Phạm Toàn - Dân gian có câu ca Tò vò mà nuôi con nhện, đến khi nó lớn nó quyện nhau đi…Có mà Giời biết bên trong tổ con tò vò thực sự có gì, nên câu ca này cũng có nghĩa tương đương với xanh vỏ đỏ lòng, hoặc với câu Sông sâu còn có kẻ dò…
Bên Tây thì có chuyện về thần Hermes, cái đồng chí thần này chuyên làm nhiệm vụ truyền tin, thông báo những “Lời” của Đấng Sáng tạo Tối cao. Nhưng cái nhà ông thần này lại có tính chơi khăm, nghịch ngợm, ông ấy hay lỡm thiên hạ, bằng cách thông báo “Lời” của Bề trên một cách ỡm ờ, úp mở, thậm chí có khi còn cắt xén nữa cho thiên hạ mỏi cổ đoán mò rồi thì tha hồ mỏi miệng cãi nhau.
Dựa theo cái tâm lý người đời thể hiện trong cách cư xử của thần Hermes, các nhà khoa học đương thời mở ra khoa Hermeneutics (hoặc tiếng PhápHerméneutique) được gọi cho gọn là khoa Văn bản học mà nhiệm vụ của nó là tìm hiểu, giải mã, lý giải về bản chất của một văn bản.
Xin đừng hiểu “văn bản” chỉ là những bài văn viết. Một tượng đài là một văn bản. Một lễ hội là một văn bản. Một cách ăn mặc cũng có thể là một văn bản nốt. Gần đây, Việt Nam có vài “văn bản” gây tranh cãi như Đinh La Thăng, Vương Đình Huệ, Nguyễn Chí Vịnh, và gần hơn nữa có cái văn bản cực kỳ “hot” Nguyễn Bá Thanh.
Về Đinh La Thăng, từ hôm ông ta nhậm chức rồi đi “mua” dư luận trên những tờ báo dễ tính về việc ông ta đi làm bằng xe buýt, thì kẻ viết bài này chỉ nhún vai coi trò quảng cáo đó là vô cùng rẻ tiền, ai ngu lắm mới tin ông ta giỏi.
Sao dám nói thế? Một người lãnh đạo khi đụng vào một việc gì là phải nhằm nghiên cứu về sự vật đó và tìm cách làm cho cái sự vật đó đẹp lên, tốt lên. Người ta không cần một lãnh đạo hà tiện cả đời ăn cơm muối vừng và đi xe buýt. Người ta cần anh ta chị ta đi xe buýt và thấy ngay mình cần làm gì, cơ quan mình cần làm gì, chính phủ mình cần làm gì, để xe buýt trở thành phương tiện friendly với mọi người.
Với Đinh La Thăng, sau vài ba chuyến đi xe buýt, tình hình loại hình giao thông công cộng vô cùng quan trọng này trước sau vẫn y như cũ. Trên xe buýt có một cái biển Nội quy hành khách đi xe buýt mà ngay cái tên đã thiếu văn hóa. Một em bé học lớp Hai học kỹ từ Hán Việt sẽ thấy “nội quy” là quy định trong nội bộ một cộng đồng. Nội quy của cán bộ và nhân viên hãng xe buýt chẳng hạn. Hành khách đi xe buýt là một đám đông chứ không phải là một cộng đồng. Nếu là một viên Bộ trưởng có học vấn tử tế từ lớp Hai, thì hẳn phải nhìn thấy điều sơ đẳng đó. Hà Nội xe buýt có nội quy, Sài Gòn xe buýt không có nội quy, xe của hai nơi phục vụ tốt ngang nhau, vậy thì làm cả ngàn tấm biển nội quy ở Hà Nội là tiêu phí ngần ấy tiền.
Bạn sẽ nói: ô hay, nói chuyện gì lặt vặt? Đấy chính là cốt lõi gây khuyết điểm (có khi tội lỗi) cho nhiều thứ hoạt động ở nước ta: các quý vị cán bộ anh nào cũng thích là “lãnh đạo” (bây giờ thì rất vênh vang với chữ “quan chức”), không thấy mình là một người làm những việc cụ thể.
Đây là một số việc mà lao động cụ thể Đinh La Thăng dễ dàng tìm ra mà xử lý. Ở điểm chờ xe buýt, dễ dàng thấy cảnh người người rủ nhau nhảy qua rào chắn giữa đường để chuyển sang bến xe buýt chuyển tiếp mình cần đi. Ai không tin xin mời lên cuối đường Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội) và cứ theo tần suất 5 phút sẽ được chứng kiến chừng mười thượng đế của ngành Giao thông leo rào như khỉ.
Chờ xe xong thì lên xe. Thật điếc tai vì những bản nhạc vô cùng thiếu văn hóa của mấy ông lái xe và phụ xe (Nói cho công bằng, cũng lại có tuyến buýt rất êm ả dùng loa thông báo các bến đỗ). Đó chính là chỗ “nội quy” cần tác động vào cộng đồng lao động xe buýt: trên xe, loa dùng để làm gì và chỉ dùng vào việc gì và chỉ được dùng vào lúc nào. Đến bến đỗ, xe phải dừng bao lâu, và chỉ được lăn bánh khi có hiệu lệnh của ai (thời Pháp thuộc, anh “xơ-vơ” bán vé kiêm việc canh cửa cho người lên đủ thì giật chuông ra hiệu cho xe chạy).
Và còn nhiều thứ nữa xoay quanh chỉ một việc Bộ trưởng đi xe buýt không chỉ là vấn đề đi xe buýt mà là đi để thanh sát… Nhưng thôi, tôi là người có nghề nghiệp khác, tôi viết bài này chỉ là để sẽ bàn tới chuyện khác, chứ tôi đâu đã đến nỗi phải đi thanh sát xe buýt! Nên dừng chuyện Đinh La Thăng ở đây.
Và sang chuyện Nguyễn Bá Thanh. Nếu Đinh La Thăng bộp chộp dễ hở sườn, thì Nguyễn Bá Thanh giỏi tâm lý hơn, và biết lúc nào nên xông lên và lúc nào nên ngồi im. Để ý mà coi: trong các cuộc họp Quốc hội, Nguyễn Bá Thanh rất ít nói, ngồi họp thường cúi mặt gườm gườm, thấy rõ cái tâm trạng muốn “nổ” lắm nhưng kiềm chế.
Ông ta chỉ nổ ở lãnh địa của mình. Nhưng ngay ở đây, ông cũng không nổ chuyện Cồn Dầu, mà rất có thể trong vụ này ông chẳng có mấy thực quyền. Nói “rất có thể” không vì dè dặt, mà vì cái lãnh địa Nguyễn Bá Thanh lại nằm bên trong cái lãnh địa còn lớn hơn nữa của cái nhóm lợi ích còn to hơn nhóm Nguyễn Bá Thanh nữa. Bên trong cái nhóm lợi ích to đùng kia, Nguyễn Bá Thanh chẳng là cái đinh gì. Là con tò vò hay là con nhện hay là con gì khác?
Nhưng rõ ràng với đàn em trong thành bang của mình, thì Nguyễn Bá Thanh có oai. Nhưng cái oai Nguyễn Bá Thanh cũng chỉ ở tầm Đinh La Thăng đi xe buýt là cùng. Đừng khen Nguyễn Bá Thanh vì có Đà Nẵng đẹp. Đà Nẵng còn có thể đẹp hơn nữa nếu có một cách làm việc tự do hơn, dân chủ hơn, phi-Bá Thanh hơn, phi cả cái tổ tò vò hơn.
Nguyễn Bá Thanh có oai ở lãnh địa của mình không vì ông ta giỏi mà còn vì đàn em của ông ta hèn. Không phải vì ông ta thẳng thắn mà vì đàn em của ông ta không chọn cách đối đầu vô ích. Họ đường đường là Giám đốc Sở, chẳng gì thì dưới quyền mình có khi cũng có tới cả ngàn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, kỹ sư, những danh hiệu ưu tú này nọ… Thế hà cớ gì con cua đi ngang con ếch bị nó vỗ cái đã co càng lại cho nó nuốt? Không một ai vặn ông Thanh rằng ngoài việc “truy sát” các giám đốc nhân những cuộc họp toàn thành phố, Nguyễn Bá Thanh giúp gì cho các nhân vật bị truy bằng những giải pháp nghiệp vụ cụ thể? (Hình như nhiều tờ báo vui miệng vẫn quên chưa nêu chuyện này).
Suy cho cùng, ứng xử của Nguyễn Bá Thanh ở thành bang Đà Nẵng của ông có vẻ là chuyện chiến tranh tâm lý và chuyện về tâm lý ứng xử cả thôi! Tại cương vị công tác mới, Nguyễn Bá Thanh sẽ chẳng có cấp dưới để quát nạt ra oai, bây giờ là lúc và là nơi phải làm việc theo lối đồng thuận, thuyết phục nhau và hợp tác cùng nhau – một cách làm việc tự do dân chủ thời bình giữa những con người ít ra thì cũng có vẻ ngoài có học, và vẻ ngoài cũng tỏ ra là đủ tư cách (không khéo léo, để bọn mũ cao áo dài này phản đối liên miên thì có mà toi!).
Thế nên, nhân vụ Nguyễn Bá Thanh, cũng là lúc nên nêu ra vài câu hỏi:
(1) Căn cứ vào đâu mà đề bạt ông Nguyễn Bá Thanh vào chức vụ mới vô cùng quan trọng trong cuộc chống tham nhũng? Ông Thanh có đề án đăng ký tự giao nhiệm vụ và biện pháp thực thi không?
(2) Ngoài Nguyễn Bá Thanh, còn có ai cũng xung phong ứng cử nhận công việc được giao cho ông Thanh? Vì sao lại chọn Nguyễn Bá Thanh thay cho một ứng cử viên khác?
(3) Cứ cho là Nguyễn Bá Thanh đáng tin cậy trong việc hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ mới. Nhưng, ngộ nhỡ ông ta làm hỏng việc thì sao? Lấy chuẩn mực nào để đánh giá ông làm tốt hay không tốt công việc?
Và thế là có thể thấy người Việt Nam sẽ còn đau khổ dài dài vì chuyện thăng quan tiến chức thiếu công khai nên rất dễ bị dư luận gộp chung vào những vụ mua quan bán chức đầy dẫy khác, mà nguyên nhân sâu xa chỉ có một: cách thức đề bạt người gánh vác sơn hà.
Chẳng nhẽ người Việt Nam sang thế kỷ XXI chỉ còn những “hiền tài” tầm cỡ Đinh La Thăng, Vương Đình Huệ… và bây giờ thêm Nguyễn Bá Thanh?
Rõ ràng là cần đi sâu vào bên trong cái tổ con tò vò, thử coi bên trong đó có những cây gì và con gì.
P.T.
http://boxitvn.blogspot.ca/2013/01/ben-trong-to-to-vo-co-gi.html#more
No comments:
Post a Comment