(Tổng kết những nỗi sợ hãi của Bắc Kinh)
Andrew J. Nathan và Andrew Scobell - Trần Ngọc Cư dịch
Andrew J. Nathan và Andrew Scobell - Trần Ngọc Cư dịch
Theo cách nói đùa của một nhà ngoại giao Đông Nam Á về quan hệ Mỹ-Trung: khi hai con voi làm tình, những sinh vật bé nhỏ trong khu vực cũng có thể bị tổn thương, huống hồ gì khi hai con voi đánh nhau! Đây là một phát biểu hóm hỉnh khá thú vị về cán cân lực lượng Mỹ-Trung đang triển khai tại Tây Thái Bình Dương, nhưng nó không nhất thiết chứa đựng một chân lý phổ quát cho những quốc gia nhỏ bé biết lợi dụng mâu thuẫn của các nước lớn để duy trì các lợi ích quốc gia của mình. Việc tìm hiểu quan hệ Mỹ-Trung là một nỗ lực có ý nghĩa đối với những người Việt Nam còn thao thức về vận mệnh của một đất nước đang đương đầu cùng một lúc hai thứ giặc, nội xâm và ngoại xâm.
Bauxite Việt Nam
Andrew J. Nathan là Giáo sư Tối ưu Khoa Chính trị tại Đại học Columbia. Andrew Scobell là nhà nghiên cứu chính trị thâm niên tại RAND Corporation. Bài tiểu luận này dựa trên cuốn sách sắp xuất bản của họ, China’s Search for Security (Việc mưu tìm an ninh của Trung Quốc) do Columbia University Press xuất bản, năm 2012.
Foreign Affairs
Hai tiếng “đại cường” là một từ ngữ mơ hồ, nhưng dù bằng thước đo nào đi nữa, Trung Quốc (TQ) cũng đáng được gọi bằng từ ngữ đó: diện tích và vị trí chiến lược của lãnh thổ TQ, sự đông đảo và tính năng động của nhân dân TQ, trị giá và mức độ tăng trưởng của kinh tế TQ, tầm cỡ đồ sộ của TQ trong lãnh vực thương mại toàn cầu, và sức mạnh quân sự của TQ. Trung Quốc đã trở thành một trong vài nước có lợi ích quốc gia đáng kể được dàn trải khắp thế giới và thu hút sự chú ý, dù muốn dù không, của mọi nước khác và của mọi tổ chức quốc tế. Và có lẽ điều quan trọng nhất là, Trung Quốc được nhìn nhận là nước duy nhất có khả năng đe dọa địa vị siêu cường của Mỹ. Thật vậy, sự trỗi dậy của TQ đã mang lại nỗi sợ hãi là nước khổng lồ này sẽ sớm khống chế các nước láng giềng và một ngày nào đó sẽ thay thế Hoa Kỳ trong địa vị bá quyền toàn cầu.
Nhưng cảm thức phổ biến coi Trung Quốc như một cường quốc hiếu chiến, theo chủ nghĩa bành trướng là thiếu cơ sở. Mặc dù so với các cường quốc khác, quyền lực của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể trong những thập kỷ gần đây, nhưng những công tác quan trọng trong chính sách đối ngoại TQ là có tính phòng thủ và không thay đổi gì nhiều kể từ thời Chiến tranh lạnh: ấy là, chống lại những ảnh hưởng đến từ nước ngoài có khả năng gây bất ổn trong nước, tránh mất lãnh thổ, cố gắng làm giảm bớt những nghi kỵ của các nước láng giềng, và duy trì mức tăng trưởng kinh tế. Điều thật sự thay đổi trong hai thập kỷ qua là, hiện nay Trung Quốc đã hội nhập sâu sắc vào hệ thống kinh tế thế giới đến nỗi những ưu tiên nội bộ và khu vực của TQ đã trở thành một bộ phận của một mưu cầu to lớn hơn: đó là, xác định một vai trò toàn cầu không những nhằm phục vụ lợi ích TQ mà còn nhằm chinh phục sự nhìn nhận của các cường quốc khác.
Đứng đầu trong các cường quốc đó dĩ nhiên là Hoa Kỳ, và quản lý mối quan hệ Mỹ-Trung đầy bất trắc là thách thức hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Và như người Mỹ đang băn khoăn là liệu sự trỗi dậy của Trung Quốc có phù hợp với các lợi ích của Mỹ hay không hay chỉ là một mối đe dọa đang lù lù xuất hiện, các nhà hoạch định chính sách của TQ cũng đang thắc mắc là liệu Hoa Kỳ có định sử dụng quyền lực của mình để giúp đỡ hay chống lại Trung Quốc.
Người Mỹ thường coi nhà nước TQ là rất khó lường. Nhưng dựa vào cách thức quyền lực được phân bố trong hệ thống chính trị Mỹ và việc chuyển giao quyền lực thường xảy ra giữa hai chính đảng tại Hoa Kỳ, người TQ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định những ý đồ của Mỹ. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, một chiến lược dài hạn của Mỹ hình như đã hiện ra rõ nét từ một loạt hành động của Mỹ đối với Trung Quốc. Như vậy, việc Trung Quốc cố gắng phân tích để tìm hiểu Hoa Kỳ không phải là một nỗ lực vô vọng – nhưng thật ra, đó là điều cần thiết.
Hầu hết mọi người Mỹ sẽ lấy làm ngạc nhiên khi biết đến mức độ mà người TQ tin rằng Hoa Kỳ là một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại (a revioninist power) đang tìm cách chặn đứng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc và chống lại lợi ích của Trung Quốc. Quan điểm này được hình thành không những do nhận thức của Bắc Kinh đối với Washington mà còn do một quan điểm rộng lớn hơn của Trung Quốc về hệ thống quốc tế và chỗ đứng của Trung Quốc ở trong đó, một quan điểm được xác định phần lớn do ý thức sâu sắc của TQ về những chỗ yếu của chính mình.
Bốn vòng đồng tâm
Thế giới theo quan điểm của Bắc Kinh là một địa bàn chứa đầy bất trắc, bắt đầu từ những con phố bên ngoài cửa sổ của những nhà hoạch định chính sách, đến biên giới trên bộ và những tuyến giao thông hàng hải cách xa hàng ngàn dặm, đến những mỏ khoáng sản và cánh đồng dầu lửa ở những lục địa xa xôi. Những mối đe dọa này được mô tả trong 4 vòng đồng tâm. Trong vòng thứ nhất, gồm toàn bộ lãnh thổ mà TQ đang cai quản hay khẳng định chủ quyền, Bắc Kinh tin rằng sự ổn định chính trị và tính toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc đang bị các tác nhân và các thế lực nước ngoài đe dọa. So với các nước lớn khác, Trung Quốc phải đương đầu với một con số vô địch gồm các tác nhân bên ngoài đang tìm cách ảnh hưởng sự tiến hóa của TQ, thông thường bằng những đường lối mà chế độ cộng sản TQ cho là gây tác hại đối với sự sống còn của nó. Các nhà đầu tư nước ngoài, các cố vấn phát triển, các du khách và các du sinh tràn vào nước này, mỗi người đều mang theo ý kiến riêng của mình về đường lối mà Trung Quốc nên thay đổi. Các tổ chức và chính phủ nước ngoài hiện đang cung cấp tài chính và kỹ thuật cho các nhóm hoạt động để phát triển xã hội dân sự. Các nhà bất đồng chính kiến tại Tây Tạng và Tân Cương nhận được hậu thuẫn tinh thần và ngoại giao, và đôi khi cả sự hỗ trợ vật chất từ các cộng đồng dân tộc sống rải rác khắp thế giới và từ các chính phủ nước ngoài có thiện cảm. Dọc theo bờ biển, các nước láng giềng lại đang tranh chấp các vùng lãnh hải mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền. Đài Loan thì được cai trị bởi một chính phủ riêng, nhận được sự công nhận ngoại giao từ 23 quốc gia, và bảo đảm an ninh từ Mỹ.
Tại các biên giới Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách đối diện một vòng tròn thứ hai gồm những quan tâm an ninh, do quan hệ của Trung Quốc với 14 nước láng giềng sát nách. Ngoại trừ Liên bang Nga ra, không có một nước nào khác có nhiều láng giềng tiếp giáp như vậy. Trong đám láng giềng đó có 5 nước Trung Quốc đã từng đánh nhau trong vòng 70 năm qua (Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Nam Triều Tiên, và Việt Nam) và một số quốc gia được cai trị bởi các chế độ thiếu ổn định. Không một nước láng giềng nào của Trung Quốc nhận thấy lợi ích quốc gia cốt lõi của mình phù hợp với lợi ích của Bắc Kinh.
Nhưng hiếm khi Trung Quốc hưởng được cái xa xỉ là có thể giao thiệp với bất cứ một nước láng giềng nào của mình trong một bối cảnh thuần túy song phương. Vòng quan tâm an ninh thứ ba của TQ bao gồm tình hình chính trị của 6 khu vực địa chính trị chung quanh Trung Quốc: Đông Bắc Á, châu Đại Đương, Đông Nam Á trên đất liền, Đông Nam Á trên biển, Nam Á, và Trung Á. Mỗi một vùng này đều đặt ra những vấn đề ngoại giao và an ninh khu vực phức tạp.
Sau cùng là vòng thứ tư: đó là thế giới xa xôi nằm ngoài khu vực láng giềng lân cận của Trung Quốc. Trung Quốc chỉ mới thực sự xâm nhập vào vòng xa nhất này kể từ cuối thập niên 1990 và cho đến nay chỉ nhắm vào một số mục đích giới hạn: để nắm vững nguồn các thương phẩm, như dầu lửa; để tiếp cận thị trường và bỏ vốn đầu tư; để nhận được hậu thuẫn ngoại giao nhằm cô lập Đài Loan và Đạt Lai Lạt ma của Tây Tạng; và để chiêu mộ đồng minh ủng hộ lập trường của Trung Quốc về các qui phạm và chế độ pháp lý quốc tế.
Mỹ quốc khó lường
Trong mỗi một của bốn vòng an ninh đồng tâm này của Trung Quốc đều có bóng dáng của Mỹ (omnipresent). Mỹ là tác nhân từ bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc nhiều nhất, là cường quốc đảm bảo nguyên trạng (the status quo) tại Đài Loan, có sự hiện diện hải quân sừng sõ nhất tại Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa [tức Biển Đông Việt Nam], là đồng minh chính thức hoặc không chính thức của nhiều nước láng giềng của Trung Quốc, là cường quốc chủ yếu đã soạn ra và bảo vệ các chế độ pháp lý quốc tế hiện hành. Sự hiện diện đều khắp này của Mỹ hàm ý rằng nhận thức của Trung Quốc về các động lực sâu xa của Mỹ sẽ xác định cung cách mà người Trung Quốc đối phó với hầu hết các vấn đề an ninh của mình.
Bắt đầu bằng chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon năm 1972, một loạt lãnh đạo Mỹ đã liên tục trấn an Trung Quốc về thiện chí của họ. Chính quyền của mỗi một tổng thống Mỹ đều tuyên bố rằng sự thịnh vượng và ổn định của Trung Quốc nằm trong lợi ích của Mỹ. Và trên thực tế, Mỹ đã làm nhiều hơn bất cứ một cường quốc nào khác để đóng góp cho sự nghiệp hiện đại hóa của Trung Quốc. Mỹ đã lôi kéo Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu; đã giúp người Trung Quốc tiếp cận các thị trường, vốn, và công nghệ; đã đào tạo các chuyên gia TQ trong các ngành khoa học, công nghệ, và luật pháp quốc tế; đã ngăn chặn nỗ lực tái vũ trang toàn diện của Nhật Bản; đã duy trì hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên; và đã giúp tránh một cuộc chiến tranh về đảo quốc Đài Loan.
Tuy nhiên các nhà làm chính sách TQ thường nhớ kỹ những chính sách và hành vi của Mỹ mà họ coi là thiếu thân thiện. Họ thấy quân đội Mỹ triển khai chung quanh Trung Quốc, và Mỹ đang duy trì một mạng lưới rộng lớn gồm các quan hệ quốc phòng với nhiều nước láng giềng của Trung Quốc. Washington tiếp tục chống lại những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc giành quyền kiểm soát Đài Loan. Mỹ thường xuyên gây sức ép lên Trung Quốc về các chính sách kinh tế và duy trì một loạt chương trình chính phủ và tư nhân nhằm tìm cách ảnh hưởng lên xã hội dân sự và chính trị TQ.
Bắc Kinh coi loạt hành động có vẻ xung khắc này của Mỹ qua ba quan điểm kiên định. Một là, các học giả TQ coi tổ quốc mình như kẻ kế thừa một truyền thống nông nghiệp, mang tính chiến lược phương Đông, đó là chủ hòa, giữ thế thủ, không bành trướng, và tôn trọng đạo lý. Trái lại, họ coi văn hóa chiến lược phương Tây – nhất là văn hóa chiến lược Mỹ – là quân phiệt, giữ thế công, theo chủ nghĩa bành trướng, và vị kỷ.
Hai là, mặc dù Trung Quốc hăng hái chạy theo chủ nghĩa tư bản nhà nước (state capitalism), nhưng quan điểm của TQ về Mỹ vẫn còn bị tư duy chính trị Mác-xít chi phối, cho rằng các cường quốc tư bản đang tìm cách bóc lột phần còn lại của thế giới. Trung Quốc tin chắc các cường quốc phương Tây đang chống lại nỗ lực cạnh tranh của Trung Quốc nhằm chiếm tài nguyên và các thị trường có giá trị gia tăng cao (higher-value-added markets). Và mặc dù Trung Quốc đang ở trong tình trạng thặng dư mậu dịch với Mỹ và đang giữ một khối lượng trái phiếu khổng lồ của Mỹ, nhưng các nhà phân tích chính trị hàng đầu của Trung Quốc vẫn tin rằng người Mỹ đã hưởng lợi nhiều hơn trong quan hệ mậu dịch bằng cách sử dụng lao động và tín dụng rẻ của TQ để sống vung vít ngoài mức thu nhập của mình.
Ba là, các lý thuyết về bang giao quốc tế của Mỹ đã trở nên phổ biến đối với các nhà phân tích chính sách trẻ tuổi của Trung Quốc, nhiều người trong số đó đã lấy những bằng cấp cao tại các đại học Mỹ. Bộ phận có nhiều ảnh hưởng nhất trong lý thuyết bang giao quốc tế tại Trung Quốc là cái mà nhiều người thường gọi là chủ nghĩa thực tiễn tiến công (offensive realism), một lý thuyết cho rằng mọi quốc gia đều ra sức kiểm soát môi trường an ninh chung quanh mình đến mức tối đa mà các khả năng của mình cho phép. Theo lý thuyết này, Mỹ không thể tự mãn ngồi yên để nhìn sự hiện hữu của một Trung Quốc hùng mạnh và vì thế Mỹ đang tìm mọi cách để làm chế độ cầm quyền TQ trở nên suy yếu hơn và thân Mỹ hơn. Các nhà học giả TQ thấy được bằng chứng của ý đồ này trong việc Washington kêu gọi dân chủ và việc Mỹ hậu thuẫn cho điều mà Trung Quốc gọi là các phong trào ly khai tại Đài Loan, Tây Tạng, và Tân Cương.
Dù có nhìn Hoa Kỳ chủ yếu qua lăng kính văn hoá chủ nghĩa, hay Mác-xít, hay thực tiễn chủ nghĩa, hầu hết các nhà chiến lược TQ cho rằng một nước hùng mạnh như Mỹ nhất định sẽ dùng quyền lực để duy trì và tăng cường các đặc quyền của mình và sẽ coi các nỗ lực của những nước khác trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia là mối đe dọa cho an ninh của Mỹ. Giả định này đưa đến một kết luận bi quan: khi Trung Quốc trỗi dậy, Mỹ sẽ tìm cách ngăn chặn. Mỹ dùng những từ ngữ có tính cách xoa dịu; Mỹ ngụy trang hành động của mình dưới chiêu bài tìm kiếm hòa bình, bảo vệ nhân quyền, và thiết lập một sân chơi bình đẳng; và đôi khi Mỹ cũng đề nghị giúp đỡ Trung Quốc thực sự. Nhưng Mỹ có bản chất tráo trở (two-faced). Mỹ có ý định tiếp tục làm bá quyền toàn cầu duy nhất và ngăn chặn không cho Trung Quốc trở nên đủ mạnh để thách thức Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2011 với báo Liễu vọng, một tạp chí của Nhà nước TQ, Nghê Phong, Phó chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội TQ, đã tóm tắt quan điểm này như sau: “Một mặt, Mỹ biết rằng Mỹ cần đến sự giúp đỡ của Trung Quốc trên một số vấn đề khu vực và toàn cầu, mặt khác, Mỹ lo ngại về một Trung Quốc hùng mạnh hơn và vì thế Mỹ dùng nhiều phương tiện để làm trì trệ bước phát triển của TQ và để uốn nắn TQ cho phù hợp với các giá trị Mỹ”.
Một nhóm nhỏ gồm phần lớn những nhà phân tích trẻ tuổi hơn của TQ, những người đã nghiên cứu kỹ chính trị Mỹ, tranh luận rằng lợi ích của TQ và lợi ích của Mỹ không hoàn toàn xung khắc. Theo quan điểm của họ, hai nước đủ cách xa nhau về không gian nên lợi ích an ninh cốt lõi của hai nước không nhất thiết phải xung đột. Hai nước có thể cùng nhau hưởng lợi nhờ thương mại và các các lợi ích chung khác.
Nhưng những người mang quan điểm này chỉ là một thiểu số nhỏ bé so với các nhà chiến lược nằm phía bên kia của lăng kính gồm phần lớn các viên chức trong quân đội và các cơ quan an ninh, tức những người có một cái nhìn u ám về chính sách của Mỹ và thường có tư duy đối đầu trong đường lối Trung Quốc cần phải đối phó chính sách Mỹ. Họ cho rằng Trung Quốc phải mạnh dạn thách thức Mỹ bằng quân sự và rằng TQ có thể thắng một cuộc chiến tranh, nếu nó xảy ra, bằng cách phải tiến nhanh hơn Mỹ về công nghệ quân sự và vận dụng điều mà họ cho là tinh thần ưu việt của quân lực TQ. Quan điểm của họ thường được che đậy để tránh gây lo sợ cho cả thù lẫn bạn của Trung Quốc.
AI THEO CHỦ NGHĨA XÉT LẠI?
Để đi sâu vào lôgic trong chiến lược Trung Quốc của Mỹ, các học giả TQ, cũng như các nhà phân tích ở bất cứ đâu, sẽ tập trung chú ý vào các khả năng và các ý đồ. Mặc dù các ý đồ của Mỹ có thể cần phải được lý giải, nhưng các khả năng quân sự, kinh tế, ý thức hệ, và ngoại giao của Mỹ là tương đối dễ phát hiện – và theo quan điểm của Trung Quốc, những khả năng này có tiềm năng gây tổn thất to lớn.
Các lực lượng quân sự Mỹ được triển khai toàn cầu và có trình độ công nghệ tiên tiến, với sự tập trung hỏa lực hùng hậu quanh biên giới TQ. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) là bộ phận lớn nhất trong sáu bộ tư lệnh chiến đấu khu vực của Mỹ nếu xét đến địa bàn hoạt động và quân số thời bình của nó. Lực lượng của PACOM gồm có 325.000 nhân viên quân sự và dân sự, cùng với 180 tàu chiến và 1.900 máy bay. Về hướng Tây, PACOM nhường lối cho Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ (CENTCOM), một bộ tư lệnh có trách nhiệm trên một địa bàn kéo dài từ Trung Á đến Ai Cập. Trước [cuộc Tấn công Khủng bố] ngày 11 tháng 9 năm 2001, CENTCOM không hề có lực lượng trú đóng nằm ngay trên biên giới Trung Quốc ngoại trừ nhiệm vụ huấn luyện và tiếp tế tại Pakistan. Nhưng khi “chiến tranh chống khủng bố” bắt đầu, CENTCOM đã đóng hàng ngàn quân tại Afghanistan và sử dụng dài hạn một căn cứ không quân tại Kyrgyzstan.
Khả năng hoạt động của các lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tăng cường nhờ các hiệp định phòng thủ song phương với Australia, Nhật Bản, New Zealand, Philippines, và Nam Hàn và các dàn xếp phối hợp với nhiều đối tác khác. Và hơn thế nữa, Mỹ có khoảng 5.200 đầu đạn hạt nhân được triển khai thành bộ ba khó phá vỡ: trên biển, trên bộ, và trên không. Tập hợp lại, thế phòng thủ này của Mỹ tạo nên cái mà Tiền Văn Vinh tại Trung tâm Nghiên cứu các Vấn đề Quốc tế của Tân Hoa Xã đã gọi là một “vòng vây chiến lược”.
Các nhà phân tích an ninh TQ cũng ghi nhận khả năng to lớn của Mỹ trong việc gây tổn thất cho lợi ích kinh tế của TQ. Mỹ vẫn là thị trường duy nhất quan trọng nhất của Trung Quốc nếu ta không kể Liên minh châu Âu như một thực thể riêng biệt. Và Mỹ là một trong những nguồn vốn trực tiếp đầu tư nước ngoài và nguồn công nghệ tiên tiến lớn nhất cho Trung Quốc. Thỉnh thoảng, Washington có ý định sử dụng sức mạnh kinh tế để o ép Trung Quốc. Sau vụ đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc, gồm có lệnh cấm vận, hiện vẫn còn có hiệu lực đối với các thương vụ vũ khí tối tân. Qua nhiều năm sau đó, Quốc hội Mỹ còn tiếp tục tranh luận về việc có nên trừng phạt Trung Quốc thêm nữa vì vi phạm nhân quyền, bằng cách hủy bỏ mức thuế quan tối huệ quốc thấp mà hàng nhập khẩu TQ được hưởng, mặc dù những người vận động biện pháp trừng phạt không bao giờ hội đủ đa số. Gần đây, nhiều nhà lập pháp Mỹ đề nghị trừng phạt Trung Quốc vì đã ghìm giá đồng Nguyên (yuan) một cách giả tạo nhằm làm lợi cho các nhà xuất khẩu TQ, và ứng cử viên tổng thống Cộng hòa Mitt Romney đã hứa nếu đắc cử, ông sẽ qui cho Trung Quốc tội danh dùng thủ đoạn tiền tệ (currency manipulator) vào “ngày đầu tiên” trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Mặc dù phe diều hâu mậu dịch (trade hawks) của Washington ít khi thắng thế, nhưng những cơn phẫn nộ như thế này cũng nhắc nhở Bắc Kinh về mức độ tổn thất nếu Mỹ quyết định trừng phạt Trung Quốc về mặt kinh tế. Các nhà chiến lược TQ tin rằng Mỹ và đồng minh sẽ từ chối cung cấp dầu lửa và quặng kim cho Trung Quốc trong một cuộc khủng hoảng quân sự hay kinh tế và rằng Hải quân Mỹ sẽ chặn đứng việc Trung Quốc tiếp cận các tuyến đường biển có tầm quan trọng chiến lược. Sự tràn ngập của đồng đôla trong lãnh vực thương mại và tài chính quốc tế còn cho Mỹ khả năng đe dọa các lợi ích TQ, hoặc do cố tình hay do hậu quả của việc chính phủ Mỹ toan tính giải quyết vấn đề ngân sách bằng cách in thêm đôla và gia tăng việc vay mượn, những động thái sẽ làm mất giá hàng xuất khẩu và các trữ lượng ngoại hối của Trung Quốc, vốn đặt giá trị trên đồng đôla (dollar-denominated).
Các học giả TQ còn tin rằng Mỹ nắm trong tay những vũ khí ý thức hệ rất mạnh và có đủ quyết tâm sử dụng chúng. Sau Thế Chiến II, Mỹ đã lợi dụng địa vị đại cường thắng trận để duy trì những nguyên tắc trân quí của mình trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát và trong các văn kiện nhân quyền quốc tế khác và dựng lên những chính thể mà Trung Quốc gọi là các chế độ dân chủ kiểu Tây phương (Western-style democracies) tại Nhật Bản và, về sau, tại Nam Hàn, Đài Loan, và nhiều nước khác. Các quan chức TQ tranh luận rằng Mỹ đã sử dụng những tư tưởng dân chủ và nhân quyền để làm mất tính chính đáng của các chế độ đi theo những hệ thống giá trị khác và gây bất ổn cho chúng, như những chế độ theo chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa độc tài để phát triển kiểu châu Á. Theo Lý Quần, một ủy viên của Tỉnh ủy Sơn Đông và là một ngôi sao đang lên trong Đảng Cộng sản, “mục đích thực sự của người Mỹ không phải là bảo vệ cái gọi là nhân quyền, nhưng chỉ dùng việc này như một chiêu bài để gây ảnh hưởng và giới hạn đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc và không để cho sự giàu có và quyền lực của Trung Quốc đe dọa địa vị bá quyền của họ”.
Theo quan điểm của nhiều học giả TQ, kể từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt Mỹ đã hiện nguyên hình là một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại (a revisionist power) cố gắng thiết kế lại môi trường toàn cầu thêm nữa để thủ lợi. Họ nhìn thấy bằng chứng của thực tế này khắp nơi: trong việc nới rộng NATO; trong những hành động can thiệp của Mỹ tại Panama, Haiti, Bosnia, và Kosovo; trong Chiến tranh vùng Vịnh; chiến tranh Afghanistan; và trong vụ xâm lăng Iraq. Trong lãnh vực kinh tế, Mỹ đã ra sức gia tăng các lợi thế của mình bằng cách đẩy mạnh tự do thương mại, hạ thấp trị giá đồng đôla trong khi buộc các nước khác dùng nó làm trữ kim, và cố gắng buộc các nước đang phát triển gánh chịu một phần chi phí bất công trong việc làm giảm bớt hậu quả của tình trạng thay đổi khí hậu toàn cầu. Và có lẽ điều làm cho người TQ lo lắng nhất là, Mỹ đã để lộ những ý đồ hiếu chiến của mình bằng cách cổ vũ cái gọi là những cuộc cách mạng màu (so-called color revolutions) tại Georgia, Ukraine, và Kyrgyzstan. Như Lưu Kiến Phi, Chủ nhiệm phân khoa sự vụ nước ngoài tại trường Đảng Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã viết năm 2005, “Mỹ luôn luôn chống lại ‘các cuộc cách mạng đỏ’ của cộng sản và ghét các cuộc ‘cách mạng màu lục’ tại Iran cũng như các quốc gia Hồi giáo. Điều mà Mỹ quan tâm không phải là ‘cách mạng’ nhưng là ‘màu sắc [chính trị]’. Mỹ hậu thuẫn các cuộc cách mạng ‘màu hoa hồng’, ‘màu da cam’, và ‘màu hoa tulip’ chỉ vì chúng phục vụ chiến lược đẩy mạnh dân chủ của Mỹ”. Theo quan điểm của Lưu Kiến Phi và các học giả hàng đầu khác của TQ, Mỹ hi vọng “đẩy mạnh dân chủ thêm nữa và biến toàn thế giới thành “màu xanh [chống cộng – ND]”.
Khai thác tình hình Đài Loan
Mặc dù nói chung các học giả và các nhà bình luận Mỹ nhận thấy quan hệ Mỹ-Trung trong thời hậu chiến là một giai đoạn băng tan lâu dài, chậm rãi, nhưng theo quan điểm của Bắc Kinh, Mỹ luôn luôn đối xử gay gắt với Trung Quốc. Từ 1950 đến 1972, Mỹ ra sức bao vây và cô lập Trung Quốc. Trong số những hành động khác, có việc Mỹ đã thuyết phục các đồng minh của mình trì hoãn việc nhìn nhận ngoại giao đối với Trung Hoa lục điạ, xây dựng quân đội Nhật Bản, tham dự Chiến tranh Triều Tiên, chống đỡ chế độ thù nghịch tại Đài Loan, hậu thuẫn du kích Tây Tạng chống lại sự cai trị của TQ, và thậm chí đe dọa dùng vũ khí hạt nhân cả trong Chiến tranh Triều Tiên lẫn trong cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1958. Các học giả TQ nhìn nhận rằng chính sách Trung Quốc của Mỹ đã thay đổi sau năm 1972. Nhưng họ quyết đoán rằng sự thay đổi ấy thuần túy là hệ quả của một nỗ lực nhằm chống lại Liên Xô và, về sau, nhằm thu hoạch những lợi lộc kinh tế bằng cách mở doanh nghiệp tại Trung Quốc. Ngay cả lúc đó, Mỹ vẫn tiếp tục phòng chống sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng cách duy trì Đài Loan để đánh lạc hướng chiến lược, bằng cách yểm trợ sự lớn mạnh của quân đội Nhật Bản, bằng cách hiện đại hoá các lực lượng hải quân của mình, và gây sức ép lên Trung Quốc về vấn đề nhân quyền.
Phía TQ đã rút tỉa nhiều bài học về chính sách Trung Quốc của Mỹ từ nhiều đợt đàm phán với Washington. Trong các cuộc đàm phán cấp đại sứ vào những thập niên 1950 và 1960, các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí trong những thập niên 1980 và 1990, những cuộc thảo luận về việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong thập niên 1990, và các cuộc đàm phán về thay đổi khí hậu trong thập niên sau đó, người TQ nhất quán thấy rõ người Mỹ luôn luôn đưa ra yêu sách và không hề nhượng bộ. Nhưng có tính cách quyết định hơn cả cho việc TQ hiểu được được chính sách của Mỹ là ba vòng đàm phán đã diễn ra về tình trạng Đài Loan trong những năm 1971-1972, 1978-1979, và 1982, những cuộc đàm phán đã tạo “khung thông cáo chung” (communiqué framework), vốn chi phối chính sách Đài Loan của Mỹ cho đến ngày nay. Khi bắt đầu lập lại quan hệ hữu nghị, các nhà làm chính sách TQ đinh ninh rằng Washington sẽ chấm dứt hậu thuẫn Đài Loan để đổi lấy những lợi lộc trong quan hệ bình thường giữa hai quốc gia với Bắc Kinh. Ở mỗi giai đoạn đàm phán, người Mỹ có vẻ sẵn sàng làm điều đó. Nhưng hàng chục năm sau, theo quan điểm của Bắc Kinh, Mỹ vẫn là trở ngại chính cho việc thống nhất.
Khi Nixon viếng thăm Trung Quốc năm 1972, ông nói với phía TQ rằng ông sẵn sàng hi sinh Đài Loan vì đảo quốc này không còn giá trị chiến lược đối với Mỹ, nhưng phải đợi đến nhiệm kỳ thứ hai ông mới có thể làm điều này. Trên cơ sở này, phía TQ đã đồng ý ký Thông cáo chung Thượng Hải 1972, thậm chí mặc dù văn bản này có chứa đựng một tuyên bố đơn phương của Hoa Kỳ “xác định mối quan tâm của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan bằng đường lối hòa bình”, đây là một mật mã ngoại giao (diplomatic code) ngụ ý rằng Mỹ cam kết chống lại bất cứ nỗ lực nào của Trung Hoa lục địa nhằm chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Như tình hình đã diễn ra, Nixon từ chức trước khi ông có thể bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh. Kẻ kế vị ông, Gerald Ford, trong thế chính trị quá yếu, không thể thực hiện lời hứa của Nixon.
Khi vị tổng thống kế tiếp là Jimmy Carter muốn bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, phía TQ lại đòi hỏi Mỹ phải dứt khoát bỏ Đài Loan. Năm 1979, Mỹ chấm dứt hiệp định phòng thủ với Đài Loan nhưng lại một lần nữa Mỹ đưa ra một tuyên bố đơn phương nhắc lại cam kết “giải quyết vấn đề Đài Loan bằng phương tiện hòa bình”. Tiếp đó, Quốc hội Mỹ đã khiến cả phía TQ lẫn chính quyền Carter phải sửng sốt bằng việc thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan (the Taiwan Relations Act) đòi hỏi Hoa Kỳ phải “duy trì khả năng… chống lại bất cứ biện pháp sử dụng vũ lực hay các hình thức ép buộc khác đe dọa an ninh… của nhân dân trên đảo Đài Loan”.
Vào năm 1982, khi Tổng thống Ronald Reagan mưu tìm những quan hệ thiết thân hơn với Bắc Kinh để gia tăng sức ép lên Matxcơva, Trung Quốc đã thuyết phục Mỹ ký kết một thông cáo chung khác, buộc Washington cam kết từng bước giảm thiểu các thương vụ vũ khí với Đài Loan. Nhưng một khi đã thỏa thuận đâu vào đó, người Mỹ lại lấy năm 1979 làm mốc giới, đó là thời điểm các thương vụ vũ khí với Đài Loan đạt đỉnh cao nhất; rồi tính toán việc cắt giảm hàng năm theo một tỉ lệ không đáng kể, bằng cách điều chỉnh theo lạm phát khiến cho những con số cắt giảm đã thực sự trở thành những con số gia tăng; người Mỹ lại cho rằng những hệ thống vũ khí tiên tiến mà họ bán cho Đài Loan có phẩm chất tương đương với các hệ thống vũ khí cũ; và cho phép các công ty thương mại Mỹ hợp tác với công nghiệp chế tạo vũ khí Đài Loan dưới chiêu bài là chuyển giao công nghệ (technology transfers) chứ không phải thương vụ vũ khí (arms sales). Vào thời điểm Tổng thống George W. Bush chấp thuận một gói vũ khí hiện đại lớn bán cho Đài Loan, bản thông cáo chung 1982 trở thành một văn kiện chết. Đồng thời với việc Mỹ kéo dài liên hệ với Đài Loan, một sự chuyển đổi sang chế độ dân chủ đã diễn ra tại đó, đẩy việc thống nhất thậm chí xa hơn đối với tầm tay của Bắc Kinh.
Duyệt xét lại khía cạnh lịch sử này, các nhà chiến lược TQ phải tự hỏi về những lý do Mỹ vẫn tiếp tục cam kết với Đài Loan. Mặc dù người Mỹ thường lý giải rằng họ chỉ đang bảo vệ một đồng minh dân chủ trung kiên, nhưng hầu hết mọi người TQ lại thấy có những động cơ chiến lược ngay tại gốc rễ của cách ứng xử của Washington. Họ tin rằng việc duy trì vấn đề Đài Loan sẽ giúp Mỹ kềm hãm Trung Quốc. Theo cách nói của La Viện, một tướng hồi hưu và là Phó tổng thư ký của Hội Khoa học Quân sự TQ, từ lâu Mỹ đã dùng Đài Loan “như một con cờ để chặn đứng sự trỗi dậy của Trung Quốc”.
Những đe dọa của chủ nghĩa đa nguyên Mỹ
Đạo luật Quan hệ Đài Loan đánh dấu việc khởi đầu của một xu thế hướng tới sự quyết đoán của Quốc Hội về chính sách Trung Quốc của Mỹ, và sự kiện này tiếp tục làm phức tạp mối quan hệ của Washington với Bắc Kinh. Mười năm sau, vụ việc Thiên An Môn 1989, và tiếp sau đó là sự kết thúc Chiến tranh lạnh, đã thay đổi từ ngữ trong các cuộc tranh luận tại Mỹ. Trước đó Trung Quốc được coi như là một chế độ đang tự do hoá; sau Thiên An Môn, Trung Quốc hóa ra một chế độ độc tài lai giống (an atavistic dictatorship). Và sự sụp đổ của Liên Xô giảm bớt yêu cầu chiến lược là phải hợp tác với Bắc Kinh. Ngoài ra, quan hệ kinh tế Mỹ-Trung ngày một gia tăng bắt đầu tạo ra những xung đột về các vấn đề như nạn bán phá giá hàng hóa TQ trên thị trường Mỹ và tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Sau nhiều thập niên có sự đồng thuận tại Mỹ, Trung Quốc nhanh chóng trở thành một trong những vấn đề phân hóa nhất trong chính sách đối ngoại Mỹ, một phần vì những nỗ lực vận động ráo riết của các nhóm lợi ích nhằm đảm bảo Trung Quốc vẫn nằm trên chương trình nghị sự của Quốc hội Mỹ.
Thật vậy, kể từ vụ Thiên An Môn, Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhóm lợi ích Mỹ hơn bất cứ một nước nào khác. Hệ thống chính trị TQ làm phát sinh sự chống đối từ các tổ chức nhân quyền; những chính sách hạn chế dân số của TQ gây phẫn nộ cho phong trào chống phá thai; việc TQ đàn áp các giáo hội xúc phạm đến các tín đồ Thiên chúa giáo Mỹ; việc Trung Quốc dựa vào than đá và các đập thủy điện khổng lồ để tạo năng lượng gây bất bình cho các nhóm bảo vệ môi trường; và nạn vi phạm tác quyền và hàng giả tại Trung Quốc gây phẫn nộ cho các công nghiệp điện ảnh, phần mềm, và bào chế dược phẩm. Những than phiền cụ thể này đã tăng thêm nỗi sợ hãi rộng lớn hơn về “hiểm họa Trung Quốc” hiện đang ngấm vào cuộc thảo luận chính trị tại Mỹ – một nỗi sợ hãi, theo quan điểm TQ, không những từ chối tính chính đáng trong các nguyện vọng của người TQ mà tự bản thân nó tạo ra một thứ đe doạ đối với Trung Quốc.
Hẳn nhiên, vẫn còn nhiều nhân vật trong Quốc hội Mỹ, trong các viện nghiên cứu chính sách, trong giới truyền thông và giới hàn lâm bênh vực những lập trường có lợi cho Trung Quốc, trên luận cứ cho rằng một sự hợp tác giữa hai nước là quan trọng đối với nhà nông, nhà xuất khẩu, và ngân hàng, và đối với Wall Street, hoặc cho rằng những vấn đề như Bắc Hàn và thay đổi khí hậu là quan trọng hơn các cuộc tranh luận về nhân quyền hay tôn giáo. Mặc dù những người đưa ra luận cứ này về lâu về dài có thể có nhiều ảnh hưởng hơn những người chỉ trích Trung Quốc, nhưng hiện nay họ có khuynh hướng hoạt động đằng sau hậu trường. Đối với những học giả TQ đang cố gắng tìm hiểu sự ồn ào của những quan điểm được bày tỏ trong cộng đồng chính sách Mỹ, những tiếng nói lớn nhất là những tiếng nói được nghe đến nhiều nhất, và những tín hiệu này làm cho họ lo lắng.
Những đe dọa được bọc đường
Trong việc xác định các ý định của Mỹ, các học giả TQ cũng chú ý đến các tuyên bố chính sách được các nhân vật cao cấp trong ngành hành pháp đưa ra. Xuất thân từ một hệ thống chính trị mà ngành hành pháp có địa vị khống chế, các học giả TQ coi những tuyên bố như vậy là những chỉ dẫn đáng tin cậy để tìm hiểu chiến lược Mỹ. Họ nhận thấy rằng những tuyên bố này thường có hai chức năng: chúng nhắm vào việc trấn an Bắc Kinh rằng những ý định của Washington là tốt đẹp, và đồng thời, chúng cũng nhắm vào việc trấn an công chúng Mỹ rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ cho phép sự trỗi dậy của Trung Quốc đe dọa các lợi ích của Mỹ. Sự kết hợp hai chủ đề này đã tạo ra điều mà các học giả TQ coi là những đe doạ được bọc đường.
Chẳng hạn, năm 2005, Robert Zoellick, thứ trưởng ngoại giao Mỹ, nhân danh chính quyền George W. Bush, đưa ra một tuyên bố chính sách quan trọng của Mỹ về Trung Quốc. Ông trấn an dân chúng Mỹ rằng Hoa Kỳ sẽ “cố gắng can gián bất cứ một đối thủ quân sự nào đừng nên phát triển những khả năng gây rối loạn hay những khả năng nhằm đạt được địa vị bá quyền khu vực hay những hành động thù nghịch chống lại Hoa Kỳ hay các nước bạn khác”. Nhưng Zoellick cũng giải thích rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là một mối đe dọa vì Trung Quốc “không tìm cách phổ biến các ý thức hệ cực đoan, chống Mỹ”, TQ “không thấy mình đang ở trong một cuộc đấu tranh một mất một còn với chủ nghĩa tư bản”, và TQ “không tin tưởng rằng tương lai của mình sẽ tùy thuộc vào việc lật đổ trật tự cơ bản của hệ thống quốc tế”. Trên cơ sở đó, ông nói, hai bên có thể có “một quan hệ hợp tác”. Nhưng việc hợp tác sẽ tùy thuộc vào một số điều kiện nhất định. Trung Quốc phải làm lắng dịu điều mà ông gọi là một “cái chảo đang âm ỉ những lo âu” tại Mỹ về sự trỗi dậy của TQ. Trung Quốc phải “giải thích các chi tiêu quốc phòng, các ý định, lý thuyết, và các cuộc diễn tập quân sự của mình”; TQ nên giảm bớt thặng dư mậu dịch với Mỹ; và nên hợp tác với Washington về vấn đề Iran và Bắc Hàn. Trên hết, Zoellick khuyên, Trung Quốc nên từ bỏ “nền chính trị khép kín” (closed politics). Theo quan điểm của Mỹ, ông nói, “Trung Quốc cần đến một cuộc chuyển hoá chính trị hòa bình để làm cho chính phủ phải có trách nhiệm giải trình trước dân chúng”.
Những ý niệm này cũng đã được chính quyền Obama lặp lại bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn một chút. Trong bài diễn văn tuyên bố chính sách Trung Quốc quan trọng đầu tiên của chính quyền Obama, vào tháng Chín 2009, James Steinberg, lúc bấy giờ là Thứ trưởng ngoại giao, đã đưa ra ý niệm “trấn an chiến lược” (strategi reassurance). Steinberg định nghĩa nguyên tắc này như sau: “Cũng như chúng ta và các nước đồng minh phải minh định rằng chúng ta sẵn sàng hoan nghênh việc Trung Quốc ‘đạt được mục tiêu’ để trở thành một cường quốc thịnh vượng và thành công, Trung Quốc có bổn phận phải trấn an phần còn lại của thế giới rằng sự phát triển và vai trò toàn cầu ngày càng quan trọng của mình sẽ không gây tổn thất cho nền an ninh và phúc lợi của các nước khác”. Trung Quốc cần phải “trấn an các nước khác rằng sự tăng cường lực lượng quân sự này sẽ không đặt ra một một mối đe dọa”; “Trung Quốc cần phải gia tăng tính minh bạch quân sự để trấn an tất cả các nước khác tại châu Á và toàn cầu về các ý định của mình” và chứng minh rằng Trung Quốc “tôn trọng tinh thần pháp trị và các qui phạm phổ quát”. Đối với các học giả TQ, những lời tuyên bố như thế đưa ra một thông điệp cho biết Washington muốn hợp tác với Trung Quốc theo những điều kiện của Mỹ, tìm cách ngăn chặn không cho Bắc Kinh phát triển một khả năng quân sự đủ mạnh để bảo vệ lợi ích của mình, và có ý định cổ vũ một sự thay đổi tính chất của chế độ chính trị tại Trung Quốc.
Hẳn nhiên, thái độ nghi ngờ mà Bắc Kinh dành cho Washington chắc chắn xung khắc với thực tế là Mỹ đã làm nhiều điều để giúp Trung Quốc trỗi dậy. Nhưng đối với các học giả TQ, lịch sử đã có một câu trả lời cho khúc mắc này. Theo quan điểm của họ, Mỹ đã ra sức ngăn chặn Trung Quốc lâu được chừng nào hay chừng ấy. Khi sức mạnh ngày một gia tăng của Liên Xô khiến hành động này trở nên cần thiết, Mỹ buộc phải cầu thân với Trung Quốc để tăng cường cú đấm giáng vào Mácxcơva. Một khi Mỹ bắt đầu thân thiện với Trung Quốc, Mỹ đã đi đến chỗ tin rằng sự thân thiện này sẽ hướng Trung Quốc về thể chế dân chủ và nhờ thế Mỹ sẽ lấy lại căn cứ chiến lược trên lục địa châu Á mà Washington đã mất năm 1949, khi Cộng sản thắng cuộc Nội chiến Trung Hoa.
Theo quan điểm của các học giả TQ, việc Washington từ từ lập lại quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh không phát xuất từ chủ nghĩa lý tưởng hay lòng hào hiệp; trái lại, Mỹ theo đuổi quan hệ này để hưởng lợi từ việc mở cửa kinh tế của Trung Quốc, bằng cách bòn mót lợi nhuận từ các đầu tư của Mỹ, tiêu thụ hàng hóa rẻ của TQ, và vay tiền để hỗ trợ những thâm thủng thương mại và ngân sách của Mỹ. Trong lúc mải mê chè chén tại bàn tiệc TQ, các nhà chiến lược Mỹ quên mất nguy cơ do sự trỗi dậy của Trung Quốc mãi cho đến những năm cuối của thập niên 1990. Các học giả TQ này cho rằng, bây giờ nhận ra Trung Quốc là một mối đe dọa, Mỹ không còn con đường thực tiễn nào nữa để ngăn cản không cho Trung Quốc tiếp tục phát triển. Trong ý nghĩa này, chiến lược cầu thân của Mỹ đã thất bại, chứng minh lời khuyên của nhà lãnh đạo TQ Đặng Tiểu Bình là đúng – năm 1991, họ Đặng chủ trương chiến lược “che dấu ánh sáng của ta và nuôi dưỡng sức mạnh của ta” (nguyên văn: “thao quang dưỡng hối” – ND). Đối diện với một Trung Quốc trỗi dậy quá xa không còn chận đứng được nữa, Mỹ không còn khả năng làm gì hơn việc nó đang làm: đòi hỏi cộng tác theo điều kiện của Mỹ, đe dọa Trung Quốc, đề phòng về mặt quân sự, và tiếp tục ra sức thay đổi chế độ tại TQ.
Làm thế nào để đối phó với một nước theo chủ nghĩa thực tiễn tiến công (OFFENSIVE REALIST)
Bất chấp những quan điểm nói trên, các nhà chiến lược dòng chính (mainstream strategists) của TQ không đề nghị Trung Quốc thách thức Mỹ trong một tương lai trước mắt. Họ dự kiến Mỹ vẫn còn là bá quyền toàn cầu duy nhất trong dăm bảy thập kỷ nữa, bất chấp những gì mà họ coi là dấu hiệu ban đầu của sự suy yếu. Hiện nay, theo cách diễn tả của Vương Tập Tư, Trưởng khoa Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, “siêu cường duy nhất này còn siêu hơn nhiều, và nhiều đại cường còn kém vĩ đại hơn nhiều”. Trong khi đó, hai nước ngày càng tùy thuộc vào nhau về mặt kinh tế và có đủ khả năng quân sự để gây thiệt hại cho nhau. Chính sự kiện hai bên đều có chỗ yếu này (mutual vulnerability) đã mang lại niềm hi vọng hợp tác tốt đẹp nhất trong trung hạn (medium-term). Sự sợ hãi lẫn nhau đang duy trì yêu cầu hợp tác với nhau.
Tuy nhiên, trong dài hạn, một đường lối khác hơn vừa tốt đẹp cho cả Trung Quốc lẫn phương Tây là tạo ra một thế quân bình mới về quyền lực (a new equilibrium of power) để duy trì hệ thống thế giới hiện nay, nhưng với một vai trò lớn hơn dành cho Trung Quốc. Trung Quốc có mọi lý do tốt đẹp để tìm kiếm một kết quả như thế. Thậm chí sau khi Trung Quốc trở thành một nền kinh tế lớn nhất thế giới, sự thịnh vượng của Trung Quốc sẽ còn tùy thuộc vào sự thịnh vượng của nhiều đối thủ toàn cầu của TQ (và ngược lại), kể cả Mỹ và Nhật Bản. Trung Quốc càng trở nên giàu có hơn, thì quyền lợi của Trung Quốc sẽ càng to lớn hơn trong việc giữ gìn an ninh các tuyến lưu thông trên biển, sự ổn định của thương mại thế giới và các cơ chế tài chính, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, giới hạn sự thay đổi khí hậu toàn cầu, và hợp tác về y tế. Trung Quốc sẽ không tiến lên được nếu các đối thủ cạnh tranh của mình cũng không thịnh vượng. Và các nhà chiến lược TQ phải nhận thức được rằng các lợi ích cốt lõi của Mỹ -- nằm trong chế độ pháp trị, ổn định khu vực, cạnh tranh kinh tế cởi mở – sẽ không đe dọa an ninh của Trung Quốc.
Mỹ phải khuyến khích Trung Quốc chấp nhận thế quân bình mới này bằng cách vạch ra những đường lối chính sách rõ ràng có thể đáp ứng những nhu cầu an ninh của chính mình mà không đe dọa an ninh của Trung Quốc. Trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc sẽ lấn tới, chạm vào quyền lực của Mỹ để tìm ra biên giới trong ý chí chiến đấu của Mỹ. Washington phải đẩy lùi sự lấn tới này để thiết lập biên giới cho sự tăng trưởng quyền lực của TQ. Nhưng việc này phải được thực hiện với một tinh thần chuyên nghiệp tỉnh táo (cool professionalism), chứ không bằng các luận điệu hiếu chiến. Những tuyên bố có tính cách diều hâu trong các cuộc vận động tranh cử, rêu rao về chiến tranh thương mại và cạnh tranh chiến lược, chỉ tăng thêm nỗi sợ hãi của Bắc Kinh và phá hoại nỗ lực cần thiết nhằm tiến tới đồng thuận về lợi ích chung. Và dù trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, việc biến các luận điệu hiếu chiến như thế thành hành động không phải là một phương án thực tiễn. Làm như thế sẽ đòi hỏi một sự gián đoạn trong các quan hệ kinh tế đang có lợi cho cả hai bên và gây ra những chi phí khổng lồ để bao vây Trung Quốc về mặt chiến lược, đồng thời đẩy Trung Quốc vào thế phải có những phản ứng thù nghịch.
Tuy nhiên, các lợi ích của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc là không gây tranh cãi và phải được khẳng định: đó là, một Trung Quốc ổn định và phồn thịnh, giải quyết vấn đề Đài Loan theo các điều kiện mà người dân Đài Loan sẵn sàng chấp nhận, tự do hàng hải trên các biển chung quanh Trung Quốc, an ninh của Nhật Bản và các đồng minh châu Á khác, một nền kinh tế thế giới cởi mở, và bảo vệ nhân quyền. Mỹ phải hậu thuẫn những lựa chọn này bằng sức mạnh đáng tin cậy của mình, đặc biệt trong hai lãnh vực. Một là, Mỹ phải duy trì ưu thế quân sự ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm biển Đông Trung Hoa và biển Nam Trung Hoa. Muốn làm thế, Washington sẽ phải nâng cấp các khả năng quân sự của mình, duy trì các liên minh phòng thủ khu vực của mình, và phản ứng một cách tự tin trước các thách đố. Washington phải trấn an Bắc Kinh rằng những động thái này có mục đích tạo ra một thế quân bình cho các lợi ích chung chứ không phải đe dọa Trung Quốc. Sự trấn an này có thể được thể hiện bằng việc tăng cường các cơ chế hiện hữu để quản lý những tương tác quân sự Mỹ-Trung (U.S-Chinese military interactions). Chẳng hạn, Hiệp định Tư vấn Quân sự trên Biển (Military Maritime Consultative Agreement) hiện nay phải được sử dụng để thiết kế các thủ tục cho phép máy bay và tàu hải quân Mỹ và Trung Quốc hoạt động an toàn trong khu vực kề cận nhau.
Hai là, Mỹ phải đẩy lùi các nỗ lực của Trung Quốc nhằm sửa đổi các chế độ pháp lý toàn cầu trong những cung cách không có lợi cho phương Tây. Điều này đặc biệt quan trọng trong trường hợp chế độ pháp lý về nhân quyền, gồm có một bộ qui tắc toàn cầu và các định chế có khả năng giúp cho việc định đoạt tính bền vững của trật tự thế giới tự do mà Hoa Kỳ đã ra sức theo đuổi lâu dài.
Trung Quốc chưa bỏ nhiều công sức để xứng đáng có một tiếng nói bình đẳng với Mỹ trong một cộng đồng Thái Bình Dương giả định hay một vai trò trong một chế độ công quản toàn cầu như một thành viên của một “G-2” [nhóm hai nước gồm Mỹ và Trung Quốc mà một số chính trị gia như Zbigniew Brzezinsky từng đề nghị – ND]. Trung Quốc sẽ không thống trị thế giới trừ phi Mỹ tự ý rút lui, và sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là một mối đe dọa cho Mỹ và cho thế giới chỉ với điều kiện là Washington cho phép nó trở thành một mối đe doạ. Đối với Mỹ, chiến lược Trung Quốc đúng đắn đó phải bắt đầu từ trong nước. Washington phải duy trì sáng kiến và cập nhật hóa quân đội Mỹ, nuôi dưỡng những quan hệ hữu nghị với các nước đồng minh và các cường quốc hợp tác khác, tiếp tục hỗ trợ một khu vực giáo dục đại học và hậu đại học có ưu thế, bảo vệ sở hữu trí tuệ của Mỹ khỏi rơi vào tay gián điệp hay bị đánh cắp. Bao lâu mà Mỹ chịu giải quyết những vấn đề trong nước, thì nó vẫn có thể quản lý sự vươn dậy của Trung Quốc.
A.J.N. – A.S.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
No comments:
Post a Comment