủ quan duy ý chí và kiêu ngạo cộng sản; sự quyết đoán của những cá nhân lãnh đạo không đủ tầm và tâm; các cuộc đấu đá nội bộ để tranh giành quyền lực; “lỗi hệ thống” mang tính bao trùm mà những cá nhân dù có thiện chí và ý chí cũng không sao xoay chuyển…
Trong Quyền bính không phải không có những điều tích cực nói về những người lãnh đạo và những người cộng sản. Sinh ra và trưởng thành trong nô lệ và chiến tranh, nhiều người không được học hành. Họ thường xuất thân là nông dân nghèo, làm thuê, ở đợ rồi “tham gia cách mạng”. Không được học hành không phải lỗi ở họ. Tuy nhiên sau đó họ đã học trong trường đời và đấu tranh cách mạng, với ý chí kiên cường, chịu đựng gian khổ và chấp nhận hi sinh lớn lao. Khi ở vai trò lãnh đạo, nhiều người cũng đã hết sức ưu tư về tình hình đất nước, khiêm tốn học hỏi, lắng nghe các trí thức chuyên gia để tìm ra những quyết sách đúng. Tác giả cũng đã không giấu thiện cảm đối với một số người, đặc biệt đối với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Đội ngũ các chuyên gia và các trí thức tham mưu cũng đã ra sức tìm tòi cái mới của thời đại, học hỏi các nước láng giềng và phương Tây, tham mưu cho lãnh đạo thoát khỏi bế tắc. Nổi bật là vấn đề kinh tế thị trường, cho dù vẫn còn “cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa”, sử dụng công nghệ thông tin tiên tiến, đa phương hóa, từng bước đi vào hội nhập toàn cầu. Kết quả dù quá chậm nhưng đất nước đã không rơi vào vực thẳm.
Tuy nhiên mọi cố gắng đó đều chỉ đạt thành tựu rất thấp, không tương xứng với năng lực của một dân tộc không kém cần cù và thông minh so với bất cứ dân tộc nào khác, sau khi đất nước đã thống nhất. Nguyên nhân chính là “lỗi hệ thống”, bắt nguồn từ sự độc tài đảng trị, bám chặt giáo điều cổ hủ vì sợ “chệch hướng xã hội chủ nghĩa” và sự vận hành của guồng máy đã đè bẹp mọi cá nhân có ý muốn cưỡng lại, cho dù họ ở cấp cao nhất như Võ Văn Kiệt, Trần Xuân Bách, Trần Độ…
Bên cạnh đó, vì liên minh ý thức hệ và muốn có chỗ dựa để giữ vững độc quyền lãnh đạo, những người cộng sản cầm quyền đã lọt vào gọng kềm của Trung Quốc, trở thành một mối họa lớn cho dân tộc. Đảng Cộng sản rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, loay hoay giữa hai nguy cơ “mất nước hay mất Đảng”.
Tác giả Bên thắng cuộc không minh nhiên nói ra những điều trên nhưng qua những gì được trình bày một cách khách quan, chi tiết, cả chiều rộng và chiều sâu, người đọc có thể cảm nhận rất rõ thông điệp nào đã được gởi đi từ cuốn sách.
Cho dù những điều trên là đúng như thế, tác giả có phải là một kẻ nói xấu Đảng, phản bội đất nước như một số báo chí trong nước quy chụp, hay là một tên cộng sản tay sai tuyên truyền cho Nghị quyết 36 như một số người ở hải ngoại quy kết? Thật nực cười khi có hai kết luận trái ngược nhau như thế về cùng một cuốn sách và một tác giả.
Lịch sử đã qua và đang đi qua từng ngày. Phải nhận rõ quá khứ nhưng càng phải thấy rõ hơn bước đi cho hiện tại và tương lai. Hận thù hay kiêu căng về quá khứ để tranh phần chính nghĩa không ích lợi gì cho số phận và tương lai dân tộc. Thực tế lịch sử, những người cộng sản đã là bên thắng cuộc và cũng thực tế họ đang đưa đất nước vào nguy cơ. Vấn đề là phải làm gì có hiệu quả để giải quyết nguy cơ trước mắt và kiến tạo tương lai chứ không phải nguyền rủa nhau. Đọc Bên thắng cuộc chính là cơ hội để mọi người nhìn lại toàn bộ tình hình một cách tỉnh táo.
Trong những ngày tháng gần đây không ít người thuộc nhiều thành phần, trước hết là trí thức và đảng viên có lương tri thực sự lo cho dân tộc đã đặt ra những vấn đề cấp thiết, đặc biệt mới nhất trong Lời kêu gọi thực thi quyền con người và Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992: Dân chủ hóa đất nước, chống độc tài đảng trị, giải quyết nguyên nhân của mọi nguyên nhân đưa đến tham nhũng, kinh tế suy thoái, văn hóa, đạo đức xã hội trên đà băng hoại, trước mắt cấp bách là chống Trung Quốc xâm lược.
Đây là nhiệm vụ của toàn dân tộc không trừ bất kỳ ai, kể cả Đảng Cộng sản cầm quyền nếu Đảng muốn còn tồn tại dù có cầm quyền hay không. Ai phá hoại nhiệm vụ này mới là kẻ phản bội tổ quốc.
Đà Lạt 31/1/2013

No comments:

Post a Comment