Monday, November 5, 2012

Giới trẻ trong cuộc chơi chính trị



Phạm Lê Vương Các - Tình hình chính trị Việt Nam trong những tháng vừa qua có vẻ rất sôi động và cũng không kém phần căng thẳng. Có thể nói như vậy vì những sự kiện xảy ra gần đây đã bắt đầu len lỏi vào giới trẻ vốn trước đó nhìn nhận chính trị như là một cuộc chơi xa xỉ.

Như một thằng bạn học chung lớp thời phổ thông với tôi hồi giờ coi chính trị là điều xa lạ với nó. Nhưng khi nó gọi điện tới, nghe giọng tôi Alô, nó tỏ vẻ ngạc nhiên và hỏi: “Mày chưa bị bắt sao?”.


Họp báo của công an Long An
Công an Long An công bố bằng chứng 'vi phạm' của sinh viên Nguyễn Phương Uyên và thông báo quyết định khởi tố
Tôi cười khì khì: “Tao có tội gì mà bắt?”. Nó liền cười khà khà và hỏi tiếp: “Thế sao báo Nhân dân nói mày là phản động, kích động chống nhà nước?”.
Thú thật là tôi cũng không biết trả lời cho câu hỏi này như thế nào để cho một thằng bạn không quan tâm đến chính trị hiểu ngọn nguồn sự việc. Nhưng tôi cũng đã cố gắng giải thích rằng: chắc đó là thông điệp nhằm “cảnh cáo” gửi đến những người bộc lộ suy nghĩ không theo lề lối như tôi.
Câu chuyện sẽ dừng lại ở đó nếu không có câu hỏi “Gần đây có con nhỏ nào ở trường Đại học gì đó rải truyền đơn chống Trung Quốc vừa bị bắt? Tại sao nó chống Trung Quốc thì bị bắt, còn mày chống nhà nước mình mà sao không thấy bắt mày?”.
Tôi đã giật mình với câu hỏi này vì nó phản ánh đúng những uẩn khúc và thắc mắc của nhiều người.
Tôi trả lời về sự việc của Lê Phương Uyên - sinh viên trường Đại học Công Nghệ Thực Phẩm TPHCM theo suy đoán: “Đúng là cô ấy có rải truyền đơn chống Trung quốc. Nhưng họ bắt cô ấy chắc là vì truyền đơn có đính kèm thông điệp kêu gọi lật đổ ĐCSVN và cô ấy có tham gia vào tổ chức chính trị đối lập, cũng như những tờ truyền đơn có dính dáng tới lá cờ vàng sọc đỏ”.
Cuộc chơi của Phương Uyên
Qua sự việc của Phương Uyên, nếu nhìn dưới lăng kính theo dõi một trò chơi chính trị thì có thể thấy hình ảnh sự bế tắc của nhiều tổ chức chính trị đối lập trong các hoạt động nhằm gây ảnh hưởng vào đời sống chính trị tại Việt Nam.
Lướt một vòng các trang website của đảng phái, tổ chức chính trị đối lập thì cũng có khá nhiều hình ảnh phơi bày thành tích rải truyền đơn.
Vào thời điểm mà sự liên kết trên thế giới phẳng đã tạo nên những cú hích trong nhận thức và tư tưởng chỉ bằng một cú click chuột, vẫn còn đó các tổ chức chính trị đấu tranh bằng cách rải truyền đơn theo cách thức của những thế kỷ trước.
Truyền đơn lại được đính kèm những tờ tiền và mang âm hưởng của màu cờ trong lịch sử, điều này đã vô tình làm méo mó đi giá trị thông điệp.
Nguyễn Phương UyênNguyễn Phương Uyên bị bắt từ 14/10/2012
Có thể nói cách thức đấu tranh này dù bí mật nhưng rất nguy hiểm cho những người thực hiện, dễ dàng tàn phá nguồn nhân lực trẻ trong nước như Phương Uyên và làm “uổng phí” những người có lý tưởng, khát vọng sống và tình yêu cho đất nước, vốn còn đang rất hiếm hoi.
Nhưng cho đến giờ phút này các vị đã tổ chức ra những cuộc chơi cho Phương Uyên vẫn bình an vô sự và ẩn mình khá kín kẽ trước sự trả giá của những người thực hiện.
Cuộc chơi chính trị là vậy.
Cứ như một ván cờ, người làm nên cuộc chơi sẵn sàng tạo ra “anh hùng” để có những bước đi đột phá hay tạo nên các “điểm gãy” để đốn hạ đối phương.
Nếu thua họ tiếp tục bày ra những ván khác để gỡ gạc và cứ thế tiếp tục sử dụng và hủy hoại giới trẻ đang tràn đầy sức cống hiến cho tương lai.
Cú sốc hình ảnh từ Phương Uyên
Hình ảnh của Phương Uyên chỉ có thể khiến ta ghi nhận lòng dũng cảm của một người trẻ với tấm lòng nhiệt huyết dấn thân cho lý tưởng, cho lòng yêu nước một cách vô tư hồn nhiên trong sáng.
Còn tính hiệu quả nhằm cải biến chính trị thì chỉ mang lại giác độ thỏa mãn cảm xúc cho các tổ chức chính trị đối lập hiện nay, nhằm tạo nên “cú sốc hình ảnh”, mà thiếu hẳn đi các giá trị nhằm hướng đến một nền Dân chủ vững chắc, rèn luyện và trang bị cho số đông quần chúng nhân dân hiểu được “Thế nào là dân chủ” để đủ sức chơi một cuộc chơi mang tính chất lâu dài và đủ sức bảo vệ thành quả của nó.
Thật sự Phương Uyên cũng đã tạo nên “cú sốc hình ảnh” về thực trạng ở Việt Nam, đánh thức lương tâm cho nhiều thế hệ.
Đó là hình ảnh một nữ sinh vừa tròn đôi mươi, hết lòng nhiệt thành với “cách mạng”, bất chấp hiểm nguy, dấn thân lao theo lý tưởng của mình mà không đoán xét đến những kế sách của các “ông trùm đang núp lùm”.
Tiếp đó là hình ảnh của bậc sinh thành đang đau xót và lo lâu hàng đêm khi con cháu lỡ vướng vào vòng tù tội. Và hình ảnh của những bạn bè đang ngóng lòng khắc khoải chờ đợi người bạn thân quý trở về.
Rồi vẫn là hình ảnh của giới trí thức chân chính, quý trọng “lòng yêu nước của tuổi trẻ” và thương cảm cho sự “bồng bột”, buộc lòng phải cất tiếng nói gửi thư cho Chủ tịch nước để xin tha bổng.
Và nó cũng góp phần làm nên hình ảnh của một nhà nước hiện đại nhưng liên tục vẫn còn đó cách hành xử bắt giam tùy tiện, không theo quy chuẩn của luật pháp quốc gia, thiếu vắng đi các chuẩn mực theo Công ước quốc tế.
Cũng từ đây đã ghi nhận lại hình ảnh “trưởng thành” của những sinh viên học cùng lớp với Phương Uyên, đã dũng cảm cất lên tiếng nói của mình nhằm bênh vực cho một người bạn. Nhưng cũng rất xót xa khi thấy hình ảnh ươn hèn của những người có trách nhiệm tại trường đại học mà Phương Uyên đã từng gọi bằng những tiếng trìu mến “Thầy, Cô”.
Tất cả những điều nói trên đã tạo nên một hình ảnh đặc rất trưng của đời sống chính trị ở Việt Nam.
Thế hệ trí thức chân chính đi trước đóng vai trò “giữ lửa” và can thiệp khi cần thiết tạo nên niềm tin vững chắc, thế hệ trẻ đi sau “mồi lửa” lao vào bóng tối mang theo khát vọng tuổi trẻ nhằm thắp sáng cho thế hệ tương lai, bên cạnh một lớp trí thức hèn mọn và một lớp người chỉ biết ăn bám chờ đợi hưởng thụ thành quả.
Con đường giới trẻ nên đi
Điều này đòi hỏi thế hệ trẻ cần phải tỉnh táo và thận trọng, biết “lấy dài nuôi ngắn” khi muốn tham gia vào đời sống chính trị là điều cần thiết trong hoàn cảnh nước ta hiện nay.
Lấy lý tưởng lâu dài làm động lực cho từng bước chân ngắn đang đi. Tránh đi vào ngõ cụt của con đường chính trị để rồi phải rơi vào trạng thái đối đầu trực tiếp với nhà cầm quyền, mà cần chăm lo hơn cho đôi chân cứng cỏi, làm vững chắc trong từng bước đi của mình.
Khi có nền tảng, hãy đi với trí óc, trái tim và ngọn lửa của tuổi trẻ.
Trong hoàn cảnh hiện nay, giới trẻ trong nước nên hoạt động “Khai sáng” là điều cần thiết hơn là tham gia hay dấn thân vào đảng phái, tổ chức chính trị đối lập.
Đồng ý là đảng phái và tổ chức chính trị không phải là xấu, nhưng ở chính thể độc đảng, khi hoạt động theo các tổ chức đối lập thì đây là đối tượng dễ bị tiêu diệt nhất.
Xu thế dân chủ hóa là điều tất yếu, rồi nhất định sẽ đến trong tương lai.
Nói như vậy không có nghĩa là thụ động ngồi chờ từ sự ban phát từ “bề trên”, mà cần biết đấu tranh và thỏa hiệp trong các trường hợp thích đáng. Đấu tranh không có nghĩa là phải “đối đầu”, thỏa hiệp không có nghĩa là hèn nhát, mà vẫn có thể hòa mình vào xu thế “mở rộng dân chủ” của Đảng cầm quyền đang phát động, cũng tạo nên những hiệu quả có sức lan tỏa bất ngờ.
Nguyễn Phương Uyên trong đoạn băng 'nhận tội'Nguyễn Phương Uyên được nói đã "nhận tội"
Thế hệ trẻ còn một con đường dài ở phía trước. Vẫn còn đó con đường mà Cụ Phan Chu Trinh còn đang bỏ ngỏ nhưng rất sáng giá và tỏ ra có ưu thế trong tình hình nước ta hiện nay.
Đây không phải là con đường “cầu xin rủ lòng thương” như nhiều người làm chính trị đã đánh giá, mà nó là lối rẽ cần thiết khi đứng trước nguy cơ của “bạo lực cách mạng”.
Nó là phương pháp giải quyết xung đột trong hòa bình để không còn phải chứng kiến cảnh “đổ máu” thường thấy ở các cuộc cách mạng. Khai dân trí bất kể thời đại nào cũng là điều cần thiết, chấn dân khí để bảo vệ và giữ gìn thành quả, hậu dân sinh để đưa đất nước phát triển một cách bền vững.
Mỗi người có một nhiệm vụ và một sứ mệnh khác nhau, ai đã chọn sự “hy sinh” thì đó là điều cao quý, nhưng thế hệ trẻ cần phải biết tự bảo vệ lấy mình, biết đặt mình vào thế đứng độc lập an toàn để tiếp tục hướng đến tương lai.
Ưu điểm của giới trẻ hiện nay là không bị ràng thuộc vào cuộc chiến mang tính “lịch sử”, từ đó làm tác nhân độc lập có khả năng kết nối bài học từ lịch sử mà tạo nên động lực chính cho sự chuyển dịch xu thế chính trị theo chiều hướng tích cực và dễ dàng hơn thế hệ trước đó.
Điều khó khăn lớn nhất trong sự chuyển dịch này khi còn nhiều tổ chức chính trị muốn bài trừ và tiêu diệt những gì thuộc về Cộng sản và tất yếu sẽ vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ nhiều người dưới sự yểm trợ của một bộ phận bảo thủ không nhỏ trong Đảng Cộng Sản.
Cho nên giới trẻ nếu không tỉnh táo dễ bị cuốn theo và chịu ảnh hưởng từ dư chấn của cuộc đối đầu này. Những tiếng nói độc lập, không theo lề lối nào dễ dàng bị “quy chụp” theo kiểu “cộng sản nằm vùng” hay “thế lực thù địch” của từ hai phía.
Do đó, đã đến lúc giới trẻ hiện nay cần phải là một con người tự do, độc lập và tự chủ trong cuộc chơi của mình. Cần phải thay đổi phương pháp và tạo ra một luật chơi mới.
Cuộc chơi khai sáng dành cho giới trẻ
Đó không phải là cách chơi của sự đoán nước cờ, sát phạt hay ăn thua đủ. Mà là cuộc chơi của tri thức, của những tấm lòng trong sáng và tinh thần trách nhiệm đối với đất nước và thế hệ mai sau.
Cuộc chơi khai sáng rất đơn giản, thế hệ trẻ ngày hôm nay cần làm một việc là dũng cảm trình bày những suy nghĩ của mình trước thực trạng của đất nước. Nói lên tiếng nói của mình, minh bạch tất cả những hiểu biết và hoạt động của mình, và đòi hỏi sự tôn trọng đó từ những người có trách nhiệm và thế hệ đi trước.
Dù vẫn biết rằng khi trình bày quan điểm của mình có thể bị đội lên cái mũ “phản động” và cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” như trường hợp của tôi. Nhưng tôi vẫn có sự lạc quan và cho rằng đó chỉ tiếng nói lạc lõng từ “căn bệnh nghề nghiệp” của một số ít người.
Điều này cho thấy hiện nay vẫn còn sự trở ngại lớn cho việc “bày tỏ quan điểm cá nhân” ở không gian công cộng. Những lời lẽ cáo buộc “phản động” tuy lạc lõng nhưng thường lại có cường quyền, đều có thể biến những tiếng nói, quan điểm công khai hóa của một người dân thành những “lời lẽ xuyên tạc của thế lực thù địch”. Xung đột này đang hiện hữu ở nước ta.
Chưa bao giờ bổn phận “làm nhân dân” lại khó như bây giờ.
Giới trẻ có nên từ chức “làm nhân dân” để “làm thần dân” hay không?
Triết gia Immanuel Kant cho rằng: trong hành trình khai sáng và trưởng thành nếu thấy mình không thể chịu trách nhiệm trước những việc làm đó nữa, thì nên “từ chức” đi.
Từ chức làm học trò của một giảng viên thì vẫn có thể tìm kiếm tri thức ở nơi khác rất dễ dàng. Từ chức ở một tổ chức này đi tìm kiếm công việc ở một tổ chức khác thì cũng chẳng khó khăn là bao.
Nhưng từ chức “làm nhân dân” để làm “thần dân” là không nên. Vì ngoài bổn phận và nghĩa vụ của một một người dân đối với đất nước mà mình đang sống và với lương tâm của một thế hệ sẽ kế thừa việc quản trị đất nước, không cho phép giới trẻ buông xuôi trước tương lai và bỏ mặc cho thế hệ kế tiếp của mình.
Nếu chẳng may mắn ta bị “thù địch hóa” và phải vào tù theo lệnh của một số người có quyền hành thì cũng nên coi đó làm phước hạnh với niềm kiêu hãnh và tự hào. Thì đó cũng là lúc ta đang tạo ra những tia lửa cho những ngọn bửa bùng cháy trong tương lai.
Điều đáng tiếc là hiện nay nước ta lại có nhiều “thù địch hóa” như vậy. Đó cũng là hệ quả từ sự càn quét của những người ỷ có chút danh phận dựa vào tiếng nói của quyền lực tự cho mình cái quyền đặt ra khuôn khổ cho người khác và quy chụp đối với bất kỳ ai có biểu hiện không theo sự áp đặt đó.
Nhưng cũng thật may mắn cho giới trẻ khi đã thấy sự hình thành nên một lớp người “tự diễn biến”. Nói theo kiểu tuyên truyền trong chính trị thì đó là mẫu người “tha hóa và biến chất hay đánh mất lập trường giai cấp”, nhưng nói theo khoa học thì đó là những con người trí thức, dũng cảm thay đổi khi cần thiết để đi theo dòng chảy của tiến bộ và văn minh.
Quá khứ cũng đã cho thấy cách đây mấy mươi năm sự ngột ngạt đã bao trùm lên toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Nhưng nhờ vào lớp người tự diễn biến này mà hiện tại đã có sự tiến bộ và cởi mở hơn, dù đang diễn ra còn rất chậm.
Điều này đòi hỏi sự tham gia của thế hệ trẻ, đặc biệt là sinh viên, chúng ta cần chủ động và tích cực hơn trong sự nghiệp khai sáng nhằm thúc đẩy tiến trình hướng xã hội và nhà nước đến dân chủ và pháp quyền một cách hiện hữu, bền vững trong tương lai.
Đối với nhà nước, qua sự kiện của Nguyễn Phương Uyên, trả tự do cho sinh viên này là cần thiết nhằm thể hiện sự lắng nghe và tôn trọng tiếng nói của giới trí thức, và đó cũng là cách nhằm thu phục giới trẻ đang dần có biểu hiện bất bình.
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, hiện đang là sinh viên luật năm thứ 3 ở TP HCM.

No comments:

Post a Comment