Friday, August 3, 2012

Dầu Khí và Ý Chí



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Lặn Xuống Vực Sâu Mới Giải Phóng Được Cái Đầu Nông Cạn?
Trung Quốc đang mở ra ba mũi công về ngoại giao, quân sự và kinh tế để khẳng định chủ quyền của mình trên thềm lục địa của Việt Nam. Nhưng mục tiêu của họ không chỉ có vậy, nên có thể tạo ra một cơ hội khác cho người Việt Nam. Một nghịch lý kỳ lạ....

Sau khi mở chiến dịch tấn công ngoại giao nằm tranh thủ và phân hóa lập trường của Hiệp hội ASEAN gồm 10 Quốc gia Đông Nam Á, với kết quả là quyết định trì hoãn đầy tính chất phá hoại của Cam Bốt tại các hội nghị vừa qua của ASEAN và diễn đàn Cấp vùng ARF của ASEAN, Bắc Kinh đã nhấn tới với việc nâng cấp bộ hành chánh và vị thế quân sự của thành phố Tam Sa cùng sự hiện diện của lực lượng hải giám.
Mũi nhọn ngoại giao được họ tăng cường bằng sức mạnh quân sự để khẳng định tư thế của Trung Quốc trên vùng biển Đông hải của Việt Nam, nơi mà chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang là mâu thuẫn giữa Trung Quốc, Đài Loan và các nước Đông Nam Á, đứng đầu là Việt Nam và Phi Luật Tân (Philippines).
Với hai mũi công về ngoại giao và quân sự, lãnh đạo Bắc Kinh vừa nhồi thêm một đòn kinh tế để khẳng định chủ quyền của mình trên vùng tranh chấp.
Ngày Thứ Hai 23 Tháng Sáu, tập đoàn dầu khí hải dương CNOOC chính thức mời các doanh nghiệp năng lượng quốc tế vào thăm dò và khai thác chín lô dầu trên một diện tích 160 ngàn cây số vuông. Khu vực đó bao trùm lên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nơi có nhiều lô dầu cũng đang được thăm dò từ nhiều năm nay.
Sau khi công bố quyết định ấy, CNOOC vừa thông báo thêm rằng các doanh nghiệp ngoại quốc có một năm để cân nhắc lợi hại và tham gia đấu thầu việc thăm dò chín lô này, hạn chót là Tháng Sáu năm tới. Mục tiêu của "Chiến dịch CNOOC" là dùng mồi kinh tế nhử các tổ hợp dầu khí ngoại quốc vào liên doanh hầu mặc nhiên chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển đang tranh chấp với Việt Nam và Phi Luật Tân.
Nhưng vấn đề không chỉ có vậy.
Vùng biển Đông Nam Á, Đông hải của Việt Nam hay South China Sea theo cách gọi thông dụng của quốc tế, là khu vực rộng lớn đến ba triệu rưởi cây số vuông và là nơi sinh hoạt của 600 triệu dân Đông Nam Á, hơn ba tỷ người từ Trung Quốc qua bán đảo Ấn Độ vì nối liền Thái bình dương với Ấn Độ dương.
Đây là cũng khu vực kinh tế trọng yếu của nhân loại vì là nơi vận chuyển hàng hóa liên lục địa, với trọng lượng khoảng 45% và giá trị là 35% của luồng giao dịch hàng hải toàn cầu. Khu vực này còn có các yếu hầu chiến lược là Eo biển Malacca và hai eo biển nhỏ hơn của Nam Dương (Indonesia) là Sunda và Lombok. Hàng hóa từ Đông qua Tây, từ Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan ở phía Bắc xuống tới Úc Đại Lợi phía Nam đều phải qua các dòng hải lưu này.
Ở dưới đáy, vùng biển Đông Nam Á có trữ lượng đã xác định khoảng bảy triệu thùng dầu thô và 900 ngàn tỷ thước khối khí đốt. Người ta còn mong là có thể tìm thêm được khoảng 190 tỷ thùng dầu, chưa nói đến và nhiều kim loại cần thiết cho kỹ nghệ, được gọi là "đất hiếm". Vì vậy, tập đoàn CNOOC đã tung ra 20 tỷ Mỹ kim để thăm dò ở dưới.
Chưa biết tiềm năng thực tế về dầu khí hay kim loại sẽ là bao nhiêu, có là một Saudi Arabia thứ nhì hay chăng, người ta không quên một thứ tài nguyên đã xác định là thủy sản. Đó là nguồn sống của mấy chục triệu người dân Việt Nam và Phi Luật Tân.
Khi đòi chủ quyền trên khu vực chiến lược đó qua "cửu đoạn tuyến" và mở ra mũi công ngoại giao, quân sự và kinh tế, tất nhiên là lãnh đạo Bắc Kinh nhắm vào tài nguyên kinh tế và mong là sẽ thỏa mãn từ 30 đến 40% nhu cầu năng lượng của mình. Nhưng họ không chỉ có mục tiêu kinh tề và đòn phép kinh doanh để nhờ lòng tham của các doanh nghiệp quốc tế mà xác định chủ quyền ngang ngược của mình trên vùng đặc quyền kinh tế của thiên hạ.
Lãnh đạo Trung Quốc muốn kiểm soát được dòng hải lưu và các hiểm lộ hàng hải trên vùng biển chiến lược này. Nghĩa là không chỉ xâm phạm chủ quyền và quyền khai thác tài nguyên, họ còn muốn khống chế cả quyền tự do hàng hải của các nước.
Nhìn từ lịch sử lâu dài của đế quốc này, chúng ta nên nghĩ đến những mục tiêu sâu xa hơn. Đó là chiếm đoạt lãnh thổ của lân bang để biến thành vùng trái độn quân sự mà ngày nay họ gọi là "hạch tâm nghĩa lợi" - quyền lợi cốt lõi như một nghĩa vụ thiêng liêng và chính đáng. Việc thôn tính Tân Cương và Tây Tạng từ hơn nửa thế kỷ trước nằm trong chiều hướng đó. Việc đòi hỏi chủ quyền để kiểm soát vùng biển Đông Nam Á ngày nay chỉ là một tiếp nối và được hậu thuẫn bởi sức mạnh kinh tế và hải quân mà họ chưa từng có trong quá khứ.
Quan niệm phòng thủ truyền thống của Trung Quốc mang ý nghĩa tích cực và nguy hiểm hơn xưa: khu vực chiến lược này của Á châu phải là vùng trái độn quân sự mở rộng của Thiên triều.
Từ Eo biển Đài Loan xuống Eo biển Malacca qua tới Ấn Độ dương, cả một khu vực rộng lớn đó phải được Bắc Kinh kiểm soát để bảo vệ quyền lợi của mình trong lục địa và ngăn cản sự can thiệp hoặc quyền can thiệp của nước khác. Đó là khái niệm mà Ngũ giác đài của Hoa Kỳ gọi là A2/AD của Bắc Kinh ("anti-access" và "area-denial").
Phản ứng phòng thủ tích cực này có thể xuất phát từ quá khứ khi mà khu vực Trung Nguyên của họ trên các vùng châu thổ Hoàng hà và Dương tử lại bị các dị tộc tấn công, uy hiếp hoặc ba lần làm chủ trong nhiều thế kỷ như đã từng thấy trong lịch sử. Nhưng thế giới ngày nay đã đổi khác.
Quyền tự do vận chuyển cùng với quyền khai thác tài nguyên ngoài biển cả là hai khái niệm đã được quốc tế công nhận và thực tế là được đệ nhất siêu cường hải dương là Hoa Kỳ bảo vệ.
Một khía cạnh đáng chú ý khác là nếu tại khu vực Đông Bắc Á, quốc tế gọi là East China Sea, Trung Quốc đối diện với các nước hùng mạnh như Liên bang Nga, Nam Hàn, Nhật Bản, hoặc không hãi sợ như Đài Loan, tại vùng biển Đông Nam Á, họ gặp các nước nhỏ yếu và thiếu thống nhất trong Hiệp hội ASEAN, một câu lạc bộ kinh tế không hơn không kém.
Vì vậy, vùng biển này mới là nơi Bắc Kinh thấy là dễ khống chế bằng phương pháp mua chuộc đi cùng hăm dọa theo kiểu "bẻ đũa từng chiếc" hay "Phần Lan hóa" tập thể ASEAN: trung lập hóa để hóa giải phản ứng của cả tập thể.
Nhưng cũng chính vì thế mà quyết định của Bắc Kinh mới trực tiếp đe dọa quyền lợi của hầu hết các quốc gia bán đảo hay hải đảo ở chung quanh, từ Ấn Độ qua các nước Đông Nam Á xuống tới Úc và lên tới Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn. Đâm ra Trung Quốc đang xác nhận một điều mà Hoa Kỳ khẳng định từ lâu và ngày nay các nước đều công nhận là cần thiết: Hoa Kỳ là cường quốc Á Châu, có nhiệm vụ bảo đảm quyền tự do vận chuyển dân sự và quân sự trên các dòng hải lưu ("sea lines of communication" – SLOCs).
Trước thái độ và hành động ngang ngược của Trung Quốc qua mũi nhọn CNOOC, các quốc gia có tranh chấp bị đặt trước những chọn lựa bất toàn.
Hoặc là bọc xuôi theo Thiên triều đỏ, nuốt hận mà liên doanh với CNOOC và các tổ hợp quốc tế để được chia lại một chút tài nguyên về năng lượng trong một khu vực mà mình có một phần chủ quyền. Cho đến Tháng Sáu vừa qua, doanh nghiệp Philex Petroleum của Phi còn thương thảo với CNOOC về việc thăm dò và khai thác dầu khí trên khu vực Reed Bank đang có tranh chấp với Trung Quốc. May mà sự hung hăng của Bắc Kinh đã khiến Chính quyền Manila nghĩ lại. Và phản ứng chống đối Trung Quốc của người dân Phi Luật Tân có thể phá vỡ sự thoả hiệp đó khiến Chính quyền càng phải tìm ra một thế đấu tranh khác.
Chọn lựa thứ hai là mời các quốc gia đệ tam vào cùng thăm dò các lô dầu đang bị Bắc Kinh nhòm ngó và đòi nuốt chửng. Thí dụ như Việt Nam có dự án khí đốt tại Nam Côn Sơn và hai lô dầu 127 và 128 đã liên doanh với tập đoàn ONGC Videsh Ltd. của Ấn từ năm 2006. Ngày nay, lãnh đạo Hà Nội có thể nghĩ đến các tập đoàn năng lượng của các nước khác. Nhưng giải pháp ấy gặp hai bất lợi là trình độ công nghệ quá thấp của kỹ thuật thăm dò năng lượng dưới đáy biển và trình độ tham nhũng quá cao của đảng viên cán bộ trong đảng. Xin hãy nhớ đến trình độ kỹ thuật và tham ô của "quả đấm thép" Vinashin.
Một chọn lựa khác là ráo riết học bài để nâng cấp vể kỹ thuật đào dầu dưới biển. Tới nay, các tập đoàn dầu khí của Hà Nội đã lập dự án đầu tư khoảng 600 triệu Mỹ kim cho nhu cầu đó. Nhưng thực tế thì Việt Nam mới chỉ mon men ở vùng nước nông với các dàn khoan chưa đủ sức cạnh tranh với dàn CNOOC 981 có khả năng lặn sâu 3.000 thước để tìm dầu dưới độ sâu 12.000 thước.
Thật ra, yếu tố cần thiết cho Việt Nam không chỉ là tiền bạc và thời giờ học bài mà còn là ý chí.
Những quyết định dồn dập của Trung Quốc đang gây ra nguy cơ mâu thuẫn và xung đột tại một khu vực chiến lược cho kinh tế thế giới. Không quốc gia nào muốn có tranh chấp vào lúc này, ở khu vực đó, nhưng ngần ấy quốc gia liên hệ đều thấy tương quan nhân quả, cái nguyên nhân gây bất ổn, cho thế giới. Cái nhân đó nằm tại Bắc Kinh.
Lý do nội bộ có thể là sự hung hăng của các tướng lãnh trong tình trạng lúng túng của lãnh đạo trước khi có Đại hội 18, hay những toan tính sâu xa của đảng Cộng sản Trung Quốc. Chuyện ấy thật ra không quan trọng bằng ấn tượng phổ biến của các nước, rằng Trung Quốc đang gây vấn đề chứ không là một quốc gia biết điều có khả năng hợp tác để cùng giải quyết thiên hạ sự theo đúng công pháp quốc tế.
Ấn tượng đó của thế giới cùng trùng hợp với nhận thức của người Việt Nam. Rằng đảng Cộng sản Việt Nam mới là vấn đề từ nhiều năm nay khi cho phép Trung Quốc nắm dao đằng chuôi.
Sau những hiệp định mờ ám để nhường chủ quyền cho Trung Quốc trên đất liền từ hơn chục năm trước, Tháng Năm năm 2009, Hà Nội nộp cho Liên hiệp quốc một hải đồ bên trong đã các nhận 3/4 vùng biển Hoàng Sa và 4/5 vùng biển Trường Sa là không thuộc về Việt Nam. Nghĩa là có thể và đã bị Trung Quốc đòi là của mình.
Nhìn lại thì 80 năm sau ngày lập đảng tại Hong Kong, và nửa thế kỷ chinh chiến oan uổng ngụy danh là cách mạng và giải phóng đã dẫn tới ngày nay. Là khi tiềm lực của đất nước bị suy yếu trước sự ngang ngược của Bắc Kinh.
Phản ứng tất nhiên của quốc tế có thể mua được một khoảng thời gian cho Việt Nam xoay trở và nhất là cho người dân ý thức được vấn đề mà suy nghĩ lại. Việt Nam cần có ý chí bảo vệ quyền lợi của tổ quốc. Ý chí ấy khởi đầu từ vấn đề Trung Quốc của Việt Nam, nằm tại Hà Nội, đó là đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, bài toán không là xuống vực sâu để tìm dầu hay tranh đoạt chủ quyền trên mặt biển mà là thay đổi tư duy về đảng Cộng sản Việt Nam. Chính là các đảng viên nên khởi đầu cái quyết định cần thiết ấy. Và đừng đàn áp người dân nữa.

No comments:

Post a Comment