Saturday, August 4, 2012

Những cuộc biểu tình không hiếm hoi lắm ở Việt Nam



David Brown/Asia Sentinel
Lê Quốc Tuấn. X-CafeVN chuyển ngữ
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. (Điều 69)

Công dân có nghĩa vụ tuân theo hiến pháp, pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn bí mật quốc gia, chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng. (Điều 79)
Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Truyền thông Xã hội bắt đầu hướng sự tấn công vào chế độ
Trong những ngày chủ nhật qua, các dịch vụ đưa tin của Phương tây đã tường thuật về những cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam. Lượng người biểu tình, chưa bao giờ đông hơn vài trăm, bị công an theo dõi chặt, đã tuần hành ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh để phản đối các khiêu khích của Trung Quốc trên phần lớn khu vực Biển Đông, nơi Việt Nam và Trung Quốc có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau.
Tuy nhiên, lúc nào AFP, Reuters và AP v.v... cũng đều mô tả những cuộc biểu tình này là "hiếm hoi". Các hãng tin này đều sai lầm. Dù một cuộc thăm dò gần đây của giới học giả Việt Nam không thuyết phục được những người hoài nghi, một mối đồng thuận đã hình thành trong công chúng rằng các cuộc biểu tình công khai đã trở nên khá phổ biến ở Việt Nam.
Các cuộc biểu tình này hiếm khi thu hút được chú ý của giới truyền thông Phương Tây. Một phần bởi vì ngày nay ở Việt Nam, các phóng viên Tây Phương hiếm hoi, không có nhiều. Chỉ có các hãng tin còn tiếp tục đưa phóng viên đến Việt Nam làm tin.
Đối với các biến cố lớn - chẳng hạn như Đại Hội Đảng - hơn vài chục phóng viên từ các báo chí Phương Tây bay đến viết một vài bài tin. Tuy nhiên, trong lãnh vực mà doanh thu trên báo chí chính thống cũng bị co hẹp này, việc "tường thuật" thực sự về Việt Nam đúng là không đáng để phải cố gắng.
Chính vì thế, họ đang bỏ mất một câu chuyện quan trọng. Câu chuyện ấy không phải chỉ là sự phẫn nộ với chủ nghĩa đế quốc Trung Hoa.
Chế độ Việt Nam từng tự hào hiên ngang với tính thích đáng, quyền cai trị của họ, từ sự thành công của một học thuyết kinh tế cột chặt khu vực thị trường tự do vào khu vực quốc doanh kém hiệu quả và cả hai đều gánh nặng nạn tham nhũng hoành hành. Thế mà, "nền kinh tế xã hội chủ nghĩa định hướng thị trưòng" ấy cho đến nay vẫn mang lại một tăng trưởng GDP trung bình là 7% hàng năm.
Đi theo một con đường đa phần giống như Trung Quốc, nhưng tụt hậu cả một thế hệ, Việt Nam đã trở thành một trong những xưởng thợ của cả thế giới. Tuy nhiên, cuộc suy thoái toàn cầu cùng hai đợt phá giá kinh hoàng từ năm 2008 đã làm lu mờ thành quả ấy. Với tăng trưởng tụt giảm, công dân Việt Nam hiện đang sẵn sàng chất vấn tính hợp lý của một chế độ chính trị từng giới hạn việc tham chính trong khoảng 3 phần trăm những người là đảng viên đảng Cộng sản.
Hàng ngàn nhà máy và xưởng thợ, nơi lắp ráp các thiết bị điện tử, may quần áo và đóng giày cho các khách hàng nước ngoài, đa số chẳng hơn một nơi bóc lột lao động, đang khốn khổ vì những cuộc đình công tự phát. Theo bộ Lao động Việt Nam, gần 1000 cuộc đình công như thế đã nổ ra trong năm 2011, gấp đôi số ấy vào năm 2010 và gấp bốn lần con số trung bình của 16 năm qua.
Các tường thuật trên blog và báo chí địa phương cho thấy một tình hình tương tự trong các cuộc biểu tình chống lại các cuộc "hoán chuyển đất đai", bóc lột các nông trại nhỏ để cung cấp đất cho nhiều khu kỹ nghệ, phát triển gia cư và các mục đích khác.
Những lời ta thán tiêu biểu là về các loại đền bù tệ hại trong khi các viên chức tham nhũng lại thu lợi được quá nhiều.
Khi thất bại trong các nỗ lực tìm công lý ở địa phương, các công dân đau khổ thường ngồi lì hoặc cắm trại trước các cơ quan chính phủ trung ương hoặc địa phương. Ngồi giữa các biểu ngữ, bảng hiệu trình bày nỗi bất mãn khổ đau của mình, họ mong làm xấu hổ các quan chức chính phủ cao cấp hơn để phải tìm cách giải quyết. Hiếm khi hành động này có kết quả. Thực tế là hiếm khi họ được phép chống đối kiểu ngồi lì ấy hơn vài giờ đồng hồ.
Việc biểu tình phản đối trước các công thự chính phủ, trước tòa án hay một khu xây dựng cũng trở nên phổ biến. Những phản đối ấy mang tính chất của một đám đông tự phát - các cổ đông viên giận dữ, các chủ nợ, những người khiếu nại hoặc những các cá nhân bị mất đất, nhanh chóng tập họp lại, dương lên các khẩu hiệu viết tay và thường khi công an có thể huy động được một lực lượng đông đảo hơn đến là bị giải tán ngay.
Những cuộc biểu tình như thế này luôn bị xem là bất hợp pháp. Mặc dù hiến pháp Việt Nam vẫn bảo đảm quyền tụ tập của công dân nhưng các nghị định thực hiện hiến pháp lại cấm các hình thức tổ chức không đươc phép của chính phủ. Và, mặc dù hiến pháp khẳng định công dân có quyền biểu tình, nhưng người dân lại chỉ có thể hành động như thế sau khi phải xin được giấy phép trước cả vài tuần lễ.
Công Nghệ Digital làm thay đổi cuộc chơi
Trước khi internet trở nên phổ biến ở Việt Nam trong một thập kỷ qua, những người dân bình thường không hể biết được những cuộc biểu tình xảy ra bên ngoài nơi nhà ở hoặc trong làng xóm mình. Do đó, khi hàng ngàn nông dân bao vây các trụ sở huyện ở một tỉnh thành không xa Hà Nội vào năm 1997, công chúng chỉ có thể đoán biết về những gì xảy ra giữa những giòng thông tin của báo chí kiểm duyệt của nhà nước, vốn mô tả về "những phần tử xấu đã lợi dụng tình hình và kích động nhân dân".
Tất cả những điều đó đã thay đổi bằng sự giáng sinh của các blog thiên về thời cuộc vào khoảng năm 2007, đầu tiên là trên Yahoo 360° và sau đó trên Facebook cùng các trang mạng ở nước ngoài như wordpress.com và blogspot.com. Ngày nay, tin tức lan đi chỉ trong vài giờ trước sự tuyệt vọng của các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm duy trì an ninh quốc gia. Đồng thời, mặc dù vẫn phải chịu "hướng dẫn" và sự kiểm duyệt nhưng báo chí Việt Nam cũng được phép nới lỏng hơn, vài chục tờ nhật báo vẫn mang đến được các tường thuật sống động về các vụ bê bối ở địa phương. Điều này có lẽ phản ánh một nỗ lực của chế độ nhằm hướng tới một lối trung dung, giữa việc "có đầy đủ mọi tin tức” và "không có tin tức nào cả”.
Đến cuối năm 2008, các thành viên trong cộng đồng người viết Việt Nam đã không chỉ giữ vai trò phóng viên mà còn là các nhà hoạt động, một tiến triển từng được thể hiện qua vai trò của họ trong các cuộc biểu tình chống lại khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông trong tháng 12-2007, và một năm sau đó, qua những ý kiến chỉ trích ngày càng tăng đối với quyết định cho phép các công ty Trung Quốc khai thác mỏ bô-xít ở Tây Nguyên của chính phủ.
Hơn thế nữa, ngay cả một độc giả ít đọc cũng có thể thấy rằng nhiều người bình luận đã có mối quan tâm rộng lớn hơn, đó là sự thể hiện thái độ bất mãn về cơ bản với bản thân đảng và nhà nước.
Sự gia tăng của các blog chính trị đặt Hà Nội vào một tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Việc đưa tin sâu sắc về vấn đề Biển Đông đã hun đúc tình cảm yêu nước và tập trung sự chú ý vào những "yếu điểm" của việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc của chính quyền. Các blog chính trị này cũng nêu lên cả những khiếu nại mà đến nay ít người biết đến – các vụ đàn áp nhằm vào những nhóm tôn giáo mà Nhà nước không công nhận, từ Pháp Luân Công đến các nhóm Tin Lành trong các làng của người thiểu số. Các blogger khác lại tập trung nỗ lực truy tìm các bất ổn về đất đai và lao động, như nói đến ở trên. Những người tình nguyện còn lùng sục thông tin từ truyền thông nước ngoài, dịch ra tiếng Việt và đăng tải những bài viết mà trước đây công chúng không thể tiếp cận được.
Các cơ quan công an Việt Nam đã phản ứng bằng ngày càng bỏ ra nhiều nguồn lực vào việc kiểm soát “không gian blog”. Các thiết bị theo dõi của họ rất tinh vi. Nếu được lệnh, chắc chắn công an có thể dồn chật vài nhà tù với các công dân mà họ cho là đã “tuyên truyền chống phá, xuyên tạc, bôi nhọ chính quyền nhân dân” (Điều 88 Bộ luật Hình sự). Thực tế, phản ứng của công an đã từng có chọn lọc: họ đã bắt giữ và xét xử vài chục blogger và đưa nhiều người khác vào tình trạng bị theo dõi chặt chẽ với những “buổi làm việc” kéo dài với nhân viên điều tra trong những năm gần đây.
Trong một vụ nhiều người biết, công an đã có thể vạch ra mối liên hệ giữa các nhà hoạt động trong nước với đảng Việt Tân, một tổ chức chủ yếu là thành phần lưu vong và đã bị chính quyền gán nhãn “khủng bố”.
Tuy nhiên, sự tình đã không còn kiểm soát được nữa. Không còn nghi ngờ gì rằng các cơ quan an ninh đã thành hình một bản đồ tổng thể về không gian blog của đất nước và họ không thể ngăn chặn nổi. Bởi vì cứ ngăn chặn ngưòi viết blog này, nhiều người khác lại bung ra. Hội nhóm các nhà hoạt động nhân quyền vốn rất nhỏ của Việt Nam đã có thể tranh cãi về những quyền tự do chính trị và dân sự với bất kỳ công dân nào có kết nối Internet – vốn là hơn một phần ba dân số 90 triệu của Việt Nam, theo thống kê gần đây. Rõ ràng hàng triệu người Việt là những độc giả nhiệt tình.
Vào tháng 6, tháng 7 năm 2011, và một lần nữa trong tháng 7 năm nay, truyền thống biểu tình tự phát đã có từ lâu ở Việt Nam, và hiện tượng mới hơn của bất đồng chính kiến do internet hỗ trợ và blog kích thích đã thể hiện. Lần đầu tiên, những cuộc biểu tình tương đối lớn và có tổ chức đã được phối hợp ở vài thành phố thông qua blog, tin nhắn và các mạng xã hội khác. Một lần nữa, ngọn lửa đã cháy lên vì những hành động hung hãn của Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam, và một lần nữa, những người biểu tình không chỉ căm giận Bắc Kinh, mà còn kịch liệt phê phán những yếu kém của chính quyền.
Các bài viết trên blog cho thấy những hoạt động mạnh mẽ của công an nhằm giới hạn các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gần đây nhất, nhưng lại không để bị nhìn thấy là đang trấn áp người biểu tình. Các chiến thuật bao gồm tạm giữ những blogger và các nhà trí thức bất đồng chính kiến nổi tiếng, quản thúc họ tại nhà (hoặc trong các đền chùa), đồng phủ ngập khu vục tập họp biểu tình bằng các công an mặc thường phục quay camera. Việc tham gia biểu tình vẫn là một hành động liều lĩnh: tối thiểu là vào năm 2011, một số người biểu tình nổi tiếng đã bị bắt hoặc bị buộc phải thôi việc ở các cơ quan nhà nước, và, trong một trường hợp, đã bị đưa vào trại cải tạo. Năm nay, hậu quả của những hành động quấy nhiễu đó dường như đã có một sự thay đổi: một đám đông trẻ hơn và có tính chất tự quản hơn.
Đồng thời, đầu năm nay, có những dấu hiệu về sự gặp nhau giữa cuộc biểu tình chống quan chức tham nhũng bóc lột với một nền tảng trên cả nước do các blogger mang lại. Có lẽ được khuyến khích bởi những lời khen ngợi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì đã tường thuật đưa tin về cuộc phản kháng có vũ trang của một ngư dân nuôi cá chống lại lệnh cưỡng chế đất hồi tháng Giêng, khi dân làng ở ngoại thành Hà Nội đã liên lạc trước với phóng viên và các blogger trước một cuộc phản đối lớn nổ ra nhằm chống lại lệnh cưỡng chế đất đai để xây dựng khu vườn mang tên “EcoPark.” Trong biến cố này, 3000 công an đối đầu với 1000 người phản đối và những người kiểm duyệt báo chí đã nhanh chóng dập tắt tin tức truyền tải trên hệ thống truyền thông chính thống. Tuy nhiên, họ không thể ngăn được các bài viết chi tiết được phổ biến trên không gian blog.
Các cuộc biểu tình dần bào mòn tính chính đáng của guồng máy đảng/ nhà nước Việt Nam. Thực tế mới không phải là chuyện biểu tình xuất hiện, mà là tin tức về các cuộc biểu tình lan truyền ngay lập tức và rộng rãi thông qua hệ thống Internet tiếng Việt.
Những thành phần bảo thủ của chế độ tin rằng bất cứ nhượng bộ nào đối với người biểu tình cũng là dấu hiệu bộc lộ sự yếu kém, và chắc chắn sẽ khuyến khích nổi loạn. Những người thực tế trong chính quyền thì hiểu rằng Việt Nam không có đủ sức mạnh quân sự để có thể đối đầu với Trung Quốc theo cách mà các nhà bất đồng chính kiến trên mạng và những người tuần hành biểu tình hôm chủ nhật đòi hỏi. Ngay cả những người trong đảng và chính phủ từng hy vọng tiến tới một chính thể minh bạch và cho phép người dân tham gia nhiều hơn cũng sợ hãi, bởi vì họ đã có nhiều năm suy ngẫm về những nỗi bất mãn lâu đời và các hình thức liên kết xã hội ít tinh vi hơn hiện đã từng kết hợp làm sụp đổ chế độ cộng sản ở Đông Âu.
Đây không phải là một chế độ sắp sụp đổ, mặc dù điều ấy có thể xảy ra nếu các nhà lãnh đạo cứ phủ nhận giá trị các cuộc biểu tình của dân chúng. Cho tới lúc này, phần lớn người dân Việt Nam vẫn có khuynh hướng tin rằng cuối cùng bản thân cơ chế là vững chắc và có hiệu quả mặc dù vẫn còn các quan chức địa phương hành xử tồi tệ.
Đại đa số người dân cũng sẽ đồng ý rằng – như một tờ báo của đảng ủy Hà Nội đã viết – những thanh niên tuần hành trên phố kia là những người yêu nước chân thành nhưng bị lầm lạc, và cách tốt nhất để giải quyết các hành động khiêu khích của Trung Quốc là một chiến lược “khôn khéo và cứng rắn, kiên quyết nhưng phải mềm dẻo một cách cần thiết để ủng hộ nguyên tắc giữ toàn vẹn chủ quyền bất di bất dịch của chúng ta”. Tóm lại, nhắc nhở bài học kinh nghiệm ngàn năm của Việt Nam trong mối giao tiếp với Trung Quốc hung bạo, lập trường của chính quyền là không nhượng bộ nhưng cũng không liều lĩnh.
Cũng tờ báo ấy của Đảng lại khẳng định rằng đằng sau những khuôn mặt yêu nước và những tấm khẩu hiệu vẽ tay của người biểu tình là những người “bất mãn chế độ”... những kẻ bất mãn kinh niên "đã đi đến mức dám công khai đả kích, tuyên truyền chống lại chế độ, những người phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam... Những người có tư tưởng không bình thường. Hoàn toàn Không thể biết chắc rằng liệu những công dân bình thường có còn tiếp tục tin rằng những kẻ đó – những người quả thật có một mối quan tâm khác biệt – là điên rồ cả hay không.
Nguồn: Asia Sentinel

No comments:

Post a Comment